SỨ VỤ CỦA GIOAN –
KHỞI ĐẦU TIN MỪNG
(Máccô 1,1-8 – CN
II MV - B)
1.- Ngữ cảnh
Có thể theo G. Gnilka
mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở
đầu của Tin Mừng Máccô:
phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng”
ở đầu và cuối đoạn). Như thế, đoạn văn 1,1-8 là đoạn mở đầu của
Lời tựa này liên hệ đến hoạt động của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành ba phần:
1) Danh hiệu của Tin
Mừng (1,1);
2) Hoạt động của Gioan
(1,2-6):
a) Câu trích Isaia xác
định vai trò của Gioan (cc. 2-3),
b) Giới thiệu tóm tắt
bản thân và hoạt động của Gioan (cc. 4-6);
3) Lời loan báo của
Gioan (1,7-8).
3.- Vài điểm chú giải
- Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con
Thiên Chúa (1): Câu này là tiêu đề của cc. 1-8 nói về công việc rao giảng
của Gioan Tẩy Giả, hay là tiêu đề của phần Mở (cc. 1-15), hoặc của toàn tác
phẩm? Phải chăng sứ vụ, cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu chỉ là khởi đầu
của Tin Mừng, và Tin Mừng sẽ được tiếp tục loan truyền nhờ sứ vụ của Giáo Hội?
Thật ra, không có gì cho thấy rằng Mc coi hoạt động của Giáo Hội như một
phần của Tin Mừng cả, y như thể Giáo Hội phải tự rao giảng về chính mình. Cứ
theo nội dung của tác phẩm, ta thấy Tin Mừng mà Giáo Hội phải công bố chính là
biến cố cứu độ đã xảy ra trước khi có Giáo Hội và đã khai sinh ra Giáo Hội, đó
là sứ vụ của Đức Giêsu và cuộc Vượt Qua của Người.
Có
thể nói c. 1 này là tiêu đề của phần Mở của TM Mc: hoạt động của Gioan,
vị Tiền Hô loan báo và ban phép rửa cho Đức Kitô, trong hoang địa, là phần mở
cho biến cố cánh chung (sứ vụ, cuộc đời đau khổ và cuộc tôn vinh của Đức
Giêsu).
Từ
ngữ “Tin Mừng”, được vay mượn
từ Cựu Ước (x. Is 40,9; 52,7;
61,1…), được hiểu tương đương với lời loan báo tiên khởi (kêrygma) được
triển khai rộng ra (x. Công vụ). Thế mà kêrygma của các Tông đồ
(x. Cv 1,21t; 10,37; 13,24) cũng như TM
Mc bắt đầu với sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Vậy chính mầu nhiệm này là “khởi
đầu Tin Mừng” (x. cùng một kiểu diễn tả: Hôsê
1,2 ).
- Tin Mừng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: Phần
Mở từ c. 1 đến c. 15: hai từ ngữ “Tin Mừng” đóng khung bản văn này. Kiểu nói
“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” có thể hiểu là “Tin Mừng về [= có đối tượng là] Đức
Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ đối tượng, objective genitive), hoặc “Tin Mừng của
[= đến từ] Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ chủ từ, subjective genitive), hoặc
“Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách giải thích, epexegetic genitive;
xem sự song đối giữa “vì Đức Kitô” và “vì Tin Mừng”: 8,35; 10,29; 13,9).
Dưới
ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã hiểu Đức Giêsu là Đấng Mêsia,
Con Thiên Chúa, theo nghĩa là Người không còn phải là Đấng Mêsia trần thế và
dân tộc mà người Do Thái từng mong đợi, nhưng là Đấng huyền nhiệm, đã tỏ mình
ra là “Đức Chúa” (x. Cv 2,36) và
“Đấng Kitô” (4,26t; 10,38), qua biến cố Phục Sinh, nay ở vào tư thế có thể giải
thoát mọi người khỏi Satan, tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bây giờ khi đọc lại
câu truyện trước Phục Sinh Mc viết ra, họ hiểu rằng tại hoang địa và qua
cuộc sống công khai (với những cuộc trừ quỷ), Đức Giêsu đã khai mào chiến thắng
bằng sức giải phóng ấy. Họ cũng hiểu rằng Đức Giêsu truyền lệnh giữ thinh lặng
(“bí mật thiên sai”) là vì không muốn người ta hiểu lầm về tư cách và sứ vụ của
Người: Phêrô đã hiểu sai nội dung danh hiệu Mêsia (x. 8,29-33); Người chỉ nhận
là Con Thiên Chúa (14,61t) và kẻ đại diện cho thế giới ngoại giáo chỉ tuyên
xưng Người như thế (15,39) vào lúc Người bị kết án và xử tử. Người ta chỉ có
thể hiểu tất cả các danh hiệu của Đức Giêsu xuyên qua mầu nhiệm đau khổ của
Người. Và các Kitô hữu cũng phải hiểu rằng họ chỉ có thể tuyên xưng Đức Giêsu
thật là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, bằng cách bước theo Người trên con
đường đau khổ (x. 8,34; 10,35-45).
- Câu 2-6:
Phân đoạn này có
lược đồ A-B-B’-A’:
A
= cc. 2-3: mở đầu, trích các ngôn sứ,
B = c. 4 : Gioan rao
giảng phép rửa tỏ lòng sám hối.
(B)
Câu
này song đối với câu sau,
B’=
c. 5 : đám đông đến với Gioan để thú tội và nhận phép rửa,
A’=
c. 6 : kết, nói đến kiểu sống của Gioan như là một ngôn sứ.
So sánh cc. 2-3
trích Ml 3,1 và Is 40,3 với Mt (3,3; 11,10), Lc (3,4-6; 7,27) và Ga
(1,23), ta hiểu các tác giả Tin Mừng
có chung một nguồn, nhưng Mc đã vừa thêm vừa tổng hợp câu truyện Gioan
rao giảng với bài tường thuật của ngài về nhóm sứ giả, để làm nên một mở đầu
long trọng và để có thể nêu bật ý tưởng này là khởi đầu Tin Mừng Cứu Độ đã được
chính các ngôn sứ xác định nơi cuộc xuất hiện của Gioan Tẩy Giả.
Mc
đã trích Ml 3,1a (… “mặt Ta”) dưới
ảnh hưởng của Xh 23,20 LXX (“mặt
Con”) để biến vị sứ giả thành tiền hô không phải của Thiên Chúa mà là của “Đức
Chúa” (x. Ml 3,1b), là Đức Giêsu.
Ngoài ra, hẳn là Mc cũng nghĩ đến đoạn cuối của sách Ml (3,23t):
ngôn sứ Êlia có vai trò tiền hô.
Tác
giả cũng sử dụng bản văn Is 40,3
(LXX) cùng với các tác giả Tin Mừng
khác: “Đức Chúa” đây là Đức Giêsu Kitô, và “vạch lối cho thẳng để Thiên Chúa
đi” được sửa thành “để Người đi”.
- đi trước mặt Con = đi trước Con.
- Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện (4):
Câu này với các câu trích ở trên chỉ là một câu duy nhất, được ngắt bằng dấu
phết: “Chiếu theo lời đã chép …, ông Gioan Tẩy Giả…”. Những gì bây giờ được nói
về Gioan thì làm ứng nghiệm các sấm ngôn, đặc biệt sấm ngôn Is 40,3: ông ở “trong hoang địa”, và tại
đó ông “hô” để kêu gọi người ta hoán cải, mà “dọn sẵn con đường của Đức Chúa”
(Đức Giêsu).
Gioan “rao giảng thanh
tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên” (NTT). Đấy là hai hành vi tách biệt
nhưng liên hệ với nhau, vì thế đã được diễn tả trong một công thức duy nhất.
- sám hối,
metanoia: sự hoán cải, do động từ metanoeô, “suy tưởng sau”, “suy nghĩ
tiếp đó”; “thay đổi ý kiến”; “hối tiếc”, “hối hận”, “hoán cải”. Đây là việc
chuyển đi từ tình trạng này sang một tình trạng khác, tức là thay đổi trọn vẹn
lối sống. Sự thay đổi này có một phương diện tiêu cực (bỏ [apo, from]
con đường tội lỗi: x. Cv 8,22; Dt 6,1) và một phương diện tích cực (quay
về [eis, epi, to] với Thiên Chúa: Cv 20,21; 26,20).
Trong TM Mc,
danh từ metanoia được dùng 1 lần (1,4) và động từ metanoeô được
dùng 2 lần (1,15; 6,12), như thế là ít hơn các TMNL khác (metanoia:
Mt 2 lần, Lc 5x, Ga 0x, Cv 6x, Phaolô 4x, Dt
3x, 2 Pr 1x; metanoeô: Mt 5x, Lc 9x, Ga 0x, Cv
5x, Phaolô 1x, Kh 12x), nhưng lại có một cách áp dụng độc
đáo. Tác giả áp dụng hai từ này cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả (1,4), Đức
Giêsu (1,15) và Nhóm Mười Hai (6,12), như vậy liên kết vị Tiền Hô, Đức Giêsu và
các sứ giả của Người với nhau (xem một cách dùng tương tự cho hai động
từ kêryssein [loan báo]: 1,4.7; 1,14.38t; 3,14 và 6,12; paradidonai
[giao nộp]: 1,14; 9,31; 10,33; 13,9.11). Các từ đó lại luôn lệ thuộc động từ
kêryssein, nghĩa là các từ đó chính là nội dung của sứ điệp các ông phải
mang đi truyền bá.
- phép rửa tỏ lòng sám hối: Cụm từ Hy Lạp baptisma
metanoias (thanh tẩy hối cải, x. Lc
3,3; Cv 13,24; 19,4): metanoias ở
thuộc-cách (genitive) xác định đặc tính của phép rửa Gioan loan báo. Đây là một
kiểu nói Sêmít, có nghĩa là “một phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả sự hoán
cải”. Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, phép rửa
của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là ở điểm cả hai phép rửa đều
diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người
vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa
sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni ở hai
điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các
hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành
vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến.
- Mọi người từ khắp miền Galilê và thành
Giêrusalem (5): Mc nhắm cho thấy mục tiêu của sứ vụ Gioan Tẩy Giả là
khai mạc giai đoạn cuối cùng của Chương trình Thiên Chúa cứu độ loài người. Như
thế, kiểu nói phóng đại (“toàn thể”, “khắp”) về miền Giuđê và Giêrusalem, kinh đô
tôn giáo của Do Thái giáo, không phải là không có chủ ý, nhất là lại có quy
chiếu về việc thanh tẩy Giuđa và Giêrusalem thể theo Ml 3,4 hoặc quy chiếu về sứ điệp vui tươi được ngỏ với Giêrusalem
và các thành Giuđa thể theo Is 40,9t.
Nay đã khởi sự biến cố cánh chung: câu hỏi phải đặt ra là không biết Dân Thiên
Chúa có nhận biết chăng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (c. 1) chính là “Đấng quyền
thế hơn” (c. 7), Đấng mà Gioan đang dọn đường đón tiếp.
- kéo đến: Thì vị hoàn (imperfect) exeporeueto
diễn tả chuỗi người liên tục kéo đến để nghe Gioan giảng và nhận phép rửa. Giới
từ ek (out, of) muốn nói là ra khỏi miền Giuđê và thành Giêrusalem.
- Gioan mặc áo lông lạc đà… (6): ên ..
endedymenos: trợ động từ eimi ở thì vị hoàn cộng với phân từ quá khứ
của động từ chính endyô nói lên cách thức ăn mặc quen thuộc của Gioan.
Ông được giới thiệu có cách sống như một con người của hoang địa, một nhà khổ
hạnh, một na-dia (x. Lc 1,15),
tương tự ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,8; Dcr 13,4).
Trichas kamêlou, “lông lạc đà”, không có
nghĩa là “da” lạc đà. Đây là cái áo dài và rộng dệt bằng lông lạc đà. Zônê,
“girdle, waitsband; ceinture”, không phải là dây thắt lưng của người Tây
phương, nhưng là một thứ như cái “ruột tượng” của ta (x. Mc 6,8).
- Ăn châu chấu: Châu chấu luộc trong
nước muối rồi nướng trên than và mật ong rừng là hai thứ lương thực của dân cư
sa mạc. Vì bản văn không kể ra thứ lương thực nào khác, ta hiểu ở đây tác giả
muốn nêu bật nếp sống khắc khổ của vị Tẩy Giả.
- Ông rao giảng (7): ekêryssen,
do động từ Hy Lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, ở thì vị hoàn, để diễn
tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn
văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm
Tiền Hô cho.
- Đấng quyền thế hơn tôi: Có lẽ danh xưng
này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức
Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự
tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người”,
mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do Thái cũng không buộc phải làm
cho chủ (sách Mishna) (x. Mt
3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv
13,25).
- trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất
Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và
lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” để mô tả biến cố
Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập
nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động
của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại cho “phép rửa
trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Danh hiệu của Tin Mừng (1)
Cả bốn quyển mở đầu bộ
Tân Ước chỉ bắt đầu được gọi là “Tin Mừng” nhiều năm sau khi được viết ra. Vào
thời tác giả Máccô, “Tin Mừng” không có nghĩa là một quyển sách, mà là “những
tin vui” do một sứ giả mang đến. “Các tin mừng” là những tin về các chiến
thắng, các biến cố may lành, các hiệp ước hòa bình và nhất là tin về các cuộc
chào đời. “Các tin mừng” làm bừng lên những niềm hy vọng về một cuộc sống tiện
nghi, sức khỏe, bình an, nên dân chúng vui sướng khi nghe được.
Mc 1,1 dùng từ ngữ “tin mừng” để giới thiệu “lời rao giảng
của Kitô giáo”, cho chúng ta biết việc cứu độ và hạnh phúc không còn là kết quả
của những tin vui về hoàng đế hoặc về một ai đó giống như hoàng đế, nhưng là
kết quả đến từ lời rao giảng của Đức Giêsu, cũng là lời giảng về Đức Giêsu, cho
thấy đã đến lúc Thiên Chúa can thiệp chung kết vào lịch sử loài người.
* Hoạt động của Gioan (2-6)
Câu trích tổng hợp Is,
Ml và Xh (cc. 2-3) có mục đích xác định vai trò của Gioan trong
quan hệ với Đấng Mêsia mà ta biết là chính Đức Giêsu. Nhưng một nét được nêu
bật là Gioan không phải là vị Tiền Hô của Con Người sẽ đến, mà là của Đức Giêsu
trần thế.
Còn cc. 4-6 giới thiệu
tóm tắt bản thân và hoạt động của Gioan: ông loan báo phép rửa bày tỏ lòng sám
hối để được ơn tha tội. Tác giả đặt đối lập phép rửa bằng nước của Gioan và
phép rửa bằng Thánh Thần của Đấng Mêsia. Phép rửa bằng Thánh Thần liên hệ rõ
ràng đến phép rửa tội Kitô giáo. Nói đến “để được ơn tha tội” là nêu một khẳng
định liên hệ đến Thiên Chúa: Ngài sẵn sàng tha thứ các tội lỗi; nói đến “sám
hối” là nêu một khẳng định về loài người: họ có tội và được dạy rằng
Thiên Chúa tha tội cho họ. Sứ điệp của Gioan đưa đến cả nỗi sợ hãi lẫn niềm
vui.
Dân chúng đã từ khắp
nơi kéo đến (khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem); tác giả không nói đến
Galilê, vì theo ngài, hoạt động của vị Tiền Hô tập trung vào miền nam. Họ thú
nhận tội lỗi: ta có thể nghĩ đến một hành vi tương tự mà các thành viên
ở Qumrân làm vào lễ tái lập giao ước (1
QS 1,22–2,1) hoặc người Do Thái làm vào ngày Lễ Xá Tội.
* Lời loan báo của Gioan (7-8)
Tương hợp với câu trích
Is nói về tiếng nói của người loan
báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việc “hô to [như anh mõ làng]”;
“công bố”; “phổ biến” (kçryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu
(1,14.38t), các môn đệ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin
(1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của
Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơn [ông])” đang
đến.
+ Kết luận
Đến đây, chúng ta đã
có thể hiểu vì sao sứ vụ của Gioan lại là “khởi đầu Tin Mừng”. Bởi vì Tin Mừng
là biến cố trước khi là sứ điệp. Qua vị Tẩy Giả, Thiên Chúa thực hiện các Lời
Ngài hứa (cc. 2-3); Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, Đấng sẽ làm phép rửa
trong Thánh Thần (cc. 6-8). Như thế, sứ vụ của Gioan đã thuộc về biến cố cánh
chung, biến cố này xảy ra khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng tại Galilê và các môn
đệ rao giảng khắp tứ phương thiên hạ.
Gioan
chỉ là một sứ giả “đi trước mặt” Đức Chúa (c. 2). Nhưng cũng chính ông có nhiệm
vụ viết trang dẫn nhập vào Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chính vì
thế, “trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan
Tẩy Giả” (Mt 11,11).
5.- Gợi ý suy niệm
1. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín
của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định,
Ngài sẽ ban gửi các vị loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến. Sứ điệp Gioan loan báo
mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho họ biết rằng họ bị thất
sủng, tương quan của họ với Thiên Chúa đã bị rối loạn, nhưng đồng thời ông
khẳng định rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ và Ngài muốn thắng
vượt tình trạng thất sủng của họ. Đoạn văn này cũng cho thấy Ba Ngôi (Đấng xưng
là “Ta”, “Đấng quyền thế hơn” và “Thánh Thần”) cùng làm việc để thực hiện công
trình cứu độ.
2. Gioan không xác định tội ông nói đến là tội
gì. Dĩ nhiên ông có thể hiểu ngầm rằng những người đang nghe ông biết các tội
của họ. Từ sự hiểu biết này phát sinh ước muốn thú nhận các tội lỗi của mình
(1,5). Tuy nhiên, tội căn bản là loài người không nhận biết Thiên Chúa là Đấng
tạo dựng nên mình và là Chúa tể của mình, không tự hỏi về ý muốn của Thiên
Chúa, nhưng muốn làm chúa tể của chính mình, đi theo những ý muốn của mình. Đặc
biệt tội hệ tại việc không tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa vì các điều răn
cho biết ý muốn của Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu cũng có một vai trò
tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của
mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là
Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.
4. Vị Tẩy Giả nhìn người ta lên khỏi nước. Ông
gạt đi các lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng
sẽ ban cho họ Thần Khí của đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta
nhận ra và đón tiếp Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang
ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát, mở lòng ra.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm
.