CHÚA NHẬT II MÙA
VỌNG
Chúa Giê-su là “con
đường của Đức Chúa”
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 1:1-8)
Người
ta phải công nhận rằng ở Hoa-kỳ việc xây cất đường xá là số một trên thế giới,
các nhà thầu thực hiện dự án với tất cả trách nhiệm. Trái lại việc xây cất đường xá ở Việt Nam thì
hết chỗ nói, chưa làm xong đầu này đầu kia đã hư, vì từ lãnh đạo xuống tới
những “công ty” đều ăn chặn ăn bớt, xây ít cất nhiều! “Con đường của Đức Chúa” được ngôn sứ I-sai-a
và Gio-an Tẩy Giả nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là con đường nối trời với
đất, để Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Thiên Chúa. Đó chính là con đường mang tên Giê-su.
Vì
là “con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi” nên dự án làm đường sẽ
do chính Chúa phác họa, để Người có thể sử dụng nó mà đến với chúng ta. 742 năm trước khi thực hiện dự án, Chúa đã
gọi ngôn sứ I-sai-a và truyền cho ngài loan báo dự án ấy. Đến khi mở đầu thời Tân Ước, Chúa lại sai ông
Gio-an Tẩy Giả đi đến sông Gio-đan công bố việc Thiên Chúa khai mở con đường ấy
và mời gọi nhân loại hãy tiếp nhận và đi trên đường ấy mà đến với Người.
Sứ
mệnh của Gio-an quả thực đơn giản, giống như chính con người của ông. Ông chỉ cần đóng vai trò “hô to” cho mọi
người nghe thấy. Lời hô của ông là kêu
gọi người ta sám hối để lên đường, tức là bước vào con đường Giê-su để đến với
Thiên Chúa. Ông Gio-an mượn nghi thức
thanh tẩy quen thuộc trong truyền thống Do-thái để làm thành “phép rửa” giúp
người ta đánh dấu khởi đầu hành trình sám hối.
Như vậy, sám hối là chuẩn bị “lên đường”, là chuẩn bị đón nhận Đấng sẽ
đến và tuyên bố: “Thầy là con đường, sự thật và sự sống”. Muốn giúp người ta chuẩn bị tâm hồn để đón
nhận “Con đường của Đức Chúa”, ông Gio-an phải cho người ta biết giá trị tuyệt
đối của con đường ấy. Đây là nguyên văn
những lời ông Gio-an nói về con đường đem lại sự sống: “Có
Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép
cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa
cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh
Thần”. Ông Gio-an muốn diễn tả giá
trị tuyệt đối của Chúa Giê-su, Đấng đang đến sau ông. Ông chỉ cần so sánh một điều thôi cũng đủ để
chứng minh “quyền thế” tuyệt đối của Đấng ấy, đó là việc “làm phép rửa”. Phép rửa của ông bằng nước chỉ là dấu chỉ kêu
gọi, chứ không biến đổi được con người.
Ông chỉ “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha
tội”. Còn phép rửa của Chúa Giê-su bằng
Thánh Thần mới thực sự “tha tội” và đem lại sự sống mới cho con người, phục hồi
cho họ khả năng phi thường để vượt qua những hữu hạn của con người mà đến với
vô biên của Thiên Chúa. Khả năng này đã
bị tội lỗi tước đoạt sau cuộc sa ngã của nguyên tổ giờ đây được trả lại cho con
người.
Như
thế, nội dung lời giảng của ông Gio-an gồm hai điều: thứ nhất, kêu gọi người ta sám hối, chuẩn bị
tâm hồn đón nhận “con đường của Đức Chúa”;
và thứ hai, giới thiệu Chúa Giê-su là con đường đưa nhân loại đến với
Thiên Chúa.
Sống sứ
điệp Tin Mừng
Chúng
ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha đã sai Con Một xuống trần gian để làm “con đường”
đưa chúng ta đến với Người. Chúng ta hãy
cám ơn ngôn sứ I-sai-a đã cho chúng ta biết trước về “thánh lộ” ấy (I-sai-a
35:8). Chúng ta đặc biệt cám ơn thánh
Gio-an Tẩy Giả đã mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn và cho chúng ta biết giá
trị tuyệt đối của Chúa Giê-su, “con đường của Đức Chúa”.
Tuy
nhiên điều quan trọng hơn cả, là chúng ta phải làm sao sử dụng con đường
ấy. Chúa Giê-su đem Thiên Chúa xuống với
chúng ta và Chúa Giê-su cũng đem chúng ta lên với Thiên Chúa. Vậy muốn lên với Thiên Chúa, tất nhiên chúng
ta phải liên kết với Chúa Giê-su, để cho Người cầm tay dắt chúng ta đi. Có liên kết với Chúa Giê-su, chúng ta mới
được Thánh Thần của Người biến đổi con người và lối sống chúng ta thành người
con đích thực của Thiên Chúa. Mỗi ngày
chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su hơn tức là chúng ta đang gần Thiên Chúa hơn
một bước vậy.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi