CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Noi gương Mẹ Ma-ri-a, mở lòng đón Chúa đến

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 1:26-38)

          Đức Mẹ là gương mẫu không thể thiếu cho chúng ta trong mùa Vọng.  Không phải chỉ vì Mẹ ban cho chúng ta Con Thiên Chúa làm người, nhưng vì Mẹ còn cho chúng ta thấy phải có những tâm tình nào để đón tiếp Đấng Cứu Độ đến trong tâm hồn.

          Câu chuyện Truyền Tin đã quá quen thuộc với chúng ta, tưởng chừng khi đọc lại chúng ta sẽ chẳng có được một tư tưởng mới.  Không phải vậy đâu, vì như viên kim cương, biến cố Truyền Tin có thể được nhìn dưới những góc cạnh khác nhau và bao giờ cũng chiếu sáng.  Từ lúc sứ thần Gáp-riên xuất hiện cho tới khi ngài từ biệt, Mẹ Ma-ri-a đã có những tâm tình rất thánh thiện trong tâm hồn qua ba thời điểm:

          Thứ nhất, khi sứ thần chào Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, Mẹ đã rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.  Đây là tâm tình gì nếu không phải là đức khiêm nhượng thẳm sâu?  Từng lời từng chữ của sứ thần đều làm cho Mẹ nhìn lại thân phận mình trước mặt Chúa.  Đầy ân sủng có nghĩa là được Chúa thương và Người ban cho Mẹ những hồng ân của Người, cho nên việc Người tuyển chọn Mẹ không phải vì Mẹ xứng đáng do đức tin của Mẹ, mà là do tình yêu quảng đại của Chúa.  Chính vì ý thức như thế, Mẹ đã nói lên tâm tình khiêm nhượng này trong bài ca Ngợi khen:  Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;  từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

          Thứ hai, lúc sứ thần nói đến việc Mẹ sẽ thụ thai, sinh ra Con Đấng Tối Cao và người con ấy sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, Mẹ đã thắc mắc lo lắng và thưa với sứ thần:  “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”  Mẹ chưa nhìn ra được kế hoạch của Chúa.  Mẹ muốn biết kế hoạch ấy sẽ được thực hiện như thế nào.  Liệu kế hoạch ấy có cản trở lý tưởng Mẹ đã ôm ấp bấy lâu, là được sống trong sự đồng trinh để chỉ phụng thờ Chúa mà thôi không?  Mẹ khẩn cầu một lời giải thích, vì Mẹ muốn tìm biết đâu là thánh ý Chúa.  Mẹ muốn thấy rõ hơn đâu là sứ mệnh Chúa muốn Mẹ thực hiện.

          Thứ ba, sau khi sứ thần đã giải thích việc Mẹ thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, rồi ngài còn đưa ra sự kiện bà chị họ của Mẹ là bà Ê-li-sa-bét đã lớn tuổi mà đang có thai được sáu tháng, thì Mẹ đã mau mắn trả lời:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.  Lời “xin vâng” của Mẹ là tuyệt đỉnh của sự vâng phục.  Một khi Mẹ đã biết rõ ý Chúa, Mẹ sẽ hoàn toàn phó thác nơi Chúa, mặc dù Mẹ chưa hiểu hoàn toàn kế hoạch cứu độ của Người.  Chính lời “xin vâng” này đã đưa Ngôi Hai Thiên Chúa đến với nhân loại và làm Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Biến cố Truyền Tin xảy ra tuy không có những tình tiết ly kỳ, mà chỉ là mấy lời đối thoại đơn sơ giữa sứ thần Chúa và Mẹ Ma-ri-a, nhưng cũng đã quá đủ để chúng ta có thể nhận ra những nhân đức tuyệt vời và cần thiết của Đức Mẹ để đón nhận Ngôi Hai vào lòng.  Hành trình chuẩn bị của Đức Mẹ khởi đi từ lòng khiêm nhượng nhận biết thân phận mình trước mặt Chúa.  Đón Chúa đến với mình cũng là nhận lãnh một sứ mệnh.  Sứ mệnh ấy sẽ được khai mở dần dần nếu người ta biết hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Chúa.  Và cuối cùng Mẹ đã mạnh dạn chấp nhận thánh ý Chúa và “xin Người cứ thực hiện” cho Mẹ theo như lời sứ thần đã nói.

          Quả thực đây là một cách chuẩn bị đón Chúa rất giản dị.  Có khi nào chúng ta nghĩ mình cũng phải có những tâm tình này của Đức Mẹ không?  Chúa đến với chúng ta, đó là một “ân sủng đầy tràn” (Gio-an 1:16).  Chúa cũng đến với chúng ta để trao cho chúng ta một sứ mệnh.  Chúa bảo chúng ta cứ phó thác, để cho Chúa tự do thực hiện điều gì Người muốn làm nơi chúng ta.  Hiểu rõ những tâm tình ấy, chắc chắn năm nay khi cử hành biến cố Chúa giáng trần, chúng ta đã sẵn sàng với một lòng khiêm nhượng, chân thành tìm ý Chúa muốn chúng ta làm gì và nhất là để cho Chúa sử dụng chúng ta như khí cụ của Người.

 

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B