CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Lòng yêu mến Chúa Giê-su Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:1-9)

          Đọc tường thuật của thánh sử Gio-an về sự kiện Chúa Giê-su sống lại, chúng ta đều nhận ra một điểm chung của những người đầu tiên hiện diện tại ngôi mộ trống của Chúa Giê-su, đó là lòng yêu mến Chúa của hai ông Phê-rô và Gio-an, và nhất là lòng yêu mến của bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã phát hiện ra ngôi mộ trống của Chúa và vội vã đi báo tin cho các môn đệ của Người.         Mỗi người một cách, họ biểu lộ lòng yêu mến Chúa qua những hành động viếng thăm mộ Chúa và cuối cùng tất cả đều tin vào sự sống lại của Người theo lời Kinh Thánh:  “Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

          Trước hết là lòng yêu mến Chúa của bà Ma-ri-a Mác-đa-la.  Khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã được Người giải thoát khỏi bảy quỷ.  Cùng với mấy phụ nữ khác, bà đi theo Chúa, lấy của cải để giúp đỡ Người và các môn đệ (Lu-ca 8:1-3).  Chính lòng yêu mến nồng nàn đã giúp bà can đảm đi thăm mộ Chúa vào “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối”.  Tình yêu đã chiến thắng sợ hãi đêm tối.  Tới nơi, thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, bà Ma-ri-a nghĩ ngay chắc là có điều không hay xảy ra cho xác Chúa.  Dù còn sống hay đã chết, người mà bà yêu mến lúc nào cũng là quan trọng, nên bà thấy cần phải làm điều gì đó để tỏ lòng kính trọng đối với thi thể người quá cố.  Bà đi tìm người nào có thể giúp bà tìm lại xác Chúa.  Bà vội vàng chạy về báo tin cho ông Si-môn và người môn đệ Chúa thương mến rằng “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ;  và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.  Lòng yêu mến đã thúc giục bà “chạy về” cho nhanh, gặp hai ông tông đồ để báo “tin dữ”.  Hành vi “chạy” chứng tỏ tâm trạng lo sợ và lòng yêu mến lớn lao của bà đối với Chúa.  Chúng ta tưởng như nghe được những lời hoảng hốt của bà nói cho các tông đồ biết xác Chúa đã mất rồi và họ phải tìm cách nào đó để kiếm lại.

          Trong khi lòng yêu mến Chúa của bà Ma-ri-a Mác-đa-la được biểu lộ sốt sắng và rõ ràng, thì lòng yêu mến Chúa của hai ông Phê-rô và Gio-an cũng không kém phần sâu đậm.  Hai ông đã bỏ mọi việc để lập tức đi ra mộ.  “Cả hai ông cùng chạy”.  Trong tình huống này, động tác “chạy” mang ý nghĩa thực tế và sống động nói lên tình yêu đích thực của ba người môn đệ đối với Chúa.  Khi tới mộ, những hành động của hai ông cũng nói lên sự khác biệt trong cách biểu lộ lòng yêu mến.  Người môn đệ được Chúa thương mến thì “nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”.  Có thể ông không vào, vì muốn tôn trọng địa vị của Phê-rô:  ông Phê-rô phải là người đầu tiên làm “chứng nhân” cho sự sống lại của Chúa.  Tuy nhiên cũng có thể người môn đệ được Chúa thương mến đã “cúi xuống và nhìn” là hành vi diễn tả thái độ suy niệm ý nghĩa về những gì xảy ra trước mắt, như thánh sử Gio-an đã ghi lại liền sau đó:  “Ông đã thấy và đã tin”.  Trái lại với thái độ suy tư, ông Si-môn Phê-rô là con người bộc trực.  Ông biểu lộ lòng yêu mến Chúa một cách chân thành và thoải mái.  Những hành vi của ông đã nói lên đặc điểm ấy:  không chút ngần ngại, ông vào thẳng trong mộ và quan sát mọi sự trong mộ cũng như cách sắp đặt gọn gàng băng vải và khăn che đầu.  Rồi cũng như người môn đệ được Chúa thương mến, ông đã thấy và đã tin.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Trước ngôi mộ trống của Chúa, cả ba người môn đệ là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và ông Gio-an đều có cách thức riêng biểu lộ lòng yêu mến Chúa Giê-su.  Tất cả đều tiến đến điểm chung là tin Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết.  Nhưng quan trọng hơn, các vị còn trở thành những người làm chứng cho sự sống lại của Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng.  Các tông đồ thì được sai đi khắp tứ phương thiên hạ để làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa.  Bà Ma-ri-a tuy không được nhắc đến trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, nhưng chắc chắn bà cũng có đường lối riêng để chia sẻ đức tin vào Chúa Phục Sinh của bà với những người chung quanh.  Còn riêng bạn, bạn có lòng yêu mến Chúa Giê-su Phục Sinh không, và bạn sẽ làm chứng cho Người thế nào trong môi trường sống của bạn?                             Lm. Đa-minh Trần đình Nhi