CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Tin vào Kinh Thánh là tin vào Chúa Giê-su Phục
Sinh
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 24:35-48)
Khi viết về sự kiện Chúa Giê-su sống lại
từ cõi chết, các thánh sử không nhắm đến việc chứng minh Chúa sống lại, nhưng
là trình bày đức tin của các môn đệ vào Chúa Phục Sinh. Đức tin ấy có thể khởi đầu từ những điều mắt
thấy tai nghe, thí dụ người môn đệ Chúa Giê-su thương mến đã bước vào trong mộ
Chúa, rồi “ông đã thấy và đã tin”. Nhưng
quan trọng hơn, đức tin phải dựa vào những gì Thiên Chúa mặc khải trong Kinh
Thánh. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ
khi thấy các sách Tin Mừng nhấn mạnh đến việc ứng nghiệm của lời Kinh Thánh trong
cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su.
Khi thuật lại biến cố Phục Sinh, các thánh
sử đều nói đến ngôi mộ trống của Chúa, một chứng từ rõ ràng để các môn đệ tin
là Chúa đã sống lại. Còn thánh sử Lu-ca,
khi thuật lại việc Chúa Giê-su hiện ra với hai môn đệ đi Em-mau và hiện ra với
các môn đệ khác, ngài nhấn mạnh đến vai trò của Kinh Thánh khẳng định Chúa
Giê-su phải sống lại từ kẻ chết. Nói với
hai môn đệ đi Em-mau, Chúa Giê-su “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến
Người trong tất cả Sách Thánh” (Lu-ca 24:27).
Sau khi đã tỏ mình cho hai môn đệ đi Em-mau, Chúa Giê-su còn hiện ra với
các môn đệ. Người bảo họ rằng khi còn ở
với họ, Người đã cho họ biết tất cả những điều sách Luật, các sách Ngôn sứ và
Thánh Vịnh nói về Người đều phải được ứng nghiệm. Vậy những điều trong Kinh Thánh đã được ứng
nghiệm, đó là: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ
hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Được Chúa Giê-su mở trí để hiểu Kinh
Thánh, các tông đồ đã căn cứ vào sự ứng nghiệm “tất cả những gì sách Luật
Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy (Giê-su)”, để tin vào
Chúa và vâng lệnh Người làm chứng rằng Người đã sống lại từ cõi chết. Một trong các chứng nhân tông đồ là ông
Phê-rô. Trong bài giảng cho dân chúng
Giê-ru-sa-lem (bài đọc 1), ông Phê-rô đã
nói với họ về sứ mệnh, cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su.
Ông cho họ biết Chúa Giê-su chính là Người Tôi Trung đã được sách I-sai-a nói đến. Ông cũng nhắc tới việc người Do-thái đã nộp
Chúa Giê-su cho dân ngoại, xin Phi-la-tô cho đem Người đi đóng đinh thập giá, là
những điều đã được Kinh Thánh tiên báo, và sau cùng ông xin làm chứng Người đã
sống lại từ cõi chết. Ông đã thuyết phục
được đồng bào Do-thái là những người cùng tin vào Kinh Thánh giống như ông, để
họ nhận biết con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su. Người quả thực là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Giê-su đã cho các tông đồ và
môn đệ biết Người đã làm trọn những điều Kinh Thánh nói về Người. Đến lượt các tông đồ và môn đệ là chứng nhân,
các ngài cũng nói cho dân chúng biết rằng những gì họ đọc trong Kinh Thánh và
tin, đều nói về con người và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su.
Cùng với thánh Phê-rô, tông đồ Gio-an
thì nói thẳng đến sứ mệnh của Chúa Giê-su làm Đấng Bảo Trợ cho chúng ta trước mặt
Thiên Chúa Cha (bài đọc 2). Ngài khuyên
chúng ta đừng phạm tội. Nhưng nếu vì
tính yếu đuối nên sa ngã thì chúng ta hãy tin tưởng vào sự bảo trợ ấy, vì Chúa
Giê-su “là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những chúng ta mà thôi, nhưng
còn tội lỗi cả thế gian nữa” (2 Gio-an 2:2).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thánh Giêrônimô dạy rằng: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa
Ki-tô. Ngày nay, muốn biết về một nhân vật
lịch sử hay danh lam thắng cảnh nào, chúng ta có thể mở trên mạng Google hay đọc
sách hướng dẫn du lịch. Vậy mà muốn biết
Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta lại không chịu đọc, học hỏi và suy niệm Kinh
Thánh! Không có hướng dẫn nào tốt hơn để
chúng ta biết Chúa cho bằng đọc và suy niệm Kinh Thánh. Nhờ Kinh Thánh, không những chúng ta biết
Chúa Giê-su bằng đầu óc, mà còn biết Người bằng trái tim nữa. Không những chúng ta đọc những điều viết về
Chúa Giê-su, mà còn đọc chính lời giảng dạy của Người nữa. Kinh Thánh giúp cho đức tin chúng ta phát triển,
hay nói khác đi, Kinh Thánh làm cho mối tương quan chúng ta với Chúa được sâu
xa thêm mãi!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi