BÌNH AN CỦA CHÚA PHỤC
SINH
ĐẾN VỚI HAI MÔN ĐỆ
TRÊN ĐƯỜNG EMMAU.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT III PHỤC
SINH, năm B
Cv 3, 13-15.17-19 1 Ga 2, 1-5a Lc 24, 35-48
Các tường thuật Tin Mừng Nhất
Lãm và Tin Mừng của thánh Gioan đều nói về việc Chúa Giêsu phục sinh. Tất cả
các trình thuật Tin Mừng đều làm nổi bật việc Chúa Giêsu sống lại theo như Kinh
Thánh đã loan báo trước. Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay là một
tường thuật cảm động nhất trong các tường thuật nói về các lần Chúa hiện ra sau
khi Chúa sống lại. Chúa ban bình an cho các môn đệ là bảo chứng cho sự vững tin
và mạnh mẽ của các ngài để các ngài làm chứng cho Chúa sống lại và tiếp tục
công trình cứu độ của Chúa giữa thế gian.
Thánh Luca là một lương y và
là một nhà văn, do đó, Tin Mừng của thánh Luca có thể nói được là Tin Mừng đầy
vẻ thi vị, văn chương được trau chuốt một cách kỹ càng. Tuy nhiên, không phải
Luca chỉ chú trọng tới văn chương,trước hết ngài đã có niềm tin sâu xa nơi Đức
Kitô, qua đó, ngài muốn truyền đạt đức tin cho Thêophilê ( Lc 1, 1 ), rồi qua
Thêophilê, ngài truyền đạt đức tin cho tất cả chúng ta. Đức tin ấy là niềm tin
vào Đức Kitô phục sinh mà ngài đã nhận lãng được nơi thánh Phaolô và nơi cộng
đoàn Kitô hữu tiên khởi. Như tất cả chúng ta, Luca không được thấy Chúa phục
sinh giống các tông đồ, hoặc những người phụ nữ như Maria Magđala, Maria mẹ của
Giacôbê hay bà Salomê, và những người phụ nữ đạo đức khác. Luca đã tin nhờ lời
chứng của Phaolô và những người đã được sống với Chúa, đặc biệt qua cuộc sống
của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ( Cv 2, 42-46; 4, 32-34 ). Chúng ta có thể
nhận ra bố cục, kết cấu và nhận ra cách trình bày dựa vào Phụng Vụ để Luca viết
nên bài tường thuật hai môn đệ trên đường Emmau. Thực tế, đoạn Tin Mừng của
thánh Luca này cho chúng ta thấy rất rõ bố cục là bữa tiệc Lời Chúa và Bẻ Bánh.
Quả thực trên đường về làng Emmau, Chúa phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ,
đồng hành với họ, giải thích Thánh Kinh cho họ, dùng lời Môsê, và các ngôn sứ để
cho họ hiểu rằng :” Chúa phải chịu đau khổ, chịu chết, rồi Người mới được vinh
quang “, sau đó, Chúa cùng hai môn đệ vào quán trọ, và khi Chúa bẻ bánh cho hai
ông, hai ông đã nhận ra Chúa phục sinh. Đúng đoạn Tin Mừng này có hai phần :
Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Hai môn đệ Emmau đã trở về tường thuật
cho 11 môn đệ việc các ông đã nhận ra Chúa như thế nào ! Bỗng Chúa lại hiện ra
và ban bình an cho các môn đệ trong khi các ông đang hoang mang, sợ sệt hầu như
thất vọng. Sự bình an này rất cần thiết để củng cố niềm tin cho các môn đệ. Sự
bình an giúp các môn đệ vững tin vào Chúa và phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Chính
Chúa phục sinh biến đổi các môn đệ để các ngài hiên ngang, vững tin vào Chúa và
sẵn sàng làm chứng cho Chúa sống lại bằng chính cái chết của mình. Chúa đã giải
thích cho các môn đệ hiểu bí quyết của mầu nhiệm Vượt Qua là Đấng Mêsia phải
chịu cực hình, rồi mới tiến vinh quang phục sinh. Thánh Luca có ý nhấn mạnh cho
chúng ta thấy :” chịu khổ hình…” là điều kiện bắt buộc phải có, rồi mới tiến
tới vinh quang phục sinh được. Vâng, không có một con đường nào khác ngoài con
đường khổ giá, con đường thập giá mới đưa con người tới vinh quang. Đoạn Tin
Mừng của thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy rõ hai điểm : Chúa phục sinh chúc
bình an cho các môn đệ, cho các ông thấy vết đinh ở tay chân của Người và cạnh
sườn Người và khẳng định : Thập giá là nơi mặc khải vinh quang của Đức Kitô.
Linh mục Gilles Aizo đã viết
:” Có một ánh sáng huyền diệu cho những người lữ hành của niềm tin này là chính
chúng ta.Trên những con đường Emmau, nơi những chất vấn về cuộc sống, làm cho
màn đêm nghi ngờ ập đến, Chúa Giêsu thường nhập bọn với chúng ta cách nhiệm mầu
và bất ngờ.Sự hiện diện kín đáo và nâng
đỡ của Người mở ra cho chúng ta ý nghĩa náu ẩn của các biến cố, và cho mắt
chúng ta mở ra trên cái vô hình.Nhưng Chúa Giêsu chỉ có thể được nhận ra trong
một lần chăm chú đọc lại Lời Chúa và trong dấu chỉ : Dấu chỉ của người anh em
được tiếp đón và dấu chỉ của tấm bánh được bẻ ra “.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con hiểu không phải đau khổ nào cũng đưa tới vinh quang, mà chỉ có đau khổ vì
tình yêu, hy sinh, chết vì tình yêu :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình
yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) mới đưa chúng ta
tới vinh quang.Xin Chúa phục sinh ban bình an cho chúng con như Chúa đã ban cho
các tông đồ khi các ngài đang hoang mang, hầu như xáo trộn và thất vọng. Xin
cho chúng con hiểu được giá trị của Lời Chúa để chúng con luôn học hỏi và sống
Lời Chúa trong suốt đời sống chúng con.Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao hai môn đệ lại trở
về Emmau ?
2.Chúa sống lại đã làm gì với
họ ?
3.Hai môn đệ đã nhận ra Chúa
phục sinh lúc nào ?
4.Bài Tin Mừng của thánh Luca
hôm nay có mấy phần, dựa vào đâu để ngài bố cục đoạn Tin Mừng này ?
5.Tin có giống kết luận của
khoa học không ?