CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Trách nhiệm của vị Mục Tử nhân lành
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 10:11-18)
Lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay, chúng
ta thấy Chúa Giê-su lập đi lập lại ý tưởng hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên. Phải chăng đó là hành động cốt yếu
để xác định ai là Mục Tử nhân lành? Đúng
vậy, hình ảnh hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên gợi lại cho chúng ta những
gì đã xảy ra mấy tuần lễ trước đây: Chúa
Giê-su đã hy sinh mạng sống mình trên thập giá để cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi
và đem lại sự sống mới cho chúng ta.
Trước hết chúng ta để ý tới một chi tiết
khá quan trọng liên quan tới những người Chúa Giê-su nói với họ về vị Mục Tử
nhân lành. Thánh sử Gio-an ghi rõ: “Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái…” Như chúng ta đã rõ, trong Tin Mừng Gio-an, từ
“người Do-thái” luôn ám chỉ kẻ thù của Chúa Giê-su, hay đúng hơn, đó là nhóm
Pha-ri-sêu, kinh sư và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ được coi là những mục tử chăn dắt đoàn
chiên Ít-ra-en của Chúa. Nhưng họ lại
không thực thi vai trò mục tử của mình, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã hạch tội các
mục tử nhà Ít-ra-en (Ê-dê-ki-en 34). Giờ
đây, khi nói với họ, Chúa Giê-su muốn họ nhớ lại lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này:
Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng
chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các
chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ê-dê-ki-en 34:10). Rồi Chúa
Giê-su còn đưa ra hình ảnh “người làm thuê” để ám chỉ về họ. Cũng theo lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en, vị mục tử
được Thiên Chúa sai đến để thay thế các mục tử xấu của Ít-ra-en chính là Chúa
Giê-su, Mục Tử nhân lành. Vậy Mục Tử
nhân lành của chúng ta đã làm gì cho đoàn chiên của Người?
Mối nguy hiểm lớn nhất đối với các con
chiên là sói dữ. Người làm thuê chỉ lo
cho mạng sống mình, cho nên vừa thấy sói đến là hắn đã ba chân bốn cẳng bỏ chạy,
mặc cho chiên bị sói vồ. Trái lại, mục tử
đích thực sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên nên khi anh can đảm đánh
nhau với sói, anh đã nhận lấy phần nguy hiểm cho mình để chiên được an
toàn. Khác với người làm thuê không tha
thiết gì đến chiên, mục tử tốt có mối tương quan mật thiết với chiên, mối tương
quan được diễn tả bằng hành vi “biết”. Trong
Kinh Thánh, biết không phải bằng trí óc, nhưng bằng trái tim. Hơn thế nữa, không những biết bằng trái tim
loài người, mà còn biết bằng trái tim Thiên Chúa, “như Chúa Cha biết tôi và tôi
biết Chúa Cha”. Như vậy, chính vì yêu
thương chúng ta là chiên của Người, Chúa Giê-su đã phải chiến đấu và đã thắng
được tội lỗi và ma quỷ bằng cái chết trên thập giá.
Khi hy sinh mạng sống, vị Mục Tử nhân
lành của chúng ta không những đã bảo vệ đoàn chiên, mà Người còn mang một hoài
bão lớn lao, là đưa cả những chiên thuộc các ràn khác trở về, để “chỉ có một
đoàn chiên và một mục tử”. Quy về một mối
là sứ mệnh của Đấng Ki-tô. Qua Chúa
Ki-tô, con đường đi đến Chúa Cha, toàn thể nhân loại được mời gọi làm con cái
Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã “hy sinh mạng
sống” là để biến đổi thân phận chúng ta, từ những kẻ tội lỗi trở thành con cái
Thiên Chúa. Người đã hy sinh mạng sống để
đem lại cho chúng ta sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa. Trước khi về trời, để hoài bão quy về một mối
được tiếp nối, Chúa Giê-su sai chúng ta là môn đệ Người ra đi rao giảng Tin Mừng
cho mọi người. Như vậy khi chúng ta tiếp
tay với việc rao giảng Tin Mừng là chúng ta dự phần vào việc hy sinh mạng sống
của Người vậy.
Sống sứ điệp Tin Mừng
“Tôi còn có những chiên khác không thuộc
ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về”. Có khi nào những lời này của Chúa Giê-su nhắc
nhở chúng ta về bổn phận tham gia việc truyền giáo không? Trong năm nay, công cuộc Tân Truyền giáo mời
gọi chúng ta đem Chúa đến cho mọi người, không chỉ những người chưa biết Chúa,
mà chủ yếu là những người xa Chúa hoặc bỏ Chúa.
Có thể họ là những người trong gia đình, hoặc sống chung quanh chúng ta. Chúng ta phải là những người giúp Chúa Giê-su
đạt được hoài bão của Người!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi