CHÚA NHẬT 4
PHỤC SINH B
Cv 4,8-12; 1 Ga
3,1-2; Ga 10,11-18
MỤC TỬ NHÂN
LÀNH HIẾN THÂN PHỤC VỤ ĐOÀN CHIÊN
1. TIN MỪNG: Ga 10,11-18
(11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành
hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (12) Người
làm thuê vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên
khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho
chiên tán loạn. (13) Vì
anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của
tôi và chiên của tôi biết tôi. (15) Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh
mạng sống mình cho đoàn chiên. (16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi
cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một
đoàn chiên và một mục tử. (17) Sỡ dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng
sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi
tự ý hy sinh chính mình. Tôi có quyền hy sinh và lấy lại mạng sống
ấy. Đó là mệnh lệnh Cha tôi mà tôi đã nhận được.
2. CÂU CHUYỆN: MẸ SẴN SÀNG CHỊU
CHẾT ĐỂ CHO CON MÌNH ĐƯỢC SỐNG:
Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ
mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kô-bê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà
cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây
thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ
ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát
nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này,
người ta đã khám phá ra một câu chuyện rất cảm động về một tình yêu
hy sinh quên mình như sau:
Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới
một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn
sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên
trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi tỉnh
dậy, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào
mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ
nát kia ?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng
tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi
ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái
gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạm vào một con dao sắc
trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho
chảy máu, rồi ấn chỗ bị cắt cho con bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi
bú ngón tay tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại
tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay
và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả
hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không
nghĩ rằng khi làm như thế thì chị sẽ bị mất máu và sẽ bị chết hay
sao?” Chị ta trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo cho
con tôi có cái gì bú để cho nó được sống!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện trên, hãy cho biết đặc điểm của một
tình yêu đích thực là gì ? 2) Trong Tin Mừng Đức Giê-su dựa trên những đặc điểm
nào để phân biệt 2 loại mục tử là mục tử chân chính và mục tử chăn thuê ? 3) Theo
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: Các mục tử hôm nay cần làm gì cụ thể để noi gương Mục
Tử lý tưởng Giê-su ?
4. SUY NIỆM:
1) Hai loại mục
tử:
Mục tử là người chăn chiên, là người lãnh đạo chăm sóc đoàn
chiên. Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su đã phân biệt hai loại mục tử là: mục
tử chân chính và mục tử giả hiệu như sau:
- Mục tử chân chính là chính Đức Giê-su: Như Người đã
khẳng định: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Đức Giê-su đã thể hiện vai
trò mục tử nhân lành qua việc biết từng con chiên và được chiên đáp lại (x. Ga 10,14);
Người hy sinh lo lắng phục vụ cho đoàn chiên: đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về
Nước Trời (x Mt 13,1-9), sẵn sàng tính mạng bảo vệ chiên (x. Ga 10,11), Người ban
Thánh Thần để tha tội và lập bí tích Thánh Thể “để cho chiên được sống dồi dào”
(Ga 10,10), chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 8,16-17), xua
trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,15-21), và rửa chân môn
đồ để dạy bài học yêu thương (x. Ga 13,14)…
- Hạng thứ hai là mục tử giả hiệu hay là những kẻ chăn
thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người
Pha-ri-sêu và các tư tế Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực
sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ vô trách nhiệm: «Khi thấy sói
đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tán loạn»
(10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng như ngôn
sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo
cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt
thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu,
các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành;
chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về;
chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách
tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).
2) Kiểm điểm
đời sống:
- Ngày nay, hầu hết các vị mục tử trong Hội Thánh đều có
lối hành xử tốt đẹp noi gương Mục Tử Giê-su: yêu thương quên mình, hy sinh tận
tụy phục vụ đoàn chiên vô vụ lợi. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một ít mục tử có
lối hành xử quan liêu, vụ lề luật khi giải quyết công việc, trở thành phản
chứng khiến lương dân đánh giá sai về các mục tử trong đạo. Ngày lễ Chúa Chiên
nhân lành hằng năm là dịp để mọi tín hữu chúng ta, nhất là những mục tử đang có
sứ vụ coi sóc đoàn chiên xét lại cung cách phục vụ của mình để cộng đoàn ngày
thêm hiệp nhất và bình an.
- Có thể các mục tử chúng ta đã có nếp sống xa hoa, thể
hiện qua hay thay đổi xe cộ đời mới nhất, dùng các vật dụng quần áo, ăn uống …
không phù hợp với lối sống đơn sơ khó nghèo của Đức Giê-su: “Con chồn có hang,
chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
- Có thể chúng ta đã "nói
mà không làm" như các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình đã bị Đức
Giê-su nặng lời quở trách (x. Mt 23,2-4).
- Có thể chúng ta đã quá
dễ dãi khi giải quyết công việc theo ý riêng chứ không theo qui định chung của
giáo luật hoặc trái lại: quá nguyên
tắc, thiếu cảm thông và hành xử "vụ luật" thiếu tình người, trái với
tinh thần nhân ái, luôn đề cao yếu tố con người noi gương Đức Giê-su: “Ngày
sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc
2,27).
Ngày lễ Chúa chiên nhân lành là cơ hội thuận tiện để mỗi
người tín hữu, đặc biệt các mục tử chúng ta hồi tâm và canh tân tu sửa lối hành
xử theo gương Mục Tử lý tưởng là Đức Giê-su.
3) Mục tử lý
tưởng theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Pha-xi-cô:
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhiều lần đã dạy dỗ những người có
nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên Hội Thánh: Mục tử lý tưởng phải là "người gần
gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và
thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt
Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống.
Là những người không có "tâm lý của các ông hoàng". Là những người
không tham vọng làm phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh
đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn
chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm
hy vọng được lớn lên.
Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái
tim mình. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình
thương và lòng kiên nhẫn.
Mục Tử phải có lòng yêu mến con chiên, phải có mùi chiên
do thường xuyên gần gũi tiếp xúc với con chiên.
Và cuối cùng để thi hành sứ vụ, vị mục tử có ba vị trí ở trong
đoàn chiên như sau:
- Một là ở đàng trước đoàn chiên để dẫn đường.
- Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh
thần của đoàn chiên.
- Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và
tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi, hầu tìm ra một hướng đi mới.
4) Ngày cầu
nguyện cho ơn thiên triệu:
Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang
thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục
coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Có nhiều nguyên
nhân gây ra tình trạng này, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi
tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ
truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ
gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân cho tình thương của
Chúa trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con
cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và tu sĩ để
phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục
biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho
chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của
Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người,
nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những
linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với
Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa hầu có thể chia sẻ Chúa cho
tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng
Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng
con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người và
khiêm tốn phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Cuối cùng xin ban cho chúng con
những linh mục là những vị chủ chiên tốt lành noi gương Chúa xưa, đến
để cho chiên "được sống và sống dồi dào".
LM ĐAN VINH - HHTM