CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Để sinh hoa trái thiêng liêng

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 15:1-8)

          Trong dụ ngôn Mục Tử nhân lành, Chúa Giê-su đã nói về sứ mệnh của Người là đến để chiên được sống và sống dồi dào (Gio-an 10:10).  Sứ mệnh ấy cũng được lập lại ở đây trong tỉ dụ cây nho thật.  Sự sống luân lưu trong cây nho, từ thân cây nho sang các cành, không những đem lại sự sống cho chúng mà còn giúp chúng sinh hoa trái khi đến mùa nữa.  Hình ảnh quả thực là sống động, giúp chúng ta suy niệm về chỗ đứng của Chúa Phục Sinh trong đời sống thiêng liêng chúng ta.  Người đã sống lại, đem đến cho chúng ta sự sống mới (Gio-an 11:25), để sự sống này được phát triển, giúp chúng ta sinh hiệu quả, tức là đạt tới mức độ viên mãn của Chúa Ki-tô.

          “Thầy là cây nho, anh em là cành”.  Hình ảnh đơn sơ, nhưng ý nghĩa về sự kết hiệp thì vô cùng phong phú.  Cành nho sống và sinh trái được là nhờ nhựa sống được chuyển sang từ cây nho, cho nên sự kết hiệp là cần thiết và cốt yếu cho cành nho.  Không có cành, cây nho vẫn sống, nhưng nếu cành mà không có cây thì cành sẽ khô héo.  Chúa Giê-su cũng khẳng định rằng chính sự kết hiệp này là điều kiện cốt yếu để chúng ta sinh nhiều hoa trái.  Sinh hoa kết quả là việc của cây chứ không phải của cành.  Cây chuyển sự sống đến cành, làm nảy sinh nụ, hoa và trái ở cành.  Còn cành chỉ là nơi tiếp nhận sự sống của cây để tiến trình sinh hoa kết quả được thực hiện do cây.  Vì thế Chúa Giê-su mới quả quyết:  “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì”.  Nói khác đi, không có cây, cành không thể sinh hoa trái được.  Thử hỏi hình ảnh sống động này có khi nào khiến chúng ta nhìn lại đời sống thiêng liêng của mình, để thấy sự sống và sự kết hiệp giữa chúng ta với Chúa Giê-su như thế nào không?

          Để sinh hoa trái, dĩ nhiên cành phải gắn liên với cây để tiếp nhận nhựa sống.  Nhưng để sinh nhiều hoa trái hơn, thì người làm vườn lại có những bí quyết khác.  Một trong những bí quyết ấy là cắt tỉa.  Chúa Giê-su đã nói rõ:  Người là cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn chúng ta là cành nho.  Cắt tỉa thì phải chọn cành để khỏi cắt lầm.  Vậy việc cắt tỉa đầu tiên của Chúa Cha, Người Trồng Nho, là chặt đi “cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh trái”.  Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.  Mục đích cắt tỉa là làm cho cành được “thanh sạch”.  Phương tiện để giúp chúng ta được thanh sạch là “nhờ lời Thầy đã nói với anh em”.  Đúng vậy, chính lời Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta nên tốt hơn, nếu chúng ta “nghe và thực hành” lời Chúa.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Niềm hy vọng Chúa Phục Sinh đặt nơi chúng ta là “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”, hầu tôn vinh Chúa Cha.  Để giúp Người đạt niềm hy vọng này, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy kết hiệp với Người để chúng ta được tràn đầy sự sống của Thiên Chúa, đồng thời hãy để cho lời Người cắt tỉa chúng ta thanh sạch để sinh nhiều hoa trái hơn.

          Vậy chúng ta kết hiệp với Chúa bằng cầu nguyện và nhất là qua việc lãnh nhận Mình Máu Thánh Người.  Đó là những máng dẫn sự sống của Người sang linh hồn chúng ta.  Chúng ta cũng ý thức sự cần thiết của việc cắt tỉa.  Chúa muốn đời sống thiêng liêng chúng ta sạch mọi trở ngại ngăn cản sự sống và tình yêu mà Người đem chia sẻ với chúng ta.  Những trở ngại ấy có thể là tội lỗi, những tính xấu, lối sống thế gian đi ngược với lối sống Chúa Ki-tô.  Cũng như việc cắt tỉa có thể gây đau đớn khó chịu cho cành cây, việc Chúa lấy lời Người để sửa sai, uốn nắn và biến đổi sẽ khiến chúng ta đôi khi không được thoải mái.  Tuy nhiên nếu nhìn vào mục đích to lớn của việc cắt tỉa là để sinh nhiều hoa trái hơn, chúng ta sẽ nhận ra thà chịu đau đớn một chút, nhưng chúng ta được trở nên tự do hơn chứ không bị tội lỗi chi phối, dễ dàng sống những giá trị của Tin Mừng hơn, và nhất là mối tương quan với Chúa được sống động hơn.  Vì thế, có lẽ quyết định quan trọng nhất của chúng ta phải là chấn chỉnh lại việc cầu nguyện hằng ngày và siêng năng đọc và suy niệm Kinh Thánh.  Chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta và giúp chúng ta hăng hái và trung kiên thi hành quyết định này.       

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B