Ở LẠI TRONG CHÚA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, năm B

Cv 9, 26-31    1 Ga 3, 18-24      Ga 15, 1-8

 

Hình ảnh chiên, mục tử, cây nho là hình ảnh rất phổ thông đối người Do Thái. Cây nho, chiên không chỉ có giá trị kinh tế vì người Do Thái trồng nho và nuôi chiên rất nhiều. Tuy nhiên, nó còn có ý nghĩa tôn giáo. Người Do Thái đã sớm dùng hai hình ảnh cây nho, chiên làm những biểu tượng tôn giáo. Dân Do Thái tự ví mình là vườn nho và đàn chiên của Thiên Chúa. Tiên tri Isaia trong đoạn 5,1-2.7 đã mô tả vườn nho Thiên Chúa quí chuộng đó là nước Giuđa. Chúa Giêsu đã ví mình là cây nho và Chúa Cha là người trồng nho, tất cả chúng ta là những cành nho…

 

Nền văn hóa của Dân Tộc Do Thái phát xuất từ những thực tại rất thân thương : cây nho, chiên giống như trâu và tre của Dân Tộc Việt Nam. Những hình ảnh này rất thực tế, và phổ thông tại đất nước Do Thái. Chúa Giêsu được sinh ra và sinh sống ở Do Thái. Do đó, nền văn hóa của Dân Do Thái đã in đậm trong đời sống của Ngài. Chúa Giêsu đã sử dụng những hình ảnh, những thực tại ở đất Do Thái để công bố cho người Do Thái biết sứ điệp cứu độ của Ngài muốn trao gửi cho họ. Với hình ảnh con chiên, Chúa Giêsu đã mặc khải Người là Mục tử nhân lành, Ngài biết chiên và chiên biết Ngài, Ngài là chính Thiên Chúa. Ngài không những chăn dắt đàn chiên nhưng còn hy sinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, cứu độ mọi người.Hinh ảnh cây nho cho chúng ta thấy : Chúa Giêsu chính là Cây Nho, là hiện thân của Thiên Chúa.Ngài đến không những để chăm sóc vườn nho của mình, nhưng để trực tiếp thông ban sự sống của Người cho mọi người, cho chúng ta, như thân cây nuôi sống lá cành bằng chính nhựa sống của nó.

 

Cây nho, dân Do Thái trồng đã được Chúa Giêsu dùng làm cho ý nghĩa sâu hơn, cao hơn. Chúa Giêsu quả thực đúng ta hiểu hơn giữa Thiên Chúa và con người, có một trung gian. Chúa Giêsu đã nhập thể làm người, Ngài là cây nho mới đến để chăm sóc vườn nho mới, những người được tái sinh trong Chúa Kitô. Với cái nhìn và với ngôn ngữ thánh Phaolô dùng Chúa Giêsu là Con Người Mới, là Ađam Mới, Ngài đến để tạo thành loài người mới theo hình ảnh của Thiên Chúa.

 

Thánh Gioan đã dùng 6 lần sinh hoa trái và 5 lần ở lại trong Thầy. Chúa Giêsu là Cây Nho, chúng ta là cành là lá. Chúa phục sinh chia sẻ cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài, như cây nho nuôi cành lá bằng chính nhựa sống của nó. Mối tương quan của nhân loại, của chúng ta không chỉ là mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài thọ tạo, nhưng là mối tương quan thân tình, gần gũi, gắn bó như cành liền với cây và cành lá được nuôi sống bằng chính nhựa của cây. Mối tương quan mật thiết :” Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa “. Sinh hoa kết quả cần phải cắt tỉa. Đây là hình ảnh thân thương của nghề trồng nho. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cắt tỉa để cho thấy người tín hữu được tái sinh trong Chúa Kitô, đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, họ cũng phải chịu đồng số phận với Ngài. Tuy nhiên, tin vào Chúa, kết hiệp với Chúa, đồng lao cộng khổ với Chúa thì chúng ta cũng được phục sinh với Ngài :” Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người.Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người “ (2 Tm 2, 11-12 ). Sự sống của chúng ta nếu trực tiếp gắn bó với Đức Kitô như cành gắn với cây thì công việc chúng ta làm sẽ tốt đẹp vì không có Chúa chúng ta không thề làm gì được.

 

Vâng, Chúa dọn chỗ cho chúng ta để chúng ta ở với Chúa, và để chúng ta không ham hố bám víu lấy những lợi lộc mau qua ở trần gian mà bám chặt lấy Chúa, và gắn bó mật thiết với Chúa. Cây nho sinh trái từ các cành nho. Những cành, những nhánh được cắt tỉa gọn, khéo, đúng kỹ thuật sẽ sinh nhiều hoa trái. Người Kitô hữu càng kết hiệp mật thiết với Chúa, càng gắn bó, càng bám chặt lấy Chúa, chịu đựng gian nan thử thách vì Chúa, người ấy sẽ được Chúa chúc lành và có sức để lướt thắng mọi sự.

 

Linh mục Marc Sévin viết :” Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ.Việc so sánh cây nho và các cành nho mô tả sự liên kết chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Từ việc gắn vào cây nho, các môn đệ cành nho, được cung cấp nhựa sống và sự sai trái dồi dào của cây.Họ phải được bảo đảm “ gắn liền “ với cây nho. Động từ “ ở lại trong “ nha61nma5nh sự liên kết duy nhất giữa cây và cành. Tại sao Chúa Giêsu là cây nho “ đích thực “ ? Tại sao lại báo trước cho các môn đệ là họ sẽ là môn đệ của Chúa Giêsu trong khi họ đã là như vậy rồi ?

 

Các môn đệ là những môn đệ đích thực nếu họ được tháp vào và gắn chặt vĩnh viễn trên Chúa Kitô. Lúc đó, chắc chắn, họ được tất cả những gì họ xin: Là sinh ra hoa trái. Chắc chắn, họ biểu lộ sự sống mới thần linh, lãnh nhận từ Đức Chúa “. Ở lại trong Chúa sẽ sinh hoa trái là những việc lành dồi dào.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Cây nho, chiên đối với người Do Thái biểu tượng gì ?

2.Tại sao Chúa Giêsu lại ví mình là cây nho ?

3.Tại sao cây nho lại phải tỉa nhánh, tỉa cành ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B