CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Gương mẫu tình yêu

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 15:9-17)

        Chúng ta có bao giờ nghe ai nói về tình yêu mà lại đem chính mình ra để làm gương mẫu không?  Chắc là không.  Vậy mà Chúa Giê-su đã làm chuyện đó.  Người định nghĩa tình yêu không phải bằng ngôn ngữ văn chương, triết học hay luân lý.  Nhưng Người định nghĩa tình yêu bằng kinh nghiệm sống của mình, tức là bằng mối tương quan giữa Người với Thiên Chúa và với các môn đệ.

        Nói đến gương mẫu tình yêu là phải nói đến tình yêu của Thiên Chúa Cha.  Từ nơi Người, tình yêu phát xuất và được chia sẻ cho tạo vật.  Tình yêu Thiên Chúa là nguồn sự sống của mọi loài.  Con người được Chúa dựng nên cũng là do động lực tình yêu.  Trong kế hoạch cứu độ nhân loại, Chúa Cha đã sai Con Một xuống trần để làm Chứng Nhân cho tình yêu của Người. Với tính cách là con người, Chúa Giê-su đã cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện ấy của Chúa Cha.  Cho nên cách tốt nhất để Chúa Giê-su định nghĩa tình yêu là sử dụng kinh nghiệm cá nhân để diễn tả những chiều kích của tình yêu.

        Trước hết Chúa Giê-su đề cao Chúa Cha như gương mẫu yêu thương và chính Người đã yêu thương theo gương mẫu ấy.  Người nói:  “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.  Giáo lý dạy chúng ta rằng yêu thế nào của tình yêu Cha-Con, đó là Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần là sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con, hoặc chúng ta có thể nói Thánh Thần là thế nào của tình yêu Thiên Chúa.  Giờ đây Chúa Giê-su áp dụng gương mẫu thế nào vào tình yêu Người dành cho các môn đệ.  Như Chúa Cha đã hết mình yêu Chúa Giê-su, thì Chúa Giê-su cũng yêu chúng ta hết mình, đến độ hy sinh tính mạng mình vì chúng ta.  Tiếp đến, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta phương thức biểu lộ tình yêu.  Phương thức đầu tiên là “ở lại”.  Tình yêu luôn mời gọi người yêu hãy ở lại bên nhau, nghĩa là ở lại trong mối tương quan mật thiết.  Vợ chồng ở lại bên nhau trong sự kết hợp thể xác lẫn tinh thần.  Bạn hữu ở lại bên nhau qua những liên lạc thư từ hay gặp gỡ.  Chúng ta và Chúa ở lại bên nhau mọi nơi mọi lúc, khi cầu nguyện, lúc làm việc và bổn phận, khi gặp gỡ Chúa nơi người khác qua sự giúp đỡ, khích lệ, an ủi… Đặc biệt, chúng ta và Chúa ở lại bên nhau trong sự kết hợp của Bí tích Thánh Thể.  Phương thức thứ hai biểu lộ tình yêu được Chúa Giê-su nhấn mạnh, đó là “giữ các điều răn của Chúa”.  Chúa Giê-su cũng dạy phương thức này bằng kinh nghiệm bản thân:  “Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy…”  Đúng vậy, các “điều răn” Chúa Cha muốn Chúa Giê-su tuân giữ là trung thành với sứ mệnh và thi hành thánh ý Cha.  Chúa Giê-su đã tuân phục giữ những điều răn của Chúa Cha đến nỗi trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, làm người và chết nhục trên thập giá (Phi-líp-phê 2:6-8).  Đó là cách tuyệt hảo Người biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha.  Người muốn chúng ta áp dụng cùng một phương thức để giữ điều răn của Người là:  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Quả là một phương thức giản dị:  muốn yêu Chúa thì chúng ta hãy yêu anh chị em bằng cái thế nào của tình yêu Chúa Cha và của tình yêu Chúa Giê-su.  Loại bỏ mọi hình thức ích kỷ, để hoàn toàn sống cho người mình yêu.

Sống sứ điệp Tin Mừng

        Chúa Giê-su cho chúng ta thấy một đặc điểm của tình yêu:  tình yêu thúc giục chúng ta “đi trước” hoặc chủ động.  Yêu chúng ta nên Chúa đã “chọn” chúng ta.  Người chọn chúng ta bằng cách muốn giúp chúng ta sống như bạn hữu của Người.  Yêu thương đích thực thì muốn cho người mình yêu nên tốt hơn, vì đó là hoa trái của tình yêu.  Chúa Giê-su muốn chúng ta sinh hoa trái, là nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng toàn hảo.  Mà đường lối để chúng ta nên hoàn hảo là tuân giữ điều răn yêu thương Chúa truyền cho chúng ta.  Yêu người là yêu mến Chúa.  Đây là điều chúng ta nên chú tâm suy nghĩ thật nhiều.  Chỉ cần làm một điều này thôi, là mỗi ngày chúng ta thử xét lại xem mình đã thực sự yêu những người trong gia đình và chung quanh chúng ta chưa.  Nếu chưa, chúng ta cố gắng sửa đổi.  Cứ thế, chúng ta sẽ trở nên giống như “gương mẫu yêu thương” là Chúa Cha và Chúa Giê-su!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B