Nên một như trong Thiên Chúa
Chúa Nhật VII
Phục Sinh năm – B
(Ga 17, 11b - 19)
Bước vào Chúa nhật thứ VII, Chúa nhật cuối cùng mùa Phục
Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Thánh Thần
hiện xuống như lời Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly trước khi
về trời là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu
Chữa đến.
Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa
Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều, toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17
là một bằng chứng. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện
vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu
danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha"
(Ga 17, 1). Và sau cung là lời cầu xin cho các môn đệ.
Xin cho
chúng nên một
Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn
đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các
ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô
cùng khó khăn và đầy những thử thách. Các ông phải tự mình đương đầu với những khó
khăn ở trong thế gian, mặc dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian,
hoạt động của các ông phải qui hướng về thế giới khác. Đó là lý do khiến Chúa
Giêsu cầu nguyện : "Xin cho họ nên
một như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Ga 17, 21). Nhờ "sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần",
được ràng buộc "bởi sợi dây bình an",
tất cả họ sẽ "duy trì sự hiệp nhất
của Thần khí... Chỉ có một Thân mình và một Thần khí " (Ep 4, 3 - 4),
giúp họ đồng lòng hợp ý với nhau.
Vì muốn nhân loại kết hiệp ở trong Thiên Chúa, nên đã sai
Con Ngài đến thế gian để thánh hiến họ trong chân lý. Khi đầu thai trong lòng
Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu đã thực hiện một sự hiệp thông đầy kinh ngạc giữa
bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người "Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật" (Kinh
Tin Kính). Trong cuộc Thương Khó, Người đã xuống ngục tổ tông, nhà tù giam hãm
chúng ta để giải thoát và đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ban vinh quang cho các môn đệ : "Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban
cho con" (Ga 17, 22). Vinh quang ở đây là Chúa Thánh Thần, Đấng liên
kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho họ vinh quang khi nói,
"Hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần"
(Ga 20, 22). Chúa Giêsu đã nhận được vinh quang khi mặc lấy bản tính loài người
chúng ta, bản tính đã được tôn vinh trong Thánh Thần. Vinh quang Người đã có
"trước khi tạo thành thế gian"
(Ga 17,5) liên kết nhân loại nên một trong Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, vinh quang mà Cha đã ban cho con,
con đã ban cho chúng, để họ nên một như chúng ta là một" (Ga
17,22).
Xin Cha
gìn giữ chúng
Trong suốt thời gian ở giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã trung
thành gìn giữ họ. Khi trở về cùng Cha, Người không vắng mặt, Người cầu xin Cha cho
họ, để họ giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh
Thần.
Chúa Giêsu đến thế gian để hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha
đã trao, đến lượt các môn đệ, họ cũng được trao cho một sứ mạng (x. Ga 13, 1). Chúa
Giêsu không xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi những
hiểm nguy của thế gian (x. Ga 17, 15). Vì nếu đưa họ ra khỏi thế gian thì sứ
mạng tông đồ của họ chấm dứt. Xin Cha gìn giữ họ khỏi bị thế gian lây nhiễm, và
thánh hoá họ trong sự thật (x. Ga 17, 17), xin cho họ được tràn đầy thần chân
lý. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm sáng tỏ :
"Chúng không thuộc về thế gian, cũng
như Con không thuộc về thế gian"
(Ga 17,16).
Chúa Giêsu xuống tận vực thẳm của con người để kéo con
người lên vì : "Thiên Chúa là Tình Yêu". Đây là
tột đỉnh của Mạc Khải. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta hiệp
nhất với Thiên Chúa, và trong vinh quang đầy quyền thế Chúa Giêsu không ngừng
cầu nguyện và gìn giữ để : "Không
một ai trong chúng bị mất" (Ga 17,12).
Xin thánh hiến họ
Lời khẳng định trên
cho thấy Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Để hoạt động trên
thế gian và trong thế gian, mà không liên can đến thế gian, nghĩa là được miễn
dịch khỏi thế gian, các môn đệ cần phải được hiến thánh (x. Ga 17-19).
Khi muốn bảo vệ các
môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian, Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người
nhấn mạnh đến tầm quan trọng là "viên mãn trong Thiên Chúa" khi "ở
trong tình yêu". Nguồn gốc của sự thánh hiến này là trung thành với Chúa
Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tự hiến chính mình. Người ban Chúa Thánh
Thần cho họ và xin cho họ sớm đạt được điều Người cầu xin. Chúa Thánh Thần là
sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, liên kết tâm hồn họ với Chúa Cha, kết
hợp trái tim tội lỗi của chúng ta với Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. "Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã
ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế
gian" (Ga 17, 14). Họ đã nhận được Lời, từ "Logos", Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành nhục
thể và ở giữa chúng ta (Ga 1, 14).
"Lời Cha là chân lý "(Ga 11, 14). Bản
chất của Lời là ở với Chúa Cha, đó là chân lý. Kể từ khi Người cho họ tham dự
vào sứ mạng của Chúa Con (x. Ga 10, 36 và Ga 17, 18), họ cũng phải tham gia vào
sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người đã chọn và cắt đặt họ để họ sinh nhiều hoa
trái. Đức Giêsu được thánh hiến trong sự thật. Người cũng xin Chúa Cha thánh
hiến họ "trong sự thật". Sự
thánh hiến này không phải là bên ngoài nhưng nó là sự thật, sâu sắc, thực sự.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp
nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa chúng con bằng
sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng nhiệm thể
cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con tin tưởng
vào lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở với Chúa
đến muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Văn Độ