CHÚA GIÊSU BỊ CÁM DỖ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, năm B

St 9,8-15 1Pr 3, 18-22  Mc 1, 12-15

 

Lansperge le Chartreux viết :” Tất cả những gì Chúa Giêsu đã muốn làm và chịu đau khổ, là để giáo huấn chúng ta, để uốn nắn chúng ta và để sinh ích cho chúng ta. Vì Người biết rằng chúng ta sẽ rút ra được nhiều hoa trái cho sự hiểu biết, và điều đó sẽ khích lệ chúng ta.Người đã không muốn bỏ qua một cái gì có thể có lợi ích cho chúng ta”. Chúa nhật thứ nhất mùa chay…

Lại bắt đầu một cuộc hành trình đức tin với Đức Giêsu Kitô. Bởi vì, mùa chay mời gọi mọi Kitô hữu cải thiện đời sống, đổi mới để lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mùa chay dẫn người tín hữu của Chúa đi vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Giêsu.  Do đó, mùa chay là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cách đặc biệt, nhưng đồng thời mùa chay cũng mời gọi chúng ta cải thiện đời sống, đổi mới cuộc đời, thay đổi lối sống tốt hơn, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy Đức Kitô.

 

Khai mạc sứ vụ công khai rao giảng nước Thiên Chúa bằng phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ xung quanh Ngài, Chúa Giêsu đã hướng về Giêrusalem. Chúa Giêsu đã cho nhân loại thấy rõ ý định của Cha Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Cha sai Ngài đến trần gian không phải để làm theo ý của mình mà là làm theo ý của Chúa Cha. Cả cuộc đời của Ngài là chuẩn bị cho sự chết để cứu độ nhân loại và phục sinh để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Do đó, ngay từ khi còn ở trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria, Chúa Giêsu đã sẵn sàng cho cuộc hành trình của Ngài dẫn đến thánh giá, và khi đi vào cuộc đời rao giảng Chúa Giêsu đã chuẩn bị bằng cuộc ăn chay, hãm mình 40 đêm ngày trong hoang địa. Đây là cuộc chuẩn bị rất kỹ càng, Ngài đã kết hợp mật thiết với Chúa Cha để nghe Lời Chúa Cha và thực hiện ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho cuộc hành trình bằng cuộc hành trình vượt qua hay là mầu nhiệm vượt qua. Trong thánh lễ lúc tuyên xưng đức tin chúng ta đọc rõ ràng :” Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống lại…” và “ Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang để giải thoát muôn người, xin cứu độ chúng con “.

 

Chúa Giêsu đã nhận phép rửa của Gioan ở sông Giorđan. Đây là phép rửa sám hối, xin ơn tha tội. Chúa làm thế để nói cho nhân loại Ngài cảm thông với nỗi yếu hèn của con người.Và từ đó chúng ta qua bí tích rửa tội được chia sẻ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu.Thánh Phêrô trong thứ thứ nhất của Người nhấn mạnh:” Chúng ta được cứu rỗi, được tẩy sạch tội lỗi qua phép rửa tội như Thiên Chúa đã cứu ông Noe và gia đình ông khỏi nạn đại hồng thủy “. Phép rửa đem lại bình an và ơn tha thứ :” Bằng sự chết, Ngài đã phá hủy sự chết của chúng ta; bằng sự sống lại, Ngài phục hồi sự sống của chúng ta “. Con người thật yếu đuối,quyết tâm đó nhưng rồi lại luôn sa ngã, tuy nhiên Chúa luôn yêu thương và giải thoát chúng ta qua bí tích giải tội. Bí tích giao hòa đem chúng ta thiết lập lại giao ước tình yêu của chúng ta đối với Chúa khi chúng ta chịu phép rửa.

 

Mùa chay là thời gian quay trở về, là thời gian hồi tâm để nhìn vào Chúa hơn là nhìn vào mình. Nhìn vào Chúa để thấy mình con quá khiếm khuyết phải cố gắng vươn tiến.Mùa chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cạm bẫy, những thử thách, những cám dỗ đang bủa vây xung quanh chúng ta. Tỉnh thức để dễ dàng tránh những cạm bẫy. Cầu nguyện để không sa bẫy của ma quỷ. Chính Chúa Giêsu cũng luôn phải cảnh tỉnh :” Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ “ ( Mc 1, 13 ). Chính vì thế, chúng ta phải biết cậy dựa vào Chúa.

Đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ, có Chúa chúng ta sẽ luôn đứng vững.Chúa kêu gọi :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào ơn cứu rỗi, tin vào sự sống Chúa mang đến, do đó, chúng ta sẵn sàng sám hối.

 

Lansperge le Chartreux thuật tiếp :” …Người đã được dẫn vào nơi hoang địa, chắc chắn là do bởi Chúa Thánh Thần. Quả thật, Thánh THần đã muốn dẫn người vào đó, nơi mà ma quỷ có thể gặp Người và dám đến gần người để cám dỗ …Điều thứ nhất chúng ta học được ở đây, đó là “ cuộc sống con người trên mặt đất này là một cuộc chiến không ngừng. Bài học thứ hai là Đức Kitô đã muốn làm gương cho chúng ta, là chúng ta sẽ không dễ dàng hứng chịu cơn cám dỗ.Ý thức được sự yếu hèn của chúng ta, chúng ta sẽ cố gắng không bước vào cơn cám dỗ, chúng ta sẽ cầu nguyện và xa tránh những cơ hội dễ bị cám dỗ “.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ  :

 

1.Mùa chay là mùa gì ?

2.Tại sao Chúa Giêsu lại chịu để cho Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình ở dòng sông Giođan ?

3.Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ điều gì ?

4.Cái nặng nhất ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu là điều gì ?

5.Chúa Giêsu chiến thắng ma quỷ nhờ ai ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B