CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Cuộc đời Ki-tô hữu đầy cám dỗ và chống trả
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 1:12-15)
Có một điều khiến chúng ta thắc mắc
không ít, là khác với hai trình thuật tương tự của thánh Mát-thêu và Lu-ca kể lại
việc Chúa Giê-su bị cám dỗ trong sa mạc, đoạn Tin Mừng Mác-cô hôm nay chỉ nhắc
tới biến cố chứ không thuật lại chi tiết cuộc cám dỗ như thế nào. Trong vỏn vẹn hai câu Kinh Thánh với những
hình ảnh sống động, Mác-cô đã trình bày bối cảnh cuộc đời và sứ vụ của Chúa
Giê-su. Đang khi thi hành sứ mệnh cứu độ
nhân loại, Chúa Giê-su không tránh khỏi những cám dỗ. Tuy nhiên bên cạnh những phấn đấu chống trả,
Chúa Giê-su cũng đã nhận được những an ủi trợ giúp của Thiên Chúa. Người chính là gương mẫu cho cuộc đời Ki-tô hữu
chúng ta trước những thử thách của ma quỷ và cám dỗ.
Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa của
Gio-an khởi đầu cho sứ vụ của Người dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần. Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Trinh Nữ
ngày Truyền Tin để Ngôi Lời được làm người, giờ đây vẫn tiếp tục “đẩy” Chúa
Giê-su vào hoang địa. Khung cảnh hoang địa
vẽ ra một không gian đầy thử thách, ở đó Chúa Giê-su sẽ thi hành sứ vụ rao giảng
Tin Mừng và sẽ tiêu diệt sức mạnh của Xa-tan để mở mang Triều Đại Thiên
Chúa. Bốn mươi ngày, con số tròn đầy nói
lên tất cả khoảng thời gian cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su. Vậy trong khoảng thời gian và không gian ngắn
ngủi ấy, cuộc đời Chúa Giê-su sẽ như thế nào? Thánh Mác-cô trả lời: Người chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã
thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Chúng ta thử suy nghĩ thêm một chút ba
cái nhìn về cuộc đời công khai của Chúa Giê-su.
Trước hết, “Người chịu Xa-tan cám
dỗ”. Xa-tan cám dỗ không chỉ là một
vài dịp đặc biệt, nhưng là cả một tình trạng kéo dài suốt cuộc đời, có khi khá
yên lặng, có khi nổi lên như cơn bão táp.
Cám dỗ Chúa Giê-su chịu là thứ cám dỗ Người hãy hành động theo ý riêng
và kế hoạch riêng của Người, chứ đừng theo kế hoạch của Thiên Chúa. Người bị cám dỗ hãy đi con đường tắt quyền
năng Thiên Chúa mà cứu độ nhân loại, thay vì phải “bị nộp, bị giết và sống lại
ngày thứ ba”. Người bị cám dỗ khi dân
chúng định bắt người phải làm vua sau những phép lạ được thực hiện để tỏ ra
tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Người bị cám dỗ khi chính những môn đệ thân tín can gián Người đừng lên
Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc Thương khó.
Và cơn cám dỗ cuối cùng trên thập giá, Người đã không dùng quyền năng
Thiên Chúa để “bước xuống khỏi thập giá” cho thiên hạ tin Người là Con Thiên
Chúa!
Thứ hai, “Người sống giữa loài dã thú”.
Bên cạnh những thử thách của ma quỷ là những thử thách của thế gian
này. Đúng vậy, thế gian này đầy dã thú,
không phải trong rừng rú, nhưng ngay bên cạnh chúng ta. Ma quỷ đội lốt dã thú “như sư tử gần thét, rảo
quanh tìm mồi cắn xé” (1 Phê-rô 5:8). Những
quyến rũ của thế gian cũng mang hình dã thú để sẵn sàng tấn công chúng ta. Đặc biệt đối với Chúa Giê-su, dã thú chính là
những chống đối của kẻ thù trước giáo lý và gương sống của Người. Đã bao lần Chúa Giê-su phải “thở dài”, thậm
chí “giận dữ” trước thái độ ngoan cố của kẻ thù Người, vì họ không muốn nhìn nhận
sứ mệnh của Người và chống lại Thiên Chúa.
Thứ ba, “có các thiên sứ hầu hạ Người”.
Cuộc đời Chúa Giê-su đâu phải chỉ có bóng đêm! Nhưng còn có tình yêu và sự trợ giúp của
Thiên Chúa dưới hình thức “các thiên sứ hầu hạ”. Phải, đây chỉ là cách nói diễn tả những an ủi
nâng đỡ Thiên Chúa dành Con Một Người cũng như cho tất cả những ai trung thành
chiến đấu chống lại cám dỗ.
Trong một bối cảnh sôi động ấy, Chúa
Giê-su đã thi hành sứ mệnh “Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” và khai mở “Triều
Đại Thiên Chúa”!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thật tuyệt vời khi Phụng vụ Lời Chúa đầu
mùa Chay trình bày cuộc đời công khai của Chúa Giê-su như một mẫu gương cho cuộc
đời Ki-tô hữu chúng ta. Chúa Giê-su đã
chiến thắng cám dỗ vì chúng ta, hoặc nói như thánh Phê-rô, “Đức Ki-tô đã chịu
chết một lần vì tội lỗi, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (bài đọc
2). Người là “Đầu” của chúng ta và đã
chiến thắng vinh quang, thì chúng ta là chi thể cũng phải như vậy!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi