CN I MÙA CHAY B

St 9,8-15 ; 1 Pr 3,18-22 ; Mc 1,12-15

CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 1,12-15.

(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (16) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi được tấn phong làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để được thử thách và Người đã chiến thắng ma quỉ cám dỗ. Đến khi Gio-an Tẩy Giả bị bắt, thì Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mạng Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi kêu gọi người ta ăn năn sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 12-13: + Thần Khí liền đẩy Người: Khi chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su đã được Thánh Thần lấy hình chim câu đậu xuống trên mình để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Thiên Sai. Từ đây Người luôn được Thánh Thần hướng dẫn hành động mà việc đầu tiên là chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ. + Vào hoang địa (sa mạc): Khi giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, Đức Chúa đã đưa họ “vào sa mạc” 40 năm, để ký một giao ước công nhận họ là dân riêng của Người, thanh luyện họ khỏi các đam mê tội lỗi. Đây cũng là thời gian thử thách lòng trung tín của họ đối với Người. Đến thời các ngôn sứ, Hô-sê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc khi ông trình bày Đức Chúa yêu thương dân Ít-ra-en giống như một người chồng yêu vợ, đã dẫn đưa dân này vào sa mạc để sống thân mật với Người (x. Hs 2,16). + Đức Giê-su “vào sa mạc”: Sau khi được công nhận là Người Con Yêu Dấu đẹp lòng Chúa Cha và đã đón nhận được đầy Thần Khí, Đức Giê-su được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc, để sống thân tình với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện và ăn chay trong suốt 40 ngày. Đây cũng là thời gian Người chịu ma quỉ thử thách. Nhờ luôn chọn theo lời Thánh Kinh, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ, và chứng minh lòng trung thành đối với sứ mạng Thiên Sai được Chúa Cha trao phó. + Bốn mươi ngày: Con số 40 tượng trưng cho một thời gian dài. Chẳng hạn: Trong Đại Hồng Thủy, ông No-e đã mở cửa sổ tàu sau khi nước rút được 40 ngày (x. St 8,6); Trong cuộc Xuất Hành, Mô-sê đã lên núi tiếp xúc với Đức Chúa suốt 40 ngày đêm (x. Xh 34,28); Dân Ít-ra-en phải lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trường (x. Ds 14,34); Vua Đa-vít đã cai trị trong thời gian 40 năm (x 2 Sm 5,4); Ngôn sứ Ê-li-a đã chạy trốn lên núi Khô-rếp mất 40 ngày đêm (x. 1V 19,8); Đức Giê-su đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày (x. Mc 1,13). + Xa-tan: Xa-tan nghĩa là “kẻ thù”, “kẻ chống đối”, hay còn được gọi là “ma quỉ” hay Di-a-bo-los nghĩa là “kẻ kiện cáo”, “kẻ vu khống”. Đây là nhân vật vô hình có hai hoạt động là: nhập vào một người để bắt họ nói hay làm theo ý của nó và cám dỗ, xúi giục người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa. + Cám dỗ: Cơn cám dỗ của ma quỉ gồm 3 giai đoạn như sau: Một là gợi lên trong đầu người ta một hình ảnh hợp với nhu cầu của họ. Hai là làm cho người ta vui thích với hình ảnh ấy hoặc ước muốn làm điều xấu xa độc ác. Ba là người bị cám dỗ sẽ quyết định chiều theo hay không theo sự xúi giục của ma quỉ. Quyết định làm theo ma quỉ là đã phạm tội. Đối với Đức Giê-su, Xa-tan chỉ có thể cám dỗ ở giai đoạn thứ nhất, nghĩa là gợi lên trong tâm trí Người một tư tưởng hay một hình ảnh phù hợp với nhu cầu. + Sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người: Đức Giê-su đã chiến thắng cơn thử thách cám dỗ của Xa-tan. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng ấy là Người đã được Thiên Chúa che chở để sống hòa hợp với dã thú và còn được các thiên thần đến hầu hạ phục vụ (x. Tv 91,11-13). Đây là quang cảnh của thời Thiên Sai: một thời kỳ thái bình và đầy tình yêu thương huynh đệ, trong đó mọi loài vật sẽ sống hòa hợp với nhau và sẽ không có chỗ cho sự ganh ghét và hận thù nhau (x. Is 11,6-9 ; 65,25).

- C 14-15: + Sau khi Gio-an bị nộp: Việc Gio-an bị bắt nói lên sứ mạng của ông là tiền sứ hay tiền hô của Đấng Thiên Sai đã chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ Đức Giê-su thực hiện ơn cứu độ. + Ga-li-lê: Ga-li-lê là miền Bắc của nước Do Thái, nơi đây có nhiều dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do Thái. Đức Giê-su đã bỏ miền Giu-đê đến Ga-li-lê để bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. + Lời rao giảng của Đức Giê-su: được tóm kết trong 3 tư tưởng sau: Một là: Thời kỳ đã mãn: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ là thời hiện tại và thời cánh chung. Giờ đây Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới là thời cánh chung, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu hộ. Hai là: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương Quyền của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là dân riêng của Người (x. Is 43,15 ; Tv 47,3). Từ đó, dân Ít-ra-en luôn trông chờ Thiên Chúa sớm thiết lập Vương Quyền của Người. Giờ đây, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: Nơi Người, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Ba là: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối hay Mê-ta-noi-a, một từ Hy lạp có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, Sám Hối chính là sự thay đổi hướng đi, triệt để từ bỏ tội lỗi để quay về với Giao Ước, và bước vào một đời sống mới. Rồi còn phải tin vào Tin Mừng mà Đức Giê-su rao giảng.

4. CÂU HỎI: 1) Trong cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã hành động theo sự thôi thúc hướng dẫn của ai? 2) Thời kỳ Xuất Hành. Đức Chúa đã hạ lệnh cho Mô-sê đưa dân Do thái vượt qua biển Đỏ vào trong sa mạc suốt thời gian 40 năm để làm gì? Còn Đức Giê-su được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc để làm gì? 3) Đức Giê-su đã dùng phương thế thiêng liêng nào để chiến thắng ma quỷ cám dỗ? 4) Hãy kể một số sự kiện trong Thánh Kinh có liên quan đến con số 40? 5) Xa-tan là ai? 6) Ma quỷ thường cám dỗ qua mấy giai đoạn? 7) Sau khi chiến thắng ma quỷ, Đức Giê-su đã làm gì để mặc khải các đặc điểm về thời kỳ Thiên Sai mà Người muốn thiết lập? 8) Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa từ khi nào? 9) Ga-li-lê là miền đất nào trong nước Do thái? 10) Nội dung những lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm gọn trong ba tư tưởng chính yếu nào? 11) Sám hối nghĩa là gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) BỊ CÁM DỖ NHIỀU ÍT TÙY SỰ CẦU NGUYỆN CHAY TỊNH VÀ LÀM VIỆC RA SAO:

Một hôm Thánh Ephrem nằm mơ thấy một thành phố kia rất đông người qua lại, nhưng  cổng thành, ngài chỉ thấy có một tên quỉ đang ngồi ngáp ngủ. Rồi ngài lại thấy mình có mặt tại một khu rừng vắng chỉ có một vị ẩn sĩ đang sống, nhưng chung quanh vị này lại có cả bầy quỉ rất đông đang làm đủ cách tấn công vị tu sĩ. Bấy giờ thánh nhân liền la mắng lũ quỷ như sau: “Lũ quỷ các ngươi thật không biết xấu hổ khi kéo cả bầy đến tấn công bắt nạt một người. Còn trong hành phố kia có rất đông người thì các ngươi lại chỉ bố trí có một tên đứng không và còn ngáp đứng ngáp ngồi nghĩa là làm sao?”

Tên quỷ đầu đàn liền trả lời như sau: “Thành phố tuy đông người nhưng chẳng cần lũ quỷ chúng tôi cám dỗ mà chúng vẫn thi nhau phạm hết tội này đến tội khác, nên chỉ cần một người chúng tôi đứng canh là đủ. Còn tại khu rừng vắng này dù chỉ có một tên tu sĩ, nhưng hắn ta lại rất kiên cường chiến đấu. Đến nay sau nhiều ngày tấn công cám dỗ mà chúng tôi vẫn chưa cám dỗ được hắn ta phạm tội, vì hắn luôn cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, ăn chay và lao động”.

2) MỘT MẪU GƯƠNG SÁM HỐI:

PI-RI TÔ-MÁT (Piri Thomas), từ một tên tội phạm đang thi hành án trong nhà tù, một con nghiện ma túy đã từng nhúng tay vào tội ác giết người... cuối cùng đã sám hối trở thành một tín hữu đạo đức thánh thiện đầy lòng nhân ái như sau: Một đêm nọ, Pi-ri đang nằm trong một phòng giam đặc biệt, cùng chung giường với một tên tội phạm biệt hiệu là “Thằng Ròm”, đột nhiên anh suy nghĩ về tình trạng tội lỗi của mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt phải trỗi dậy cầu nguyện với Chúa. Nhưng lúc đó anh lại đang nằm chung giường với một bạn tù là “Thằng Ròm”. Do đó, chờ cho “Thằng Ròm” ngủ say, anh mới từ từ bò ra khỏi giường, quì gối xuống nền nhà bằng bê-tông lạnh ngắt. Rồi anh say sưa nói với Chúa như đứa con thưa chuyện với cha của mình. Sau này anh đã thuật lại như sau: “Khi ấy tôi bày tỏ với Chúa những gì chất chứa trong lòng tôi. Tôi thưa với Ngài bằng những lời đơn sơ mộc mạc. Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những lầm lỗi thiếu sót của tôi, những hy vọng và thất vọng. Lúc đó tôi cảm thấy xúc động đến nỗi suýt bật khóc, một sự xúc động mà trước đây chưa bao giờ tôi cảm thấy. Khi kết thúc lời cầu nguyện, bỗng tôi nghe thấy có tiếng đáp: “Amen”. Thì ra đó là tiếng của “Thằng Ròm”. Khi đó hắn đang nằm sấp trên giường, trán tựa trên hai cánh tay khép lại. Sau một lúc lâu im lặng, rồi “Thằng Ròm” nói nhỏ với tôi: “Này Pi-ri, tớ cũng tin Chúa!” Rồi tôi leo lên giường và hai đứa chúng tôi tiếp tục nói chuyện về niềm tin từ hồi còn thơ ấu của mình. Trước khi ngủ tiếp, tôi đã nói với “Thằng Ròm”: “Chúc Chi-co ngủ ngon nhé! Tớ nghĩ rằng: Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng ta. Chỉ có chúng ta là không muốn ở với Ngài mà thôi!”

3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện trên, bạn thấy vị tu sĩ đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ nhờ dùng các phương thế nào? 2) Bạn sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư tật xấu quan trọng nhất của bạn trong mùa chay này?

4. SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã rao giảng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”: Ăn năn sám hối hay là Mê-ta-noi-a, nghĩa là “cải thiện đời sống”, “cải tà qui chánh”. Là nhìn nhận những điều xấu xa tội lỗi trong đời sống của mình và quyết tâm trừ khử. Nói cách khác: Sám hối là nhận ra thân phận tội nhân của mình và thực lòng hoán cải, bằng cách làm những việc tốt ngược lại thói hư như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức”.

1) Mọi người đều bị ma quỷ cám dỗ:

Đức Giê-su là Đấng Thánh, vô tội, nhưng lại mang thân phận con người nên Người vẫn bị ma quỷ cám dỗ thử thách. Từ đó cho thấy sự thánh thiện cũng không làm cho người ta khỏi bị thử thách cám dỗ, và có lẽ càng thánh thiện lại càng bị thử thách nặng nề hơn:

Thánh Grê--ri-ô khi đã bước sang tuổi 90 đã chia sẻ kinh nghiệm sống: "Ở tuổi này mà tôi vẫn thường xuyên bị ma quỷ cám dỗ giống như lúc đang trong tuổi đôi mươi!"

Đức Cha Ti-a-mer Toth nói: "Ma quỉ đã dám đụng đến cả thủ lãnh... thì chắc chắn chúng cũng sẽ không buông tha cho chúng ta".

2) Mục đích các cơn cám dỗ của ma quỷ:

a) "Lửa thử vàng - Gian nan thử đức":

Sống trên đời, chúng ta không thể nào tránh được các cơn cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên cám dỗ cũng có mặt tích cực là củng cố đức tin hầu mang lại lợi ích cho tâm hồn chúng ta. Chúng như những phương tiện nhằm thao luyện chúng ta để khi ra khỏi đó, chúng ta sẽ trở thành những chiến sĩ thiện chiến, những lực sĩ mạnh mẽ của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng ma quỷ.

Cám dỗ có thể ví như múi chích thuốc ngừa để cơ thể ta có dịp chiến đấu với vi trùng yếu, nhờ đó tiết ra kháng thể giúp miễn dịch, để chiến thắng được vi trùng xâm nhập sau này.

b) “Ơn Thầy đủ cho con”: Trong các cơn thử thách cám dỗ mà chúng ta phải chịu đựng, bao giờ cũng đủ ơn Chúa giúp để ta có thể chiến thắng ma quỷ miễn là ta có Chúa trong mình. Thánh nữ Ca-ta-ri-na một hôm bị một cơn cám dỗ nặng nề. Sau cơn cám dỗ được Chúa Giê-su hiện ra an ủi. Vừa nhìn thấy Chúa Giê-su, thánh nhân liền hỏi:Lạy Chúa. Khi con bị cám dỗ thì Chúa ở đâu?”. Bấy giờ thánh nhân nghe Người trả lời: “Ta ở ngay trong lòng con. Thánh Phaolô có lần xin Chúa cất cho khỏi một cơn cám dỗ luôn quấy rầy như một cái dằm đâm vào. Phao-lô còn bị một thủ hạ của Xa-tan đến vả mặt khiến ngài cảm thấy rất bực bội khó chịu và nhiều lần xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Chúa quả quyết với Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Phao-lô đã chia sẻ tiếp: Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9).

3) Các phương thế chiến thắng ma quỷ cám dỗ:

- Nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, Đức Giê-su đã gia tăng sức mạnh để đương đầu với ma quỷ cám dỗ. Mùa Chay với việc ăn chay cầu nguyên cũng là phương thế hữu hiệu Chúa ban để gia tăng nội lực thiêng liêng giúp chúng ta đủ sức đương đầu vơi ma quỷ.

- Cần năng đọc và sử dụng Lời Chúa như dùng thanh gươm hai lưỡi sắc bén để chiến đấu: Noi gương Đức Giê-su khi bị ma quỷ cám dỗ, đã dùng các câu Lời Chúa để đương đầu như sau: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4); “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của Ngươi (Mt 4,7); “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10). Trong Mùa Chay này, chúng ta cần tham dự các buổi tĩnh tâm để nghe Lời Chúa hướng dẫn chống trả các cám dỗ. Giúp ta tập nhân đức đối lập để loại trừ các thói hư. Cần dọn mình xưng tội và năng rước lễ để luôn có Chúa ở cùng.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp con ý thức rằng: Xưa Chúa đã vào sa mạc là để tiếp xúc và sống thân tình với Chúa Cha. Mùa Chay này cũng là thời kỳ thuận tiện để con cùng vào sa mạc với Chúa. Xin cho con mỗi ngày biết dành ít phút thinh lặng để tâm tình với Chúa Cha, cho con biết lắng nghe lời Chúa Giê-su dạy qua các giờ kinh tối gia đình hằng ngày, hay trong các buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay tại nhà thờ. Nhờ Thần Khí Chúa thôi thúc, con quyết tâm thực hành sự khổ chế, bằng việc năng ăn chay hãm mình trong Mùa Chay này. Xin cho con biết chu toàn bổn phận trong gia đình và xã hội, chủ động đi bước trước để làm hòa với những ai đang có điều chi bất bình với con... để mỗi ngày con đều được Thần Khí Chúa thanh luyện và biến đổi nên một người mới trong Mùa Phục Sinh sắp tới.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH- HHTM