CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 2:13-25)
Có lần trên chuyến xe sáng Chúa Nhật về
Đà-lạt, ngang qua các vùng Hố-nai, Gia-kiệm…, tôi nhận thấy giáo xứ nào cũng
đông người “đi lễ” đến nỗi rất nhiều giáo dân phải đứng ở ngoài nhà thờ, ra gần
tới quốc lộ. Thanh niên thì ngồi ngay
trên xe máy, phì phà điếu thuốc và tán gẫu.
Các cô quần áo rất đẹp cũng đang cười đùa. Tôi bỗng nghĩ tới bài Tin Mừng hôm nay, Chúa
thanh tẩy Đền Thờ, và tự hỏi: Ngày nay nếu
Chúa Giê-su hiện diện ở những giáo xứ này, Người sẽ làm gì? Có lẽ đã nhiều lần “hiện thân” của Chúa là
cha xứ hoặc cha phó từng quát tháo và đuổi những kẻ đi lễ kia vào ngay nhà thờ! Bên Mỹ nhiều linh mục cũng chẳng nhân từ hơn
đâu, các ngài ra lệnh hễ cha “bước lên phản bàn thờ” là phải lập tức đóng cửa
ra vào lại!
Nhưng Chúa Giê-su còn “giận dữ” hơn
chúng ta tưởng. Thánh sử Gio-an nêu lên
những hành vi dồn dập của Chúa Giê-su, làm như Người đang trút giận vậy. Người lấy dây làm roi xua súc vật ra khỏi Đền
Thờ. Người lật đổ các bàn đổi tiền và hất
tung tiền bạc của những người làm nghề đổi bạc.
Người quát đuổi những kẻ bán chim bồ câu. Nói tóm lại, tất cả những sinh hoạt của dân
chúng tại Đền Thờ được coi là “bình thường”, thì đối với Chúa Giê-su là “bất
thường” bởi vì chúng “biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Sự giận
dữ là xấu hay tốt tùy thuộc vào lý do khiến người ta phải giận dữ, chứ không tùy
thuộc vào cường độ giận dữ. Ở đây Chúa
Giê-su có lý do để rất giận dữ, mà lý do còn được ghi trong Kinh Thánh nữa: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa. Đúng vậy, khi những kẻ thù của Chúa Giê-su ngoan
cố, hạch sách, chống đối, bày mưu kế, thì cùng lắm Chúa Giê-su cũng chỉ thở dài
“buồn khổ vì lòng họ chai đá” (Mác-cô 3:5) hoặc “khóc” như Người đã khóc thương
Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:41), bởi họ đã xúc phạm đến cá nhân Người. Nhưng hễ đụng tới Cha của Người, hoặc “nhà
Cha” của Người, Người sẽ không bỏ qua đâu!
Người sẽ hành động tới cùng, thậm chí dù có phải “thiệt thân” chăng nữa. Vậy thế nào là vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa?
Chúng ta đừng bỏ qua một lời nào trong
lý do trên nhé, vì lời nào cũng quan trọng cả.
Khi chúng ta làm điều gì, cái lý do “vì” rất là quan trọng. Vì
muốn nói dối cha mẹ để đi chơi, cô con gái đưa ra lý do giả tạo như đi thư viện
học bài. Vì muốn noi gương Thầy Giê-su và vì thương một người bạn tù còn vợ
con đang chờ đợi ở nhà, cha thánh Maximilian Kolbe đã hy sinh chết thay cho anh
trong trại giam Đức quốc xã. Còn Chúa
Giê-su, hôm nay Người giận dữ và thanh tẩy nhà Cha Người là vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa. Việc nhà Chúa không phải chỉ là cái Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem nguy nga kia đâu, mà là tất cả sứ mệnh Chúa Cha đã trao cho Người. Việc nhà Chúa của Chúa Giê-su là làm chứng
cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi sai Người đến để chết
cho họ. Là rao giảng Tin Mừng cứu độ và
ơn sám hối. Là thực hiện phép lạ như những
dấu chỉ kêu gọi người ta nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Là trừ quỷ để giải thoát những người con cái
Thiên Chúa đã bị giam cầm lâu ngày. Là đào
tạo các tông đồ và môn đệ, rồi sai họ đi thực tập việc tông đồ. Cuối cùng là lo việc nhà Chúa đến sẵn sàng chấp
nhận chết khổ nhục trên thập giá! Nhiệt
tâm là yếu tố quan trọng giúp Chúa Giê-su không mệt mỏi thi hành sứ mệnh, khiêm
nhường làm theo thánh ý Chúa Cha và can đảm vượt mọi khó khăn, thậm chí yêu
thương đến cùng, đến hơi thở cuối cùng.
Sống sứ điệp Tin Mừng
“Vì
nhiệt tâm lo việc nhà Chúa” là những lời chắc chắn làm chúng ta phải suy
nghĩ. “Việc nhà Chúa” của tôi là những
gì? Trước hết có phải là những bổn phận
Chúa trao cho tôi không? Bổn phận với
Chúa? Với gia đình? Với cộng đoàn? Với sở làm?
Tôi nhiệt tâm lo việc nhà Chúa hay lo kiếm tiền hoặc danh lợi? Nếu tôi đang tham gia một vài công tác hoặc
chức vụ trong giáo xứ, tôi có làm vì thực sự muốn cho danh Chúa được rạng rỡ
hơn không? Hay chỉ vì muốn được chức nọ
chức kia hoặc được người ta kính nể? Quả
thực Chúa Giê-su đã “thiệt thân” vì lo việc nhà Chúa, vì cứu độ chúng ta! Chúa không đòi chúng ta phải chết như Người,
nhưng là “thiệt thân” bằng những hy sinh nho nhỏ hằng ngày mà thôi!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi