CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
3:14-21)
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay thật phong phú, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng một Thiên
Chúa của tình yêu và lòng thương xót.
Bài đọc Cựu Ước trích dẫn hoàn cảnh lịch sử dân Ít-ra-en bị lưu đày tại
Ba-by-lon, rồi sau thời lưu đày được vua Ky-rô cho hồi hương và giúp tái thiết,
là hai biến cố bày tỏ cơn thịnh nộ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô suy niệm
về lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Giê-su Ki-tô cho
chúng ta và các thế hệ mai sau. Đúng vậy,
qua bài Tin Mừng, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy tột đỉnh của tình yêu và lòng
thương xót Thiên Chúa dành cho nhân loại chính là hình ảnh “Con Người được
giương cao” trên thập giá, “để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Bài
trích sách 2 Sử Biên niên trước hết nói lên những tội lỗi của Ít-ra-en phạm đến
Thiên Chúa. Nào là “bất trung bất nghĩa,
theo thói ghê tởm của chư dân, làm cho Nhà Chúa ra ô uế, nhạo cười các sứ giả của
Thiên Chúa và chế giễu các ngôn sứ của Người”.
Cho nên Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, bắt họ đi lưu đày tại Ba-by-lon là
vì muốn cho họ phản tỉnh và quay về với Người.
Thực tâm Người đâu muốn làm như vậy, mà chỉ vì yêu thương nên cho roi
cho vọt mà thôi! Cuối cùng vì quá giàu
lòng thương xót, Người không chịu nổi khi thấy cảnh con cái khổ cực nhục nhã nơi
xứ lạ quê người, nên Chúa lại nuốt giận mà tỏ lòng thương xót họ. Chẳng những Người cho họ trở về quê cha đất tổ,
mà còn sắp xếp để chính kẻ thù của Ít-ra-en lại là người chủ động công việc tái
thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem nữa!
Còn
thánh Phao-lô tông đồ thì cho chúng ta một cái nhìn mới về tình yêu xót thương
của Thiên Chúa. Ngài coi lòng thương xót
của Thiên Chúa như là một “ân sủng dồi dào phong phú” Chúa ban cho chúng ta, chứ
“không phải bởi việc chúng ta làm”. Sự dồi
dào phong phú ấy nói lên tình yêu vô điều kiện của Chúa và sẽ tiếp tục được “biểu
lộ cho các thế hệ mai sau”.
Tuy
nhiên, những suy niệm khởi đầu kể trên chỉ là để chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng
nhìn lên thánh giá Chúa Ki-tô, ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ
vô cùng sống động. Thánh sử Gio-an ghi lại
cách Chúa Giê-su đo lường tình yêu của Thiên Chúa: yêu đến độ cho đi Con Một của Người. Chúng ta thử nghĩ xem: một người Con duy nhất, quý nhất, vậy mà
Thiên Chúa đem cho chúng ta; lại nữa,
cho thôi chưa đủ, còn muốn người Con ấy phải chết vì chúng ta nữa! Sau khi A-đam phạm tội, tất cả nhân loại đã
trở thành “kẻ thù” của Thiên Chúa và bị kết án.
Có người Cha nào lại bắt Con mình phải hy sinh tính mạng trên thập giá để
cứu “kẻ thù” của mình khỏi bị án phạt đời đời không? Động lực nào khiến Thiên Chúa làm chuyện hoàn
toàn vô lý như vậy nếu không phải vì tình yêu và lòng thương xót? Tình yêu có lý do riêng của nó là như thế đấy! “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực
yêu mến chúng ta” (Ê-phê-xô 2:4). Thánh
Phao-lô có viết bao nhiêu điều thần học sâu xa thì cũng là để quảng diễn chân
lý trên. Hoặc thánh sử Gio-an có viết cuốn
Tin Mừng và giả sử có viết hết mọi điều về Chúa Giê-su, thì cũng vẫn quy về
chân lý căn bản: “Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thiên
Chúa có cách tỏ tình độc đáo riêng của Người.
Người để cho Con Một của mình chịu chết treo cao trên thập giá để nói với
chúng ta rằng: Cha yêu chúng con, yêu vô
điều kiện, yêu đến độ không giữ lại cho mình bất cứ điều gì. Bà mẹ hỏi đứa con nhỏ yêu mẹ để ở đâu. Đứa bé để hai tay lên đầu. Còn nếu chúng ta hỏi Chúa Giê-su yêu chúng ta
thế nào, Người sẽ giang hai tay như khi Người ở trên thánh giá và trả lời chúng
ta: Cha yêu con nhiều như thế này đây! Tình
Chúa yêu chúng ta là tình yêu cứu độ, vì Chúa khẳng định: Ai tin vào Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô
thì được sống muôn đời. Con rắn đồng nhắc
nhớ cho dân Ít-ra-en quyền năng của Thiên Chúa, còn hình ảnh Chúa Giê-su chịu
đóng đinh vào thập giá nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót
và yêu thương chúng ta, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy mau mắn đáp lại
tình yêu trung thành của Người.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi