HẠT LÚA MÌ RƠI VÀO LÒNG ĐẤT…

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, năm  B

Gr 31,31-34  Dt 5, 7-9    Ga 12,20-33

 

 

Giờ tử nạn của Chúa Giêsu sắp tới. Hôm nay, Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem, do đó, có một số người Do Thái là dân ngoại bang nhưng họ lại có cảm tình với Do Thái giáo, họ lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua và ước ao được Chúa Giêsu. Họ muốn gặp Chúa Giêsu không chỉ để biết Ngài nhưng họ muốn hiểu thấu đạo về một con người mà xem ra họ cho rằng Ngài rất bí ẩn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đáp ứng nhu cầu của họ, mà Ngài lại tỏ cho họ biết vinh quang của Ngài, biết giờ của Ngài: giờ Ngài đi vào cuộc tử nạn…Ngài tự ví Ngài như hạt lúa mì rơi xuống đất…

 

Đọc lại những lời Kinh Thánh trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra nỗi thống khổ của dân Do Thái khi họ bị lưu đầy ở bên Ai Cập, cuộc đời của họ, dòng họ của họ và cả dân tộc của họ lâm cảnh lầm than cơ cực. Họ phải làm tôi tớ cho dân Ai Cập. Cuộc lưu đầy ở Babylon là một cuộc trừng phạt khủng khiếp. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa tình thương. Ngài luôn tỏ lòng thương xót. Giữa cảnh khốn cùng luôn lóe lên tia sáng, tia hy vọng. Thiên Chúa phán :”…Ta ký kết với dân Ta một giao Ước mới, Ta sẽ là Chúa của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa “. Thật là lời an ủi, khích lệ, và làm tăng thêm can đảm, sự hy vọng cho mọi người. Lời của Thiên Chúa sẽ được thực hiện nơi Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô :” …Máu của Chúa Giêsu sẽ đổ ra để chúng ta và nhiều người được tha tội “. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái cho thấy niềm hy vọng, ánh sáng lại bừng lên…Khi Chúa Giêsu được thánh Phaolô xác tín :” Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu và khi hoàn tất, Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho những kẻ tùng phục Ngài “. Chúa đã chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá để tiến tới vinh quang và trở ne6nm nguồn ơn cứu độ cho mọi ngưởi bởi vì “ Ơn cứu độ chứa chan nơi Người “. Chúa Giêsu vẫn là thắc mắc luôn mãi cho nhiều người và cho chúng ta bởi vì chỉ ai có đức tin mới hiểu được cái chết đau thương của Chúa Giêsu. Chúa tự ví mình như hạt lúa mì vùi sâu trong đất, phải thúi đi, nó mới trổ sinh bông hạt. Điều này cho hay, thân xác thánh của Chúa Giêsu cũng phải chết đi: chết khổ hình trên thập giá, rồi bị chôn vùi trong mồ ba ngày…Chúa sẽ khải hoàn sống lại. Hình ảnh chôn vùi trong đất là hình ảnh của sự chết. Giờ của Chúa Giêsu là giờ cuối cùng, giờ tử nạn, giờ được tôn vinh: giờ hoàn tất sứ mạng cứu thế của Ngài. Hạt lúa mì bị chôn vùi, thúi đi và bừng lên đầy nhựa sống. Hình ảnh này là hình ảnh phục sinh. Chúa Giêsu chết và Ngài đã chiến thắng tử thần bằng việc phục sinh vinh hiển. Chúng ta mỗi người đều có sứ mạng Phục sinh và loan báo Tin mừng Phục Sinh.

 

Thực Tế, chúng ta đã nhận ra giờ hấp hối của Chúa Giêsu. Tuy thánh Gioan không tường thuật trong đoạn Tin Mừng này về cuộc thống khổ của Chúa Giêsu.Nhưng chúng ta vẫn mường tượng rõ ràng cuộc thương khó của Chúa đã bắt đầu. Con rắn đồng trong sa mạc là tiên báo cái chết của Giêsu trên thập giá. Cái chết ấy minh chứng cách hùng hồn rằng “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) hoặc ”  Khi nào Ta bị treo lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “.

 

Linh mục André Guitton, S.s.s đã viết :” Qua dụ ngôn hạt lúa mì rơi xuống đất, ôi Giêsu, Chúa đã loan báo “ sự vinh quang “ đó, nhất thiết phải ngang qua cái chết và được táng trong mồ.Nhưng Chúa là chủ của số phận mình.” Giờ “ của Chúa là giờ Chúa tự do hiến cuộc đời mình. Hơn nữa, cái chết của Chúa không phải là sự chấm dứt một số phận, dù có rực rỡ đến đâu, nó là mầm mống của sự phục sinh và của cuộc đời viên mãn. Cũng như nắm lúa mì kia gieo xuống đất, và nó trở thành một mùa bội thu, trăm hạt nhờ một hạt… Ôi, Giêsu, giờ của Chúa, là giờ Chúa hiến cuộc đời mình trên thập giá, không chỉ cho “dân tộc” Itraen, mà để đoàn tụ trong sự hiệp nhất tất cả con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi ( Ga 11, 51 ). Cuộc hy tế của Chúa là ơn tha thứ cho mọi người đến với Chúa, dù là ai. Hy tế của Chúa là sự hòa giải và sự bình an cho mọi dân tộc “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến thập giá để chúng con sẵn sàng, mau mắn góp phần vào công cuộc cứu độ của Chúa  . Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

  1. Ai muốn gặp Chúa Giêsu dịp lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ?
  2. Họ đã nhờ vị tông đồ nào để họ có thể gặp gỡ được Chúa Giêsu ?
  3. Chúa Giêsu ví mình như hạt lúa mì, tại sao ?
  4. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá có ý nghĩa gì ?
  5. Mầu nhiệm Phục sinh nói gì cho chúng ta ?

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B