CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Cái chết của Chúa Ki-tô là nguồn ơn cứu độ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 12:20-33)
Trong dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su có
mặt tại Giê-ru-sa-lem, một số người Hy-lạp theo đạo Do-thái xin các môn đệ Chúa
giúp cho họ được gặp Người. Đáp lời thỉnh
cầu này, Chúa Giê-su lại nói với các môn đệ về giờ phút quan trọng nhất của sứ
mệnh mình: cái chết nhục nhã trên thập
giá. Thánh Phao-lô khẳng định cái chết của
Chúa Giê-su như tột đỉnh của sự vâng phục làm cho Người trở thành “nguồn ơn cứu
độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”. Còn chính Chúa Giê-su, Người ví cái chết của
Người giống với cái chết của hạt lúa được gieo vào lòng đất, để “nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, ba lần
Chúa Giê-su đã tiên báo cuộc Thương khó và cái chết của Người. Điều ấy làm cho các môn đệ thất vọng. Giờ đây họ đang có mặt tại nơi sẽ xảy ra điều
Người đã tiên báo, nên chắc họ cảm thấy nao núng. Nhưng Chúa Giê-su muốn họ nhìn cái chết của
Người theo ý nghĩa kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã ấn định. Trước hết, Người cho họ biết giờ chết của Người
là “giờ Con Người được tôn vinh”. Rồi để
giải thích “được tôn vinh” như thế nào, Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh cái chết của
hạt lúa là khởi đầu cho tiến trình “sinh được nhiều hạt khác”. Đúng vậy, khi hạt lúa gieo vào lòng đất, hơi ẩm
và những chất trong đất sẽ giúp cho mầm sống bên trong phát triển. Cái vỏ trấu bên ngoài bắt đầu nứt ra để mầm sống
bên trong xuất hiện. Hạt lúa không còn
“trơ trọi một mình”, nhưng đã mất đi hình dạng ban đầu để bước sang giai đoạn
phát triển mới: thành cây lúa, rồi lớn
lên, trổ đòng đòng, đâm bông hạt, từ một hạt lúa đơn độc biến thành trăm hạt
khác!
Mầm sống nơi Chúa Giê-su là sự sống
nguyên thủy xưa kia Thiên Chúa đã “thổi vào lỗ mũi” của A-đam (Sáng Thế
2:7). Nhưng sự sống nguyên thủy ấy đã bị
tội lỗi cướp đi khỏi ông và con cháu, để lại cái chết cho nhân loại. Nay Chúa Giê-su sắp lấy cái chết mà chính Người
đã bằng lòng chấp nhận, để chuộc lại lỗi lầm của A-đam và phục hồi cho nhân loại
sự sống nguyên thủy Thiên Chúa ban cho ông và con cháu. Quả thực Chúa Giê-su đã cho chúng ta hình ảnh
thật đẹp và cao quý về cái chết Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem. Cái chết của Người là tận cùng của hành động
“trút bỏ vinh quang” Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là khởi điểm để “Thiên
Chúa siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”
(Phi-líp-phê 2:8-9). Cái chết của Chúa
Giê-su đánh dấu “mức thập toàn” của bản thân Người và khởi điểm cho việc biến đổi
thân phận con người chúng ta. Nó hòa giải
nhân loại với Thiên Chúa, phục hồi cho họ phẩm giá làm con cái Chúa, căn tính mới
thay thế cho thân phận làm kẻ thù của Chúa.
Cái chết của Chúa Giê-su mở đầu cho giao ước mới như ngôn sứ Giê-rê-mi-a
loan báo: “Ta sẽ là Thiên Chúa của
chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Giê-rê-mi-a 31:33).
Mặc dù đã ý thức được ích lợi vô cùng
lớn lao do cái chết của Người, Chúa Giê-su vẫn có phản ứng giống như chúng ta
khi đứng trước cái chết. Người tâm sự với
các môn đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy rất
xao xuyến!” Rồi Người hướng về Chúa
Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này,
nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy
Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Tới đây, tiếng
Chúa Cha lập tức phụ họa và hỗ trợ tinh thần Chúa Giê-su: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” Những lời khích lệ này của Chúa Cha tiếp tục
đem lại niềm phấn khởi và lạc quan cho Chúa Giê-su. Thực tại bị đóng đinh thập giá tuy là sỉ nhục
và đau đớn, nhưng với Chúa Giê-su, thì “Phần tôi, một khi được giương cao lên
khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Phải, Người sẽ kéo nhân loại đứng dậy thoát
ách nô lệ tội lỗi và đồng hành với Người tiến về nhà Cha. Cái chết của Người báo động “giờ thủ lãnh thế
gian này sắp bị tống ra ngoài”!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thánh Phao-lô coi cái chết của Chúa
Giê-su là thước đo mức độ thập toàn của sự vâng phục Chúa Cha và là nguồn ơn cứu
độ đời đời cho “tất cả những ai tùng phục Người”. Chúng ta theo Chúa và sắp bước vào Tuần Thương
khó. Chúng ta hãy nhìn những kết quả
tích cực do cái chết của Chúa, đồng thời chuẩn bị cho mức thập toàn của chúng
ta!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi