CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
(Gioan 1,35-42 – CN II TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Trong
TM IV, bài tường thuât ơn gọi các môn đệ được ghép vào bên trong cái
khung gọi là “Tuần lễ khai mạc sứ vụ của
Đức Giêsu”.
- hai
ngày đầu : Gioan làm chứng (phủ định - khẳng định) ;
- ngày thứ ba (“hôm
sau”, Ga 1,35): lần này Gioan giới
thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (cc. 35-36);
- đoạn văn của chúng ta
(1,35-42) nằm ở vị trí này;
-
ngày thứ tư (“hôm sau”, 1,43): Đức Giêsu gọi Philípphê và Nathanaen;
- “ngày
thứ ba” (2,1): Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang” (2,11) tại Cana miền Galilê.
Các mốc về thời gian này có một ý
nghĩa mà chúng ta cần nắm vững, để hiểu được bản văn. Chúng ta sẽ phân tích các
nghĩa này trong truyện Tiệc cưới Cana (2,1-12).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1)
Hai môn đệ đầu tiên (1,35-39);
2)
Anrê (1,40-42a);
3)
Simôn (1,42b).
3.- Vài ghi chú về chú giải
- Ông Gioan đang đứng...
(35): Có một nhóm môn đệ thường xuyên ở quanh Vị Tiền Hô (x. Mc 2,18t; Mt 11,2; 14,12; Lc 11,1; Ga 3,25). Bản văn xác định tiếp rằng một
trong hai môn đệ là Anrê, em của Simôn (c. 41); còn người thứ hai thì vô danh.
Tìm
cách dung hòa bài tường thuật của TM IV với bài của các TMNL nói
về ơn gọi của các môn đệ (x. Mc
1,16-20) là chuyện vô ích. Chỉ có một điểm gặp nhau: hai anh em Simôn và Anrê ở
trong số những người được gọi đầu tiên. Còn các khác biệt quá lớn:
*
Theo Mc 1,29: Simôn ở Caphácnaum;
theo Ga 1,44: hai anh em gốc
Bétxaiđa.
* TM
IV không nói gì tới các con ông Dêbêđê, trong khi theo Mc 1,18-20, họ là cặp môn đệ thứ hai; Mc lại không hề nói
đến Philípphê và Nathanaen.
* Bối
cảnh cũng khác nhau: theo TM IV, các môn đệ đầu tiên thuộc nhóm của Vị
Tiền Hô, đã được ông hướng dẫn tới với Đức Giêsu; theo Mc, Đức Giêsu chỉ
kêu gọi các môn đệ sau khi Gioan bị bắt, và kêu gọi tại bờ hồ Ghennêsarét, chứ
không tại bờ sông Giođan, lúc đó họ đang làm nghề chài lưới.
* Ý
hướng tổng quát khác nhau: Theo Mc, đây là một biến cố bất ngờ lôi kéo
người ta ra khỏi cuộc sống hằng ngày để thi hành sứ mạng tông đồ; thật ra bản
văn Mc là một bản tóm về thần học ơn
gọi. Dường như bản văn Ga còn ghi giữ lại kỷ niệm lịch sử, đó là các môn
đệ đầu tiên của Đức Giêsu, và có thể chính tác giả, đã có lúc thuộc về nhóm
Gioan Tiền Hô.
- thấy Đức
Giêsu đi ngang qua (36): Hôm sau ngày làm chứng (cc. 29-34), trong khi Gioan còn
đứng đó, Đức Giêsu đã bắt đầu tiến đi: thái độ của Gioan tượng trưng rằng sự
nghiệp của ông đã đến lúc chấm dứt; thái độ của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu
cuộc đời của Người là một cuộc tiến bước thiêng liêng, sẽ đưa Người về với Chúa
Cha (x. Ga 14,28). Còn Gioan thì tức
khắc nói với hai người trong nhóm môn đệ đã đến để tìm ơn cứu độ nơi ông, rằng:
“Đây là Chiên Thiên Chúa”.
- Các anh tìm
gì thế? (38): “Tìm” (zeteô:
34 lần trong TM IV) có nghĩa là “tìm cách có lại những đồ vật đã bị mất
hoặc để lạc”. Trong ngôn ngữ Hy Lạp của Bản
LXX, đây là từ ngữ chuyên môn để nói về việc đi tìm Thiên Chúa, đặc biệt
tìm sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Kn
1,1-2a; 8,2.18 …). Trong tiếng Hípri, “tìm” là darash; darash
hattorah, “tìm Torah”, có nghĩa là giải thích Kinh Thánh.
- Thưa Rabbi,
Thầy ở đâu? (38): Rabbi là danh
xưng tôn kính để gọi các kinh sư.
- Thầy
ở đâu? (38): Trên môi các môn đệ, câu hỏi chỉ nhắm nơi Đức Giêsu
đang sống, để họ đến gặp, nhưng tác giả là người đã quen sử dụng các từ ngữ
theo hai ý, có lẽ cũng hiểu câu hỏi theo một nghĩa sâu hơn: “Thầy ở đâu về
phương diện thiêng liêng?”. Đối với ông, các môn đệ đã mặc nhiên thưa với Đức
Giêsu lời thỉnh cầu của Philípphê và của bất cứ người nào: “Xin tỏ cho chúng
con thấy Chúa Cha (nơi Chúa Cha, Thầy đang cư ngụ), như thế là chúng con mãn
nguyện” (14,8).
- Đến mà xem (39): Dịch sát là “Hãy
đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe. Mệnh lệnh cách erchesthe
có thể hiểu theo nghĩa điều kiện là “nếu như, với điều kiện”. Còn opsesthe là thì tương lai của động từ horaô, có thể hiểu như một lời
hứa của Đức Giêsu: TM IV có bốn động từ để diễn tả cái nhìn, từ cái nhìn
thể lý nhất đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất, đó là: blepein, theasthai,
theôrein, horan [idein]. Động từ sau cùng thuộc về lãnh vực
đức tin. Trong Ga 1,39, Đức Giêsu mời
các ông di chuyển về phía Người và có cái nhìn đức tin.
Câu
trả lời của Đức Giêsu ở đây cũng có một mức độ sâu hơn: việc khám phá ra nơi ở
trần thế của Người tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá ra nơi ở thiêng
liêng của Người. Bước đi theo Người theo cách thể lý, các môn đệ thấy nơi trú
ngụ của Người; hơn nữa, đã bước đi theo Người cách thiêng liêng bằng lòng tin,
họ cũng bắt đầu thấy được nơi ở thiêng liêng của Người, tức Chúa Cha: “Ai thấy
Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9).
- Họ ở lại với
Người (39): Đây là chặng đầu của
một cuộc chung sống đưa tới sự hiệp thông sâu xa nhất (x. 15,4). Trọn buổi
chiều, kể từ 4g, họ xem và ở lại với Đức Giêsu, về thiêng liêng cũng như về thể
lý. Buổi chiều hoặc đêm đáng ghi nhớ ấy mở đầu cho đời sống đức tin tròn đầy,
đã đưa Anrê và người môn đệ vô danh kia vào trong mầu nhiệm của đời sống Đức
Kitô và làm cho họ rất phấn khởi: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, Anrê reo lên
như thế khi gặp Simôn. Một niềm vui thiêng liêng bùng ra: theo các TMNL, đây là niềm vui được ban cho những
tâm hồn khám phá ra viên ngọc quý và kho tàng trên trời (x. Mt 13,44).
- Khoảng giờ
thứ mười (39): tức khoảng 4g chiều. TM IV quen ghi chú về thời
gian chính xác (x. 4,52; 18,28; 19,14; 20,19), nhưng hẳn là có một ý hướng biểu
tượng. Trong một số bản văn của Cựu Ước hoặc
của Do Thái giáo đương thời, số 10 là
con số hoàn hảo; vậy “giờ thứ 10” hẳn
là giờ hoàn tất và đánh dấu khởi đầu công trình của Đức Giêsu. Quả thế, ở 11,9,
“ngày” là một hình ảnh được dùng để gọi thời gian Đức Giêsu hoạt động ở trần
gian (x. thêm 9,4-5; 12,35). “Mười” là một con số hoàn hảo đối với các
triết gia phái Pythagore và triết gia Philô khiến Bultmann gợi ý rằng đây là
giờ của sự hoàn tất. Cũng có những tác giả cho rằng ngay hôm sau, bắt đầu vào
lúc mặt trời lặn, là một ngày sa-bát; do đó hai môn đệ đã phải ở lại với
Đức Giêsu để tránh di chuyển vào ngày ấy.
- Trước hết (prôton)
(41): Cuộc trò chuyện đã kéo dài trong đêm. Do đó, chúng ta hiểu là sáng hôm sau,
Anrê trước hết vội vã đi tìm anh
trước khi làm bất cứ việc gì.
- Chúng tôi đã
gặp Đấng
Mêsia (41): Dịch sát là “Chúng tôi đã tìm thấy/tìm ra Đấng Mêsia”
Heuriskein, tìm thấy, được dùng
thường xuyên trong phân đoạn này và phân đoạn sau. Anrê “tìm thấy/ra” Simôn,
báo rằng họ đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia. Sau được Đức Giêsu “tìm thấy/ra”,
Philípphê “tìm thấy/ra” Nathanaen và bảo rằng đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia.
- Anh sẽ được
gọi là Kêpha, tức là Phêrô (42): Kêphas
là từ Aram kêpha được hy-hóa, có
nghĩa là “tảng đá”. Cũng như từ rabbi
(c. 38) và Mêsia (c. 41), kêpha là từ Aram; điều này khiến chúng
ta lưu ý là có ba từ Aram trong cùng một đoạn văn. Hẳn là tác giả suy tư trong
ngôn ngữ này, hay ít ra ngài cũng rất quen thuộc các thuật ngữ Aram. Bản RSV dịch thành một câu hỏi: “So
you are Simon the son of John? Vậy anh là Simôn con ông Gioan à?”. Thật ra, bản
văn không gợi ý một câu hỏi. Còn việc Đức Giêsu đặt tên cho Simôn thì chúng ta
hiểu: Người ta đặt tên cho những người hoặc những vật thuộc quyền kiểm soát của
mình (x. St 2,20; Dn 1,7); các người cha đặt tên cho con
cái (Mt 1,25; Lc 1,63).
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Hai
môn đệ đầu tiên (35-39)
Truyện
hai môn đệ này chắc chắn có dấu vết những hoài niệm về một vài môn đệ.
Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, truyện mang tính điển hình để chia sẻ với độc
giả cái nhìn về đời môn đệ. Các biến cố xảy ra rất nhanh, trong cái khung giả
tạo bảy ngày: các môn đệ đầu tiên đến gặp Đức Giêsu, rồi Đức Giêsu gọi Phêrô,
Philípphê, Nathanaen. Cuối cùng toàn chương kết thúc với lời Đức Giêsu long
trọng mạc khải về chính mình: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời
rộng mở, và các thiên sứ của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).
Trước
khi truyện đạt tới đỉnh cao này, tác giả ghi lại lời chứng của Gioan. “Thấy Đức
Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’” (Ga 1,36). Lời này nhắc lại lời nói trong
hoạt cảnh ở c. 29, chỉ khác là thuộc về ngày hôm sau. Đây là “cấu trúc trôn ốc”
quen thuộc của tác giả. Người thường xuyên trở lại với những đề tài cũ, cứu xét
chúng từ những viễn tượng khác, thăm dò, và chia sẻ với các độc giả sự phong
phú đặc biệt của những thực tại Người đề cập đến (x. Ga 20,19-23).
Lúc
đó Gioan [và hai môn đệ] được mô tả là “đang đứng” (heistêkei). Có vẻ
như thể ông đang chờ chuyện gì đó xảy ra. Trong TM IV, hành động duy
nhất có ý nghĩa mà Gioan làm, đó là làm chứng. Vì lúc này Đức Giêsu chưa
xuất hiện, hành động đó chưa xảy ra được. Như ngày hôm trước, Gioan thấy Đức
Giêsu bước đi và đã giới thiệu Người (Ga
1,29), sang ngày hôm sau, một lần nữa, Gioan lại công bố Đức Giêsu là Chiên
Thiên Chúa. Hoạt cảnh của ngày hôm qua cho biết ý nghĩa của tên gọi bí ẩn này;
hoạt cảnh hôm nay cho thấy hậu quả của lời loan báo ấy. Ông mời họ rời xa ông
để gắn bó với Đấng Cứu thế duy nhất chân thật.
Do
được thầy giới thiệu, hai môn đệ đã quyết định đi theo Đức Giêsu. Ơn gọi của
họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một người khác, không phải bởi “ánh
sáng” nhưng bởi “chứng nhân của ánh sáng” (1,8; 3,3). Tác giả không nói gì đến
hoàn cảnh thời gian, không gian, tâm lý của các nhân vật: đây cũng là một lược
đồ. Ý thức về sự khác biệt giữa tiếng nói và Đấng được tiếng nói làm chứng cho,
hai môn đệ bước theo Đức Giêsu.
Hẳn
là vì nghe tiếng bước chân, Đức Giêsu quay lại, và thấy các ông đi theo mình.
Người hỏi thẳng: “Các anh tìm gì thế?” (Ga
1,38). Những người đi theo thưa với Người là rabbi, không trả lời câu
hỏi của Người, mà lại hỏi Người ở đâu. Thay vì cung cấp một câu trả lời
trực tiếp, Đức Giêsu mời hai người đến và xem nơi Người ở. Hai ông đã nhận lời
mời và đi với Người đến nơi Người ở, nơi này là nơi nào chúng ta không biết.
Lúc đó vào khoảng giờ thứ 10 (= 4g chiều, hay là 5/6 ngày đã trôi qua), tức đã
muộn. Có lẽ họ đã qua đêm với Người. Chi tiết về thời gian này có ý nghĩa gì
với tác giả không? Rất có thể chi tiết này gợi ý rằng đây là giờ của sự hoàn
tất. Điều đánh động trong mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên
của Gioan, đó là họ xưng hô với Đức Giêsu là rabbi. “Thưa rabbi”.
Rabbi là từ ngữ thường được dùng để bày tỏ lòng tôn kính; TM IV
thường dùng từ ngữ này vào những dịp tường thuật các cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu
với người khác. Những người được hưởng nhờ quyền lực siêu phàm của Đức Giêsu
cũng gọi Người là Rabbi. Rabbi có nghĩa chữ là “thầy tôi” (didaskalos),
thường được các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng, nhưng sau này chỉ
còn nghĩa là “thầy”.
Trong
TM IV từ đầu cho đến đây, không chi tiết nào cho thấy Đức Giêsu là một
thầy giáo. Không một điều gì gợi ý là dân chúng mong ước Đấng đang đến
là một thầy dạy. Trong TM này, từ ngữ rabbi cũng không
được sử dụng nhiều: 7 trên 8 lần được các môn đệ Đức Giêsu sử dụng (1,38.49;
3,2; 4,31; 6,25; 9,2; 11,8); lần còn lại được đặt trên môi của các môn đệ nhìn
nhận Gioan là thầy họ (3,26).
Hai
môn đệ vô danh “bước theo” Đức Giêsu. Trong hy-ngữ, “bước theo” (akoloutheô)
có nghĩa là “đi đàng sau một người”; “trở thành môn đệ” (nghĩa ẩn dụ). Thay vì
theo Gioan, bây giờ họ bước theo Đức Giêsu. Họ đã học với Gioan; nay họ phải
học với Đức Giêsu. Chính vì thế, họ gọi Người là rabbi. Đây là cách tác
giả diễn tả đòi hỏi từ bỏ tận căn được nói đến trong các TMNL (x. Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22): hoặc
họ là môn đệ của Đức Giêsu hoặc họ là môn đệ của Gioan. Không thể có thỏa hiệp.
Đây không còn phải là quyết định triệt để trở thành môn đệ bằng cách từ bỏ
những của cải vật chất nữa để đi theo một vị thầy du thuyết; đúng hơn,
đây là từ bỏ một dấn thân đầu tiên trong đức tin của mình.
Nhưng
ở đây không chỉ có vấn đề một dấn thân tận căn. Tác giả diễn tả xác tín
của mình là những ai đã thật sự học nơi Gioan, những ai đã thật sự hiểu ý nghĩa
của lời chứng của Gioan, thì trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Các môn đệ của
Gioan tìm được vị trí đúng đắn của họ trong cuộc đời khi họ trở thành môn đệ
của Đức Giêsu. Những ai đã chú ý thật sự đến lời chứng của Gioan thì phải đi
vào nhóm môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ý nghĩa biểu tượng và cũng là ý nghĩa
đích thật của bài tường thuật.
Câu
hỏi mở đầu của Đức Giêsu cũng lạ: “Các anh tìm gì thế?”, một câu hỏi trên bình
diện tường thuật thuần túy chỉ có nghĩa là “Các anh muốn gì?”. Họ không đáp lại
bằng một câu trả lời, nhưng bằng một câu hỏi: “Thầy ở đâu?”. Nếu so sánh
với ba TMNL, ta thấy những lời đầu tiên Đức Giêsu nói công khai được các
TM ấy ghi lại đều có chất chứa một chương trình cho toàn thể TM (Mt
3,15; Mc 1,15; Lc 4,21), còn TM IV thì thế nào?
Có
thể cho rằng tác giả trình bày các môn đệ đầu tiên của Gioan như là những cá
nhân đang theo đuổi sự Khôn Ngoan thần linh. Tuy nhiên, Đức Giêsu chính là hiện
thân của sự Khôn Ngoan thần linh. Thật khôi hài, những người đi tìm sự Khôn
Ngoan thần linh lại tìm thấy sự Khôn Ngoan hiện thân khi họ bước theo Đức
Giêsu. Rồi tác giả cũng cho thấy Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh, và thường quy chiếu về bản thân Người. Chẳng hạn, Người
thực hiện một midrash[1]
về Tv 78,24 trong Diễn từ về bánh ban
sự sống (Ga 6,26-51). Từ cách hiểu
tổng quát về Đức Giêsu như thế, rất có thể tác giả mô tả hai môn đệ đi đến với
Đức Giêsu như đến với người có thể giải thích Kinh Thánh. Nếu vậy, hẳn là họ đã có lý khi thưa rabbi (Ga 1,38), nhưng danh hiệu này cũng phản
ánh cách các thành viên của cộng đoàn tác giả hiểu về Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi
của hai ông “Thầy ở đâu?” đã được Đức Giêsu nâng lên một bình diện ý
nghĩa khác (x. phản ứng của Đức Giêsu đối với câu nói của Đức Maria tại tiệc
cưới Cana: Ga 2,3-4), khi Người bảo
các ông bằng một câu nặng chất đức tin: “Hãy đến và các anh sẽ xem
thấy”.
Hai
môn đệ hỏi: “Thầy ở đâu?”. Câu hỏi này không đơn giản như thoạt nhìn. “Ở/ở lại”,
menô, là một động từ tác giả rất ưa chuộng (Ga: 40 lần; truyền thống Gioan 28 lần (1 Ga: 24x; 2 Ga: 3x; Kh: 1x)[2].
Động
từ này được TM Ga dùng theo các nghĩa
sau[3]: (1) Nghĩa thông thường:
“Ở lại” hoặc “sống” tại một nơi nào đó (1,39; 2,12; 4,40; 12,24). Thường, ý
nghĩa địa dư này chuyển sang nghĩa thần học; (2) Nghĩa thần học: “Ở lại” thường
gợi lên một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong lịch sử cứu độ. Đức
Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào Người (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Đám đông nói rằng Đấng
Kitô “ở lại” (tồn tại) mãi mãi (Ga
12,34), nhưng tác giả gợi ý rằng Đức Giêsu ở lại Nhà của Cha Người (Ga 8,35). Trong các bài diễn từ cáo biệt
(Ga ch. 13–17), tác giả trình bày
rộng rãi ý nghĩa đích thực của “ở lại”. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn
bị một chỗ cho các môn đệ để họ được ở với Người (Ga 14,2-3). Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”,
mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có một sự “ở lại trong
nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong
họ (Ga 15,4.5.7). Ý nghĩa tối hậu của
bí tích Thánh Thể là: đây là một phương tiện để ở trong nhau và hiến
mạng sống cho nhau (Ga 6,56). Đây là
một tình trạng cánh chung mà mọi tín hữu có thể sống ngay lúc này, nếu tuân giữ
giới răn yêu thương (Ga 15,10; x. 1 Ga 4,12.16).
Tất
cả những điều này đã được tiên báo khi Đức Giêsu mời hai môn đệ vô danh đến và
xem Người ở đâu. Không phải là Người muốn họ đến mà thăm cái lều người Ả Rập du
cư (bedouin) hoặc một nhà trọ nào bên đường. Người mời họ đến mà nhận
thấy rằng Người đang ở với Chúa Cha và Chúa Cha đang ở với Người. Họ đến mà
trải nghiệm rằng sống chung với Người chính là điều duy nhất quan trọng của đời
sống Kitô hữu.
Cũng
như Gioan đã thấy (horaô) Thần Khí ở lại (menơ) trên Đức Giêsu,
các môn đệ được mời xem/thấy (horaô) nơi Đức Giêsu ở (menô). Đây
không phải là một vấn đề nhìn xem bằng cặp mắt thể lý, mà là một nhận
thức nhờ đức tin. Như Gioan đã trải nghiệm cái nhìn mà Thiên Chúa đã hứa (cc.
32.34), các môn đệ cũng chấp nhận lời mời của Đức Giêsu: “Hãy đến và các anh sẽ
xem thấy, erchesthe kai opsesthe” (1,39). Một lời mời gọi (các anh
hãy đến) và một lời hứa (các anh sẽ thấy). Họ đã đến, tức là
rời bỏ vị trí, quan điểm, lập trường của họ, để đi vào vị trí, quan điểm, lập
trường của Đức Giêsu, và họ đã “xem thấy”. Họ đã nhận ra nơi Đức Giêsu đang ở
thật sự.
* Anrê (40-42a)
Đến
đây, tác giả cho biết một trong hai môn đệ ấy là Anrê, em của Simôn Phêrô.
Truyền thống và nhiều nhà chú giải hiện đại nghĩ rằng người môn đệ vô danh kia
chính là người môn đệ Chúa thương mến. Truyền thống cũng đã đồng hóa tác giả TM
IV với người môn đệ Chúa thương mến và đồng hóa người môn đệ Chúa thương
mến với Gioan, con ông Dêbêđê. Các học giả Kinh
Thánh hiện đại khá dè dặt đối với các kiểu đồng hóa này. Dù sao, không có
gì chắc chắn để chúng ta có thể đồng hóa người môn đệ vô danh trong Ga 1,35-39 với con ông Dêbêđê (Giáo sư
Boismard nghĩ là Philípphê). Quả thế, nếu con ông Dêbêđê là bạn của Anrê vào
dịp họ được gọi làm môn đệ, thì đây hẳn là lần duy nhất trong toàn bộ Tân Ước, Gioan con ông Dêbêđê đi đôi với
Anrê. Thông thường Gioan đi đôi với anh là Giacôbê (x. chẳng hạn Mt 4,21; Mc 3,17; Lc 5,10…), còn
Anrê thì đi đôi với anh là Phêrô (x. Ga
1,40-42). Simôn Phêrô chưa xuất hiện, nhưng vì ông được biết nhiều, nên chỉ cần
nêu tên ông ra là có thể xác định được Anrê. Trong truyền thống của Hội Thánh
sơ khai, Anrê chỉ là em của Phêrô thôi (Mt
4,18; 10,2; Mc 1,16 (29); Lc 6,14). Tuy nhiên tác giả TM IV
có cách phác họa riêng Anrê.
Trong
các TMNL, tên Anrê luôn xuất hiện trong một danh sách. Danh sách
này có khi chỉ có hai tên (Mt 4,18; Mc 1,16.29), có khi bốn tên (Mc 3,18; Cv 1,13), có khi mười hai tên (Mt
10,2; Mc 3,13; Lc 6,14), nhưng không cho thấy Anrê có phận vụ gì cả. Anrê chỉ là
em và bạn đồng hành của Phêrô hoặc là một trong Nhóm Mười Hai. Nhưng với
TM IV, Anrê được phác họa ra như một người môn đệ đích thực của
Đức Giêsu. Thậm chí ông còn là một môn đệ có điều gì đó mà nói ra. Ông
nói với anh mình (Ga 1,41), và ông
nói với Đức Giêsu (Ga 6,9; x. 12,22).
Rõ ràng là tác giả có một “luận đề về đời môn đệ” (Ga 1,35-39) và ngài tìm cách minh họa luận đề này bằng “ví dụ
Anrê”.
Đối
với ngài, Anrê là một con người bằng xương bằng thịt, xuất thân từ một
thành phố có thật: Bétxaiđa (Ga
1,44), một thành của miền Galilê (Ga
12,21). Anrê là một môn đệ đã đi theo trọn chương trình về đời môn đệ.
Ông đã nghe lời chứng về Đức Giêsu. Ông đã bước theo Đức Giêsu. Ông đã nêu
chứng từ về Đức Giêsu cho những người khác. Nhận lời chứng về Đức Giêsu, trở
thành một môn đệ, và cống hiến chứng từ về Đức Giêsu cho những người
khác như một cách diễn tả đời môn đệ của mình, đây là cái mô hình đơn
giản (pattern) thông thường về đời môn đệ theo cái nhìn của TM IV.
Cũng như Anrê có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho anh mình (Ga 1,41), Philípphê cũng có điều gì đó
mà nói về Đức Giêsu cho Nathanaen (1,45), và người phụ nữ Samari cũng có điều
gì đó mà nói về Đức Giêsu cho các dân trong thành của bà (4,29.39). Trong cái
chuỗi phản ứng từ chứng từ đến chứng từ này, Tin Mừng tiếp tục được loan báo và
người ta có thể tin.
Tác
giả ghi nhận là “trước hết (prôton), ông đi tìm gặp (heuriskei) anh mình” (Ga 1,41). Điều đầu tiên mà người môn đệ mới này đã làm là đi tìm
anh mình và nói về Đức Giêsu cho anh. Đã được đưa vào trong “phong trào” của
các môn đệ Đức Giêsu, Anrê phải kể cho ai đó về Đức Giêsu, và anh ông là Simôn
là người may mắn hưởng nhờ chứng từ của ông đầu tiên. “Chúng tôi đã tìm thấy
Đấng Mêsia (messian)”. Một lần nữa,
tác giả dịch một công thức Hípri (mashiah)
ra tiếng Hy Lạp: “nghĩa là Đấng Kitô (christos)”.
Vì tác giả cho thấy Anrê làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Kitô), ta có một
sự xác nhận là lời chứng của Gioan nói rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Ga 1,34) là chứng từ về tư cách Mêsia
của Người. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Anrê đã nhận ra sự thật của lời chứng
của Gioan. Trước đây, Anrê đã được mô tả như là một người đang đi tìm
(1,38); bây giờ ông được giới thiệu như là người đã tìm thấy. Kẻ đi tìm đã tìm
thấy nơi Đức Giêsu điều ông vẫn đang đi tìm lâu nay.
Lúc
đầu Anrê đã gọi Đức Giêsu là Rabbi, “thầy của con”, bây giờ ông gọi
Người là Mêsia, “Đấng được xức dầu”. Khi tác giả phác họa các môn đệ
thưa với Đức Giêsu như một rabbi, thường ngài mô tả cho thấy các môn đệ
này đến với Đức Giêsu và đặt một câu hỏi (Ga 1,38; 6,25; 9,2;11,8) để được chỉ giáo thêm. Đấy là thói quen
của các học trò Do Thái. Các môn đệ ra khỏi cuộc gặp gỡ, đã học thêm được điều
gì từ nơi thầy. Đây là trường hợp
của Anrê, cũng như sau này là trong của Nathanaen (1,49) và Maria Mácđala
(20,16.18).
Nói
rằng tác giả coi Anrê là một môn đệ đích thực của Đức Giêsu, điều này
được nêu rõ qua lời tuyên xưng đức tin của ông vào Đức Giêsu. Ông công bố: “Chúng
tôi đã đã tìm thấy (heurêkamen) Đấng Mêsia” (Ga 1,41). Ở bình diện tường thuật, “chúng tôi” đây là Anrê và người
môn đệ vô danh. Ở một bình diện sâu hơn, “chúng tôi” đây, theo truyền
thống Gioan, là toàn thể nhóm của tác giả đang tuyên xưng niềm tin vào Đức
Giêsu Mêsia qua môi miệng Anrê.
Như
thế, trong bài tường thuật rất ngắn về vai trò của Anrê (Ga 1,[35-39].40-41), tác giả phác họa Anrê như là người môn đệ đích
thật. Điều đáng lưu ý, đó là Anrê được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lý tưởng dấn thân
làm môn đệ đến nỗi ông đi tìm anh để kể về Đức Giêsu và đưa anh tới với Đức
Giêsu. Nếu có một nét căn bản, không thay đổi, mà TM IV rút ra được từ
dung mạo Anrê, đó là Anrê đưa người ta đến với Đức Giêsu.
*
Simôn (42b)
Simôn
Phêrô là một dung mạo quen thuộc với độc giả, vì ông được nêu tên như
thế (Ga 1,40), dù sau đó hai câu, tác
giả xác định là tên thật của ông là Simôn (1,42), còn Phêrô là biệt danh Đức
Giêsu ban cho ông.
Simôn
được em là Anrê giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng Mêsia rồi cũng được em giới
thiệu với Đức Giêsu. Như thế, con đường Simôn Phêrô theo để đến với Đức Giêsu
là con đường thông thường: ông được một người đã tin làm chứng và đưa
đến với Đức Giêsu; ông chấp nhận chứng từ đó và đích thân đến gặp Đức Giêsu và
khám phá ra quan hệ duy nhất giữa ông với Người.
Vậy
Simôn Phêrô là một môn đệ khác của Đức Giêsu. Nhưng có điều gì đó chỉ có
nơi người môn đệ này. Được đưa đến với Đức Giêsu nhờ lời tuyên xưng của em vào
Đấng Mêsia, Phêrô được Đức Giêsu ngỏ lời với theo cách huyền bí: “Anh là Simôn,
con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga
1,42). Công thức này, được Đức Giêsu nói ra trong khi Người nhìn ông, tương tự
công thức mạc khải có ở Ga
1,29.36.47; 19,26-27.
Đức
Giêsu đặt cho Simôn một tên mới, tác giả ghi nhận điểm này để nêu bật
quan hệ có một không hai giữa Simôn Phêrô và Đức Giêsu, nhưng cũng để
cho thấy Đức Giêsu có một uy quyền. Khi đặt tên cho Phêrô, Đức Giêsu
cũng còn muốn xác định cho ông một căn tính mới, một vai trò mới trong
cuộc sống, thậm chí một định mệnh mới (x. Abram và Giacóp: St 32,38; 35,10). Nói đến tầm quan trọng
của tên mới của Simôn, chúng ta đều nhớ đến đoạn văn Mt 16,15-19. So với hoạt cảnh tương đối dài đó được Mt mô
tả, bản văn của TM IV thật quá ngắn; nó chỉ tương tự với những câu ngắn
nói về việc đổi tên ở Mt 10,2; Mc 3,16 và Lc 6,14, chứ không sánh được với bản văn Mt 16. Có thể nói kịch bản này là do tác giả TM IV sáng tác
ra cho phù hợp với phần tường thuật của chương 1 của TM. Tuy nhiên, tác
giả không suy diễn gì về việc đổi tên hay về ý nghĩa của tên mới cả. Ngài chỉ
dịch tên Aram mới Kepha’ thành một
tên Hy Lạp mới tương đương là “Phêrô” (Petros) thôi. Ngài cũng chẳng
nói gì đến tảng đá, và càng không nói đến Hội Thánh xây trên một tảng
đá. Ngài cũng không có một suy tư gì về vai trò của Phêrô như người giữ
cửa với quyền chìa khóa. Dù sao, đối với tác giả, tên mới này quan trọng, bởi
vì ngài thường xuyên gắn nó vào tên Simôn (trừ hai lần chỉ có tên Simôn, tất
nhiên: Ga 1,41.42, và vài lần chỉ có
tên Phêrô: 1,44; 13,37; 18,11.16.17.18.26.27; 20,3.4; 21,7.17.20.21). Chúng ta
sẽ có một dung mạo Simôn rõ ràng hơn khi đọc trọn TM IV.
+ Kết luận
Trong
bài tường thuật này, có những yếu tố chính của một ơn gọi làm môn đệ: 1) gặp gỡ
đích thân Đức Giêsu; 2) khám phá ra Đức Giêsu là một con người siêu phàm; 3)
cuối cùng, thay đổi định mệnh. Cuộc đời mỗi người là một chuyến “đi tìm”
Đức Giêsu, được Người dẫn dắt, rồi sau khi đã thực sự “tìm ra, tìm thấy” Người,
thì đi giới thiệu cho người khác. Đấy là một chu kỳ giúp mọi người tin Đức
Giêsu và được cứu độ.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Chúng ta nghĩ đến sự thẳng thắn và cương trực của Gioan Tiền Hô. Ông đã làm
chứng về Đức Giêsu, đã giới thiệu Người là Đấng Mêsia. Sau đó, ông đã chứng
kiến các môn đệ rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu: điều ông nói đang được thể
hiện, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Báo trước những thất thế của mình đã là khó, nhưng vẫn
còn dễ hơn là bình thản sống những thất thế đó khi chúng xảy đến. Gioan biết
mình là ai và đã can đảm sống sứ mạng cho đến cùng.
2.
Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức quan trọng: “Hãy đến và các anh sẽ
thấy!”. Tất cả mọi chuyện đều nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức
Giêsu không giao cho những kẻ đi theo Người một quyển sách chứa đựng các
giáo thuyết và điều luật phải học và phải tuân giữ, nhưng Người kêu gọi họ đi vào
một tương quan riêng tư với Người, đi vào hiệp thông với Người. Phần họ,
họ không được giữ một khoảng cách an toàn với Người để mà chỉ việc quan
sát, nhưng phải dấn thân vào, phải đi với Người, phải đưa bước trên nẻo đường
Người đi.
3. Có
những thành kiến nào có thể ngăn cản người ta nhận biết Đức Giêsu? Có điều gì
đang ngăn cản tôi, về phương diện trí thức hoặc tình cảm, khiến tôi không nhận
ra Người là Con Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa? Lâu nay tôi tự hào là
mình đi theo Đức Giêsu, mình là môn đệ của Người, thật ra quan hệ của tôi với
Người có thật sự sống động không? Nếu không, vì sao? Dường như tôi chưa thật sự
“đến” với Người, nên cũng chưa thật sự “thấy” được điều Người muốn mạc khải
cho?
4.
Anrê không gặp Simôn Phêrô tình cờ, nhưng đã chủ ý đi tìm ông này, để đưa ông
tham dự vào kinh nghiệm mới mẻ và lạ lùng của ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng
Mêsia”. Anrê không chỉ giới hạn vào việc làm chứng, ông còn dẫn Simôn đến gặp Đức
Giêsu. Có vô số nẻo đường cụ thể đưa người ta đến với Đức Giêsu: tôi nghĩ đến
những nẻo đường đã đưa tôi đến với Người. Trên các nẻo đường này, có lời chứng
và gương sáng của những người khác góp vào. Nhưng chắc chắn phần quan trọng vẫn
là kinh nghiệm thiết thân tôi có về Đức Giêsu. Hôm nay, phải chăng tôi là một
Anrê đưa được người khác đến với Đức Giêsu, không phải chỉ bằng lời nói
suông, mà bằng chính kinh nghiệm sống tôi đã và vẫn đang có?
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
[1] Midrash: Một cách chú
giải Kinh Thánh theo kiểu các kinh
sư. Thường các kinh sư lấy các câu văn Cựu Ước rồi diễn dịch, và ghép vào bản
dịch của mình những chi tiết mang tính huyền thoại hoặc tưởng tượng, để giáo
dục dân chúng.
[2] X. Morgenthaler, Statistik,
119, và R. E. Brown, John I, 510. Các tác phẩm Tân Ước khác: TMNL: 12x [Mt 3x; Mc 2x; Lc 7x]; Cv: 13x; Phaolô: 17x (Rm 1x; 1 Cr 8x; 2 Cr 3x; Pl 1x; 1 Tm 1x; 2 Tm 3x); Dt: 6x; 1 Pr: 2x.
[3] Có thể đọc những gợi ý phong phú
về ý nghĩa của menô trong Lê Minh
Thông, Tình yêu và tình bạn,
65-78.