CN II THƯỜNG
NIÊN B
1 Sm 3,3b-10.19
; 1 Cr 6,13c-15a.17-20 ; Ga 1,35-42
HÀNH TRÌNH
CỦA ĐỨC TIN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:
Ga 1,35-42
(35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người
trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền lên
tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền
đi theo Đức Giêsu. (38) Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình,
thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa
Thầy), Thầy ở đâu?”. (39) Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã xem chỗ
Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ
thứ mười. (40) Ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, là một trong hai người
đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giêsu. (41) Trước hết, ông gặp em
mình là ông Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là
Đấng Ki-tô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu
nhìn ông Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi
là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
2. Ý CHÍNH:
CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN THEO ĐỨC GIÊ-SU.
Sau khi được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su,
hai môn đệ của Gio-an là An-rê và Gio-an đã đi theo đến nơi Người sống
và đã ở lại với Người hôm ấy. Sau khi đã tin Đức Giê-su là Đấng Cứu
Thế, An-rê lại giới thiệu Người với em là Si-mon. Ong dẫn em đến gặp
để làm môn đệ và cộng tác với Người trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Nước Trời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 35-37:: +“Đây là Chiên Thiên Chúa”: Đức Giêsu là “Con chiên bị đem đi làm thịt” (x. Is
53,7), trở thành lễ vật “bị sát tế” trong cuộc khổ nạn (x. Lv 4,32).
Máu Người đổ ra sẽ tẩy xóa tội lỗi và ban cho muôn người được ơn tha
tội (x. Mt 26,28). Đức Giêsu cũng là người “Tôi Trung Đau Khổ” được Đức
Chúa tuyển chọn và yêu mến mà ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm (x. Is 42,1).
+Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu: Hai môn
đệ của Gio-an Tẩy Giả là An-rê và Gio-an đã nghe lời Gio-an Tẩy Giả,
từ giã thầy để theo làm môn đệ Đức Giêsu.
- C 38-39: +Giờ thứ 10: Người Do
Thái chia ngày thành 12 giờ, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Giờ thứ
10 tức là 4 giờ chiều.
- C 40-42: +“Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”
(nghĩa là Đấng Ki-tô): Nhờ gặp gỡ Đức Giêsu một thời
gian mà hai môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đã xác tín Người chính là
Đấng Mê-si-a như Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu. An-rê lập tức về nhà
rủ em là Si-mon: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Mê-si-a rồi!”. Rồi ông
dẫn em đến gặp Đức Giêsu. +“Anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là
Phê-rô): Vị tôn sư có quyền thay tên của người xin theo
học bằng một tên gọi mới. Tên mới này mang ý nghĩa tượng trưng mà
vị tôn sư muốn cho học trò đạt được. “Kê-pha” là tiếng A-ram mà người
Do Thái thời Đức Giêsu xử dụng, nghĩa là “Tảng đá”, tiếng Việt là
“Phê-rô”. Đặt tên Phê-rô cho Si-mon, Đức Giê-su muốn ông sau này sẽ nên
đá tảng, trên đó Người xây dựng Hội Thánh của Người (x Mt 16,18).
4. CÂU HỎI:
1- Khi giới thiệu Đức Giê-su là con chiên Thiên Chúa, Gio-an Tẩy Giả
muốn nói gì về sứ mạng cứu thế của Người? 2- Hai môn đệ của Gio-an
vâng lời Thầy để theo làm môn đệ Đức Giê-su là hai ông nào? 3- Giờ của
người Do thái được tính như thế nào? 4- Hai môn đệ của Gio-an Tẩy Giả
đã làm gì sau khi tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai? 5- Đức Giê-su đã
đặt tên Kê-pha cho ai và tên đó có ý nghĩa thế nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
Ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an
nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-mon và
nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông
dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42a).
2. CÂU CHUYỆN: GIỚI THIỆU CHÚA CHO THA NHÂN.
Vào một ngày nọ, một ông cụ khoảng 70 tuổi được
đưa vào phòng cấp cứu tại một bệnh viện tư trong thành phố. Ông đang
trong tình trạng suy tim và khó thở vì bệnh thấp khớp thời kỳ cuối.
Sau khi đã được bác sĩ chích thuốc trợ tim và cho uống thuốc giảm
đau, ông cụ đã tỉnh táo hơn. Bấy giờ một y tá đến bên hỏi ông mấy
câu để điền vào tờ phiếu nhập viện. Khi cô y tá hỏi: “Ông quý trọng
tôn giáo nào nhất?” thì vẻ mặt ông cụ rạng rỡ hẳn lên. Ông tâm sự
với cô y tá rằng: “Từ trước đến nay tôi cứ ước mong có ai hỏi tôi về
tôn giáo, và mãi đến hôm nay cô là người đầu tiên hỏi tôi câu ấy.
Thực ra từ nhỏ tới lớn tôi chưa chính thức theo đạo nào. Còn bây giờ
thì tôi muốn theo đạo Công Giáo. Lý do là vì cách đây mười năm, khi
tôi còn đi lại bình thường, mỗi sáng sớm tôi đều chạy đến công viên
gần nhà tập dưỡng sinh. Tại đó tôi đã làm quen với một ông bạn công
giáo. Chúng tôi thường ngồi trao đổi hàng giờ về các vấn đề thời
sự quốc tế trên đài truyền hình hay báo chí, trong đó có vấn đề tôn
giáo. Nhờ vậy tôi đã hiểu về đạo công giáo và tự nhiên tôi muốn theo
đạo này. Tuy nhiên, tôi đã gặp phải trở ngại từ phía gia đình nên
chưa làm theo ý nguyện được. Đàng khác tôi cũng ngại bày tỏ ý muốn
với ông bạn của tôi. Rồi khi ông ta đi xuất cảnh, thì tôi không còn
liên lạc gì nữa vì bị mất địa chỉ của ông. Từ đó, tôi để tâm
tìm một người nào khác giúp đỡ. Tuy nhiên, dù đã gặp khá nhiều
người công giáo, nhưng tôi chẳng thấy ai sẵn sàng trao đổi với tôi về
đạo giống như ông bạn cũ của tôi. Gần đây, bệnh thấp khớp
của tôi ngày một nặng hơn. Tôi tự nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được
bao lâu nữa và càng mong sớm hoàn thành tâm nguyện là gia nhập vào
đạo công giáo. Do đó hôm nay khi nghe cô hỏi về tôn giáo thì tôi rất
vui. Bây giờ, ước nguyện duy nhất của tôi là gặp một linh mục để xin
theo đạo”. Sau đó, cô y tá người công giáo này đã liên lạc và mời
được một linh mục đến ban phép Rửa Tội cho ông cụ trước khi ông nhắm
mắt lìa đời. Ông đã ra đi trong sự thanh thản, vì giờ đây cái chết
đối với ông trở thành niềm hy vọng, và là một cuộc hành trình về
Thiên Đàng để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của ông.
3. SUY NIỆM:
1) Những cuộc
giới thiệu Đức Giê-su trong Tin Mừng: Tin
mừng Gio-an nhiều lần đề cập tới việc giới thiêu của ông An-rê. Hôm nay An-rê đã
giới thiệu Đức Giê-su cho em ông là Si-mon: "Chúng tôi đã gặp Đấng
Mê-si-a" (Ga.1,41). Rồi sau đó đã dẫn em đến gặp Người. Lần khác,
ông đã dẫn cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" giới thiệu với
Đức Giêsu, để rồi sau khi đã cầu nguyện tạ ơn, Người đã nhân mấy chiếc bánh và
cá đó ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người ăn no. Rồi lần thứ ba, khi Đức
Giê-su vào Giê-ru-sa-lem trước cuộc khổ nạn, cũng chính An-rê đã giới thiệu mấy
người Hy Lạp đến gặp Đức Giê-su, khiến Người đã nhận ra dấu chỉ đã đến giờ
Người ban ơn cứu độ bằng việc chịu chết trên thập giá (x, Ga 12,31-32).
2) Hiệu quả
của việc giới thiệu Chúa cho tha nhân: Nếu
An-rê không giới thiệu em ông là Si-mon với Đức Giê-su thì có lẽ Hội Thánh ngày
nay không được xây dựng trên Tảng Đá dức Tin của Phê-rô. Nếu An-rê không
giới thiệu cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" với Đức Giê-su,
thì có lẽ sẽ không có phép lạ nhân bánh ra nhiều của Chúa Giê-su. Vậy bài học Hội
thánh muốn chúng ta học nơi thánh An-rê là : Hãy giới thiệu Đức Giêsu với tha
nhân và dẫn đưa họ đến gặp gỡ Người. Công cuộc rao giảng Tin Mừng thường theo
thể thức: Đức Tin được truyền từ gười này đến người kia. Chúa và Hội Thánh hôm
nay rất cần những tín hữu biết vững lòng tin vào Chúa và sẵn sàng chia sẻ niềm
tin với người thân như An-rê đã gặp em
mình là ông Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là
Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42a).
3) Hãy đến mà
xem: Đức Giê-su không hối thúc người ta
phải tin Người mà chỉ nới với họ: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến, đã xem
thấy lối sống thân thiện, niềm nở, nồng ấm của Người. Họ biết mình đã gặp được
một con người tuyệt vời, và thế là phát sinh một tình cảm. Khi ở với Đức
Giê-su, họ cảm thấy bình an thoải mái trong tâm hồn. Nhờ tiếp xúc với Đức
Giê-su, họ còn khám phá ra chính bản thân mình và quyết tâm sống theo lối sống
của Người.
4) Khác biệt
giữa sự áp đặt và tự nguyện theo Chúa: Những
người hành quyền trên người khác thì muốn chế ngự người khác, biến họ thành nô
lệ theo ý mình. Trái lại, Đức Giê-su không gò ép ai. Người cho người ta tự do
lựa chọn theo hay không theo làm môn đệ Người. Chính thái độ sống và gương sáng
của Đức Giê-su đã khiến các ông tự nguyện theo làm môn đệ Người
5) “Tình yêu
Chúa Ki-tô thúc bách chúng tôi”: Một
vấn nạn được đặt ra là: Tại sao nhiều người công giáo lại không nhiệt
tình nói về Chúa cho tha nhân ? Có thể là do ngại ngùng vì chưa nắm vững đức
tin, sợ người kia vặn hỏi sẽ không biết giải thích ra sao. Cung có thể điều
người công giáo đang quan tâm là tiền bạc vật chất hơn là đức tin tôn giáo. Họ
chưa thấy được giá trị thực sự của đức tin nên dĩ nhiên không thiết tha với
việc giúp người thân được niemf vui hạnh phúc giống như mình. Nhưng có lẽ lý do
sâu xa nhất là do không mên Chúa nên không
cần giới thiệu Chúa, không quan tâm đến viêc “làm cho Danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” như kinh Lạy Cha
dạy.
4. PHÚT HỒI
TÂM:
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm: Tôi đã
đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su chưa? Mỗi lần rước lễ tôi có cảm
thấy đã gặp Chúa Giê-su Thánh Thể không?
Mỗi khi gặp một người nghèo khổ bệnh tật, tôi có
ý thức Chúa Giê-su đang ở trong họ và đang chờ tôi giúp đỡ hay không?
Tình yêu dành cho Chúa ở nơi tôi bây giờ ở mức độ
nào? Tình yêu ấy có sức thúc bách tôi dấn thân đem Chúa giới thiệu
cho người khác như An-rê đã làm trong Tin Mừng hay không?
Nếu hiện giờ tôi đang dửng dưng với vấn đề Đức
Tin là do đâu?
Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để củng cố
lòng tin cậy mến Chúa nơi bản thân và sẽ sẽ đến thăm ai để giới thiệu Chúa
cho họ?
5. LỜI NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, xin dạy chúng con hiểu rằng: Chúa
luôn nhờ đến đôi tay chúng con để phân phát chia sẻ cơm áo cho những
người nghèo đói và động viên an ủi những người bất hạnh; Chúa đang nhờ
trái tim của chúng con để yêu thương những người cô đơn hay đang lạc xa
Chúa; Chúa đang nhờ miệng lưỡi của chúng con để an ủi động viên những
người tội lỗi đang lạc xa Chúa, để trình bày về Chúa cho những người
chưa nhận biết Chúa, để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những người kẻ
nghèo hèn. Hôm nay Chúa vẫn đang cần dùng chúng con như khí cụ bình an
của Chúa, để xoa dịu những đau thương bất hạnh và góp phần kiến tạo một
Trời Mới Đất Mới, giúp tha nhân vui mừng và hy vọng được sống trong Nước Trời
của Chúa sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM