CN 3 THƯỜNG
NIÊN B
Gn 3,1-5.10 ; 1
Cr 7,29-31 ; Mc 1,14-20
HÃY SÁM HỐI
VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:
Mc 1,14-20
(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền
Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: “Thời kỳ
đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và
tin vào Tin Mừng”. (16) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì
thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển,
vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi,
tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (18) Lập
tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Người. (19) Đi xa hơn một chút, Người
thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông
này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các
ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm
công, mà đi theo Người.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng giảng đạo tại xứ
Ga-li-lê mà nội dung được tóm gọn trong câu: “Thời kỳ đã mãn và Triều
Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Người cũng mời gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai đôi anh em: Si-mon
và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Các ông đã mau mắn đáp lại bằng sự dứt
khoát từ bỏ nghề cũ, từ giã cha già mà theo làm môn đệ của Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 14-15: +
miền Ga-li-lê:
do vua Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị,
là một miền đất trù phú và có đông dân ngoại sinh sống. Khi khởi sự
thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại Ga-li-lê miền đất có đông dân
ngoại, cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng của Người. +Anh em
hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối là loại bỏ
nếp sống cũ tin thờ tà thần và thay bằng nếp sống mới theo Đức
Chúa là Đấng trọn lành. Đức Giê-su kêu gọi dân chúng phải ăn năn sám
hối và đón nhận Tin Mừng do Người loan báo.
- C 16-18: + Biển
hồ Ga-li-lê: Cũng gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét (x. Lc 5,1), hay
Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1). Biển hồ này rất lớn hình quả trám, dài 21 cây
số và ngang 12 cây số, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải tới 208 mét.
Đây là nơi Đức Giê-su đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên và nhiều lần Người
giảng dạy dân chúng tại ven biển (x. Lc 5,3). Người cũng làm nhiều phép
lạ tại biển hồ này : dẹp yên sóng gió (x. Mt 8,23-27), đi trên mặt nước
(x. Ga 6,16-21) mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-11)... + Ông Si-mon với
người anh là An-rê: Ông Si-mon sau được Đức Giê-su đổi tên là
Phê-rô (x. Mt 16,18). Ông là em ông An-rê và là con ông Giô-na (x. Mt 16,17)
hay Gio-an (x. Ga 1,42). Ông Si-mon quê thành Bét-sai-đa (x. Ga 1,44), làm
nghề lưới cá tại biển hồ Ga-li-lê (x. Mc 1,16). + Lập tức hai ông
bỏ chài lưới mà đi theo Người: Hai anh em An-rê và Si-mon đã
mau mắn đáp lại tiếng gọi của Đức Giê-su, bỏ nghề chài lưới bắt cá để theo
làm môn đệ Người.
- (C 19-20) + Ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và
người em là ông Gio-an: Đây là Gia-cô-bê
Tiền, vì theo Đức Giê-su trước. Ông là con của ông Dê-bê-đê và là anh
của Gio-an (x. Mt 4,21). Ông là một trong nhóm 3 người, được Đức Giê-su
ưu ái (x. Mt 17,1). Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an cũng được Đức Giê-su
đặt cho biệt danh là “Bo-a-nê-ghê”, nghĩa là “Con của Thiên Lôi” (x. Mc
3,17). + Bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền mà đi theo
Người: Hai ông đã dứt khoát đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc
từ giã gia đình để dấn thân theo
làm môn đệ của Đức Giê-su.
4. CÂU HỎI: 1) Ga-li-lê là miền nào trong nước Do
thái thời Đức Giê-su? 2) Lời kêu gọi “sám hối và tin vào Tin Mừng” của
Đức Giê-su có ý nghĩa thế nào? 3) Đặc điểm của Biển Hồ Ga-li-lê là
gì? 4) Bạn biết gì về thân thế của ông Si-mon Phê-rô? 5) Hai anh em An-rê
và Si-mon đã đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào? 6) Bạn biết
gì về thân thế của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an? Tại sao hai ông này
lại có biệt danh là “con của thiên lôi”? 7)Thái độ của hai anh em
Gia-cô-bê và Gio-an đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15).
2. CÂU CHUYỆN:
TẠI SAO XA-TAN KHÔNG ĐƯỢC THIÊN CHÚA THA THỨ ?
1) Một hôm Xa-tan kêu trách Thiên Chúa rằng: “Chúa
thật bất công! Cụ thể là có nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà
Ngài vẫn tha cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng
một thứ tội, mà khi chúng ăn năn sám hối thì Ngài vẫn tha cho chúng.
Còn tôi, chỉ phạm tội không vâng lời một lần, thế mà Ngài lại phạt
tôi phải sa hỏa ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi!”. Bấy
giờ Thiên Chúa mới ôn tồn nói với tên quỉ rằng: “Sở dĩ Ta tha tội
cho con cái loài người vì chúng đã khiêm tốn tự nhận là kẻ có tội, đã
hồi tâm sám hối và quyết tâm đổi mới đời sống. Còn ngươi, từ khi phạm
tội kiêu ngạo không vâng lời Ta và bị phạt trong lửa hỏa ngục đến nay,
có khi nào ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối xin Ta tha
thứ hay chưa?”. Tên quỷ nghe vậy liền vênh mặt lên cười khẩy và trả lời như
sau: “hồi tâm sám hối ư? Ta cần chi phải ăn năn sám hối? và cũng chẳng cần ai
phải tha thứ cho ta nữa !”
2) Trong
sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tu sĩ
kia đã phạm tội và bị phạt phải vào sa mạc để ăn chay đền tội trong một năm
trời, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các anh em của cộng
đoàn đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử
thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui
vẻ, khỏe mạnh; còn người kia thì ốm o xanh xao. Cả hai được đòi phải đến trình
diện trước mặt Bề Trên và ban cố vấn cộng đoàn để được phán quyết có đáng được
tái hòa nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi trong năm qua đã suy niệm về điều
gì?
Người ốm
o xanh xao trả lời:
- Trong
năm qua, ngày ngày con luôn nhớ lại những tội con đã lỗi phạm và những hình
phạt đáng phải chịu, nên con luôn mang tâm trạng sợ hãi không sao chợp mắt được.
Đến lượt
người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt
một năm qua, từng giây từng phút, con luôn cảm tạ Chúa vì Người đã tha thứ cho con
nên con luôn vui vẻ lúc nào cũng ca tụng Chúa và ăn ngon ngủ yên.
Các tu sĩ
trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì
lòng sám hối của anh đã trở thành lời ca tụng và cảm tạ tri ân tình yêu của Chúa.
3. SUY NIỆM:
Phạm tội
là khi làm phiền lòng Chúa, là khi cố tình bỏ không làm những điều luật
Chúa buộc làm như giữ ngày Chúa nhật, thảo kính cha mẹ… hoặc cố ý làm
những điều luật Chúa cấm làm như chớ giết người, chớ tà dâm, chớ dối trá... Những
điều luật Chúa buộc hay cấm làm được gọi là thánh ý Chúa và được tóm lại trong 5
kinh quen thuộc này: Một là kinh “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời”; Hai là
kinh “Sáu Điều Răn Hội Thánh”; Ba là kinh “Thương Người Có Mười Bốn
Mối”; Bốn là kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức; Năm là kinh “Hòa Bình”.
Phạm tội
là cố tình làm trái thánh ý Thiên Chúa, làm cho Chúa Giê-su phải buồn
phiền vì ta. Muốn được ơn tha tội và được giao hòa với Chúa, chúng ta
cần khiêm hạ sám hối. Sự ăn năn thực sự được biểu lộ qua thái độ hồi
tâm xét mình, lo buồn trách mình vì đã phạm tội mất lòng Chúa,
khiêm nhường xưng thú tội lỗi với vị linh mục có quyền giải tội và
quyết tâm chừa cải bằng việc xa lánh dịp tội, quyết tâm đền bù tương
xứng với thiệt hại đã gây ra cho tha nhân.
2) Sám hối là khởi đầu của việc nên hoàn thiện: Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc
phải là những tội nhân, nhưng tất cả các vị đều ý thức về thân phận yếu hèn của
mình. Càng ý thức về sự bất toàn của mình, người ta càng cảm nhận được tình thương
bao la của Thiên Chúa. Đó là cảm nhận của vua Đa-vít sau khi đã phạm tội giết
chồng đoạt vợ (x. 2 Sm 11,1-17), của thánh Phê-rô sau khi chối Thầy ba lần (x.
Mt 26,69-75), của thánh Phao-lô sau khi bắt bớ các tín hữu và bị ngã ngựa tại
cửa thành Đa-mát (x. Cv 9,1-19), của Au-gút-ti-nô sau chuỗi ngày buông thả tội
lỗi và của nhiều đại thánh khác trong lịch sử Hội Thánh...
Lời đầu tiên Đức Giê-su công bố khi
đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời hôm nay là: "Anh em hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng". Đức Giê-su đã nối kết việc sám hối với rao giảng Tin Mừng. Tin
Mừng chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua con người của
Đức Giê-su? Sám hối không chỉ là hồi tưởng về quá khứ của mình, không dừng lại
ở thái độ buồn phiền, sợ hãi thất vọng, nhưng là một chặng đường phải trải qua để
đạt đến niềm vui là tin vào Tin Mừng.
Đạo do Đức Giê-su thiết lập không
phải là đạo của ưu phiền đau khổ, nhưng là đạo của tình thương, vui mừng và hy
vọng. Người tín hữu môn đệ Đức Giê-su không dừng lại ở đau khổ, thập giá, chết
chóc.. nhưng luôn được mời gọi để qua đau khổ vào trong vinh quang, để thấy ánh
sáng hy vọng, tin yêu của niềm vui sống lại.
3) Sống
và loan truyền đức tin: Là điều quan trọng hàng đầu của cuộc sống người tín
hữu. Đó cũng là mối quan tâm bậc nhất của Đức Giê-su khi đi công bố Tin Mừng
Nước Trời: “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới
người như lưới cá” (Mc 1,17).
Sống và loan truyền đức tin, luôn
luôn gặt hái được kết quả. Nhưng kết quả ra sao, nhiều ít, là do ơn Chúa ban.
Khi Đức Giê-su bảo Phê-rô thả lưới bắt cá, ông đã thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt
đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc.5,5).
Ông đã thả lưới và đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới hầu như bị rách. Cũng
cùng là chiếc lưới đó, cũng là con ngừơi đó, nhưng kết quả lại là cả một mẻ cá
bội thu!
Sống và loan truyền đức tin, chính
là nhiệm vụ của mỗi tín hữu chúng ta: Muốn đạt kết quả tốt, trước tiên việc
loan báo phải bắt đầu bằng việc "Sám
hối và tin vào Tin mừng", rồi đến “Hãy ra khơi và thả lưới bắt cá”, nhưng
phải thả lưới dưới ơn trợ giúp của Chúa Giê-su: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền
thì sẽ được”. Có như vậy chúng ta mới có thể trở thành những ngư phủ lành nghề của
Chúa và mới đạt được thành quả tốt đẹp theo thánh ý Chúa.
4. THẢO LUẬN:
1) Khi lỡ phạm tội trọng, ta
cần làm gì để được ơn giao hòa với Chúa? 2) Làm thế nào để trở thành
tông đồ tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su?
5) LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn
chúng con mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Từ hôm nay con xin xác tín Chúa
lả chúa tể cuộc đời chúng con và quyết tâm mến Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng
chọn Chúa hơn tình gia đình ruột thịt, hơn sở thích hay nghề nghiệp đang làm...
Xin cho chúng con ý thức sứ mạng phải tích cực làm chứng cho Chúa. Xin cho
chúng con biết siêng năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa hằng tuần, chu
toàn các công tác được phân công như đi thăm viếng anh em lương dân, chia sẻ tiền
bạc vật chất cho người nghèo khó, khiêm tốn phục vụ những người neo đơn bệnh tật,
an ủi động viên những người đau khổ bất hạnh... Xin cho chúng con biết nhiệt tâm
cộng tác với các vị chủ chăn và những anh chị em thiện chí để đưa nhiều chiên
lạc về với Hội Thánh. Vì chúng con xác tín rằng: chỉ có Chúa mới thực
sự là niềm vui và là hạnh phúc cuộc đời của con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ.
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM