CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su, vị ngôn sứ tối cao của Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
1:21-28)
Trong Cựu Ước, đứng trước toàn dân Ít-ra-en, ông Mô-sê đã
nhắn nhủ họ về vai trò ngôn sứ của ông, tức thay mặt Thiên Chúa để truyền đạt
cho họ chỉ những điều Người muốn nói.
Ông cũng không quên cảnh báo họ rằng Chúa sẽ hạch tội kẻ nào không nghe
lời Chúa (Đệ Nhị luật 18:15-20). Đó là nội
dung bài đọc thứ nhất hôm nay và cũng là hình ảnh Chúa Giê-su, vị ngôn sứ tối
cao và sau hết, để qua Người Thiên Chúa phán dạy toàn thể nhân loại. Chúng ta sẽ thấy điều ấy thể hiện qua bài Tin
Mừng thuật lại Chúa rao giảng tại Ca-phác-na-um, trung tâm phát xuất cuộc truyền
giáo của Người.
Thánh sử Mác-cô thay vì ghi lại những lời giảng của Chúa Giê-su
tại Ca-phác-na-um, ngài cho chúng ta thấy những phản ứng tích cực của dân chúng
trước cách thức Chúa giảng. Phản ứng đầu
tiên là “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người”. Quả thực đây là một nhận xét rất khác biệt. Bình thường giáo dân mình hay để ý tới văn
chương và điệu bộ lôi cuốn của người thuyết giảng. Người ta khen ông cha “nói” hay, nhưng khi hỏi
hay ở “điều gì” thì không trả lời được!
Vậy thì thánh sử trả lời giùm cho họ:
Cứ nhìn vào Chúa Giê-su sẽ biết!
“Vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh
sư”. So sánh tuyệt vời! Các kinh sư là những người học nhiều hiểu rộng. Họ thuộc từng chú giải nhỏ nhặt trong bộ luật
của Mô-sê, chỉ là để soi mói xem những kẻ nào… lỗi lề luật. Họ đâu có giảng dạy như những người có uy quyền,
mà lấy sự hiểu biết của họ làm một thứ quyền bính để thống trị người khác.
Tiếp theo, thánh Mác-cô muốn chứng minh Chúa Giê-su đích thực
là “Đấng có uy quyền” khi giảng dạy. Phản
ứng trước uy quyền của Chúa không phải từ dân chúng, nhưng từ những thần ô uế. Chúng sắp bị đuổi ra khỏi người chúng nhập. Chúng la to lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Uy quyền của Đấng Thánh đã nói ra những lời
làm cho mọi người sửng sốt, thì giờ đây uy quyền ấy cũng cất lên để xua đuổi tà
thần: “Câm đi, hãy xuất ra khỏi người
này!” Người bị quỷ ám được thanh tẩy khỏi
ô uế của ma quỷ. Thiên hạ chứng kiến việc
Chúa làm đã đi từ thái độ “sửng sốt về lời
giảng dạy” đến “sững sờ… vì người dạy
lại có uy quyền”. Đức Chúa đã phán với
ông Mô-sê: “Ta sẽ đặt những lời của Ta
trong miệng người ấy”. Nếu Thiên Chúa đã
đặt lời uy quyền của Người nơi miệng Chúa Giê-su thì Người cũng ban cho Chúa
Giê-su chính quyền bính của Người. Nói
cho đúng hơn, Chúa Giê-su chính là “miệng của Thiên Chúa” nói lời Thiên Chúa
cho nhân loại. Các ngôn sứ chỉ là những
người nói thay cho Thiên Chúa, còn Chúa Giê-su là chính lời Thiên Chúa nói với
con người (xem Do-thái 1:1-2). Khi tạo
thành vũ trụ, lời Thiên Chúa đã làm cho muôn vật hiện hữu (Sáng thế 1). Giờ đây tại Ca-phác-na-um, lời Thiên Chúa được
phán dạy khiến mọi người sửng sốt và lời Thiên Chúa xua đuổi tà thần làm dân
chúng sững sờ. Tóm lại, Chúa Giê-su là vị
Ngôn Sứ tối cao của Thiên Chúa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô “chỉ muốn đề nghị với
anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng
co” (1 Cô-rin-tô 7:35). Làm sao gắn bó
cùng Chúa đây? Ngày xưa cũng như ngày
nay, có những người đã gắn bó cùng Chúa, họ không những bị lời Người thu hút,
mà còn bỏ mọi sự đi theo Người nữa. Tuy
nhiên, cũng không thiếu người chỉ để mình bị thu hút do những mỹ từ và điệu
hùng hồn của người giảng, nhưng lại không để tâm suy niệm lời Chúa họ đón nhận. Thánh Phao-lô đã có nhận xét này: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe
giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến
thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe” (2 Ti-mô-thê 4:3).
Vậy khi đón nhận lời Chúa, chúng ta đừng giữ thái độ “ngứa
tai muốn nghe”, nhưng nghe bằng tâm hồn mở rộng để lời Chúa hoạt động hữu hiệu. Thêm vào đó, chúng ta đừng ngăn cản uy quyền
của Chúa muốn thanh tẩy chúng ta khỏi mọi thứ dục vọng và hậu quả của tội lỗi,
để chúng ta được gắn bó cùng Chúa và sống lời giảng của Người.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi