TỪ THÁN PHỤC ĐẾN ĐỨC
TIN
(Máccô 1,29-39 – CN
V TN - B)
1.-
Ngữ cảnh
Đoạn
này có một phần thuộc về một toàn bộ gọi là “ngày ở Caphácnaum” (1,21-34; xin
coi bài CN tuần trước). Nhưng “một ngày ở Caphácnaum” lại thuộc về toàn bộ rộng
lớn hơn (1,14-39), trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra tại miền Galilê, đến bờ Biển
Hồ, vào thành Caphácnaum, đi đến hội đường, ra khỏi đó, đến chiều thì ra cổng
thành, sáng hôm sau thì rời thành để rảo khắp miền Galilê, và cứ thế, “rao
giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (1,39). Nói cách khác, Người làm khắp nơi
những gì Người đã làm tại hội đường Caphácnaum: giảng dạy và trừ quỷ.
2.-
Bố cục
Bản
văn này có thể chia thành ba phần:
1)
Việc chữa lành mẹ vợ Simôn (1,29-31);
2)
Một “bản tóm tắt” về các cuộc chữa bệnh (1,32-34);
3)
Một bước đi tới nhằm thực hiện sứ mạng của Đức Giêsu (1,35-39).
3.-
Vài điểm chú giải
- Vừa
ra khỏi… (euthys, “tức
khắc”) (29): Trạng từ này chỉ có vai trò chuyển mạch, chứ không chỉ về thời
gian chính xác, bởi vì từ phép lạ trừ quỷ đến việc chữa bệnh cho bà mẹ vợ
Simôn, hẳn là đã có một khoảng thời gian khá dài thì “danh tiếng Người mới đồn
ra khắp cả vùng lân cận miền Galilê” (c. 28). Tác giả thường dùng trạng từ này
mà không gán cho nó một ý nghĩa chính xác nào cả (chỉ trong ch. 1 đã có 11 lần:
cc. 10.12.18.20.21.23.28.29.30.42 và 43). Ở đây Người đang tìm cách giới thiệu
một ngày mẫu trong sứ vụ của Đức Giêsu: “Ngày ở Capharnaum”. Do đó, ta không
nắm được thời điểm chính xác của các sự kiện. Nhưng ta có thể cho rằng chuỗi
“chữa bà mẹ vợ Simôn – các cuộc chữa bệnh cbuổi chiều” đã có trước cả khi các TMNL được soạn ra, bởi vì chi tiết
“chiều đến” đã có cả trong Mc và Mt. Lc đã bỏ trạng từ
“tức khắc” (euthys) nhưng giữ lại chi tiết “(rời) hội đường”. Ngài sẽ
triển khai chi tiết này thành một đề tài thần học quan trọng và sẽ lặp lại
trong sách Cv: khi Đức Giêsu giảng
dạy trong một thành phố hay làng mạc nào, Người luôn bắt đầu bằng giảng dạy tại
hội đường. Phaolô cũng sẽ làm như thế.
- ra
khỏi hội đường (29): Đức Giêsu ra khỏi hội đường không những vì đã đến
giờ đóng cửa, nhưng còn vì những người nghe chưa hiểu gì. Họ còn đang hỏi: “Thế
nghĩa là gì?” (c. 27), như các môn đệ sau này khi chứng kiến trận bão được dẹp
yên: “Vậy người này là ai?” (4,41). Nhưng họ chưa có câu trả lời. Có lẽ đây là
một biểu tượng: bao lâu người ta còn ở trong hội đường, người ta không thể trở
thành môn đệ của Đức Giêsu được; phải ra khỏi đó như thể thực hiện một cuộc
xuất hành mới. Ở c. 39, tác giả dùng một tính từ để phân biệt: “các hội đường của
họ”. Ở xa hơn, ngài kể rằng sau khi Đức Giêsu đã làm phép lạ trong hội
đường, nhóm Pharisêu bàn tính với nhóm Hêrôđê để tìm cách giết Người (3,1-6).
Chính vì thế, Người lánh về phía Biển Hồ: Người đi ra và người ta lũ lượt đi
theo Người (3,7). Trước khi xảy ra sự cố bánh hoá ra nhiều, Đức Giêsu cũng lánh
riêng ra một nơi và người ta kéo đến với Người (6,32-33). Người còn ra khỏi Đền
Thờ và thành Giêrusalem (11,11; 11,19; 13,1). Lc còn nói rõ hơn: lần đầu
tiên giảng dạy tại hội đường Nadarét, Đức Giêsu đã phải tránh đi để khỏi bị
giết (Lc 4,16-30).
- Đến
nhà hai ông Simôn và Anrê (29): Phải chăng tác giả muốn đối lập hội
đường với nhà Simôn, được coi như hình ảnh của Hội Thánh? Thật ra, Mc
chưa nhắm đến tên “Phêrô” với sắc thái Hội Thánh như Mt và Lc:
hai tác giả này chỉ còn nói đến Phêrô mà thôi (x. Mt 8,14; Lc 4,38), nên trong
hai bản văn này, ý nghĩa “Hội Thánh” rõ ràng hơn.
- Có
ông Giacôbê và Gioan (29): Bốn môn đệ đầu tiên, những người thân tín nhất,
được chứng kiến phép lạ. Câu này hẳn là có giá trị như một ngoặc đơn, do chính
Phêrô kể cho tác giả Mc.
- Bà
lên cơn sốt (30): Pyressousa là phân từ nữ tính của động từ Hy Lạp pyressô,
“bị sốt” (trong động từ này, có từ pyr, “lửa”. Trong bản văn song song, Mt 8,15 dùng danh từ hL pyretos, “sức nóng của lửa;
sốt cao”). Đối với người xưa, “sốt” không phải là một triệu chứng mà là một
bệnh. Sốt, đôi khi đưa đến tử vong, là một trong các hình phạt Đức Chúa (Yhwh) dành cho dân thất trung của Người
(x. Lv 26,16). Cũng như cho các chứng
bệnh khác, người ta thích gán cho “sốt” một nguồn gốc thuộc ma quỷ (so sánh Lc 4,39 và Mt 8,15 (= Mc 1,31), mà
chỉ có việc cầu nguyện và một phép lạ mới thắng được (x. Ga 4,52; Cv 28,8).
Theo
viễn tượng này, dân Caphácnaum hẳn là hiểu rằng phép lạ giới thiệu Đức Giêsu là
vị sứ giả của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã hứa; vị này sẽ cứu loài người khỏi
những nỗi đau buồn, hậu quả của sự dữ luân lý (x. Is 26,19; 29,18t; 33,3; 35,5…). Vậy phép lạ này là dấu cho thấy đã
đến thời cánh chung, thời thiên sai: Đức Giêsu đang hành động với chính quyền
năng của Thiên Chúa. Nhưng con người còn phải mất một thời gian mới khám phá ra
và chấp nhận được ý nghĩa của dấu chỉ này.
- Người
cầm lấy tay bà mà đỡ dậy (êgeiren) (31): Câu này dịch sát là: “Và lại gần,
Người đỡ bà dậy sau khi đã cầm lấy tay bà”. Muốn diễn tả một cách thông thường,
hẳn là nên viết: “Đức Giêsu cầm lấy tay bà và cơn sốt biến mất; bà trỗi dậy …”.
Đấy là kiểu nói của hai tác giả Mt (Mt
8,15: “bà trỗi dậy”, êgerthê, aor. pass. của động từ HL egeirô) và
Lc (Lc 4,39: “bà trỗi dậy”, anastasâ,
aor 2 của động từ HL anistêmi). Động từ egeirô được Mc
dùng ở dạng ngoại động (transitive) có nghĩa là “giúp trỗi dậy”, đã trở thành
một từ ngữ chuyên môn để nói về sự sống lại.
- bà
phục vụ các ngài (31): Trong bối cảnh của phép lạ hoặc đúng hơn trong bối cảnh
của sự tiếp đón Đức Giêsu nhận được tại nhà Simôn, “phục vụ” (HL. diakoneô)
trước tiên có nghĩa là chiêu đãi ăn uống (x. Mc 1,13; Lc 8,55). Nhưng
ở đây, có thể tác giả Mc đang nghĩ đến chính lời Đức Giêsu nói: “Con
Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ (diakonêsai)”
(10,45). “Phục vụ” không chỉ hệ tại việc phục dịch bàn ăn, nhưng nếu cần, còn
hệ tại việc “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c. 45). Đó là lý tưởng
Đức Kitô đề nghị cho những ai Người đã cho sống lại từ cái chết do tội lỗi gây
nên.
Riêng
Mt lại viết ở dạng số đơn: “bà chỗi dậy phục vụ Người” (Mt 8,15). Câu này đã nới rộng ý nghĩa
của động từ: “Phục vụ Đức Giêsu” chính là bước theo Người (x. Mt 25,44: phục vụ những kẻ nghèo hèn bé
mọn chính là phục vụ Đức Kitô).
-
người ta đem (32): Epheron là động từ Hy Lạp pherô ở thì vị-hoàn
(frequentative imperfect), có nghĩa là “người ta vẫn cứ đem, tiếp tục đem”.
- mọi
kẻ ốm (32): Rõ ràng không thể
hiểu theo nghĩa đen những câu khẳng định tuyệt đối như thế (x. Mt 8,16; Lc 4,40). Chúng ta biết là Đức Giêsu không chữa tất cả mọi người
đau ốm; Người đòi hỏi đức tin. Cũng vì thế mà Mc không đi xa hơn nữa,
Người viết: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau” (c. 34). Tuy nhiên, theo
não trạng Sê-mít, “nhiều” cũng có nghĩa là “tất cả”.
- Cả
thành (33): Có lẽ đây cũng là một kiểu nói phóng đại, tổng quát hoá.
Tuy nhiên cũng có một sự kiện thường xảy ra: truyền thống nhiều lần kể rằng
người ta không thể đi qua cửa nhà bởi vì người quá đông, đành phải kéo người
bệnh lên mái nhà mà thòng xuống (2,1-4) hoặc phải nhờ người báo tin vào trong
(3,32).
- Quỷ
(34): Từ daimôn xuất hiện 3 lần trong Mc 1,32-34 và thêm một lần nữa ở c. 39. Đây là mối bận tâm lớn của Mc.
Đức Giêsu đã đến để đánh đuổi quỷ và giải thoát loài người khỏi quyền lực
chúng. Ngay từ đầu, vị Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Kitô như Đấng “mạnh hơn”
(1,7). Người đã khởi đầu sứ vụ bằng một chiến thắng trực tiếp trên Satan
(1,12-13). Ngay khi Người lên tiếng rao giảng, một kẻ bị quỷ ám đã tìm cách
ngăn chận Người, nhưng quỷ đã bị trục xuất (1,23-27). Trong phần Kết (“Kết
dài”), dấu chỉ đầu tiên thuộc về người môn đệ hệ tại việc “trừ quỷ” (16,17).
Trong viễn tượng này, mọi bệnh tật đều do ma quỷ gây nên, mọi cuộc chữa lành
bệnh tật đều là một chiến thắng trên quỷ. Chúng ta cũng ghi nhận là Mc
không cung cấp một định nghĩa nào về ma quỷ, cũng không nói chúng là
loại hữu thể nào; nhưng đọc các mô tả của ngài, ta ghi nhận ba nét tiêu biểu
của ma quỷ: 1) chúng có thể chi phối loài người; 2) chúng biết chân tính của Đức
Giêsu và biết Người là kẻ thù của chúng; 3) chúng vâng phục Satan (3,22-26) là
kẻ ở trong sa mạc đã cám dỗ Đức Giêsu (1,13) và hành động chống lại hoạt động
của Đức Giêsu (4,15).
- không
cho quỷ nói (34): Tác giả Mc trở lại với lệnh giữ bí mật
(thiên sai) như trở lại với một đề tài ưa chuộng. Quỷ tức khắc nhận ra đối thủ
của chúng, nên chúng đã gầm thét lên có thể vì muốn chiếm thế “thượng phong”,
nhưng chắc chắn vì sợ hãi, vì đã thấy trước thất bại, khi đứng trước Đấng Thiên
Chúa sai phái đến (x. 3,22-27). Đối với dân chúng, Đức Giêsu tự mạc khải ra cho
họ cách tiệm tiến bằng cách cho họ thấy những dấu chỉ chứng tỏ quyền lực của
Người trên những chứng nan y (1,40-45), trên tội lỗi (2,5-12), trên ngày sa-bát
(2,28), và cuối cùng trên sự sống (ch. 15–16). Tuy nhiên, người ta tiến rất
chậm.
Như
vậy, một hành vi đức tin đặt nơi Đức Giêsu chỉ thực sự có giá trị khi nó hàm
chứa một hiểu biết đầy đủ về sứ mạng và công việc của Người, đặc biệt hiểu rằng
Người phải chết và sống lại để hoàn tất công việc này.
-
Người đi cầu nguyện (35): Tác giả Lc sẽ nói nhiều hơn về điểm này. Mc
không cho biết đối tượng hoặc nội dung của lời cầu nguyện của Đức Giêsu, nhưng
mẩu đối thoại sau đó hé cho chúng ta thấy được chiều hướng Đức Giêsu theo khi
cầu nguyện: đối thoại với Cha Người về sứ mạng Người đang thực hiện.
- vì
Thầy ra đi cốt để làm việc đó (38): Phải chăng đây là ra đi
khỏi Caphácnaum hay là rời cung lòng Chúa Cha mà đến trần gian (nghĩa Ga:
Ga 16,28; x. Lc 4,43)? Chắc là Mc
vẫn còn đang ở gần các sự kiện đã xảy ra: Đức Giêsu không muốn mình bị cuốn hút
bởi thành công. Sau này cũng thế, sau khi nhân bánh ra nhiều, Người lại rút lui
vào cô tịch để tránh dân chúng và để đặt mình vào trong kế hoạch của Chúa Cha (Mc 6,46; x. Mt 14,23; Ga 6,15b). Cơn
hấp hối tại vườn Ghếtsêmani cho thấy rõ điều này. Các môn đệ, và đặc biệt Phêrô,
tỏ ra ngỡ ngàng, vì các ông chưa hiểu sứ mạng của Thầy.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
*
Việc chữa lành mẹ vợ Simôn ( 29-31)
Tại
nhà Simôn, Đức Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy
Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh tật.
Nhưng trong nhãn quan của TM II, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa
lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ. Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần
đầu tiên Đức Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn
sơ và thân tình của một ngôi nhà và của một gia đình. Bằng chứng cho
thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu đáo phục vụ các khách
quý. Cũng như Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ
Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã
chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể
phục vụ Người (x. thêm 9,27).
* Một
“bản tóm tắt” về các cuộc chữa bệnh (32-34)
Hành
vi đó của Đức Giêsu trong ngày đầu tiên hoạt động công khai đưa tới hậu quả là
dân chúng hiểu là khi ở trong tình trạng quẫn bách, họ có thể trông mong được
ai giúp đỡ. Khi chiều đến, họ đưa tất cả mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám
đến với Người. Đức Giêsu như bị cả một đại dương đau thương và bần khốn vây
quanh và tấn công; toàn thể niềm hy vọng được đặt để nơi Người. Người có thể
đương đầu với tình trạng quẫn bách này. Người có khả năng giúp đỡ và trong thực
tế Người đã giúp đỡ.
* Một
bước đi tới nhằm thực hiện sứ mạng của Đức Giêsu (35-39)
Vì Đức
Giêsu đã đánh thức và củng cố lòng tin tưởng của dân chúng, không lạ gì khi chúng
ta thấy họ muốn giữ Người lại và như thế chắc chắn là luôn luôn có sự trợ giúp
của Người. Nhưng Đức Giêsu tránh khỏi tay họ: từ sáng sớm, Người đã vào nơi
hoang vắng để cầu nguyện. Và Người không để cho người ta cầm giữ lại. Người
biết rằng nhiệm vụ của Người không phải là trợ giúp thường xuyên dân
Caphácnaum, nhưng là loan báo trong toàn miền Galilê rằng Triều Đại Thiên Chúa
đã gần kề.
+ Kết
luận
Tuy
các nhà chuyên môn vẫn nhìn nhận TM Mc là một bản kêrygma hơn là
một sách huấn giáo, điều này không có nghĩa là tác giả nói về đức tin cách hời
hợt. Trái lại, ngài rất đòi hỏi. Chính vì thế, ngài đã có một khoa sư phạm đáng
phục: giúp độc giả tiếp cận với mầu nhiệm Đức Giêsu tiệm tiến. Ngài hiểu rất rõ
là đức tin sẽ đưa người ta đến sự đổi đời với những dấn thân quan trọng. Phải
chăng Phêrô đã nhấn mạnh như thế, sau khi trải qua kinh nghiện đau thương?
Nhưng cũng chắc chắn là bởi vì vào lúc TM II được soạn thảo, các hoàn
cảnh trong đó các Kitô hữu đang sống là những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, đòi hỏi người ta phải cương
quyết gắn bó với Đức Kitô cho đến chết.
Đoạn
Tin Mừng này cũng nhắc các Kitô hữu nhớ đến sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng,
bên ngoài những lãnh thổ quen thuộc.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Cũng như ở Caphácnaum, Đức Giêsu đã tiếp nối lời giảng dạy uy quyền bằng việc
trừ quỷ, Người tiếp tục nối tiếp lời loan báo bằng việc dùng uy quyền trục xuất
các sức mạnh đang đối kháng lại Thiên Chúa và hành hạ loài người. Lời nói của
Người được chứng thực bằng việc làm của Người.
2.
Liên kết giữa loan báo và hành vi quyền lực nhằm chữa lành cũng là đặc điểm của
hoạt động của các tông đồ (3,14t; 6,12t). Việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa được
củng cố bằng hành động hữu hiệu dựa trên sức mạnh vô song của Thiên Chúa.
3. Gương
Đức Giêsu đi cầu nguyện khiến chúng ta phải xem lại cách chúng ta đánh giá ý
nghĩa của việc cầu nguyện cũng như những tiêu chuẩn giúp chúng ta sử dụng thì
giờ. Nếu chúng ta không thể hoặc không muốn dùng thì giờ mà làm cho mình được
tự do để sống cho Thiên Chúa, các động lực đang nâng đỡ hoạt động của chúng ta
rất có thể cần được xét lại. “Nếu Đấng không có tội mà còn cầu nguyện như thế,
những lẻ tội lỗi còn phải cầu nguyện đến thế nào. Nếu Người đã thức qua đêm mà
cầu nguyện liên lỉ, chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ và cũng phải canh thức đến
độ nào” (Thánh Xýprianô).
4.
Cũng nên coi lại giá trị chúng ta gán cho sự thinh lặng, sự yên tĩnh, sự cô
tịch. “Chính Đức Giêsu, với sức mạnh không cần được nâng đỡ trong một cuộc tĩnh
tâm, cũng không bị ngáng trở bởi xã hội loài người, đã quan tâm để lại cho
chúng ta một gương sáng. Trước khi thực hiện sứ vụ rao giảng và làm phép lạ,
Người đã vào nơi cô tịch chịu thử thách cám dỗ và nhịn đói (Mt 4,1t). Kinh Thánh kể lại cho chúng ta
rằng, Người đã bỏ lại đó đám đông môn đệ, mà leo lên núi để cầu nguyện (Mc 6,46). Rồi khi giờ Thương Khó đã đến
gần, Người bỏ các môn đệ, và ra đi cầu nguyện một mình (Mt 26,36): gương sáng này giúp chúng ta hiểu sự cô tịch có lợi cho
việc cầu nguyện đến thế nào, bởi vì Người không muốn cầu nguyện bên cạnh các
bạn đường, ngay cả các tông đồ.
Không
được bỏ qua một mầu nhiệm liên hệ đến tất cả chúng ta như thế. Là Đức Chúa, là
Đấng Cứu Độ loài người, Người đã cung cấp nơi bản thân một gương sáng sống
động. Một mình nơi hoang địa, Người chỉ lo cầu nguyện và tập tành đời sống nội
tâm – ăn chay, canh thức và những hoa trái khác của việc sám hối – nhờ đó thắng
vượt các cám dỗ của Đối Thủ bằng vũ khí của Thánh Thần.
Lạy
Chúa Giêsu, con chấp nhận rằng ở bên ngoài, không có ai ở với con; nhưng là để
cho ở bên trong, con ở với Chúa hơn nữa. Khốn cho con người ở một mình, nếu bạn
không ở một mình với Người! Và có biết bao người ở trong đám đông mà lại thật
sự cô độc, bởi vì họ không ở với Chúa. Con mong muốn rằng, không bao giờ cô
độc, nhờ ở với Chúa. Vào lúc này, không có ai ở với con, thế nhưng con không cô
độc: con là một đám đông với chính con” (Guigues le Chartreux, 1083-1136).
Lm FX Vũ Phan Long,
ofm