CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
Một ngày truyền giáo của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 1:29-39)
Những sinh hoạt truyền giáo của Chúa
Giê-su được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay là một phần của một ngày làm
việc. Chúa Giê-su quả là một con người bận
rộn. Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa
đã hun đúc tâm hồn Người. Thánh sử
Mác-cô kể lại ở đây hai công tác chính trong sứ mệnh của Chúa: chữa lành và rao giảng. Tuy nhiên còn một sinh hoạt quan trọng xen kẽ,
đó là Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Hình ảnh Chúa Giê-su sống có phải là gương mẫu
cho chúng ta hay không?
Sau khi đi dọc theo Biển hồ Ga-li-lê để
kêu gọi các môn đệ đầu tiên, Chúa Giê-su khởi sự cuộc truyền giáo, phát xuất từ
Ca-phác-na-um, nơi có những tổ hợp nghề đánh cá. Nghề lưới cá trở thành sứ mệnh lưới người! Một ngày sinh hoạt của Chúa Giê-su bắt đầu từ
Hội đường. Hôm ấy là ngày sa-bát, nên
Chúa vào hội đường để giảng dạy. Tiếp
theo việc giảng dạy là chữa bệnh, chữa cho “người nhà” trước, là bà mẹ vợ ông
Phê-rô. Truyền giáo phải bắt đầu từ
“nhà” mình! Được lành bệnh, lập tưc bà
nhạc mẫu ông Phê-rô đứng dậy lo nấu nướng, phục vụ các nhà truyền giáo. Có thực mới vực được đạo! Ăn uống xong, chiều đến Chúa Giê-su lại tiếp
tục công việc chữa lành. Người không chỉ
chữa lành bệnh tật phần xác, mà còn chữa lành những tâm hồn đã bị ma quỷ ám ảnh. Mặt trời đã lặn, đáng lý Chúa và các môn đệ
phải được nghỉ ngơi chứ. Nhưng không được,
giờ này dân chúng mới đi làm về, mới có thì giờ để “cả thành xúm lại trước cửa”. Trái tim của Chúa Giê-su lúc nào cũng “chạnh
lòng thương”, làm sao nỡ đuổi dân chúng về.
Trước những việc làm của Chúa, ma quỷ biết Người là ai, nhưng dân chúng
thì chưa rõ. Ma quỷ biết ngày giờ quyền
lực của chúng bị hủy diệt đã đến gần.
Nhưng Chúa Giê-su cấm chúng nói ra cho người ta biết Người là ai. Chúa muốn dân chúng nghe Người giảng và nhìn
việc Người làm để tự nguyện mở tâm hồn đón nhận Nước Thiên Chúa.
Màn đêm buông xuống lâu rồi. Đám người đến xin chữa lành cũng đã trở về
nhà, ai nấy đều mãn nguyện đã được như ý.
Nhưng liệu họ có nhận ra việc chữa lành và những lời giảng của Chúa
Giê-su là những dấu chỉ mời gọi họ mở lòng đón nhận Nước Thiên Chúa không? Giờ đây đêm đã khuya, Thầy trò Chúa Giê-su mới
được nghỉ ngơi. Có thể các ngài họp mặt
lại để nghe Thầy dạy dỗ, chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo.
Ngày hôm sau, đối với Chúa Giê-su, một
ngày mới bắt đầu từ “sáng sớm lúc trời còn tối mịt” bằng giây phút thiêng
liêng: Chúa cầu nguyện. Cầu nguyện là kho ân sủng, sức mạnh và nhiệt
tâm, để rồi lại bắt tay vào sứ vụ. Đang
khi Chúa chìm đắm trong cầu nguyện, thì ông Phê-rô và các bạn đi tìm Người. Chắc chắc sự kiện các ông thấy Người đang cầu
nguyện cũng dạy các ông một bài học sâu xa về sự cần thiết của cầu nguyện trong
việc truyền giáo. Khi ông Phê-rô lên tiếng: “Mọi người đang tìm Thầy!” là ông muốn ám chỉ
những thành công, danh tiếng của Chúa. Vậy
mà Chúa Giê-su lại phản ứng rất khác, Người bảo: “Chúng ta hãy đi nơi khác…” Người không say men chiến thắng. Truyền giáo không nhắm mục đích chính là
thành công và tiếng tăm, nhưng là để tình yêu Thiên Chúa được người ta nhận biết
và đáp trả.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Năm nay toàn thể Giáo Hội hướng vào
công việc Tân truyền giáo. Thánh Phao-lô
trong bài đọc thứ hai đã tuyên dương bổn phận truyền giáo. Ngài bảo:
Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Ngài còn tình nguyện “trở thành nô lệ của mọi
người để chinh phục thêm nhiều người” cho Chúa và để “thông chia phần phúc của
Tin Mừng”.
Bài Tin Mừng cho chúng ta một ngày sống
của Chúa Giê-su và các môn đệ trong sứ mệnh truyền giáo. Dĩ nhiên chúng ta ít người có cơ hội và hoàn
cảnh để làm y hệt các ngài, nhưng chúng ta có thể làm việc truyền giáo bằng đời
sống thường ngày. Điều cần thiết là qua
những việc hằng ngày, chúng ta phải có hồn tông đồ, làm mọi việc để phục vụ và
yêu thương. Chúa Giê-su đã làm như thế
khi Người giảng dạy và chữa lành. Chúng
ta cũng có thể “giảng” bằng việc làm và “chữa lành” bằng cách quan tâm đến người
khác!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi