CN 5
THƯỜNG NIÊN B
G 7,1-4.6-7
; 1 Cr 9,16-19.22-23 ; Mc 1,29-39
NHIỆT
TÌNH CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc
1,29-39
(29) Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức
Giê-su đến nhà hai ông Si-mon và An-rê, có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an
cùng đi theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm
trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31)
Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay và bà
phục vụ các ngài. (32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem
mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người. (33) Cả thành
xúm lại trước cửa. (34) Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ
bệnh tật, và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết
Người là ai. (35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi
ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Si-mon và các bạn
kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm
Thầy đấy!” (38) Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các
làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Vì Thầy ra đi
cốt để làm việc đó”. (39) Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng
trong các hội đường của họ, và trừ quỉ.
2. Ý CHÍNH: Mác-cô tường thuật một ngày làm việc tiêu biểu
của Đức Giê-su ở thành Ca-phác-na-um: Người giảng dạy trong hội đường
vào ngày Sa-bát (c. 21) ; Chữa một người bị thần ô uế nhập (c. 23-28)
; Đến thăm nhà hai anh em Si-mon và An-rê và chữa bệnh cảm sốt cho bà
mẹ vợ của ông Si-mon (c. 29-32); Buổi chiều, Người tiếp tục chữa lành
nhiều kẻ ốm đau và người bị quỉ ám (c. 32-34). Sáng sớm Người đã
thức dậy và đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha
(c.35). Người luôn ý thức chu toàn sứ mệnh được Cha trao phó là đi
khắp miền Ga-li-lê giảng đạo và trừ quỉ (c. 39).
3. CHÚ THÍCH:
- C 29-30: + Nhà
hai ông Si-mon và An-rê: Si-mon và An-rê quê ở Bét-sai-đa
(x. Ga 1,44), nhưng cư trú tại nhà ở thành Ca-phác-na-um để hành nghề
chài lưới. + Bà mẹ vợ ông Si-mon đang
lên cơn sốt nằm trên giường: Người Do Thái thường cho
bệnh tật là do ma quỉ gây nên và là dấu chỉ Đức Chúa phạt tội nhân
(x. Lv 26,16). Như thế, việc chữa lành bà mẹ vợ của Si-mon Phê-rô cho
thấy thời đại Thiên Sai mà ngôn sứ I-sai-a loan báo đã khởi đầu (x. Is
29,18).
- C 31-32: + Cầm
lấy tay bà mà đỡ dậy: Cầm tay là cử chỉ Đức
Giê-su làm khi cho kẻ chết sống lại (x. Mc 5,41), kẻ bị quỉ ám được
chữa lành (x. Mc 9,27). Nâng đỡ dậy là một hành động Đức Giê-su
thường làm cho một người đau nặng. Người bị liệt giường tượng trưng
cho sự chết, đã được Đức Giê-su nâng dậy, tượng trưng cho sự sống
lại. + Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài: Phục
vụ ở đây cụ thể là nấu nướng, dọn bữa để tiếp đãi Đức Giê-su và
các môn đệ. Qua đó, ta có thể rút ra bài học: Con người vốn mỏng
dòn yếu đuối. Nhưng nếu được ơn Chúa giúp sức nhờ siêng năng lãnh
nhận các phép Bí Tích, thì sẽ trở nên mạnh khỏe hơn và sẵn sàng
dấn thân phục vụ tha nhân hơn (x. Ga 13,14-15). + Chiều đến, khi mặt trời lặn: Tức khoảng 6
giờ chiều, hết thời gian hưu lễ của ngày Sa-bát, để bắt đầu ngày
thứ nhất trong tuần.
- C 33-34: + Người ta đem mọi kẻ ốm đau và
những ai bị quỉ ám đến cho Người: Đây là kiểu
nói phóng đại để nhấn mạnh đến tính phổ quát của ơn cứu độ. +
Nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật: Đức Giê-su đến
để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân: Người không những
cứu chữa các bệnh tật về thể xác mà còn chữa cả những bệnh tinh
thần như xua trừ ma quỉ ra khỏi người bị chúng nhập vào. +
Không cho ma quỉ nói vì chúng biết Người là ai: Đức
Giê-su cấm quỷ không được tiết lộ về sứ vụ Thiên Sai của Người.
- C 35-37: + Sáng
sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng
và cầu nguyện: Trong thời gian giảng
đạo, Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su năng cầu nguyện với Chúa Cha. Nhất
là trong những trường hợp quan trọng: Trong cuộc thần hiện sau khi
chịu phép Rửa (x. Lc 3,21) ; Trước khi tuyển chọn 12 tông đồ (x. Lc
6,12) ; Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Mc 6,46) ; Trước khi Phê-rô
tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (x. Lc 9,18) ; Khi
biến hình trên núi (x. Lc 9,29) ; Trước giờ chịu khổ nạn (x. Mt
26,39)...
- C 38-39: + Ông
Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm Người: Đi tìm Chúa là
thái độ biểu lộ sự hâm mộ của các tông đồ đối với Thầy Giê-su. + “Mọi người đang tìm Thầy đấy”:
Dân chúng cũng hâm mộ và đi tìm gặp Đức Giê-su để nghe Người
giảng dạy và được Người chữa lành bệnh tật. + “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để
Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”:
Tin Mừng được rao giảng không phải cho một ít người hay chỉ dành
cho dân Do thái... nhưng là cho hết mọi dân tộc trên thế giới (x. Mt
28,19 ; Cv 1,8).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Tại
sao Đức Giê-su lại cấm ma quỉ nói ra sự thật: Người là Đấng Thiên
Sai?
ĐÁP:
Vì người Do Thái lúc đó đang trông chờ Đấng Thiên
Sai đến để giải phóng họ thoát ách thống trị của đế quốc Rô-ma,
giống như Môi-sê đã từng ra tay cứu con cháu Gia-cóp thoát ách nô lệ
cho dân Ai Cập xưa. Nhưng sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su theo Ý Chúa
Cha lại không nhằm đáp ứng ước mong của người Do Thái. Sứ mệnh ấy
đã được I-sai-a tuyên sấm là: rao giảng Tin Mừng cho người khiêm hạ
nghèo khó, công bố cho người đang bị đau khổ vì bệnh tật, tù đày,
áp bức bất công... một thời đại mới đầy niềm vui, hạnh phúc, ân
sủng và bình an (x. Lc 4,18-19). Do đó, Đức Giê-su không muốn cho ma quỉ
làm hỏng kế hoạch cứu thế mà Người đã lãnh nhận. Nếu để chúng
tuyên xưng Người là Đấng Thiên Sai khi chưa kịp chuẩn bị cho dân chúng
hiểu đúng sứ mệnh Thiên Sai ấy, thì họ sẽ bắt Người tôn lên làm Vua
(x. Ga 6,15), và quân Rô-ma sẽ kéo đến phá hủy Đền Thờ và tiêu diệt
toàn dân (x. Ga 11,47-48). Thực tế đã chứng minh sự e dè này là có cơ
sở: Vào năm 70, khi dân Do Thái không chịu nổi sự áp bức, đã nổi dậy
chống lại nhà cầm quyền Rô-ma. Lập tức quân Rô-ma đã kéo đến vây hãm
thủ đô Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng họ đã chiếm được thành này. Họ phóng
lửa đốt cháy cả đền thờ, tàn sát quân lính còn sống và bắt mọi
thành phần dân Do Thái phải rời bỏ quê hương, phân tán đi khắp nơi trên
thế giới. Tai họa này đã được Đức Giê-su tiên báo cho các môn đệ
biết và dùng nó như một hình ảnh để mặc khải về ngày tận thế.
Người cũng dạy cho các môn đệ biết phải làm gì để có thể tồn tại
trong những ngày ấy (x. Mt 24,15-21).
HỎI 2: Tại
sao Đức Giê-su là Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha, mà lại phải cầu
xin với Chúa Cha?
ĐÁP:
Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là Ngôi Con hay Ngôi
Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,14). Nhưng Người lại có hai bản tính: Một là
Thiên Chúa, hai là loài người. Là “Con Thiên Chúa”, Đức Giê-su cầu
nguyện để tâm sự với Chúa Cha, biểu lộ sự hiệp nhất mật thiết giữa
Cha và Con (x. Ga 17,1.11.21). Là “Con Người”, Đức Giê-su đại diện cho
nhân loại để cầu xin Chúa Cha tha tội và xin cho loài người giao hòa
với Chúa Cha. Về vấn đề này, Thánh Phaolô đã dạy như sau: “Đức Giê-su
Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như một người
trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng
chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu
tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như
vậy, khi vừa nghe danh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ, muôn vật phải bái quì. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải
mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,8-11).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt,
Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông
Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa:
“Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (38) Người bảo các ông: “Chúng ta hãy
đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó
nữa. Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. (39) Rồi Người đi khắp miền
Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỉ.
2. CÂU CHUYỆN:
1) GIÁ TRỊ CỦA
CẦU NGUYỆN: TIẾNG CÒI “YÊN LẶNG”
Một hôm, do sự mất cảnh giác của viên hoa tiêu,
con tàu Victoria của Hải Quân Hoàng Gia Anh đã gặp phải sự cố nghiêm
trọng: Tàu bị đụng phải một tảng băng ngầm trên vùng biển Bắc Băng
Dương. Vỏ tàu bị bể một miếng lớn, nước từ chỗ bể tràn vào khoang
tàu. Lúc ấy, các thủy thủ vừa ăn tối xong và đang dạo mát trên
boong. Lúc đầu, khi con tàu vừa bị va chạm, mọi người đều nhớn nhác
không biết điều gì mới xảy ra. Rồi khi nghe tin tàu bị va chạm vào
tảng băng ngầm và sắp chìm, thì ai nấy đều bị rơi vào cơn hoảng
loạn và không biết phải làm gì. Nhưng rồi một hiệu còi đặc biệt
mang tên “Còi Yên Lặng” vang lên. Thủy thủ đã được thực tập nhiều lần
và đã hiểu rõ ý nghĩa của hiệu còi ấy như sau: “Hãy ngưng tất
cả những gì bạn đang làm, ngồi xuống và giữ yên lặng trong giây lát,
bình tĩnh xem xét tình trạng bạn đang gặp, và chờ nghe lệnh của
thuyền trưởng”. Nhờ tiếng còi, mọi thủy thủ đều làm theo yêu cầu
và cuối cùng tai nạn cũng đã được xử lý kịp thời, và con tàu
tránh được nguy cơ bị chìm đắm.
Trong đời sống thường nhật, chúng ta cũng thường
bị rơi vào tình trạng khẩn cấp không biết phải làm gì. Chẳng hạn:
khi đang đi đường tự nhiện bị người khác tông vào mình, hoặc khi tự nhiên bị
một người thù ghét công khai khích bác... Bấy giờ điều tốt nhất nên
làm là: Hãy giữ bình tĩnh và yên lặng, rồi thưa với Chúa Giêsu:
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Rồi sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa phán dạy
trong tâm hồn. Chúa luôn muốn ta “Tìm làm vinh danh Thiên Chúa và vì
phần rỗi các linh hồn”. Do đó, ta cần tránh làm những điều xấu
khiến người đời khinh thường đạo thánh Chúa. Trái lại cần làm những
điều tốt để anh em lương dân nhận biết “Thiên Chúa chính là Tình Yêu” để
tôn thờ yêu mến Ngài. Cần làm những điều có lợi chung cho tập thể,
và tránh những việc ích kỷ hại nhân. Cần làm những điều “tốt đạo
đẹp đời” như làm cho mọi người đều có cơm ăn áo mặc, sống vui tươi
hạnh phúc hơn và xứng đáng với nhân phẩm hơn...
2) GIÁ TRỊ CỦA
CẦU NGUYỆN: LÀNH BỆNH NHỜ CÓ BÌNH AN TRONG TÂM HỒN:
Trong cuốn “Những biến cố trong cuộc đời một
bác sĩ”, tác giả là bác sĩ Pôn Tô-mi-ê (Paul Toumier) đã thuật
lại câu chuyện sau: “Kết quả cuộc xét nghiệm máu của một bệnh nhân
cho thấy anh ta bị chứng thiếu máu trầm trọng. Vì thế tôi đã làm
giấy để chuyển anh ta đến Văn Phòng Y Tế Quận để xin nơi đây cho anh
được nghỉ việc một thời gian có ăn lương, đồng thời cũng xin Quĩ Bảo
Trợ Công Nhân Viên cho phép anh được đi nghỉ 2 tuần để dưỡng bệnh.
Nhưng sau đó ba hôm, bệnh nhân kia đã quay lại bệnh viện và đưa cho tôi
lá thư của anh bác sĩ bạn tôi, đang làm việc tại Văn Phòng Y Tế. Nội
dung lá thư ấy như sau: “Theo đề nghị của anh, tôi đã làm mọi thủ tục
để bệnh nhân của anh được nghỉ việc và được đi dưỡng bệnh. Nhưng
bệnh nhân lại khai là anh ta đã được khỏi bệnh rồi. Nhưng tôi không
tin, và đã cho tái xét nghiệm máu, và quả thật tôi rất ngạc nhiên
khi thấy kết quả lần xét nghiệm mới này lại không ăn khớp với kết
luận trong bệnh án mà anh đã gửi cho tôi. Vậy đề nghị anh tiến hành
xét nghiệm máu thêm một lần nữa trước khi kết luận chính xác về
trường hợp đặc biệt này”.
Thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi: Kết quả
xét nghiệm máu cuối cùng này đúng như lời khai của bệnh nhân là anh
ta đã hoàn toàn khỏi bệnh. Tôi hỏi bệnh nhân có uống thuốc hay sử
dụng phương thức điều trị nào trong mấy ngày qua không? Anh ta quả
quyết là không. Nhưng rồi anh ta cho biết trong mấy ngày vừa qua, mỗi
ngày anh ta đã dành ra một tiếng đồng hồ để cầu nguyện với Chúa,
và cũng nhờ bầu khí thinh lặng cầu nguyện mà anh ta đã bắt tay hòa
giải được với một kẻ đã từng vu khống làm hại anh, khiến anh rất
uất ức và quyết tâm trả thù. Giờ đây sau khi làm hoà, anh cảm thấy
tâm hồn thanh thản và bình an. Rồi tác giả kết luận: Có nhiều chứng
bệnh thể lý sẽ được chữa trị dễ dàng hơn một khi chứng bệnh trong
tâm hồn được chữa lành trước.
3) PHẢI CẢI TẠO
THẾ GIỚI BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN MÌNH:
Vào lúc sắp chết, một nhà hiền triết đã khiêm
tốn thú nhận như sau: “Lúc thiếu thời, tôi là một người đầy nhiệt
huyết và có ước vọng cao. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi đã xin Chúa cho mình có khả năng để cải
tạo thế giới nên tốt, nghĩa là: không còn chiến tranh thù hận do
những tranh chấp về quyền lợi giữa các quốc gia. Khi đã sống được
nửa đời người, tôi tự xét và thấy mình vẫn chưa làm được điều gì
đáng kể, chưa làm được gì để giúp cho thế giới được tốt hơn! Tôi
đành đổi lại lời cầu nguyện cho phù hợp với thực tế như sau: “Lạy
Chúa, con chỉ dám xin Chúa giúp con cải tạo những người thân và bạn
bè chung quanh con nên tốt hơn mà thôi”. Nhưng rồi khi về già, thời
gian sống chẳng còn được bao lâu, tôi tự xét và thấy mình đã quá ảo
tưởng khi muốn cải tạo tha nhân. Vì trong suốt thời gian qua, tôi đã
chẳng làm được gì giúp ích cho tha nhân, và cũng chẳng biến đổi
được một ai nên tốt lành hơn! Và một lần nữa, tôi đành phải thay đổi
lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin giúp con biến đổi chính bản
thân con”. Giả như ngay từ tuổi thanh xuân tôi đã biết cầu nguyện
khiêm tốn và quyết tâm tự cải tạo trước hết từ bản thân mình, thì
có lẽ giờ đây tôi đã không phải hối tiếc vì đã sống cả một đời vô
ích!
3. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn thì nhà hiền triết trong câu chuyện trên quyết
định rút bớt những điều quyết tâm là đúng hay sai? Câu: “Tu thân,
tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hiện nay còn có giá trị không?
Tại sao? 2) Nếu bạn muốn góp phần vào việc cải thiện xã hội cho an
toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn... thì phải bắt đầu từ đâu
và bằng cách nào?
Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày
làm việc vất vả của Đức Giê-su từ sáng sớm
đến tối đêm. Qua đó, Đức Giê-su đã nêu ra những chỉ dẫn để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
1) Cần phải chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng:
Ngày Sab-bát, Đức Giê-su đến Hội đường thành Ca-phác-na-um và được mời đọc Sách Thánh và giải nghĩa Kinh Thánh.
Sứ vụ loan
báo Tin Mừng là một phần quan trọng của đời sống
người môn đệ Đức Giê-su. Những ai muốn
làm môn đệ của Đức Giê-su phải hăng say rao
giảng Lời Chúa cho mọi người, để nhờ lắng nghe
và thực hành Lời Chúa, người ta mới biết sự thật về Thiên Chúa, biết được con
đường mình phải đi. Bấy giờ Lời Chúa sẽ trở thành ánh sáng soi đường hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hành động của người tín hữu giúp họ có Sự
Sống đời đời. Mỗi người tín hữu cần ý thức sứ vụ của mình là loan báo
Tin Mừng như thánh Phaolo đã nói trong bài đọc II hôm nay: “Khốn thân tôi nếu
tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16)
2) Tin Mừng
phải hướng đến việc giải thoát con người:
Ma
quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người
sẽ bị mất hết ý chí, không thể tự làm điều lành, mà luôn phải
làm theo lệnh truyền của ma quỉ. Tin Mừng của Đức Giê-su có
sức mạnh giải thoát con người khỏi sự trói buộc của ma quỉ, khỏi những phong tục
mê tín lạc hậu. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm
giá làm con
Thiên Chúa. Bà nhạc của Si-mon là một bằng chứng: Khi được giải thoát khỏi bệnh sốt, bà liền trỗi dậy làm bữa ăn phục vụ Chúa va các tông đồ.
3) Tin Mừng phải được loan báo nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp:
Sáng sớm, Đức Giê-su đã ra nơi vắng vẻ để cầu
nguyện với Chúa
Cha. Người đã vất vả cả ngày để rao giảng chữa
bệnh và trừ quỷ, nên Người đã dành riêng buổi sáng sớm để cầu nguyện với Chúa
Cha. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của cầu nguyện. Đức Giê-su cầu nguyện vì muốn được kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, để tìm
thánh ý Chúa Cha và để có nguồn sức mạnh giúp cho các hoạt động loan báo Tin
Mừng. Các tín hữu hôm nay muốn dấn thân thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, mở mang Nước
Trời cũng phải
biết noi gương Đức Giê-su cầu nguyện để đón nhận được sức mạnh từ nơi Chúa Cha. Việc chăm chỉ học sống Lời Chúa rất
cần để hiểu biết thánh ý Thiên Chúa và chia sẻ tình
thương của Chúa cho tha nhân.
4) Quảng đại cho đi là phương thế loan Tin Mừng hữu hiệu
nhất:
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức
Giê-su sau khi ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, đã chữa khỏi bệnh sốt cho bà mẹ vợ của ông Phê-rô, đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Chúng ta dù
có đang bị đau khổ, thì cũng sẽ được vơi bớt nếu biết
mở rộng lòng để cho đi, biết ra
khỏi mình để đến với tha nhân. Sức nặng của thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng nếu chúng ta biết đến cầu nguyện với Chúa Giê-su và biết quên mình xoa dịu nỗi đau của tha nhân.
Không ai quá nghèo đến độ không thể cho đi một điều gì đó: Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt khích lệ động viên, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm manh áo cho người nghèo khó kèm
theo tấm lòng yêu thương... Chính trong lúc cho đi là lúc chúng ta sẽ được nhận lại như lời Chúa Giê-su: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv
20,35) và như lời cầu trong kinh hoà bình của thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là
lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết
đi là khi vui sống muôn đời”.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin hãy dừng bước chân con, xin
hãy dừng bước chân con! Xin cho thần kinh con đang suy nhược được mạnh
mẽ, cho gân cốt con đang rệu rã được hồi phục, cho trái tim con đang lo
buồn được an ủi, cho tâm hồn con đang xáo trộn được bình an... Xin dạy
con biết dừng lại công việc đang làm trong vài ba phút ngắn ngủi để
con trở về đối diện với lòng mình, lắng nghe lời Chúa và từ đó
rút ra sự can đảm mới, sức mạnh mới và nguồn sống mới để đạt được
kết quả tốt hơn. Lạy Chúa, xin hãy dừng bước chân con!
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM