CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN
Tôn vinh quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 1:40-45)
Thường chúng ta vẫn không sao làm quen
được với những khuôn mặt và tay chân bệnh nhân phong cùi bị biến dạng vì căn bệnh
hiểm nghèo. Ngày nay nhờ khoa học và hiểu
biết, bệnh cùi không còn ghê sợ như ngày xưa nữa. Nhưng thử đặt mình vào văn hóa thời Chúa
Giê-su tại Do-thái, chúng ta sẽ thấy phong cách đối xử của Chúa Giê-su thực là
phi thường, phi thường vì đó là kết quả của thái độ “chạnh lòng thương”. Còn người được lành bệnh thì có những phản ứng
có vẻ bất lợi cho tác vụ của Chúa Giê-su, nhưng chắc chắn anh ta có những lý do
riêng để làm như thế. Chúng ta hãy đi
vào những tâm tình của Chúa Giê-su và của người mắc phong cùi.
Trước hết, đến gần được Chúa Giê-su,
người mắc phong cùi đã phải vượt thắng nhiều trở ngại. Anh sẽ phải sẵn sàng chấp nhận những xua đuổi
của dân chúng nếu họ phát hiện ra anh.
Nhưng có lẽ trở ngại lớn hơn cả là lòng tự trọng của anh. Với thân tàn ma dại, liệu anh có đủ can đảm để
xuất hiện trước mặt người khác không? Vậy
mà anh đã đến với Chúa và biểu lộ một cử chỉ rất cảm động: quỳ xuống van xin Chúa. Quả thực đây là một cử chỉ của lòng tin. Tuy nhiên anh vẫn cho như thế là chưa đủ, mà
cần phải tuyên xưng lòng tin ấy nữa. Cho
nên anh đã thưa với Chúa: “Nếu Ngài muốn,
Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đối
với anh, Chúa Giê-su có đầy đủ quyền năng chữa lành cho anh. Vấn đề duy nhất là Người có muốn chữa lành
hay không mà thôi. Đúng vậy, khi nói những
lời trên, anh đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa và trong tình
thương xót của Người.
Trong khi người mắc bệnh phong làm tất
cả những gì có thể để biểu lộ lòng tin của mình, thì Chúa Giê-su cũng làm tất cả
những gì để biểu lộ lòng thương của Người.
Cử chỉ ý nghĩa nhất để biểu lộ là Người “giơ tay đụng vào anh”. Người giơ tay đưa anh trở về với xã hội đã
xua đuổi anh. Người giơ tay trả lại cho
anh tình yêu thương anh đã bị tước đoạt.
Nhưng đáng quý nhất, Người giơ tay đụng vào anh để anh cảm nhận được
Thiên Chúa yêu thương anh như thế nào. Rồi
Người nói với anh: “Tôi muốn, anh hãy được
sạch”. Hoặc đúng hơn, Chúa muốn
nói: Tôi yêu thương anh, Tôi cho anh được
khỏi bệnh. Không những Chúa Giê-su chữa
lành anh, Người còn lo lắng cho tương lai của anh nữa, nên căn dặn anh hãy làm
tất cả những gì luật dạy, nhất là “đừng nói với ai cả”, để anh hoàn toàn phục hồi
được những gì đã mất bấy lâu. Vậy mà anh
đã không làm như Chúa dạy. Tại sao? Vì anh thấy tương lai của anh chẳng là gì so
với việc tôn vinh Đấng đã chữa cho anh được lành. Do đó, thay vì đến gặp tư tế để họ làm chứng
anh đã được khỏi, thì anh lại bắt đầu đi “làm chứng” cho Chúa Giê-su, bắt đầu
“rao truyền” về Người! Việc làm này có vẻ
như làm tổn hại cho việc “vào thành” của Chúa, nhưng ngược lại, thay vì Chúa phải
vào thành để gặp người ta, thì “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”. Phải chăng một phần vì anh đã rao truyền và
loan tin về Chúa, nên người ta từ khắp nơi đã đến với Chúa?
Sống sứ điệp Tin Mừng
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một câu
chuyện rất cảm động. Lòng can đảm của
người mắc bệnh phong cùi giúp anh đến với Chúa và hết lòng tuyên xưng đức tin
vào Người. Chúng ta cảm phục cách thức
anh biểu lộ lòng tin vào Chúa bằng cử chỉ và lời nói. “Nếu Ngài muốn” là những lời dạy chúng ta nhiều
bài học, nhất là khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì. Nhìn vào bản thân mình khi cầu nguyện, chúng
ta hãy thưa với Chúa: Nếu Chúa muốn…,
xin Chúa giúp con giải tỏa mối hận thù này;
xin Chúa chữa lành vết thương lòng do người thân yêu làm con đau đớn; xin Chúa đem đứa con đang mất đức tin của gia
đình con trở về với Chúa… Chúng ta xin
gì cũng được, nhưng đừng quên mở đầu bằng “Nếu Chúa muốn”!
Chúng ta cũng không quên theo gương
người mắc bệnh phong được chữa lành là hãy biết tôn vinh và cảm tạ Chúa. Chúng ta nhận được ơn lành Chúa ban thì phải
biết rao truyền cho mọi người rõ lòng thương của Chúa. Bao nhiêu người vẫn chưa biết là Chúa “chạnh
lòng thương”! Cho nên chúng ta hãy chia
sẻ điều này với người khác.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi