Đặt niềm tin và hy vọng nơi Chúa
Suy niệm
Chúa nhật XI Năm - B
(Mc 4, 26-34)
Bước vào Chúa nhật XI thường niên B, trung tuần tháng
Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống
tin tưởng và hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Quả thật, tình yêu của
Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu nhập thể
(gieo vào thế gian) đối thoại với con người, khiến con người tin
tưởng, kiên nhẫn, phó thác trong tin yêu vào Chúa là nguyên nhân mọi sự
(x. Ed 17, 22 - 24), là sức mạnh, là niềm vui và là động lực, giúp con người
nhận được ơn của Chúa, và sống tốt đời sống làm con Chúa.
Chủ nhật này, thánh Marcô, người con tinh thần của
Thánh Phêrô thuật lại cho chúng ta hai dụ ngôn tuyệt vời, giàu ý nghĩa của Chúa
Giêsu: dụ ngôn hạt giống tự mình mọc lên và dụ ngôn hạt cải (x. Mc 4, 26 - 34).
Qua những hình ảnh nông nghiệp bình dân ấy, Chúa trình bày mầu nhiệm Nước Trời,
và mời gọi con người hy vọng và tin tưởng nơi Chúa là Thiên Chúa quyền năng (x.
Ed 17, 22 – 24).
Có người gọi dụ ngôn này là “hạt giống mọc lên một mình”. “Người
đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó
cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 27). Thực tế, hạt giống không có tự mình
mọc lên được như Phaolô nói: “Tôi trồng,
Apôllô tưới, những chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Một khi hạt
giống được gieo vào lòng đất, tương quan giữa hạt giống với đất được thiết lập,
một chuỗi những kỳ bí vô hình tuyệt vời bắt đầu, quá trình nảy mầm sẽ xảy ra,
nếu như nhà nông không để ý đến những gì ông đã gieo và không ai quan tâm đến
hạt rơi vào thửa đất.
Đây là một trong những dụ ngôn lạc quan nhất mà chúng
ta có được. Mưa hay nắng, các thực tại thần linh được gieo trong nhân loại và
chắc chắn mỗi ngày một triển nở, sự yếu đuối của chúng ta là sức mạnh của hạt
giống. Hạt giống Chúa Giêsu Con Thiên Chúa được gieo vào mảnh đất nhân loại
chúng ta.
Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn
mạnh của nó... Liệu tất cả những người tin có hy vọng thế không ? Và các
tín hữu có trông đợi như vậy không ? Phải chăng “những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên
nơi lòng một người phàm, hết thảy là những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những
ai yêu mến Người sao ?” (1 Cr 2, 9) Thật vậy, “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối
nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1, 25), nên điều nhỏ nhặt
tốt lành của Chúa cũng lộng lẫy hơn sự bao la của thế giới.
Chúa Giêsu là Nước Trời. Theo
cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh
Nữ Maria. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi
bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp
với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải,
sự kiện hạt bị nứt ra chính là mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Kitô muốn
thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong
thế gia... Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả
vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.
Lời Chúa Giêsu : “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên
Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải,
khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng
khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi
chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4, 30-32). Với ngôn ngữ văn chương
của người Do thái, các loài chim tượng trưng cho các dân ngoại và những người nước
ngoài đến ẩn náu với số lượng lớn. Tiên tri Êdêkien đã nói rất chí lý : “Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ
đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến
ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó” (Ed 17, 23). Hình ảnh của hạt cải
lớn lên trở thành nơi cho “chim trời” ẩn núp không có mục đích gì hơn là giúp
cho chim trời sống thoải mái và bình an! Hình ảnh này nhấn mạnh đến Nước Thiên
Chúa ở trong chúng ta, và hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cái cây lớn, trong đó
chim trời đến làm tổ, ám chỉ tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được ban nhưng
không cho chúng ta. Vương quốc của Thiên Chúa sẽ lan rộng đến tất cả các quốc
gia trên khắp thế và người ta tìm nơi
trú ẩn nơi một Kitô giáo tốt lành.
Ơn gọi của Giáo Hội Chúa Giêsu
Kitô không phải là để trở nên mạnh mẽ. Trở nên vĩ đại, không phải là ơn gọi của
Chúa Kitô. Giáo hội không tìm cách trở thành bình đẳng của các vương quốc thế
trần : đó không phải là sứ mạng của Giáo hội, càng không phải là chứng
nhân mà Thiên Chúa mong muốn nơi Giáo hội. Dụ ngôn nói rằng chim trời đến ẩn
núp. Đây không phải là sự bành trướng nhưng là sự hiếu khách. Nước Trời không
đến để áp đặt lên con người, nhưng đón nhận họ. Trong cây sự sống hoặc cây mà
cho phép loài chim đến đậu rồi bay đi và đôi khi được đón nhận ở đó, cho đến
ngày làm tổ, đẻ ấp trứng và sống hình thành.
Trong bước đường thiêng liêng,
chúng ta thường có thói quen mơ tưởng những điều được coi là vĩ đại. Và rồi
thất vọng. Không, chúng ta phải tin tưởng và hy vọng. Niềm hy vọng nơi chúng ta
qua đức tin và lòng mến, cho phép chúng ta khám phá ra Thiên Chúa bao bọc
chung ta, khiến chúng ta không nản lòng hay thất vọng trong việc truyền giáo,
nhưng giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ dẫn dắt mọi sự đến thành toàn
mà Ngài đã khởi đầu. Dù điều gì xảy ra với chúng ta đi chăng nữa, thì đời chúng
ta đã được đồng hành bởi lời hứa đáng tin này: “Nếu ta cùng chết, ta sẽ cùng sống! Nếu ta chịu đựng, ta sẽ đồng trị.
Nếu ta chối Ngài, Ngài sẽ chối ta” (2Tm 2, 11-12).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến
Chúa, chúng con đặt tin cậy và hy vọng nơi Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
.