CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 4:35-41)

          Con thuyền trên biển cả là hình ảnh thường được sử dụng để ám chỉ Giáo Hội, hoặc gia đình hay cuộc đời của một người.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra trong một con thuyền và trên biển hồ Ga-li-lê.  Thánh Mác-cô nói ít, nhưng có lẽ chúng ta thử dùng óc tưởng tượng để làm sống lại biến cố Chúa truyền cho sóng gió yên lặng, và có thể áp dụng phép lạ vào chính cuộc đời chúng ta, để củng cố niềm tin Chúa luôn ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

          Chiều hôm ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Chúa Giê-su cùng các môn đệ đi thuyền sang bờ bên kia biển hồ.  Chắc là Thầy trò muốn tìm một chỗ vắng vẻ để nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, nhưng dân chúng chẳng để các ngài yên, vì “những thuyền khác cùng theo Người”.  Cả một đoàn thuyền nối đuôi nhau, chẳng ai nghĩ sẽ có điều gì xảy ra.  Tuy biển hồ không lớn lắm, nhưng đôi khi lại có những luồng gió mạnh bất ngờ làm cho mặt hồ nổi sóng lớn.  Trận cuồng phong chiều nay mạnh lắm, nên dù những bạn chài kinh nghiệm lão luyện như Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã cố gắng chèo chống, nhưng “sóng vẫn ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”.  Vậy mà trong khi đó, “Chúa Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.  Có người nghĩ là Chúa giả vờ ngủ!  Không đâu, Người ngủ thật đấy, vì Người quá mệt và các môn đệ phải đánh thức Người dậy.  Các ông hốt hoảng nói với Chúa:  “Chúng ta chết mất!”, rồi còn trách Chúa:  “Thầy chẳng lo gì sao?”   Chúa thức dậy ngay, rồi lập tức truyền cho sóng gió im lặng và chúng đã im lặng như tờ.  Phản ứng của các môn đệ trước phép lạ là sợ hãi kinh hoàng.  Ít phút trước đây các ông sợ hãi sóng gió, bây giờ các ông kinh ngạc hỏi nhau về Chúa:  “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Chúa Giê-su là ai?  Câu trả lời cho câu hỏi này cũng là câu trả lời Chúa đã nói cho ông Gióp biết (bài đọc thứ nhất).  Phải, Chúa Giê-su chính là Đấng đã “ra tay khép lại cửa đại dương”, Đấng đã phán với sóng biển:  “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”  Nói khác đi, Chúa Giê-su là Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài muôn vật.

          Chúa Giê-su là chính Thiên Chúa.  Nhưng một điều nữa cũng quan trọng không kém, đó là Người luôn hiện diện giữa chúng ta.  Sự có mặt của Chúa ở trên thuyền với các môn đệ là hình ảnh nói lên chân lý ấy.  Hơn nữa, Chúa Giê-su còn “đang ở đàng lái”, để sẵn sàng lèo lái con thuyền Giáo Hội, hoặc con thuyền cuộc đời mỗi người chúng ta.  Liệu chúng ta có ý thức sự hiện diện của Người hay không mới là vấn đề, bởi vì Người đã hứa:  “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mát-thêu 28:20).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Giống như các môn đệ và dân chúng trong những thuyền khác cùng đi với Chúa “sang bờ bên kia”, chúng ta cũng từ bến tạm đời này để sang bờ bên kia là nhà Cha trên trời.  Chúa Cha đang chờ đợi con cái Người đến, dưới sự dẫn dắt và che chở của Con Một Người là Thuyền Trưởng Giê-su.  Trong hành trình vượt biển trần gian này, chúng ta đôi khi sợ hãi vì những cơn sóng gió, cuồng phong, có khi nước ập vào thuyền và thuyền sắp chìm.  Nhưng Chúa vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhất là Người đang ở đàng lái, rồi “gió và biển cũng tuân lệnh Ngài” nữa.  Vững tin như vậy, chúng ta có thể đáp lời tác giả Thánh Vịnh kêu gọi mà cảm tạ Chúa rằng:   “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,

          Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,

          đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,

          sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,

          họ vui sướng vì trời yên bể lặng

          và Chúa đưa về bờ bến mong chờ.

          Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,

          và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Thánh Vịnh 107:28-31)

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B