ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH BÀ BỊ BĂNG HUYẾT
VÀ CHO CON GÁI ÔNG GIA-IA SỐNG LẠI
(Mc 5,21-43 – CN XIII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này
tổng hợp hai truyện về chữa lành (con gái ông Gia-ia [Mc 5,21-24.35-43] và bà băng huyết [Mc 5,25-43]). Đây là một ví dụ nữa về cấu trúc “tháp ghép [sandwich
construction]” của tác giả (x. 1,21-28; 2,1-12; 3,21-35; 6,7-33; 11,11-21;
14,1-11). Hai truyện này có nhiều điểm chung: những người đau khổ là những
người nữ; con số 12 (5,25.42); và từ vựng (“lòng tin”, “sự sợ hãi”, “khỏi/lành
mạnh”, “con [gái]…”). Tuy nhiên, giọng văn của hai truyện này không giống nhau,
khiến phải cho rằng đây là hai truyện lúc đầu độc lập với nhau: Truyện con gái
ông Gia-ia được kể bằng những câu ngắn, với ít phân từ (participles) và các
động từ ở thì hiện tại lịch sử (historic present); còn truyện bà băng huyết
được kể bằng những câu dài, dùng nhiều phân từ và ở thì quá khứ aorist và vị-hoàn
(imperfect).
2.-
Bố cục
Bản văn này có thể chia thành ba phần:
1) Mở: Khung cảnh, các nhân vật (5,21);
2) Hai truyện về chữa lành (5,22-42a):
a) Chữa con gái ông Gia-ia (cc.
22-24.35-42a),
b) Chữa bà băng huyết (cc. 25-34);
3) Kết: Phản
ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (5,42b-43).
3.-
Vài điểm chú giải
- lại trở sang bờ bên kia (21): Đức Giêsu trở lại bờ
biển phía tây (x. 4,35).
- một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia (22): Ít ra ta biết Gia-ia là một thành viên vị vọng của
hội đường Do Thái, thuộc hàng kỳ mục có nhiệm vụ quan tâm đến những vấn đề tôn
giáo và xã hội của cộng đồng. Tên Híp-ri Ya’ir (x. Ds 32,41; Tl 10,3-5; HL. Iaïros)
có nghĩa là “ước gì Người (= Thiên Chúa) soi sáng”.
- sụp xuống… khẩn khoản nài xin (22-23): “Sụp xuống” (HL. piptei, x. 3,11;
5,33; 7,25) tương tự động từ proskyneô (“quỳ xuống”; x. 5,6; 15,19), là
thái độ vâng phục bày tỏ với một người trên, và trong ngữ cảnh khác, là sự tôn
kính bày tỏ ra với Thiên Chúa. Tác giả dùng hai động từ trên để giới thiệu
Gia-ia như là một người cầu xin: vì ở trong một hoàn cảnh bế tắc, một bậc vị
vọng Do Thái đã xin Đức Giêsu giúp đỡ. Ông nài xin “nhiều” (polla) (khẩn khoản, tha thiết).
- con bé: “con
gái nhỏ” (HL. thygatrion, từ giảm nhẹ của thygatêr, “con gái”). Từ giảm nhẹ này nói lên
tình âu yếm của người cha đối với con mình.
- gần chết rồi: Mt
nói “vừa mới chết” (Mt 9,18), còn Lc
thì nói “đã gần chết (đang hấp hối)” (NTT;
Lc 8,42). Mc thì viết “đã gần
lâm chung” (NTT) (HL. eschatôs
echei).
- bà băng huyết (25): Chứng bệnh này làm cho người
phụ nữ bị ô uế về phương diện tế tự (x. Lv
15,19.25), và do đó, tất cả những gì bà động chạm đến cũng trở nên ô uế.
- khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc (26): Lời kết án các thầy thuốc đây thuộc nguồn riêng của Mc.
Tác giả Lc sẽ nói nhẹ nhàng hơn (x. Lc
8,43).
- sợ phát run lên (33): Bà
sợ có lẽ vì thấy mình đã làm cho Đức Giêsu bị luỵ vào tình trạng ô uế theo luật.
Nhưng cũng có thể bà sợ vì thấy điều vừa xảy ra cho mình. Sợ và run cũng là một
phản ứng của con người khi Thiên Chúa tỏ mình ra (x. Xh 15,16; Đnl 2,25;
11,25; Gđt 15,2).
- Này con (34): Đức Giêsu gọi bà là thygatêr, “con gái”.
- lòng tin: Đây
không phải chỉ là một cuộc chữa lành thể lý nhờ tiếp xúc bên ngoài với bản thân
Đức Giêsu, nhưng là ơn cứu độ mà lời Người loan báo và ban cho tất cả những ai
tin tưởng đến với Người. Vì thế động từ sesôken có thể dịch là “đã chữa
con lành” hoặc “đã cứu con”.
- đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống: Việc đặt tay trên người đau ốm là một cử chỉ
thường có trong các nghi thức chữa bệnh ngày xưa, dựa trên ý tưởng người chữa
bệnh là một người đầy quyền lực (x. 5,27-30: một kiểu tiến hành ngược lại). Những
từ ông Gia-ia nói ra (“được cứu thoát”, “được sống”) là những từ chuyên môn
được các nhóm Kitô hữu tiên khởi sử dụng để nói về sự cứu độ và sự sống được
phục hồi (sống lại). Như vậy, rất có thể các Kitô hữu tiên khởi đã coi câu
truyện phục hồi sự sống cho con gái Gia-ia là một lời tiên báo hoặc một sự tiền
dự vào sự sống lại của Đức Giêsu và của những ai tin vào Người.
- con gái ông chết rồi (35):
Gia-ia chìm đi một lúc trong đám đông đang đi theo Đức Giêsu. Trong khoảng thời
gian này, bà băng huyết được chữa lành. Đến lúc ấy, Gia-ia nhận được tin chẳng
lành: con gái ông đã chết! Vậy thì “làm phiền Thầy chi nữa?”. Dưới mắt những
người đưa tin, người cha đã đến gặp Đức Giêsu quá muộn. Chính họ vừa mới nói ra
sự không tin của họ; chính thái độ này vừa như muốn giới hạn quyền năng Đức
Giêsu lại vừa muốn lung lạc lòng tin của Gia-ia.
- Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi (36): Đức Giêsu đã trấn an ông, bởi vì ông cần phải thắng
vượt được nỗi sợ hãi của ông, để sẵn sàng chứng kiến quyền lực thần linh của
Đức Giêsu hiển lộ ra. Công thức “Đừng sợ” ở những chỗ khác thường được dành cho
các hoạt cảnh mạc khải (x. 6,50; Mt
28,5; Lc 1,13.30); ở đây công thức
này cũng đang chuẩn bị một cảnh thuộc loại đó. Tác giả Mc thường
nhấn mạnh đến nỗi sợ hãi, kinh ngạc hoặc kinh hoàng nơi những người đã chứng
kiến các phép lạ (x. 1,27; 2,12; 4,41; 5,15; …), nhưng những phản ứng này không
đưa tới đức tin. Đức Giêsu khuyến khích Gia-ia đừng chao đảo trong đức tin, bởi
vì, như Đức Giêsu sẽ nói với người cha của đứa bé động kinh, “cái gì cũng có
thể, đối với người có lòng tin” (9,23).
- người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ (38): Tình trạng ồn ào, với sự hiện diện của những người
khóc mướn, dường như chứng tỏ đứa bé đã chết thật rồi.
- nó ngủ đấy (39):
Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, cái chết
thường được tượng trưng bằng giấc ngủ (Đn
12,2; Ga 11,13; 1 Cr 15,20.51; Ep 5,14; 1 Tx 5,6.10). Bản LXX cũng thường
dùng động từ “ngủ” để nói về cái chết. Bản văn Mt 9,18 và Lc 8,53.55
cũng theo ý nghĩa ấy. Nhưng động từ ấy, trong bản văn Mc thì còn có vẻ
hàm hồ, lý do là ngay ở đầu, tác giả ghi nhận là đứa bé chưa chết. Dù câu
truyện có vẻ là cuộc phục sinh một em bé, biết đâu chừng nó chưa chết, chỉ rơi
vào tình trạng hôn mê thôi; và Đức Giêsu với cái nhìn thấu suốt, đã nhận ra
tình trạng ấy của đứa bé, nên đã nói như thế? (x. Mann; NJBC). Khi đó, câu truyện này sẽ là truyện về một cuộc chữa lành
ngược lại mọi hy vọng và ngược lại sự lượng định khôn ngoan của những người có
mặt (x. 5,43).
- Họ chế nhạo Người (40): Phản
ứng mạnh mẽ của đám đông được nhắc tới bằng câu này vừa cho thấy họ không tin
vừa càng nêu bật tính cách phi thường của những gì Đức Giêsu sắp làm. Cha mẹ em
bé ở vào vị trí chứng nhân cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dường như mọi
người đều đồng ý là đứa bé đã chết.
- nơi nó đang nằm: Đây
là chi tiết của riêng Mc. Câu này chứng tỏ Đức Giêsu vào phòng lần đầu
tiên.
- Talitha koum (41): (Aram tơlitha’ qum). Chi tiết này rất có thể chứng tỏ câu truyện đang được một
người đã chứng kiến tận mắt kể lại.
- đứng dậy và đi lại được (42): Hai động từ này được dừng ở hai thì khác nhau. “Đứng
dậy”, anestê, ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi vừa làm
xong, còn “đi lại”, periepatei, ở thì vị-hoàn (imperfect), diễn tả một
hành vi còn kéo dài.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Mở: Khung cảnh, các nhân vật ( 21)
Chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc trong
câu mở đầu này: đám đông quy tụ ở bờ Biển Hồ (x. 4,1), con thuyền (x. 4,1.36),
vượt hồ (x. 5,1t) .
* Hai truyện về chữa lành (22-42a)
Đức Giêsu đào tạo các môn đệ không những bằng
lời nói mà còn bằng các hành động nữa. Một vài hành động nổi bật hẳn, bởi vì
Người chỉ cho Phêrô, Giacôbê và Gioan tham dự thôi (5,35-43; 9,2-9; 14,32-42). Trong
truyện cho con gái Gia-ia sống lại, tác giả nói hai lần là Đức Giêsu chỉ đưa ba
môn đệ ấy theo thôi (cc. 37.40). Họ không có nhiệm vụ nào cả; họ chỉ phải có
mặt mà trực tiếp chứng kiến một hoàn cảnh bế tắc về phương diện con người,
nhưng cũng thấy sự tin tưởng người ta đặt vào Đức Giêsu và thấy quyền lực siêu
phàm của Người.
Trong sự cố bà băng huyết được lành, họ đã
thấy: bà hoàn toàn không mong dựa vào sức lực con người nữa, nhưng bà vẫn không
mất hy vọng, bà đặt tin tưởng nơi Đức Giêsu (c. 28). Đức Giêsu đã xác nhận điều
đó, và Mc diễn tả qua một sự chuyển
dịch từ ngữ đầy ý nghĩa: ông trưởng hội đường khẩn xin Đức Giêsu cho “con gái
mình” (thygatrion = thygatêr nhỏ),
nhưng khi đối diện với người phụ nữ đã được chữa lành, Đức Giêsu lại nói: “Này
con (thygatêr), lòng tin của con đã
cứu chữa con”, y như thể Người là cha của người phụ nữ ấy, là người cho đến nay
không được một người nam nào che chở bảo vệ (đây là người phụ nữ duy nhất mà Đức
Giêsu gọi như thế).
Còn Gia-ia thì hy vọng là nhận được sự trợ
giúp cho con gái ông đang hấp hối (c. 23). Nhưng trên đường về có Đức Giêsu
cùng đi, ông đã được tin chẳng lành. Đây là điểm gay cấn. Có tương quan nào
giữa Đức Giêsu và cái chết? Phải chăng Đức Giêsu có là thầy thuốc tài giỏi
nhất, cũng phải bó tay trước cái chết? Người đã kêu mời Gia-ia đừng sợ hãi và
thất vọng, nhưng hãy đứng vững trong niềm tin (c. 36). Giữa lời khuyên của các
sứ giả (c. 35) và lời khuyến khích của Đức Giêsu, ông đã nghe theo Đức Giêsu và
đi với Người đến với đứa con gái vừa tắt thở. Đức Giêsu không rút lại sự giúp
đỡ đã hứa và tiếp tục tiến bước, dù bây giờ là tiến bước đến với một người đã
chết.
Đến đây, Đức Giêsu muốn ba môn đệ chọn lọc có
mặt, không phải để họ tích cực làm việc gì, nhưng để họ tham dự vào sự cố thật
gần gũi. Khi Đức Giêsu nói rằng em bé chỉ “ngủ” thôi, mọi người đều chế nhạo
Người, bởi vì họ chắc chắn em đã chết. Bây giờ, Người lại làm một cuộc
phân rẽ nữa: chỉ cha mẹ em bé và ba môn đệ được đi với Người vào gặp em bé đã
hết. Họ đã chứng kiến hành động hết sức đơn giản của Người: Người chỉ cầm lấy
tay em và gọi em dậy. Thế là chuyện không thể tin nổi đã xảy ra: em đứng dậy và
đi lại được. Tác giả còn ghi lại một chi tiết cho thấy Đức Giêsu rất
tinh tế: Người bảo họ “cho con bé ăn”.
* Kết: Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (42b-43)
Hành vi của Đức Giêsu đã làm nổ tung các giới
hạn của mọi niềm hy vọng, và cả những giới hạn của kinh nghiệm của các môn đệ.
Họ phải nhìn nhận: Đức Giêsu mạnh hơn sự chết. Các môn đệ không còn như trước
nữa; một thực tại mới vừa xuất hiện ở chân trời kinh nghiệm của họ. Đứng
trước cái chết, các môn đệ có thể trả lời với nó không chỉ bằng các tiếng than
van rỗng tuếch, nhưng bằng niềm tin tưởng vào quyền lực của Đức Giêsu. Họ không
mạnh, nhưng họ biết rằng Đức Giêsu rất mạnh.
+ Kết luận
Nơi
ông Gia-ia và bà băng huyết, tác giả Mc cho chúng ta thấy hai ví dụ
tương tự về bước đi của người tín hữu và câu trả lời họ nhận được từ Đức Kitô.
Bên kia phép lạ thể lý, tác giả muốn giúp chúng ta cảm nhận được sự sống viên
mãn Đấng Cứu Thế ban cho người tín hữu, lúc này, khi Người đã được tôn vinh bởi
cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh.
5.- Gợi
ý suy niệm
1. Người Kitô hữu cũng là người được Đức Giêsu tách riêng
ra để trải nghiệm quyền lực của Người trên những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức
Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con
người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
Là chứng nhân của Đấng là Chúa tể, chúng ta biết mời gọi người ta bình tĩnh giữ
vững niềm tin? Hay là chỉ hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh khó khăn
như một định mệnh khắc nghiệt?
2. Ông Gia-ia đã chứng tỏ một đức tin đáng phục. Bà băng
huyết cũng có những suy nghĩ và chọn lựa nói lên lòng tín thác. Bởi vì Đức
Giêsu có đó để khuyến khích, trấn an, mời gọi họ vững vàng đi tới. Niềm tin vào
Đức Giêsu hôm nay có giúp các môn đệ của Người hiên ngang tiến đi và làm điểm
tựa cho người khác trong hành trình đức tin của họ?
3. Cũng cần phải hiểu Đức Giêsu có uy quyền như thế, nhưng
vì sao Người đã không cho mọi người chết sống lại, tức là hiểu ý nghĩa của việc
Đức Giêsu cho em bé này sống lại, dù sau đó em sẽ lại chết. Bên kia phép lạ, Đức
Giêsu mời gọi chúng ta khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Bên kia cái chết
thể lý, Người mời chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.
4. Trong hành trình phục vụ, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Đức
Giêsu, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép
lại. Trong trăm công nghìn việc nhằm phục vụ hạnh phúc của con người, chúng ta
vẫn được mời học lấy cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”.
Đức Giêsu thấy nhu cầu nhỏ bé của từng con người, dù bé nhỏ. Người không bao
giờ vì số đông mà quên từng cá nhân và coi thường nhu cầu của từng cá nhân.
Lm FX Vũ Phan Long,
ofm