ĐỨC GIÊ-SU BỊ ĐỒNG HƯƠNG TỪ CHỐI KHÔNG TIN
1.TIN MỪNG : Mc
6,1-6
(1) Đức Giê-su ra khỏi đó, và đến nơi quê quán của Người,
có các môn đệ đi theo. (2) Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội
đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như
thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những
phép lạ như thế nghĩa là gì ? (3) Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a,
và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao ? Chị em của ông
không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. (4)
Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương
mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. (5)
Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người chỉ đặt tay trên một vài
bệnh nhân và chữa lành họ. (6) Người lấy làm lạ vì họ không tin.
2.Ý CHÍNH : Sau
một thời gian đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su đã về thăm
quê hương là làng Na-da-rét. Dân làng ngạc nhiên trước lời giảng khôn ngoan và
thán phục trước các phép lạ Người làm ở khắp nơi. Nhưng họ lại đặt nghi vấn về
thân thế dòng dõi của Người và không tin Người có thể là Đấng Thiên Sai. vì họ
cứng lòng tin nên Đức Giê-su đã không làm nhiều phép lạ tại đó.
3.CHÚ THÍCH :
-C 1-2 : + Đến nơi quê quán của Người, có các
môn đệ đi theo: Đức Giê-su trở về quê hương
Na-da-rét của Người (x. Mt 2,23). Làng này không mấy nổi danh như ông
Na-tha-na-en đã nhận xét : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” (x. Ga
1,46). Đức Giê-su về Na-da-rét để thăm thân nhân, và cũng để thi hành sứ mạng
rao giảng Tin Mừng Nước Trời ở đó nữa. + Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu
giảng dạy trong hội đường : Tại các hội đường Do Thái, dân làng có thói
quen tập trung vào ngày Sa-bát để nghe các kinh sư đọc và giải thích Kinh
Thánh. Trong các buổi cầu nguyện này, người ta cũng thường hay mời các kinh sư
hay các bậc vị vọng đến giảng dạy. Đức Giê-su đã nổi tiếng khắp nơi nên cũng
được mời lên bục giảng. Dân làng ngạc nhiên về giáo lý của Người, nhất là khi
nghe biết các phép lạ Người đã từng làm tại thành Ca-phác-na-um.
-C 3 : + Là bác thợ : Nhưng rồi dân làng Na-da-rét lại tỏ vẻ khinh thường nghề
thợ mộc mà Đức Giê-su đã học cha nuôi là Giô-xép. + Con bà Ma-ri-a :
Họ không nhắc đến Giô-xép (hay Giu-se), có lẽ vì ông đã qua đời từ lâu, mà chỉ
nhắc đến bà Ma-ri-a là một phụ nữ bình thường. + Anh em của các ông
Gia-cô-bê, Giô-xép, Giu-đa và Si-mon sao ? Chị em của ông không phải là bà con
lối xóm với chúng ta sao ? : Anh chị em được nêu tên ở đây chứng minh
gia thế Đức Giê-su không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, có người lại dựa vào câu
này để phủ nhận đức đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a, vì theo họ: ngoài Đức
Giê-su ra, bà còn sinh thêm nhiều con trai con gái khác. Thực ra, anh chị em
nói đây chỉ là anh chị em bà con mà thôi (x. St 13,8; 14,16). Chẳng hạn:
Gia-cô-bê và Giô-xép là con của bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Mt 27,56; Ga
19,25), Giu-đa là con của ông Gia-cô-bê (x. Lc 6,16). Ngay từ ban đầu, Giáo Hội
Công giáo luôn khẳng định: Đức Giê-su là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7)
và “Người con duy nhất” của Đức Ma-ri-a.
Cũng vì thế mà khi sắp tắt thở trên thập giá Đức Giê-su đã trối Mẹ Người cho
môn đệ Gio-an, và từ giờ đó Gio-an đã đón bà về nhà mà phụng dưỡng (x. Ga
19,27). Cuối cùng, nếu những người này thực là con của Đức Ma-ri-a, thì dân
làng đã phải nói là “các em trai của ông ta”, “các em gái của ông ta”, thay vì
nói từ chung chung “anh em ông” và “chị em ông”. + Và họ vấp ngã vì Người
: Theo Thánh Phao-lô và thánh Phê-rô thì: Đối với những kẻ kiêu căng cứng
lòng tin, thì Đức Giê-su đã trở nên viên đá chướng ngại (x Rm 9,33; 1 Pr
2,7-8). Tin Mừng Lu-ca cũng viết “viên đá bị loại ra” là Đức Giê-su, đã trở nên
“viên đá góc”. Phàm ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; Đá này rơi trúng
ai, sẽ làm người ấy nát thịt” (Lc 20,18).
-C 4-6 : + “Ngôn sứ có bị rẻ rúng…” : Câu này tương tự như câu : “Bụt nhà không thiêng !”. Dân
làng Na-da-rét đã vấp ngã trước những yếu tố nhân loại của Đức Giê-su như : Làm
nghề thợ mộc là nghề tay chân hèn kém, có những thân nhân bình thường… Đó là
những chướng ngại khiến họ không tin Người thực sự là Đấng Thiên Sai. + Người
đã không thể làm được phép lạ nào tại đó : Trước khi làm phép lạ cứu
nhân độ thế, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có đức tin. Chẳng hạn: Người bảo
bệnh nhân: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34); Người nói với
ông Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), hay nói với người mù ở
Giê-ri-cô: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” (Mc 10,52). Tại làng
Na-da-rét, vì không tin, nên dân làng đã không xứng đáng được Đức Giê-su ban ơn
là tại đây Người đã không làm nhiều phép lạ như ở những nơi khác.
4.CÂU HỎI : 1) Đức Giê-su về thăm quê hương Na-da-rét
nhằm mục đích gì ? 2) Dân làng tập trung tại hội đường vào các ngày Sa-bát để
làm gì ? 3) Dân làng Na-da-rét đánh giá thế nào về Đức Giê-su sau khi nghe Người
giảng dạy ? 4) Dân làng có thành kiến thế nào về nghề thợ mộc và về thân nhân tầm
thường của Đức Giê-su ? 5) Phải chăng Đức Ma-ri-a đã không trọn đời đồng trinh,
vì ngòai Đức Giê-su, Tin Mừng hôm nay còn kể ra tên nhiều anh em và chị em khác
của Người ? 6) Dân làng Na-da-rét đã dựa vào đâu để không tin Đức Giê-su là
Đấng Thiên Sai ? 7) Tại sao Đức Giê-su đã không làm nhiều phép lạ tại quê hương
Người ?
1.LỜI CHÚA: Họ nói: “Nào ông ta không phải là bác thợ,
con bà Ma-ri-a sao ?” (Mc 6,3).
2.CÂU CHUYỆN :
1) BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG:
Trong
truyện cổ Trung hoa có câu chuyện như sau: Dương Phủ lúc còn nhỏ nhà nghèo,
nhưng vẫn chăm chỉ làm lụng để kiếm tiền về phụng dưỡng tỏ lòng hiếu thảo với cha
mẹ. Một hôm nghe bên đất Thục có một vị đại sư tên là Võ Tề rất nổi tiếng, Dương
Phủ liền xin phép cha mẹ để đi tầm sư học đạo. Đi được nửa đường, Dương Phủ gặp
một lão ông quen biết. Hai người hàn huyên nói chuyện và sau khi biết Dương Phủ
muốn bỏ nhà đi tu học với vị đại sư Võ Tề, lão ông liền khuyên anh như sau: “Gặp
đại sư Võ Tề, chẳng bằng gặp Đức Phật”.
Dương phủ
lại hỏi: “Gặp Đức Phật ở đâu?”
Lão ông bảo:
Anh hãy quay về nhà. Khi thấy người nào quấn vải trên người và đi dép ngược thì
đó chính là Đức Phật.
Dương phủ
vâng nghe lời lão ông quay về nhà. Trên đường trở về, anh để ý tìm nhưng không gặp
một ai có đặc điểm như lão ông đã chỉ. Khi về tới nhà lúc ban đêm, anh gọi cửa.
Mẹ anh nghe tiếng con trai rất vui, vội quấn chiếc mền đang đắp lên người để
tránh bị lạnh, xỏ chân vào đôi dép nhưng đi
ngược mà bà cũng không quan tâm, rồi vội vàng chạy ra mở cửa đón con vào
nhà. Bấy giờ anh nhìn kỹ, thấy mẹ anh giống như đặc điểm đức Phật mà lão ông đã
nói trước là quấn khăn vải trên người và chân đi dép ngược.
Anh đã
ngộ ra rằng: Phật chẳng ở đâu xa, mà là chính cha mẹ và người thân ở trong cùng
nhà với mình. Và anh đã yêu thương phục vụ Đức Phật là chính cha mẹ của anh như
câu người xưa dạy: “Tu đâu cho bằng tu nhà; Thờ cha kính mẹ mới là đạo con”.
2) CHINH PHỤC LÒNG NGƯỜI BẰNG LÒNG BÁC ÁI
Vào năm 1960, một cuộc bách hại đạo Công Giáo bùng lên
tại nước Su-đăng thuộc Phi Châu. Một sinh viên Công giáo da đen tên là Ta-ban
đã bỏ nhà chạy sang nước láng giềng U-gan-đa lánh nạn. Trong thời gian ở đây,
Ta-ban đã được nhận vào chủng viện và 7 năm sau, anh được thụ phong linh mục.
Khi tình hình ở Su Đăng lắng dịu, tân linh mục Ta-ban quyết định trở lại quê
nhà để thi hành sứ vụ linh mục của mình. Cha được Bề trên bổ nhiệm coi sóc một
giáo xứ vùng Pa-lo-ta-ka. Tuy nhiên, giáo dân ở đây lại hoài nghi về chức linh
mục của cha như cha đã thuật lại: “Dân chúng ngờ vực nhìn tôi và nói: “Này anh
bạn da đen kia! Anh nói cái gì vậy? Anh mà là Linh mục ư? Thật là khó tin!”.
Thực ra trước đây, tại Su Đăng chưa bao giờ xuất hiện một
linh mục nào người da đen cả. Giáo xứ luôn được các linh mục thừa sai người da
trắng đến chăm sóc và đã chia sẻ cho họ nhiều thực phẩm, quần áo và thuốc men.
Còn bây giờ cha Ta-ban lại là một người da đen nghèo khó giống như họ, nên ngài
chẳng có gì để phân phát như các linh mục da trắng kia. Tình hình lại càng phức
tạp thêm, khi cha Ta-ban bắt đầu canh tân phụng vụ thánh lễ theo đường hướng công
đồng Va-ti-can II. Giáo dân đã xầm xì với nhau: “Ông linh mục da đen này còn
bày đặt làm lễ bằng tiếng bản xứ thay vì bằng tiếng la tinh. Chắc ông ta không
rành tiếng la tinh nên mới làm như vậy! Không biết ông ta là linh mục thật hay
giả?”. Phải mất 10 năm, sau bao nhiêu vất vả phục vụ giáo xứ, chịu đựng bao
nhiêu sự miệt thị khinh dể, cuối cùng cha Ta-ban mới được giáo dân thừa nhận là
Cha Sở của họ.
3. THẢO LUẬN : Trong cuộc sống, các tín hữu chúng ta cần
ứng xử thế nào trước thái độ nghi ngờ, khinh thường hay những lời khiếm nhã
khích bác của những kẻ thù ghét chống lại Chúa Giêsu và Hội thánh?
4. SUY NIỆM :
1)"Ông ta không phải là bác thợ sao?":
Câu chuyện về Linh mục Ta-ban giúp chúng ta hiểu lý do tại sao
Đức Giê-su bị dân làng cùng quê Na-da-rét không tin là Đấng Thiên Sai, dù họ có
thán phục về tài giảng dạy và quyền năng chữa bệnh của Người. Sở dĩ họ không
tin vì họ có thành kiến khi bị vấp phạm về gia thế hèn kém của Người: “Bởi đâu
ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? (x Mc
6,2-3). Thời Giáo hội sơ khai, cũng có một nhân vật tên là Xen-xút (Celsus) thù
ghét đạo đã có lần chế diễu các Ki-tô hữu như sau: “Giê-su Đấng sáng lập đạo của
các người chỉ là một gã thợ mộc dốt nát bần hàn, xuất thân từ làng Na-da-rét
tầm thường! Thật khó mà chấp nhận được một Đấng Cứu Thế lại xuất thân từ một
xưởng gỗ nhỏ bé, phải vất vả kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động hằng ngày như
thế !”
Còn
chúng ta hôm nay chắc cũng không hơn gì đức tin của dân làng Na-da-rét khi xưa:
Chúng ta thường nghĩ rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Nhưng Tin
Mừng hôm nay lại cho thấy một Đức Giê-su Con Thiên Chúa chịu bó tay trước sự
cứng lòng của con người, như Tin Mừng đã ghi nhận: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người chỉ đặt tay trên
một vài bệnh nhân và chữa lành họ (Mc 6,5).
Từ
đó cho thấy con người có thể dùng sự tự do Chúa ban để từ chối ơn cứu độ như dân
làng Na-da-rét do thành kiến đã không tin và từ chối ơn cứu độ do Đức Giê-su
mang lại.
2) Người đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó:
Phép lạ là món
quà đặc biệt Chúa ban cho con người, nhưng người ta chỉ có thể đón nhận được phép
lạ với lòng tin. Biết bao điều lạ lùng Thiên Chúa muốn thực hiện cho loài người
nhưng người đời đã từ chối, giống như các chủ quán ở Be-lem năm xưa đã xua đuổi
Chúa Cứu Thế giáng sinh ra khỏi nhà trọ, như Tin Mừng Gio-an viết: “Người đã
đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Thực vậy: Đức Giê-su đến mặc khải Thiên
Chúa là Cha yêu thương và Người là Con Thiên Chúa thì họ đã kết án Người là kẻ phạm
thượng, là kẻ bị quỷ ám và điên khùng. Người đến đem bình an, chân lý và thiết
lập nước Trời thì bị mang tiếng là xách động quần chúng và là kẻ cầm đầu phản
loạn. Cuối cùng, các đầu mục dân Do thái đã ra tay bắt bớ và kết án tử hình cho
Đức Giê-su rồi còn làm áp lực đòi Tổng Trấn Phi-la-tô kết án tử hình thập giá
cho Người.
Ngoài thành kiến thì sự cứng lòng là
nguyên nhân khiến người ta cố chấp không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn
tin… như Tin Mừng ghi nhận: “Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn
sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn
cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo
mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ
chữa chúng cho lành (Mt 13,13-15).
3) Và họ vấp ngã vì Người:
Vì các người đồng hương quá biết rõ về
dòng dõi, gia cảnh của Đức Giê-su: Người chỉ là con bác thợ mộc Giu-se và bà
Maria là những người đang chung sống giữa họ. Do đầu óc thủ cựu đầy thành kiến
nên họ đã không nhận ra Thiên tính nơi con người của Đức Giê-su, dù họ có thán
phục về tài ăn nói lưu loát và về sự hiểu biết Kinh Thánh của Người. Một số
người trong bọn họ cũng đã được chứng kiến nhiều phép lạ Đức Giê-su đã làm ở
Ca-phác-na-um và các nơi khác để cứu chữa các bệnh nhân, những người bị quỷ ám,
phục sinh kẻ chết... Nhưng do kiêu ngạo, cố chấp, dân làng Na-da-rét đã không tin
một Đấng Cứu Thế lại có lối sống quá giản dị, xuất thân từ cha mẹ nghèo hèn như
Đức Giê-su, nên họ đã có những lời nói, cử chỉ bất kính thể hiện sự không tin Người.
4) “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương
mình”:
Tiên tri hay ngôn sứ là người được Thiên Chúa soi sáng và
sai đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, để truyền đạt các mệnh lệnh của
Ngài cho họ. Kết quả của lời cảnh báo thường sẽ là: “hoặc họ nghe, hoặc họ
không nghe” (Ez 2:5). Thậm chí, lắm khi đe doạ họ còn đe dọa mạng sống của các
ngôn sứ, nhất là khi các ông phải tuyên sấm lời Chúa cáo trách tội lỗi của các
vua quan. Thánh Kinh đã ghi lại ngôn sứ Nathan dám tố cáo tội ngoại tình, giết
người, cướp vợ của vua Đavít; hay tiên tri Elia, dám nói thẳng với vua Akhab
việc ông vua này đã giết Nabot và chiếm đoạt tài sản của cách bất công... Kết
quả là các ngôn sứ đã bị hận thù giết hại. Chính Đức Giê-su cũng đã bị các
người đồng hương Na-da-rét coi thường nên Người đã phải thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở
chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà
thôi” (Mc 6,4). Dù bị khinh thường, nhưng Đức Giê-su vẫn thi hành sứ vụ:
“Người đã đặt tay trên một vài bệnh
nhân và chữa lành họ”. Rồi Người đi sang các làng khác mà rao giảng Tin
Mừng.
Mỗi tín hữu chúng ta khi chịu phép
rửa tội cũng được tham phần vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Giê-su, nên cũng có
bổn phận phải loan báo Tin Mừng, bảo vệ sự sống, bênh vực công lý nhân danh
Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi người đời có sẵn sàng nghe lời chúng ta rao giảng không
khi chúng ta lại có lối sống phản chứng: ăn nói gian ngoa, lọc lừa, tham lam, nghiện
ngập, sống thiếu tình người… Cần phải cấp thời tu sửa đời sống trở nên tốt lành
noi gương Đức Giê-su, để công việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta mới có điều
kiện đạt được kết quả tốt đẹp.
5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Là nhà giảng thuyết tài năng, thế
mà Chúa cũng đành chịu thất bại trước sự cứng tin của người đồng hương và bà
con họ hàng. Nhiều lần chúng con cũng đành phải chịu thất bại khi bị người lương
từ chối nói chuyện về Chúa và có khi họ còn thốt ra những lời xúc phạm đến Chúa
và Hội Thánh… Xin ban cho chúng con ơn kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn gặp
phải trên bước đường rao giảng Tin Mừng. Cho chúng con biết tạ ơn Chúa khi vui
lúc buồn, khi thành công được người khác lắng nghe cũng như lúc bị từ chối xua
đuổi. Xin cho chúng con biết không ngừng tạ ơn vì biết rằng: Thất bại là mẹ
thành công. Chính Chúa xưa cũng đã từng chịu thất bại trước sự cứng tin của những
đồng hương Na-da-rét. Nhưng Người không nản lòng thối lui, mà luôn trung thành
đi con đường “qua đau khổ vào vinh quang” của Chúa Cha, qua sự chết để sống lại
hầu ban ơn cứu độ cho loài người.
X. HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.