CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Học làm việc tông đồ truyền giáo
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 6:7-13)
Mỗi khi bắt đầu một nghề mới, chúng ta
đều phải học việc. Chúng ta thử tưởng tượng
Chúa Giê-su ngay khi còn là một thiếu niên đã có thể là một “cậu thợ mộc” tài
khéo rồi, bởi cậu đã chịu khó học hỏi và được bác thợ mộc Giu-se hướng dẫn cặn
kẽ mọi công việc. Giờ đây, trong giai đoạn
đào tạo các tông đồ, Chúa Giê-su cũng áp dụng cùng một phương pháp khi Người học
việc với cha nuôi của Người. Mặc dù bài
Tin Mừng hôm nay chỉ ghi lại một số chi tiết trong những điều Chúa hướng dẫn
các môn đệ làm việc truyền giáo, nhưng ngoài cái hồn tông đồ ra, những chi tiết
ấy lại rất quan trọng và là căn bản cho tác phong của người tông đồ.
Đào tạo tông đồ là việc quan trọng đối
với Chúa Giê-su cũng như với các môn đệ Người.
Đây thực là một khởi đầu mới cho các tông đồ, môn đệ và tất cả chúng ta,
những nhà truyền giáo hôm nay. Có thể
nói tương lai vững chắc của Giáo Hội một phần đều trông nhờ vào việc đào tạo này. Hơn nữa tầm quan trọng của Tin Mừng cũng đòi
hỏi những người rao giảng phải tuân thủ một phương pháp truyền thông thích hợp,
để họ không chỉ là người thông tin, nhưng còn là những người chia sẻ với người
khác đức tin vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
Vậy trong diễn trình đào tạo, trước hết
họ phải là những người được Chúa sai đi và được Chúa ban quyền trên các thần ô
uế. Họ phải nhận mệnh lệnh từ nơi Chúa
và được Người ban quyền hoặc sức mạnh trên ma quỷ. Vì truyền giáo là tiếp nối công cuộc loại trừ
ảnh hưởng của ma quỷ và tội lỗi, để mở rộng vương quốc của Tin Mừng, nên Chúa
Giê-su đã trang bị cho họ đầy đủ điều kiện mà thi hành sứ vụ.
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng không
kém, đó là phong cách thích hợp. Chúng
ta có thể gặp phong cách của người truyền giáo trong ba tình huống khác nhau. Thứ nhất là khi đi đường. Chúa muốn môn đệ Người phải “nhẹ gánh”. Không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng
và không mặc hai áo! Đây là những thứ có
thể làm cho người tông đồ phải bận tâm hoặc bị chi phối. Mà việc rao giảng Tin Mừng lại là việc cấp
bách, không thể trì hoãn. Nếu người ta mất
quá nhiều thời gian để lo lắng những thứ vật chất kia, thì sẽ không còn thì giờ
để “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mác-cô
16:15)! Nhưng Chúa Giê-su vẫn quan tâm đến
sinh mạng và sức khỏe của họ. Người bảo
họ mang theo cây gậy và đi dép. Gậy và
dép là những vật cần thiết để hành trình.
Truyền giáo là đi không ngừng nghỉ, nên gậy được dùng để nâng đỡ mình
khi đi đường xa hoặc leo đồi núi, còn dép là để bảo vệ đôi chân.
Thứ hai là khi vào nhà người ta mà được
tiếp đón. Chúa dạy: Thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Thoạt nghe lời khuyên này dường như chẳng có
ý nghĩa gì cả. Nhưng thực ra Chúa muốn
nói thật nhiều ẩn sau việc “ở lại đó”. Ở
lại nhà người ta, môn đệ Chúa không ngồi chơi sơi nước hoặc bắt người ta hầu hạ. Thánh Phao-lô đã học bài học này kỹ lắm, khi
ngài không muốn trở thành gánh nặng cho anh chị em tín hữu phải lo lắng, nhưng
ngài tự túc tự cường bằng nghề dệt lều!
Đây là một cuộc “ở lại” sinh ích lợi cho kẻ đón tiếp các ngài, vì họ được
các ngài chia sẻ sự giàu sang phong phú của mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Ngoài ra, ở lại cũng một thời gian thôi, tức
là cho đến lúc ra đi để tới những nơi khác nữa (Mác-cô 2:38).
Thứ ba là thái độ của người tông đồ
khi bị từ chối xua đuổi. Bị xua đuổi là
một cái nhục. Nhưng người môn đệ phải vì
lý tưởng mà chấp nhận cái nhục ấy. Gương
của Thầy Giê-su khi trở về Na-da-rét và bị chối bỏ vẫn còn đó. Không phản ứng dữ dội, không chúc dữ hay xin
Thiên Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu rụi người ta (Lu-ca 9:51-56). Nhưng chỉ cần làm một cử chỉ tế nhị để “tỏ ý
cảnh cáo họ” thôi, là giũ bụi đất dưới chân!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta ý thức mình là những người
tông đồ hôm nay. Giáo Hội đang hô hào
chúng ta tham gia vào công cuộc Tân Truyền giáo. Vẫn rao giảng cùng một sứ điệp Tin Mừng,
nhưng chúng ta phải áp dụng ba cái mới:
mới trong sự hăng say, mới trong phương pháp và mới trong cách trình bày
(ĐGH Gio-an Phao-lô II). Nào, ta lên đường!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi