ĐỨC GIÊSU, CÁC TÔNG ĐỒ VÀ DÂN CHÚNG
(Máccô 6,30-34 – CN XVI TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai và sai đi từng
hai người một (6,7.12). Bản văn hôm nay tường thuật việc các ông trở về
báo cáo công việc đã làm với Thầy. Để chu toàn được sứ mạng Đức Giêsu giao là
loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa và đuổi được ma quỷ, các ông phải
chấp nhận định mệnh của Gioan Tẩy Giả (đó là lý do khiến tác giả đã tháp truyện
Gioan bị trảm quyết vào giữa đoạn văn về sai phái đi và trở về báo cáo kết quả;
x. 6,17-29).
Trong đoạn văn này, chúng ta gặp lại những
yếu tố quen thuộc: Đức Giêsu là Thầy nhắc nhở các môn đệ (c. 31), rút về nơi
thanh vắng (1,35.45), đám đông kéo tới, chiếc thuyền (2,2; 3,7t.20; 4,1t). Sự
kiện cả Nhóm không có giờ ăn uống đã được nói đến ở 3,20.
Nếu đặt bản văn này trong tác phẩm Mc,
ta thấy đây chính là phần mở cho biến cố Đức Giêsu làm cho bánh hóa nhiều mà
nuôi đám đông dân chúng (6,34-44).
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành hai phần:
1) Đức Giêsu và các Tông Đồ (6,30-32);
2) Đức Giêsu và đám đông dân chúng (6,33-34).
3.- Vài điểm chú giải
- Các Tông Đồ tụ họp quanh Đức Giêsu (30):
Không phải là chuyện tình cờ nếu khi đi rao giảng về, Nhóm Mười Hai được nhận
danh hiệu “tông đồ” (và trong TM II thì chỉ ở đây mà thôi). Danh hiệu
này tăng cường thêm cho dây liên kết giữa đoạn văn này với đoạn văn kể lại việc
Đức Giêsu sai phái các ông đi rao giảng. Chính là trong tư cách “tông đồ”,
nghĩa là những người được Đức Giêsu giao phó sứ mạng tiếp nối công trình của
Người, mà các ông tái xuất hiện.
- và kể lại … mọi điều các ông đã làm … đã dạy: Họ báo cáo đúng theo hai phương diện của hoạt động
được giao (x. 6,12-13): rao giảng – trừ quỷ và chữa bệnh (x. thêm 6,7-11;
3,14-15). Hai phương diện này đã được minh hoạ trong hoạt động của Đức Giêsu
(1,21-27; ch. 4–5; 6,1-6). Sứ vụ của Nhóm Mười Hai được đồng hoá với sứ vụ của
Đức Giêsu và nối dài sứ vụ của Người.
Đây là chỗ duy nhất mà tác giả xác định là
Nhóm Mười Hai “đã giảng dạy” (edidaxan). Ngài thường dùng động từ “công
bố” để nói về các ông này hơn (kêryssein: 3,14; 6,12; 13,10; 14,9).
Trong từ vựng của ngài, có một sắc thái phân biệt hai từ này: việc công bố đi
trước việc giảng dạy (so sánh 1,14 và 21). Tuy nhiên, không nên đối lập hai từ
này y như thể là hai sinh hoạt hoàn toàn tách biệt; khó mà làm việc này nếu
không có việc kia. Dù sao, lời nhắc đến việc giảng dạy của Nhóm Mười Hai ở đây
vẫn đáng lưu ý, vì tại đây tác giả đang nêu bật hoạt động giảng dạy của Đức
Giêsu (6,6b.34). Ngài muốn nói: hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu được nối tiếp
nơi hoạt động giảng dạy của Nhóm Mười Hai.
- Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng, mà
nghỉ ngơi đôi chút (31): Câu này hẳn là có ý giải thích việc ra đi đến nơi
thanh vắng để rồi tại đó, xảy ra cuộc gặp gỡ với năm ngàn người. Câu này hẳn
cũng cho phép liên kết việc sai phái Nhóm Mười Hai và cuộc trở về của họ với
cuộc gặp gỡ của vị Mục Tử với đàn chiên bơ vơ. Tuy nhiên, câu này cũng có những
chi tiết đáng quan tâm: một đàng, sự tha thiết được nêu bật bằng việc lặp lại:
“lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng” (cc. 31-32). “Lánh riêng ra” (kat’idian)
là một nét riêng của Mc (x. 7,33; 4,34; 9,2.28; 13,2). Đức Giêsu tạo cơ
hội cho Nhóm Mười Hai được “ở với Người” (3,14), xa đám đông, và để được sai
đi.
Đàng khác, lời đề nghị của Đức Giêsu hàm ý
Người muốn các tông đồ có cùng một nhịp sinh hoạt (hoạt động nơi dân chúng –
sống cô tịch) như Người. Các ông được mời bắt chước Người tìm nơi thanh vắng mà
nghỉ ngơi, mà cầu nguyện, sau khi đã hoạt động rao giảng. Phải chăng đây là
điều tác giả muốn diễn tả qua dụ ngôn hạt giống tự mọc một mình (4,26-29)?
- chạnh lòng thương (34): Động từ splanchnizomai (x.
1,41) diễn tả một tâm tình sâu xa động chạm đến lòng dạ (ta splanchna)
và được biểu lộ ra bằng một hành vi đặc biệt chiếu cố đến một ai đó (x. Mt 18,27; Lc 15,20; 10,33).
- vì họ như bầy chiên không người chăn dắt: Câu này gợi nhớ đến hoàn cảnh nguy hiểm hoặc đáng thương
của dân Chúa khi thiếu vắng thủ lãnh (Ds
27,17), bị phó mặc cho kẻ thù xâu xé (1 V
22,17; 2 Sb 18,16), bị vua chúa coi
thường và bỏ rơi (Ed 34,5), lang
thang, lạc lõng, bơ vơ không người chăn dắt (Dcr 10,2-3; 13,7). Dường như bản văn Mc gần với Ds 27 và Ed 34 hơn, vừa về giọng văn vừa về đề tài. Trong Ds 27, chính Môsê, trước khi chết, đã
xin Thiên Chúa ban một thủ lãnh thay thế ngài dẫn dắt cộng đồng dân Chúa đi
trong hoang địa; thế mà bản văn Mc đây đang nhắc nhớ đến Môsê và các
lương thực nhiệm mầu của Ít-ra-en trong hoang địa. Còn lời sấm Ed 34 thì loan báo rằng chính Thiên Chúa
sẽ săn sóc đoàn chiên Ngài (c. 11), cho chúng được ăn trong đồng cỏ mầu mỡ (c.
14), cho chúng nghỉ ngơi (cc. 14-15) và đặt một mục tử dẫn dắt chúng (c. 23).
Xem Tv 22/23.
Nhiều chi tiết trong bài tường thuật liên hệ
đến những đoạn văn đó: sự ân cần của Đức Giêsu, sự nghỉ ngơi mà Người muốn bảo
đảm cho môn đệ, đám đông qui tụ lại, bữa ăn trên cỏ xanh, lương thực dồi dào…
Đây là những gợi ý cho hiểu Đức Giêsu chính là vị Mục tử thiên sai. Khi nhận
xét rằng Đức Giêsu “chạnh lòng thương”, bản văn đã đề cao phẩm chất của vị Mục
tử thiên sai.
- và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều: Điều
đáng ngạc nhiên là Đức Giêsu giảng dạy để bày tỏ lòng thương xót! Các bản văn Mt
và Lc dường như hợp lý hơn: Đức Giêsu chữa các bệnh nhân hoặc nếu có
giảng dạy thì không phải vì thương xót. Vả lại công việc của người mục tử không
phải là dạy dỗ, mà là nuôi dưỡng đoàn chiên.
Thật ra, ở đây cũng như tại những nơi khác
(x. 1,21; 2,13; 6,2; 10,1), tuy không cảm thấy phải nói về nội dung của lời Đức
Giêsu giảng dạy, Mc vẫn sử dụng danh từ “lời giảng dạy” và động từ
“giảng dạy” nhiều hơn Mt. Bởi vì điều ngài quan tâm không phải là nội
dung lời giảng, mà là chính hoạt động giảng dạy, vì hoạt động này
biểu lộ chân tính của Đức Giêsu. Bằng lời Đức Giêsu giảng dạy và đánh tan quyền
lực của Satan, Thiên Chúa hành động để thiết lập Triều Đại của Ngài. Vậy, trong
tư cách Mục tử thiên sai, khi giảng dạy, Đức Giêsu chứng tỏ uy quyền. Đúng
như lời Thiên Chúa đã hứa từ xa xưa, nay
Đức Giêsu đến để dùng lời nói mà qui tụ, để làm no thoả đàn chiên bơ vơ.
Thật ra, có nhiều bản văn Kinh Thánh nối kết
việc mạc khải Lời Chúa với ân ban các lương thực thiên quốc (x. trường hợp
Môsê: Kn 16,28; Nkm 9,13-15; Tv
118/119,131.176; Tv 94/95,7-8.11; TM
Ga nối bài tường thuật về việc hoá bánh ra nhiều (6,1-15) với diễn từ về
Bánh ban sự sống (6,26-58).
Cũng có thể giải thích bản văn Mc dựa
theo sinh hoạt Giáo Hội: hẳn là Mc đã dựa vào nếp sinh hoạt phụng vụ
cộng đoàn, trong đó việc giảng dạy và bẻ bánh đi đôi với nhau và hỗ trợ cho
nhau (x. Cv 2,42; 20,7; Lc 24,25-32).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức
Giêsu và các tông đồ (30-32)
Cần phải hiểu cách thức Đức Giêsu xử sự với
dân chúng trong quan hệ với sự ân cần Người tỏ ra với các môn đệ.
Trong TM Mc, quan hệ của Đức
Giêsu với đám đông dân chúng luôn luôn xảy ra có sự chứng kiến của Nhóm Mười
Hai hoặc của một vài người của Nhóm. Song song với việc giảng dạy cho dân
chúng, Đức Giêsu có dành cho Nhóm Mười Hai một lối giảng dạy riêng (4,1-34; x.
cc. 10-25.34).
Kể từ sau
khi các môn đệ đi sứ vụ trở về (6,30), Đức Giêsu đã làm một loạt những hành vi
và ban những lời giảng dạy dành riêng
cho họ. Nếu Đức Giêsu có giảng dạy và
nuôi dưỡng đám đông, thì theo TM II, dấu lạ này lại được dành cho các
môn đệ, chỉ có điều là họ không hiểu thôi (6,52). Nếu Đức Giêsu có tranh luận
về sự thanh sạch của lương thực và về truyền thống với người Pharisêu (7,1-16),
chính là để soi sáng cho các môn đệ đang ở riêng một nơi (7,17-23). Vào cuối
phần đoạn nói về các cuộc hoá bánh ra nhiều, những lời Người trách các môn đệ
(8,14-21) chứng tỏ đấy là một mạc khải được dành riêng cho các ông. Câu truyện
Đức Giêsu chữa một người mù (8,22-26) được đặt giữa những lời trách mắng này và
lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”, sẽ là một bước dứt khoát
hướng về chỗ hiểu biết Người chính xác hơn.
* Đức
Giêsu và đám đông dân chúng (33-34)
Theo Mc, Đức Giêsu có sức thu hút phi
thường đối với dân chúng ngay khi Người xuất hiện (1,33). Người có rút lui vào
nơi thanh vắng cũng không tránh khỏi dân chúng (1,45). Dân chúng từ khắp nơi tuốn
về, chen chúc, xô đẩy Người, khiến Người không còn thì giờ để ăn uống với môn
đệ nữa (2,2.13; 3,7-9.20; 5,21.24; 6,54-56; 9,15; 10,1.46). Dọc theo quyển Tin
Mừng, ta thấy dân chúng luôn luôn tỏ ra có thiện cảm với Người, cho đến khi họ
bị các thượng tế lèo lái trong cuộc xử án tại toà Philatô (15,11). Không bao
giờ Đức Giêsu xua đuổi họ, cho dù đôi khi Người tìm cách tránh họ (7,24.33;
9,30). Có khi Người còn gọi họ lại (7,14; 8,34). Sự hiện diện hoặc vắng mặt của
đám đông không phải là không có ý nghĩa. Theo Mc, cách thức Đức Giêsu
đối xử với đám đông biểu lộ một phương diện cốt yếu thuộc sứ mạng Người. Đó đặc
biệt là trường hợp ở đây, khi mà đám đông kéo đến bất ngờ, và Đức Giêsu thì
muốn tránh.
+ Kết luận
“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” là hoạt động Thiên
Chúa đang được thể hiện giữa loài người hôm nay. Tin Mừng này nhắm đạt đến mọi
người, nhờ sứ vụ các tông đồ. Xuyên qua sứ vụ này, chính lòng thương xót của
Đức Kitô, đức ái của Người, chiếu cố đến mọi người. Khi suy gẫm về sự hiệp nhất
giữa Đức Giêsu và các môn đệ ở thời kỳ khai nguyên Tin Mừng, Mc chạm đến
thực tại sâu xa của Giáo Hội, trách nhiệm của Giáo Hội, đòi hỏi mà Giáo Hội
phải đáp ứng bằng sứ vụ loan báo Tin Mừng.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Các Tông Đồ “tụ
họp” chung quanh Thầy và đánh giá về công việc với Người chính là hình ảnh của
cộng đoàn vẫn liên lạc thường xuyên với Đức Chúa của mình. Người ta có thể làm
một công việc mà trước đó không xác định được là việc gì chăng? Và khi đã làm
xong công việc được giao phó, người ấy lại không phải đến gặp ông chủ vào báo
cáo về công việc đó sao? Đây là một lưu ý được gửi đến cho cộng đoàn Kitô hữu:
coi chừng có thể lấy những quyết định mà không quy chiếu về Lời của Thầy. Bất
cứ khi nào cộng đoàn Kitô hữu lấy các quyết định mà không quy chiếu về Tin
Mừng, họ rất có thể sẽ theo lô-gích loài người và chỉ nhìn công việc dưới những
nhãn hiệu như là uy tín, thành công và danh giá.
2. Khi khuyên các môn
đệ đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ
rất nhân bản, Người đã tỏ ra là một vị Thầy quan tâm đến mọi phương diện thuộc
đời sống các môn đệ: có phương diện thiêng liêng, và cũng có những nhu cầu thể
lý. Đấy là một tấm gương cho tất cả những ai có trách nhiệm về những
người khác. Ngoài ra, trong Cựu Ước, lòng từ bi thương xót là một phẩm
tính của Thiên Chúa; qua thái độ của Đức Giêsu, ta thấy được lòng thương cảm
của Thiên Chúa đối với loài người. Bất cứ ai có vai trò “mục tử” (cha xứ, bề
trên, cha mẹ…) đều được mời gọi bắt chước Đức Giêsu về phương diện này.
3. Đức Giêsu thương
xót đám đông, và việc Người đã làm là ngồi xuống, lắng nghe họ và cố gắng hiểu
các vấn đề của họ, rồi dùng thì giờ mà giảng dạy họ. Khi đưa Nhóm Mười Hai vào
sứ vụ này, Đức Giêsu đã thật vất vả mới mở mắt các ông ra được, thì chắc hẳn
không người môn đệ nào hôm nay muốn thực tập đời Tông Đồ mà lại miễn chuẩn cho
mình khỏi phải ở với Đức Giêsu, nhìn ngắm Người, bước theo Người và cứ thường
xuyên bị Người ngăn cản trong những kế hoạch theo lô-gích loài người.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm