CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
Chạnh lòng thương là động lực truyền giáo
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 6:30-34)
Bối cảnh truyền giáo trong câu chuyện
Tin Mừng hôm nay đưa Chúa và các tông đồ tới một tình huống để Chúa Giê-su biểu
lộ một tâm tình vô cùng quan trọng đối với việc rao giảng Tin Mừng, đó là người
tông đồ cần phải có trái tim dễ cảm thông, hoặc sử dụng một từ đặc biệt của
sách Tin Mừng, là “chạnh lòng thương”. Chúng
ta thử xem điều gì khiến Chúa Giê-su chạnh lòng thương và Người đã biểu lộ lòng
thương ấy như thế nào.
Nếu chúng ta ở trong tình huống của
Chúa Giê-su và các tông đồ, chắc chúng ta sẽ khẩn khoản xin dân chúng “Anh chị
em làm ơn làm phước về nhà đi, mai mốt hãy trở lại, để chúng tôi nghỉ ngơi một
chút”. Nếu Chúa Giê-su có làm như vậy,
chúng ta cũng sẵn sàng hiểu cho Người, vì Người là con người như chúng ta, với
một thể lực có giới hạn. Thực vậy, sau
những ngày rao giảng và chữa lành cho dân chúng, cũng như sau một chuyến vất vả
thực tập làm việc tông đồ, Chúa Giê-su và các tông đồ đã mệt nhoài. Người biết sức mình và các tông đồ, nên Người
đã khôn ngoan chọn giải pháp “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi
đôi chút”. Thế là thầy trò xuống thuyền
ra đi, để lại đám dân chúng còn đang đói khát nghe Tin Mừng và chờ đợi được chữa
lành. Nhưng rồi nhu cầu thiêng liêng của
dân chúng đã lấn lướt nhu cầu nghỉ ngơi thể xác của Chúa và các tông đồ. Chính sự lấn át này đã làm cho Chúa chạnh
lòng thương.
Lòng thương không phải là thương hại,
nhưng là tình yêu đích thực và là tình yêu được biểu lộ bằng việc làm. Nhu cầu đón nhận Tin Mừng nơi dân chúng đã
không để cho lòng thương của Chúa Giê-su nằm yên, nhưng nó thúc đẩy lòng thương
ấy phải chuyển động thành việc làm. Trước
sự khao khát của dân chúng muốn nghe lời Chúa và trước những đau khổ thể xác lẫn
tinh thần của họ, lòng thương của Chúa Giê-su đã bắt Người phải chọn lựa, hoặc
bỏ mặc dân chúng mà đi nghỉ ngơi, hoặc chấp nhận chịu thêm mệt nhọc để đáp ứng
nhu cầu của họ. Lựa chọn thứ hai có
nghĩa là Chúa Giê-su để cho lòng thương khắc phục Người, mặc dù Người phải hy
sinh vì lợi ích của người khác. Khi nhìn
đám đông dân chúng bằng cặp mắt của lòng thương, Chúa Giê-su không nghĩ đến
danh tiếng của mình, nhưng Người thấy họ “như bầy chiên không người chăn dắt”. Cho nên Chúa Giê-su muốn tiếp tục vai trò
chăn dắt, mặc dù kế hoạch “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng” của Người phải
hủy bỏ!
Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học
thương xót trong sứ mệnh truyền giáo. Người tông đồ phải có lòng thương xót thì mới
có thể nhận ra được nhu cầu khẩn thiết của những người mình muốn đem Tin Mừng của
Chúa đến cho họ. Lòng thương xót đích thực
còn làm cho chúng ta được mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận gian khổ khi thi hành sứ
mệnh. Lòng thương xót cũng giúp chúng ta
can đảm dẹp đi những kế hoạch hoặc chương trình riêng của chúng ta, để đưa nhu
cầu truyền giáo lên hàng đầu.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trước quyết định của Chúa Giê-su muốn
tiếp tục phục vụ dân chúng, không thấy có tông đồ nào cằn nhằn hoặc phản đối cả! Chắc chắn họ đã trông vào gương của Thầy và
muốn học tập thêm trong công việc truyền giáo.
Học tập truyền giáo không chỉ là phải biết những kỹ năng truyền thông,
nhưng chính yếu là tập luyện cho mình có được một lòng thương sinh động, sẵn
sàng để cho nhu cầu của những kẻ cần được nghe rao giảng thắng lướt những nhu cầu
của cá nhân chúng ta.
Có khi nào nhìn những người chung
quanh, chúng ta nhận thấy họ cần được đón nhận Tin Mừng hay không? Nếu không có tình yêu truyền giáo, chúng ta sẽ
chẳng thấy mệnh lệnh “Hãy đi” của Chúa Giê-su là cấp bách, để rồi chúng ta cứ
thu mình trong tháp ngà, sống với thái độ thờ ơ trước lời kêu gọi truyền
giáo. Chúng ta có để cho lòng thương bị
“chạnh” và thúc giục chúng ta hành động, hay cứ để nó nằm lì một chỗ? Liệu chúng ta có bắt chước các tông đồ của
Chúa Giê-su đã noi gương Thầy chạnh lòng thương, cứ tiếp tục phục vụ mà không đòi
nghỉ ngơi, cứ hoạt động mà không trông đợi phần thưởng?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi