Chính anh em hãy dọn cho họ ăn
íSuy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVII – B
(Ga 6, 1 – 15)
Sống trong một thế giới khoa học phát triển
tột bậc mệnh danh là thời hậu @, con người đã đạt được những bước tiến vĩ đại
với những công trình táo bạo, vượt quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa,
tiếp cận sao Diêm Vương, rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Báo
chí ngày nay cũng cho biết, chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế. Ông
Bilgate, tỷ phú người Mỹ gốc Do thái, người chuyên bán phần mềm của vi tính, có
tài khoản tại các ngân hàng trên thế giới tương đương với thu nhập quốc dân của
40 nước nghèo. Một tên lửa được Mỹ bắn lên đốt cháy hàng bao tỷ đô la. Chiến
tranh tại Irắc, Syria và nhiều nơi trên thế giới tiêu huỷ biết bao tiền của,
giết chết bao sinh mạng con người. Ấy vậy mà, chưa bao giờ có nhiều người nghèo
đói như ngày nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế?
Thời Êlia, đứng trước đám đông dân chúng
đói khát, Êlisê người của Thiên Chúa nói : "Xin dọn cho dân chúng ăn" (2V 4, 42). Đầy tớ của người trả lời
: "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm
người ăn sao ?" (2V 4, 43) Đến thời Chúa Giêsu, các môn đệ Chúa khi
được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa : "Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người".
Êlisê ra lệnh : "Cứ dọn cho dân
chúng ăn " (2V 4, 44). Còn Chúa Giêsu thì bảo các môn đệ mình :
"Cứ bảo người ta ngồi xuống"…
Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai
muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 10-12).
Chúa Giêsu thấy đám đông đến với Người, từ
ánh mắt đến trái tim, Người nhìn họ không phải với ánh mắt loài người, nhưng
với cái nhìn Mục Tử Nhân Lành đầy lòng từ bi và thương xót, chứa đầy cảm xúc
nảy sinh ước muốn nuôi dưỡng đám đông. Họ theo Chúa vì họ thấy Người từ Thiên
Chúa mà đến. Đám đông không chạnh lòng thương Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu
chạnh lòng thương họ. Chúa thấy dân chúng đói khổ, đang cầu cứu, với gánh nặng
mỗi ngày, ốm đau bệnh tật và đang chạy vạy. Chúa Giêsu "Chạnh lòng thương" đám đông, tình
yêu và lòng thương xót của Đấng Cứu Thế trào dâng. Người đã mời gọi các môn đệ
cộng tác với Người vào công trình cứu chuộc và yêu thương ấy, ngày nay Người
vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta.
Đối diện với nhu cầu của biết bao người anh
em nghèo đói, thiếu thốn chung quanh ta và rộng lớn hơn là trên thế giới, chúng
ta có thể nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là
sự co cụm, thiếu tình liên đới, nhất là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn
chúng ta. Một lần nữa sứ điệp Lời Chúa nói với chúng ta rằng : "Cứ dọn cho dân chúng ăn!" (2V 4,
42)
Lời mời gọi trên vẫn đang vang vọng mạnh mẽ
và cấp bách đối với chúng ta. Thiên Chúa tiếp tục yêu cầu chúng ta : "Cứ dọn cho dân chúng ăn!" (2V 4,
42) Chúa Giêsu không chấp nhận sự thoái thác khi nói : "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?" (2V
4, 43) hay : "Bấy nhiêu thì
thấm vào đâu cho từng ấy người" (Ga 6, 9).
Lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải
làm ngay lập tức. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần
bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa
dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế : "Ở
đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá" (Ga 6, 9).
Thật là ít ỏi, nghèo nàn, Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn ấy. Có ít hãy đóng
góp ít.
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn những
người chung quanh bằng cái nhìn của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Hãy
nhìn anh em nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ, hãy an ủi họ, đừng có thờ ơ.
Triệu chứng của sự thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn
mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện;
đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy
những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng
dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm (x.
Sứ Điệp Mùa Chay 2015).
Chúa muốn loại bỏ sự vô trách nhiệm, phủi
tay nơi các môn đệ. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề
vượt quá sức các môn đệ, nhưng đã đồng cảm thì phải có trách nhiệm. Trái tim
cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc. Chính Chúa Giêsu đã nêu
gương và chỉ đường cho chúng ta. "Người
cầm lấy cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn và cá
cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11).
Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật. Qua các hành
động ấy, Chúa Giêsu đã biến đổi được căn bệnh vô cảm, thoái thác trách nhiệm
của con người đối với đồng loại.
Phép lạ Chúa Giêsu làm là để thể hiện tình
yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Vì yêu thương, Chúa chữa lành các bệnh
nhân, cho kẻ chết sống lại, nuôi sống đám đông dân chúng. Cũng vì yêu thương,
Chúa đến cứu giúp con người : phục hồi sự sống, sức khỏe và phẩm giá con người
cho họ. Các phép lạ Chúa Giêsu làm minh chứng lòng thiện hảo của Thiên Chúa.
Chúa đầy tràn sự sống, ánh sáng và tình yêu! Hết thảy mọi người đều ăn no nê, nếu
mọi người quan tâm đến nhau.
Trong một lá thư mục vụ mùa chay của Đức cố
Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, ngài viết : "Hãy mở mắt ra mà nhìn, mở
lòng ra mà thương, rộng tay mà chia sẻ với 5 chiếc bánh và hai con cá mà Chúa
đã đặt vào tay ta". 5 chiếc bánh và hai con cá ấy là sức khoẻ, là tuổi
trẻ, là con đàn cháu đống, là điều kiện hơn người…" Ngài viết tiếp "vì
Đạo của chúng ta là Đạo của tình thương, về khoa học chúng ta vụng về, về văn
hoá chúng ta thấp kém, về văn minh chúng ta quê mùa. Chúng ta có thể thua họ
nhiều điều, nhưng Đạo không cho phép chúng ta thua họ về Tình Thương...".
Noi gương bé trai trong Tin Mừng hôm nay, dâng
cho Chúa 5 chiếc bánh và 2 con cá mà ta đang có, Chúa sẽ thực hiện những điều
kinh ngạc. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hành lời Chúa dạy, sống
bác ái yêu thương, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh tình thương như lòng
Chúa mong ước. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn
Độ