(1) Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển hồ Galilê, cũng gọi là
Biển hồ Tibêria. (2) Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được
chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. (3) Đức Giêsu lên núi
và ngồi đó với các môn đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do
thái. (5) Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.
Người hỏi ông Philipphê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (6) Người nói
thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7) Ông Philipphê đáp
: “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một
chút”. (8) Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với
Người : (9) “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng
với ngần ấy người thì thấm vào đâu ?”. (10) Đức Giêsu nói : “Anh em cứ bảo
người ta nằm ngả xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta nằm ngả xuống, nguyên
số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ
ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ người cũng phân phát như vậy,
ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ :
“Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (13) Họ liền đi thu những miếng
thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai
thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói : “Hẳn ông này là vị Ngôn
sứ, Đấng phải đến thế gian !” (15) Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem
đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
2. Ý CHÍNH : Đức
Giêsu chứng tỏ mình là Môsê Mới khi làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con
cá ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no, giống như trong thời kỳ Xụất hành, Môsê đã
làm phép lạ nuôi dân Itraen trong sa mạc bằng Manna từ trời rơi xuống. Phép lạ
nhân bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu sắp thiết
lập trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này.
3. CHÚ THÍCH :
- C 1-4 : +
Biển hồ Galilê : Gọi là Galilê vì Biển Hồ này nằm ở xứ Galilê, miền
Bắc nước Paléttina. Cũng gọi là Biển hồ Tibêria (x. Ga 6,1), vì vào năm 26 vua Hêrôđê
Antipa đã cho xây thành phố Tibêria ở gần Biển Hồ này, rồi người ta dùng tên
thành đó để gọi là Biển Hồ Tibêria. Ngoài ra, Biển Hồ còn có tên là Ghennêxaret
(x. Lc 5,1). + Sắp đến lễ Vượt Qua là dại lễ của người Do thái :
Lễ Vượt Qua kỷ niệm việc dân Do thái được thóat khỏi ách nô lệ cho dân Ai Cập,
và được trở về miền Hứa Địa là xứ Canaan (x. Xh 3,17), nơi Thiên Chúa đã hứa
ban cho tổ phụ Áp-ra-ham và dòng dõi đến muôn đời (x. St 12,1).
-C 5-7 : + Người hỏi ông Philipphê : Sở dĩ Philipphê được Đức Giêsu hòi vì ông là người dân
địa phương. + Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ? : Qua câu này,
ta thấy Đức Giêsu còn quan tâm cả đến nhu cầu thể xác của đám đông dân chúng và
tìm cách đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. + Người nói thế là để thử ông,
chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi : Thời kỳ Xuất hành, Đức Chúa đã
nhiều lần thử thách sự trung thành của dân Itraen, xem họ phản ứng thế nào khi
gặp những hoàn cảnh khó khăn. (x. Xh 16,4;17,1-7). Trong bài Tin Mừng hôm nay,
khi hỏi Philipphê kiếm đâu ra bánh cho đám đông, Đức Giêsu muốn thử xem ông có
tin vào quyền năng của Người trong hoàn cảnh khó khăn này không ? Còn Người thì
đã dự tính sẽ làm gì rồi. + “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng
đủ cho mỗi người một chút” : 200 đồng là một số tiền lớn, tương đương
với 200 ngày công lao động, vì lương công nhật thời bấy giờ là một đồng (x. Mt
20,2.9).
-C 8-9 : + Anrê anh ông Simon Phêrô thưa với Người
: Anrê có lần đã dẫn đưa em mình là
Si-mon đến giới thiệu với Đức Giêsu (x. Ga 1,42). Lần này ông cũng đã phát hiện
ra một em bé trai có mang thực phẩm theo và dẫn em đến giới thiệu với Đức Giêsu.
+ “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá :
Bánh lúa mạch là loại bánh mì rẻ tiền, làm bằng lúa mạch, là thức ăn dành cho gia
súc. Đây là bánh của những người thật nghèo. Cá của em nhỏ mang theo là loại cá
nhỏ ướp muối. Vì thời đó người ta chưa có phương tiện bảo quản cá tươi lâu
được. Cá muối là món ăn bình dân của dân chài lưới ven bờ Biển Hồ. + “Nhưng
với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” : Nói lên sự bất lực của các tông
đồ trước nhu cầu lớn lao của dân chúng đang đói và cần được ăn no.
-C 10-11 : + Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi : Nằm ngả xuống hay ngồi xuống cách thoải mái là tập tục
nằm nghiêng khi ăn uống của vùng Cận Đông. Theo Máccô, việc người ta ngồi thành
từng nhóm một trăm hay năm mươi (x Mc 6,40), không những tiện lợi cho việc phân
phát bánh theo thể thức Môsê đã làm trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 18,21.25), mà
còn nói lên tinh thần hiệp thông phải có, khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể sau
này (x. 1 Cr 11,18-21). + Chỗ ấy có nhiều cỏ : Đất có nhiều cỏ cho
thấy khi ấy đang trong mùa xuân, là thời gian mừng lễ Vượt Qua của Đạo Do thái.
Cây cỏ xanh tươi gợi lên hình ảnh Đức Giêsu là vị Mục tử nhân lành (x. Ga
10,11). Người dẫn đàn chiên Itraen Mới đi đến cánh đồng cỏ xanh tươi, để họ
được ăn uống no nê và được sống dồi dào (x. Tv 23,1-3; Ga 10,10). + Vậy
Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người
ngồi đó : Trong Tin Mừng Nhất Lãm (gồm 3 Tin Mừng của Mát-thêu, Mác-cô,
Lu-ca), Đức Giêsu trao bánh và cá cho môn đệ để họ đi chia cho dân chúng (x. Mt
14, 19; Mc 6,41; Lc 9,16). Còn trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giêsu tự phân phát
bánh đã được nhân ra nhiều cho dân chúng. Việc Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,
rồi phân phát là những cử chỉ Người sẽ làm trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua để
thiết lập bí tích Thánh Thể (x Mt 26, 26). Như vậy, phép lạ nhân bánh ra nhiều này
là hình bóng của bí tích Thánh Thể sau này.
-C 12-13 : +
No nê : Theo Hy ngữ cổ, từ “no nê” chỉ việc cho súc vật ăn rơm. Khi
dùng cho người thì có nghĩa là ăn no đến phát ngán ! + “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo
phí đi” : Tạo sao có nhiều miếng bánh thừa như vậy ? Theo phong tục Do
thái, khi ăn tiệc người ta có thói quen để lại chút gì cho các tôi tớ phục vụ
bàn ăn. Số bánh thừa là mười hai giỏ đầy do mười hai tông đồ thu lượm.
-C 14-15 : +
Hẳn ông này là vị Ngôn sứ : Vị
Ngôn sứ nói đây đã được Môsê đề cập đến như sau : “Bấy giờ Đức Chúa phán với
tôi rằng : “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ giống như
ngươi, để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người
ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì ta truyền cho người ấy “ (Đnl 18,17-18). +
Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại
lánh mặt, đi lên núi một mình : Người Do thái đang bị người Rôma cai
trị và họ khao khát trông mong Đấng Thiên Sai đến để làm vua của họ và cầm quân
giải phóng họ khỏi ách đô hộ. Họ đã nhiều lần khởi nghĩa và đều bị quân Rôma
đàn áp giết hại rất dã man. Đức Giêsu hiểu rõ sứ mạng của Người không nhằm làm
vua trần thế như ước muốn của người Do thái, nên Người đã lánh lên núi để gặp
gỡ Thiên Chúa.
4.CÂU HỎI :
1) Xưa vào thời kỳ Xuất Hành, Môsê đã nuôi dân Ítraen
trong suốt thời gian đi trong sa mạc 40 năm để về Đất Hứa, bằng Manna từ trời
rơi xuông, thì nay Đức Giêsu làm gì để nuôi dân Itraen Mới trên đường lữ hành
về Đất Hứa Thiên Đàng đời sau ?
2) Tại sao Biển Hồ được mang tên là Galilê hay Tibêria ?
3) Lễ Vượt Qua là lễ của đạo Do thái hay đạo Công giáo ?
Kỷ niệm biến cố nào trong lịch sử Ítraen ?
4) Tại sao Đức Giêsu hỏi Philipphê chổ để mua bánh cho
dân chúng ? Chúng ta có thể rút ra bài học gì qua câu hỏi của Người ? Đức Giêsu
hỏi Philipphê nhằm mục đích gì ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
:
1.LỜI CHÚA : Người hỏi Philipphê : “Ta mua đâu ra bánh
cho họ ăn đây ?” (Ga 6,5).
2.CÂU CHUYỆN :
1) THỂ HIỆN ĐỨC ÁI BẰNG VIỆC LÀM CỤ THỂ :
Năm 1634,
Thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức bác ái theo Lời
Chúa dạy. Các bà ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm ra phương cách họat động. Tuy
nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà kết quả chẳng đi đến đâu. Một hôm,
trong lúc họ đang bàn cãi, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài bước vào phòng họp,
trên tay mang theo một vật được gói trong tấm khăn vải. Ngài đặt chiếc gói
xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái mới sinh được khỏang ba ngày, bị bỏ
lại bên cạnh đống rác mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói : “Các bà muốn làm
việc bác ái thì đừng nói nhiều nữa mà hãy làm những việc cụ thể. Các bà hãy bắt
tay làm việc nuôi trẻ bị bỏ rơi này ngay đi !”. Dòng Bác Ái Vinh Sơn ra đời từ ngày
đó.
2) QUẢNG ĐẠI CHIA
SẺ TẤM BÁNH TÌNH THƯƠNG:
Có hai anh
em nhà kia áo quần rách nát đang dùng cây sắt bới móc đống rác ở bãi rác trung
chuyển cạnh một con đường nhỏ. Bỗng mắt hai đứa sáng lên khi thấy một miếng
bánh kem từ trong chiếc xe hơi đậu gần đó vất xuống lề đường. Thằng anh vội
chạy đến nhặt lên, nhưng chiếc bánh đã bị lấm đất không thể ăn được. Đứa em gái
nuốt nước miếng nói với anh: "Anh phải thổi cho cát bẩn bay đi đã rồi anh
em mình mới có thể ăn được". Thằng anh liền phùng má thổi mạnh vào chiếc
bánh cho đất cát bay ra. Nhưng cát bẩn đã dính sâu vào bánh, thổi thế nào cũng
không chịu văng ra. Con em sốt ruột cũng
ghé miệng thổi và lỡ tay đụng vào tay của anh khiến chiếc bánh bị rơi tòm xuống
chiếc rãnh hôi hám ven đường. Thằng anh tiếc của trách em gái: "Tại em đó.
Em đã đụng vào tay anh làm cho chiếc
bánh bị rơi xuống cống rồi. Bây giờ lấy gì ăn đây ?”. Nhưng rồi khi thấy vẻ mặt
buồn bã của em, nó liền an ủi em: "Ừ, lỗi tại anh! Nhưng may là kem vẫn còn
dính vào tay anh nè. Cho em mút kem trong ba ngón, còn anh chỉ mút hai ngón còn
lại thôi!"
Câu chuyện nói trên không biết thực
hư đến đâu? Nhưng câu chuyện cũng cho thấy trong đời thường có những người giàu
vất bỏ đồ ăn đi. Còn nhiều kẻ nghèo lại phải bòn nhặt những miếng bánh ấy. Là tín
hữu của Đức Giê-su, chúng ta cần phải làm gì để giúp đỡ cụ thể những người
nghèo khổ bất hạnh trong hoàn cảnh xã hội hôm nay?
3. THẢO LUẬN : Đám đông dân chúng ngày nay vẫn còn nhiều
người bị đói khát cơm ăn, áo mặc, thuốc men… và đói nghe Lời Chúa và Bánh Thánh
Thể. Vậy chúng ta cần làm gì cụ thể theo khả năng để giúp anh em nghèo đói có cơm
ăn áo mặc, người đau liệt có thuốc men chữa bệnh, trẻ em đường phố được người khác
quan tâm chăm sóc, anh em dân ngoại được nghe rao giảng Tin Mừng và tin theo Chúa
để được hưởng ơn cứu độ đời đời ?
4. SUY NIỆM :
Giống như Môsê xưa đã được Đức Chúa ban cho Manna để nuôi
dân Itraen trong cuộc lữ hành vượt qua sa mạc 40 năm để về tới Đất Hứa, Tin
Mừng hôm nay cũng cho thấy Đức Giêsu giống như một Môsê Mới. Người cũng nhân
bánh ra nhiều, ám chỉ sẽ ban Manna Mới là bí tích Thánh Thể làm lương thực nuôi
dưỡng đức tin của dân Itraen Mới là Hội Thánh, trên đường lữ hành vượt qua sa
mạc trần gian để về tới miền Đất Hứa là Nước Trời đời sau. Qua trình thuật này,
chúng ta có thể rút ra được một số bài học về việc thể hiện đức tin cụ thể như
sau:
a) Nhiệt tình lo phục vụ tha nhân : Đức Giêsu nói với Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Dĩ nhiên Người có thể làm phép lạ hóa bánh từ trời để nuôi
đám đông dân chúng, giống như Đức Chúa đã ban Manna từ trời rơi xuống nuôi dân Itraen
trong thời kỳ Xuất Hành. Nhưng ở đây, Đức
Giêsu muốn các môn đệ ý thức trách nhiệm cộng tác vào sứ vụ ban ơn cứu độ cho lòai
người.
Ngày nay Ngừơi cũng muốn chúng
ta tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng
và phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo đói, bệnh tật và bị bỏ rơi…
b) Giới hạn của
chúng ta : Tin mừng ghi lại lời của Philipphê
nói lên sự bất lực của các môn đệ trước nhu cầu quá lớn : “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”:
Tuy nhiên Đức Giêsu chỉ muốn thử để biết lòng tin của môn đệ, vì Ngừơi biết việc
Người sắp làm.
Ngày nay khi mời gọi chúng ta cộng tác, hẳn Đức Giêsu cũng
quá rõ về khả năng giới hạn của chúng ta. Nhưng Người muốn chúng ta ý thức bổn
phận phải cộng tác với Chúa. Rồi vừa làm hết sức mình, vừa cậy trông vào tình
thương và quyền năng của Chúa như Người đã dạy: “Vì không có Thầy anh em không
làm gì được” (Ga 15,5b).
c) Chỉ cần làm hết
sức của mình là đủ :
Anrê đã mau mắn đưa một bé trai đến và thưa với Người : “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa
mạch và hai con cá. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu ?”. Chúa chỉ cần thiện chí của các môn đệ,
thể hiện qua các việc làm thiết thực cụ thể của các ông, hơn là chỉ biết ỷ lại vào
Chúa mà không làm gì, như bọn Pharisêu “nói mà không làm”.
Ngày nay Chúa muốn các tín hữu chúng ta phải làm những
việc bác ái cụ thể phù hợp với khả năng của mình, như thánh Giacôbê đã dạy :
“Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có lợi ích
gì ? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng ? Giả như có người anh em hay chị
em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại
nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”. Nhưng lại không cho họ
những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì ? Cũng vậy, đức Tin không có hành động thì quả
là đức Tin chết” (x. Gc 2,14-17). Vậy chúng ta nên làm gì trong những ngày này
để phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh và
bị bỏ rơi ?
d) Tiết kiệm trong
cách chi dùng :
Đức Giêsu dạy các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”.
Ngày nay nhân lọai vẫn tồn tại hai lọai là người giàu và
kẻ nghèo như câu người ta thường nói: “Kẻ ăn không hết người lần không ra !”.
80% của cải trên trái đất đang nằm trong tay 20% người giàu. Còn hơn 700 triệu
người không đủ cơm ăn áo mặc và một phần ba trẻ em ở lục địa đen (Phi châu) đang
bị suy dinh dưỡng đang cần được trợ giúp. Qua việc ra lệnh cho môn đệ thu lại những
miếng bánh thừa bị vứt bừa bãi, Đức Giêsu muốn chúng ta trân trọng lương thực Chúa
ban, vì của cải là của chung hết mọi người mà chúng ta chỉ được trao quyền quản
lý. Cần chi tiêu tiết kiệm để có điều kiện chia sẻ cho những người nghèo đói
hơn mình. Vậy trong những ngày này tôi sẽ làm gì để dành ra tiền giúp đỡ các ngừơi
nghèo bên cạnh ?
e) Cần đáp
ứng nhu cầu cả về vật chất cũng như tinh thần: Đức Giêsu có lần đã nhấn mạnh về giá trị của lương thực
tinh thần như sau : ”Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt
4,4) :
Ngày nay lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin mang lại
sự sống đời đời chính là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể trong thánh lễ. Chúng ta
cần dự lễ thế nào để đón nhận được sự sống đời đời như lời Chúa nói : ”Tôi là
bánh hằng sống từ trời xuông. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).
5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊSU. Xin cho chúng con biết luôn quảng
đại, biết mở rộng con tim để góp phần giải quyết những khó khăn và bất hạnh của
tha nhân. Phần đóng góp của chúng con có thể chỉ là một nụ cười cảm thông với
người đau khổ, một ly nước lã hay một chén cơm cho người đang đói khát; một
manh áo cũ cho người không có áo che thân; một lời động viên an ủi cho người
đang bị hiểu lầm và đối xử bất công; một sự khoan dung tha thứ đối với những kẻ
đang để tâm thù ghét làm hại chúng con... Xin cho chúng con biết cộng tác với
Chúa trong việc cứu rỗi anh em. Xin cho chúng con quyết tâm mỗi ngày làm vui lòng một người, mỗi
ngày làm ít nhất một việc thiện…, để
trở thành tông đồ giáo dân nhiệt thành làm cho “Danh Cha cả sáng, Nưốc Cha trị
đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.