CHÚA NHẬT 18 TN
B
Xh
16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35
CHIA SẺ ĐỨC
GIÊSU LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH CHO THA NHÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Ga
6,24-35
(24) Vậy khi dân chúng thấy đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống
thuyền đi Caphácnaum tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển
Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? (26) Đức Giêsu đáp: “Thật,
tôi bảo thật các ông: Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (27) Các ông hãy ra công làm việc không
phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc
trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con
Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (28) Họ liền hỏi Người:
“Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (29) Đức Giêsu
trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai
đến” (30) Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi
thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa
mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi Trời” (32) Đức Giêsu đáp:
“Thật, tôi bảo thật các ông: Không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi
trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực.
(33) Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế
gian” (34) Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.
(35) Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề
phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”
2. Ý CHÍNH : TÔI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI MÀ ĐẾN :
Đức Giêsu cảnh cáo dân chúng đi tìm Người vì muốn được ăn
thứ bánh vật chất mau hư nát. Ngay cả Manna thời kỳ xuất Hành cũng không phải là bánh bởi trời thực sự và không
cứu được cho người ta khỏi phải chết. Họ cần phải tìm kiếm thứ Bánh bởi trời
đích thực tức là Con Người, Đấng từ trời mà đến và ban sự sống vĩnh hằng cho
trần gian. Bánh Hằng Sống đó chính là Mình Máu Đức Giêsu trong bí tích Thánh
Thể mà Người sẽ thiết lập.
3. CHÚ THÍCH :
- C 24-25 : + Caphácnaum : Là một thành phố thuộc xứ Galilê, nằm trên bờ biển hồ Tibêria.
Đức Giêsu lấy thành Caphácnaum làm trung tâm hoạt động suốt thời gian đi giảng
đạo công khai. Tại đây, Người đã nhiều lần rao giảng trong các hội đường (x. Mc
1,21), làm nhiều phép lạ như : Xua trừ ma quỷ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh cảm
sốt cho nhạc mẫu Phêrô và nhiều bệnh nhân khác (x. Mc 1,29-31.32-34), chữa lành
một phụ nữ bệnh loạn huyết 12 năm và làm cho con gái ông Gia-ia mới chết được
sống lại (x. Mc 5,21-43), giảng về Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,24-66)… Về sau thành
này cũng là một trong các thành của dân Do Thái bị Đức Giêsu quở trách, vì họ
đã được chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà vẫn tỏ thái độ cứng lòng không
tin vào Người (x. Mt 11,23-24). + Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ
: Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều trong hoang địa, vì biết dân chúng muốn
tôn mình làm vua, nên Đức Giêsu đã lánh lên núi một mình (x. Ga 6,15). Sau đó Người
đi trên mặt nước đến với thuyền của các môn đệ và sang bờ bên kia Biển Hồ là
thành Caphácnaum.
- C 26-27) : + Các ông đi tìm tôi không phải vì các
ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê : Đức Giêsu cảnh báo dân chúng về động lực đi tìm Người là
do vụ lợi : để được ăn bánh no nê mà không phải vất vả làm việc. + Các
ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc trường sinh : Đức Giêsu chấp nhận nhu cầu về
lương thực là bánh ăn vật chất nuôi sống thân xác, nên Người đã làm phép lạ cho
họ được ăn no. Nhưng Người còn muốn dạy rằng : Trên cuộc sống thể xác còn có
linh hồn tồn tại mãi mãi. Chính Người sẽ ban cho họ thứ lương thực nuôi sống
linh hồn là Bí Tích Thánh Thể mà Người sắp thiết lập. + Con Người :
Là một nhân vật thần thiêng mà Ngôn sứ Đa-ni-en trong một thị kiến đã xem thấy đang
đứng bên Thiên Chúa (x. Đn 7,13-14). Khi tự xưng mình là Con Người từ trời mà
đến, Đức Giêsu muốn cho người ta thấy Người là Sứ giả đích thực của Chúa Cha,
được Thánh Thần thánh hiến trở thành Đấng Thiên Sai và sẽ giúp Người chu toàn
sứ vụ ấy (x. Lc 4,18 ; Is 61,1-2). + Là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu
xác nhận : Dấu ấn là một vật dùng để xác định nguồn gốc thay cho chữ
ký. Ngoài việc dấu ấn được in trên giấy tờ, bao bì hay các vật khác để làm bằng
chứng bảo đảm sự chân thực, người ta còn dùng dấu ấn để niêm phong mồ mả (x. Mt
27,66). Ngoài ra, dấu ấn hay ấn tín cũng được dùng theo nghĩa bóng như lời
Thánh Phaolô : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí
vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,22). Câu này cho thấy Chúa Cha đã đóng
dấu ấn trên Đức Giêsu làm bảo chứng để xác nhận Người chính là Đấng Thiên Sai
của Thiên Chúa.
- C 28-29 : + Chúng tôi phải làm gì ? : Đây là câu hỏi bày tỏ thiện chí muốn đáp ứng đòi hỏi của
Thiên Chúa sau khi nghe giảng Tin Mừng, như đám đông đã hỏi ông Gioan Tẩy Giả
tại sông Giođan (x. Lc 3,10.12.14), hay dân chúng hỏi ông Phêrô sau khi nghe
ông giảng vào lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem (x.Cv 2,37). + Tin vào Đấng
Người đã sai đến : Đấng Thiên Chúa sai đến ở đây là Đức Giêsu.
- C 30-31 : + Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi
thấy để tin ông ? : Dù mới chứng
kiến phép lạ nhân bánh ra nhiều vào chiều hôm trước, nhưng dân chúng vẫn chưa
thỏa mãn. Họ đòi một phép lạ đặc biệt phát xuất từ trời để minh chứng sứ mạng
Thiên Sai của Người, giống như Môsê xưa đã làm phép lạ cho manna từ trời mưa
xuống để nuôi dân Ítraen suốt 40 năm trong sa mạc, nên manna được gọi là bánh
bởi trời. + Manna : Phát xuất do từ “Mannu ?”, nghĩa là “Cái gì vậy ?”, vì dân Ítraen
không biết đó là cái gì (x. Xh 16,15). Môsê bảo dân rằng: “Đó là bánh Đức Chúa
ban cho anh em làm của ăn !”. Như vậy, Manna chính là lương thực lạ lùng mà Đức
Chúa đã ban cho dân Ítraen, khi họ đi qua sa mạc về Miền Đất Hứa (x. Xh
16,11-18). Manna có hình dạng giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa
bánh tráng tẩm mật ong (x. Xh 16,31). Trông nó như nhựa hương. Dân cứ việc chia
nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu
bánh (x. Ds 11,7-8). Manna là hình bóng của Lời Chúa, là của ăn được Đức Chúa
ban để dân Ítraen biết rằng : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn
sống nhờ mọi Lời do miệng Đức Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3 ; Mt 4,4). Khi dân Ítraen
vào tới Đất hứa là xứ Canaan và bắt đầu trồng và thu hoạch được các loại thổ
sản tại đó, thì Manna không còn rơi xuống nữa (x. Gs 5,12). Cũng vậy, trong
thời gian lưu lạc trần gian, các tín hữu cũng được ăn lương thực thiêng liêng
là Mình Thánh Chúa để đủ sức về tới Đất Hứa Thiên Đàng, được tham dự Bữa Tiệc
Cánh Chung trong Nước Trời với Đức Giêsu (x. Lc 22,30), và ngồi đồng bàn với
các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp của dân Do Thái (x. Mt 8,11).
- C 32-33 : +
Không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi : Đức Giêsu đã giúp dân chúng hiểu rõ : Manna được ban
thời kỳ Xuất Hành không phải do Môsê, nhưng do Đức Chúa đã ban cho dân Ítraen.
Ngoài ra manna cũng không thực sự là Bánh của Thiên Chúa, mà chỉ là thứ luơng
thực vật chất mau hư nát và có khả năng nuôi sống thể xác mà thôi (x. Xh
16,19-21), vì dù có ăn manna, dân Do thái cũng vẫn phải chết (x. Xh 32,33-35). +
Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian
: Để được gọi là Bánh của Thiên Chúa thì cần hai đặc tính là xuất phát từ
trời, và ban sự sống muôn đời. Bánh ấy chính là Đức Giêsu. Người vừa là Ngôi
Lời vốn ở trên trời, được Chúa Cha sai xuống làm Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,14),
và Người sắp ban Mình Máu Người làm lương thực đem lại sự sống muôn đời cho
người lãnh nhận (x. Ga 6,51).
- C 34-35: + Chính tôi là Bánh Trường Sinh: Kiểu nói “Tôi là” thường được Đức Giêsu dùng và Gioan đã
ghi lại một số Lời Chúa có hai tiếng “Tôi là” như sau: “Chính tôi là Bánh
Trường Sinh” (Ga 6,34); “Tôi là Ánh Sáng Thế Gian” (x. Ga 8,12; 9,5); “Tôi là
Cửa cho chiên ra vào” (x. Ga 10,7); “Tôi là
Mục Tử nhân lành” (x. Ga 10,11) ; “Tôi là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (x.
Ga 11,25); “Tôi là Con Đường, là Sự Thật và Là Sự Sống” (x. Ga 14,6); “Tôi là
Cây Nho thật” (x. Ga 15,1). Trong câu nói trên, khi khẳng định: “Chính Tôi là
Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muốn nói về bí tích Thánh Thể mà Người sắp lập.
Qua bí tích đó Người sẽ hóa nên bánh thiêng nuôi dưỡng người dương thế và đem
lại hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. + Ai đến với tôi, không hề phải đói ; Ai
tin vào tôi, chẳng khát bao giờ: Người hứa sẽ ban cho những ai lãnh
nhận Bí Tích Thánh Thể được no thỏa; Cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người
thỏa mãn khát vọng được sống vĩnh cửu.
4. CÂU HỎI : 1) Bạn biết gì về thành Caphácnaum? 2) Khi
nói lên động cơ đi tìm Chúa của dân chúng là tìm bánh ăn vật chất, Đức Giêsu
muốn họ phải tìm kiếm điều gì khi đến với Người? 3) Tại sao Đức Giêsu tự xưng
là Con Người? 4) Đức Giêsu trả lời cho dân chúng biết họ cần phải làm gì sau
khi nghe Người giảng Tin Mừng? 5) Dân Do Thái đòi Đức Giêsu làm gì để chứng
minh cho sứ mạng Thiên Sai của Người? 6) Thời Môsê danh từ Manna ám chỉ điều gì?
Manna được ban cho ai ăn và nhằm mục đích gì? Trong Tân Ước Manna ám chỉ điều
gì? 7) Bánh bởi Trời thực sự phải có những đặc tính nào? 7) Khi tự xưng “Tôi Là
Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muốn nói gì về Người? 8) Người hứa ban cho những
ai chịu phép Thánh Thể được những ơn ích gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Chính Tôi là bánh trường sinh. ai đến với
Tôi, không hề phải đói. ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ !”
2. CÂU CHUYỆN :
1) NHẬN ĐƯỢC ĐỨC TIN NHỜ BÍ TÍCH THÁNH THỂ :
HÉC-MAN KON (Hermann Cohn) là người Do Thái và là một tài
năng xuất chúng về đàn dương cầm (Pianô). Anh là học trò xuất sắc của PhăngLít
(Franz Liszt), một nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa vào lúc đó. Kon cùng với mấy người
bạn thân thành lập một ban nhạc trẻ và đi đó đây biểu diễn âm nhạc để kiếm
sống. Sau khi đã có nhiều tiền và bị bạn bè cám dỗ, Kon đã tìm đến những nơi hàng
quán để ăn chơi trụy lạc. Rồi một ngày kia, một người bạn thân của Kon là ca
trưởng một ca đoàn nhà thờ, do thiếu người đánh đàn, đã mời Kon cộng tác đàn
giúp ca đoàn hát thánh ca trong một buổi dâng hoa kính Đức Mẹ tại nhà thờ.
Buổi dâng
hoa hôm ấy kết thúc bằng giờ chầu Mình Thánh Chúa. Mặc dù không phải là người
công giáo, nhưng khi vị chủ sự ban phép lành Mình Thánh Chúa, thì tự nhiên Kon
cảm thấy như có một sức mạnh vô hình bắt anh phải quì gối cúi đầu thờ lạy Chúa.
Kon không lý giải được tại sao lại có hiện tượng trên. Sau đó, Kon tiếp tục đến
nhà thờ và cảm thấy có một Đấng nào đó hiện diện ở trong anh, và thôi thúc anh đi
tìm gặp Chúa. Sau đó anh xin học đạo nơi một linh mục trẻ và được người bạn ca
trưởng tặng cho cuốn sách tựa đề là: “Các kinh nguyện trong Thánh lễ”. Kon đã
say sưa đọc đi đọc lại nhiều lần phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Về sau anh đã chia
sẻ kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu như sau: “Trong thời thơ ấu, tôi thường hay khóc
mỗi lần bị cha mẹ sửa phạt vì làm sai một lỗi nào đó. Nhưng chưa khi nào nước
mắt tôi lại chảy ra nhiều như lúc bấy giờ. Khi ấy, đột nhiên tôi nhìn ra các
tội lỗi của mình đã phạm bấy lâu nay, tôi thấy rõ những sự xấu xa hèn hạ của
tôi và tôi nghĩ mình đáng bị phạt trong hỏa ngục. Nhưng sau khi đã khóc hết
nước mắt, tôi đã cảm thấy tâm hồn mình được bình an. Tôi xác tín rằng : Chúa
nhân lành đã thấu hiểu lòng tôi, đã tha thứ lỗi lầm cho tôi để tôi xứng đáng
trở nên con cái của Người”.
Sau đó,
Kon được lãnh phép rửa tội gia nhập vào Hội Thánh, rồi xin nhập vào dòng
Các-me-lô. Trong nhà dòng, Thầy Kon đã được học các môn học về triết lý và thần
học, thực tập các nhân đức, và bảy năm sau thày đã được thụ phong linh mục. Tân
linh mục Kon đã được nhiều người công nhận là một linh mục có lòng đạo đức. Cha
nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và cha thường chia sẻ kinh nghiệm gặp được Chúa
cho người chưa biết Chúa. Nhiều người nhờ tiếp xúc với cha nên cũng gặp được
Chúa. Chính nhờ sự hướng dẫn của cha mà cả thầy dậy đàn là nhạc sĩ Phăng-Lít và
10 bạn thân thời thơ ấu cũng đã tin vào Chúa Giêsu và đã được lãnh nhận phép
rửa tội.
2) THĂM VIẾNG
CHIA SẺ TÌNH NGƯỜI:
Một hôm một lão hành khất gặp Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta
trên đường phố và đã chìa tay ra xin bố thí. Bà lục lọi hết các túi áo mà không
tìm ra một đồng tiền nào, bà đành vỗ vai ông lão vừa cười vừa nói lời xin lỗi
vì không có gì để tặng ông. Bấy giờ lão hành khất đã nói: “Hôm nay bà đã cho
tôi một món quà quí giá nhất mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nhận được.
Món quà đó là nụ cười cảm thông và sự an ủi đầy tình người của bà. Tôi cảm thấy
vui mừng và hạnh phúc, vì tôi đã được bà tôn trọng và được đối xử bình đẳng !”.
Điều quan trọng là phải mang lại niềm vui tâm hồn cho những người chúng ta gặp
gỡ tiếp xúc.
3. THẢO LUẬN : Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể
để chia sẻ tình thương và niềm tin cho những người chưa nhận biết Chúa và đang
chịu nhiều bất hạnh khổ đau ?
4. SUY NIỆM :
+ Hơn ai
hết, Đức Giêsu đã am hiểu cơm bánh vật chất là một nhu cầu không thể thiếu để
con người được sống, và Người đã làm phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi đám đông
dân chúng ăn một bữa no nê. Người cũng dạy môn đệ cầu nguyện trong kinh Lạy Cha
: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Tuy nhiên, “Người ta không
chỉ sống nhờ cơm bánh”, nhưng còn có những khát vọng mà chỉ mình Đức Giêsu mới
có thể thỏa mãn họ, là lòng khao khát muốn gặp Đức Giêsu. Vì Người là “Con
Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nhờ Người mà chúng ta sẽ được thỏa mãn các
nhu cầu tinh thần như : Muốn hiểu biết về chân lý đức tin, muốn yêu và được
yêu, muốn được tha nhân cảm thông chia sẻ… Nhờ được thỏa mãn các nhu cầu này mà
con người mới đạt được niềm vui và sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
+ Lời Chúa
và Mình thánh Chúa là hai của ăn thần linh mang lại cho các tín hữu sự sống
muôn đời, như thánh Phêrô đã thưa với Đức Giêsu : “Chỉ có Thầy mới có những Lời
đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), hay như lời Chúa phán trong Tin Mừng hôm
nay: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời… Đây là Bánh từ trời
xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn Bánh này,
sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54.58). Mỗi ngày chúng ta nên tham dự thánh lễ để
đón nhận được hai thứ lương thực thiêng liêng của Đức Giêsu ban cho là Lời Chúa
và Mình Thánh Chúa. Nhờ đó chúng ta sẽ có sự sống muôn đời.
+ Cần biết chia sẻ Chúa là niềm vui ơn cứu độ cho tha
nhân: Sau khi tham dự thánh lễ, chúng ta đã nhận được ơn Chúa ban qua hai của
ăn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Chúng ta cần mang Chúa đến viếng thăm những
người lương dân, những anh chị em bệnh tật lâu ngày, những gia đình bất hạnh…
để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho họ, như thai nhi Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng
vì được ơn cứu độ của thai nhi cứu thế Giêsu do Đức Maria mang đến thăm viếng.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊSU. Của cải vật chất và cơm ăn áo mặc là
những nhu cầu không thể thiếu của thân xác con người. Chúng thường cám dỗ lôi
kéo con tìm kiếm chúng thay vì phải tìm kiếm Chúa mới thực là lẽ sống cuộc đời
của con. Lạy Chúa, từ trong thâm tâm, con rất sợ bị nghèo đói bần hàn, và con
luôn khao khát có một cuộc sống dư dật sung sướng. Con thường mải mê tìm kiếm
những của cải vật chất đến nỗi chẳng còn thiết tha với việc cầu nguyện, dự lễ
và tuân giữ các giới răn. Xin Chúa thương tha thứ tội lỗi và bù đắp những thiếu
sót của con.
X. HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM