TÔi là bánh
ban sỰ sỐng
(Gioan 6,41-51 – CN XIX TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Cũng như trong việc chữa lành người
bất toại ở Ga 5, sang Ga 6, Đức Giêsu lấy sáng kiến nuôi đám đông
(6,4-13). Và đám đông nhìn nhận việc nhân bánh ra lạ lùng là dấu chứng tỏ Đức
Giêsu là vị ngôn sứ và vua của thời cánh chung mà dân con Israel hằng mong đợi
(6,14-15). Kế đó, việc Đức Giêsu trên mặt biển sôi sục (6,16-19) và lời “Thầy
đây (egô eimi, “Tôi là”)” để trấn an nhưng mang tính mạc khải cho các
môn đệ đang sợ hãi (6,20; x. Xh 3,14) cho thấy thần tính của Người. Bài
diễn từ kế đó cũng tập trung vào bản thân Đức Kitô (6,22-59). Trước tiên Đức
Giêsu tỏ ra chính Người là “bánh ban sự sống” (6,35.48), là mạc khải của Thiên
Chúa nhằm ban sự sống cho loài người, là bánh ban sự sống do Thiên Chúa Cha ban
từ trời cho họ (6,32-33). Để được thứ bánh ban sự sống vĩnh cửu này, người ta
phải tin vào Đức Giêsu, là Đấng Chúa Cha sai phái (6,29.35.40.47), và ăn thịt
cùng uống máu Người (6,53.54.57.58).
Chính Bài diễn từ về Bánh ban sự sống
có thể phân chia như sau:
1) Chuyển tiếp vào Bài Diễn từ
(6,22-24);
2) Mở đầu Bài Diễn từ (6,25-34);
3) Chính Bài Diễn từ (6,35-50.51-59);
4) Phản ứng lại với Bài Diễn từ
(6,60-71).
2.- Bố cục
Bản văn có thể được chia thành bốn phần:
1) Người Do Thái xầm xì (6,41-42);
2) Đức Giêsu kêu gọi tin vào Người (6,43-47);
3) Đức Giêsu mời gọi đón nhận Người là bánh trường
sinh (6,48-50);
4) Bánh trường sinh chính là thịt Đức Giêsu
(6,51).
3.- Vài điểm chú giải
- Tôi là (42): Kiểu nói “Tôi là” trong TM IV được liên
kết với tên của Thiên Chúa (x. Xh 3,14). Trong tư tưởng Sê-mít, tên của
một người cho thấy tính cách của người ấy. Như thế, khi đồng hóa chính
mình với tên Thiên Chúa, Đức Giêsu mạc khải bản tính của Thiên Chúa và làm cho
người ta biết Thiên Chúa. Những lời nói của Đức Giêsu thông ban ơn cứu độ của
Thiên Chúa, là nguồn mạch tối hậu ban sự sống và ánh sáng cho Dân Người. Công
thức “Tôi là” được sử dụng cách tuyệt đối trong 6,20; 8,24.28.58; 13,19;
18,5.6.8; đó là cách Đức Giêsu mạc khải về bản thân và uy quyền của Người. Một
cách thường xuyên hơn, công thức này được sử dụng phối hợp với một ẩn
dụ. Có 7 lần công thức “Tôi là” được dùng theo kiểu ẩn dụ để nói rõ rằng Đức
Giêsu là một món quà Thiên Chúa ban cho loài người để có sự sống đích
thực và ánh sáng, hoặc là ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho nhân loại (6,35;
8,12; 10,7.9; 10,11; 11,25; 14,6; 15,1).
- Ông này (42): “Cái ông này”, tính từ houtos diễn tả sự
khinh thường (6,52; 7,15; 3,16).
- lôi kéo (44): Động từ helkyein với nghĩa “kéo ra
ngoài, rút ra, mang ra ngoài bằng sức mạnh”, thường được dùng để chỉ việc di
chuyển một khối nặng, như một chiếc thuyền, một cái xe.
- sách các ngôn sứ (45): Số phức này có lẽ là một cách
tổng-quát-hóa, vì ở đây chỉ có một câu trích Is 54,13.
- thịt (51): Sarx đúng là từ ngữ dịch từ bơsar
(A-ram; bâsâr, Híp-ri). Nhưng từ ngữ này không chỉ có nghĩa là “thịt”
(cơ bắp…), mà cũng có thể có nghĩa là toàn thân thể và thậm chí tất cả con
người, với đặc điểm là có tương quan với những người chung quanh (x. 1,14).
Hy-ngữ có khả năng diễn tả tốt hơn các sắc thái này. Trong Do Thái giáo sau
này, người ta chọn dịch từ Híp-ri bâsâr-thân thể bằng từ sôma,
cho dù trong Tân Ước, đôi khi người ta dùng cả hai từ sarx và sôma
như nhau. Nhưng đối với bí tích Thánh Thể, từ sôma đã trở thành từ cổ
điển, ngoại trừ trong một vài tác phẩm sau thời các Tông Đồ, do ảnh
hưởng Ga 6, các tác giả đã dùng từ sarx (chẳng hạn thánh Inhaxiô
và thánh Giustinô). Phần tác giả TM IV, tại sao ông vẫn giữ lại danh từ
“thịt” mặc dù đã có một từ ngữ riêng cho Bí tích Thánh Thể? Đó là vì “thịt” có
nghĩa rộng hơn là sôma-thân thể; vả lại trong TM IV, sôma
là cái thi hài, là thân thể chết. Làm thế nào một thi hài có thể đưa lại
sự sống? Ngược lại “thịt” vừa chỉ toàn thể con người vừa chỉ thân xác, nên một
danh từ hai nghĩa này rất lý tưởng để vừa gợi tới cái chết trên thập giá
vừa nhắc tới Bí tích Thánh Thể.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đến
đây, bên trong đám đông, bắt đầu xuất hiện những nhân vật đặc biệt. Nhóm đầu
tiên là nhóm những người Do Thái. Chẳng lẽ tất cả những người làm thành “đám
đông” lại không phải là Do Thái cả sao? Thế mà bên trong đám đông, tác giả Ga
lại phân biệt ra một nhóm riêng gọi là “người Do Thái”, và ngài coi đây là
những người càm ràm (“xầm xì”) và không tin.
* Người Do Thái xầm xì (41-42)
Phản ứng xầm xì của người Do Thái ở đây
tương tự kiểu vấn nạn dân làng Nadarét đã nêu ra cho Đức Giêsu trong TM Mc (6,1-6).
Phản ứng này còn khiến chúng ta nhớ lại quãng lịch sử xa hơn ngày trước: Trong
sa mạc Sinai, con cái Israel đã xầm xì để bày tỏ sự ngờ vực đối với Môsê: họ
không tin vào sứ mạng của ông là do Thiên Chúa trao và khả năng của ông là cung
cấp bánh và nước cho họ (Xh 16,2-3; 17,3). Vẫn đi theo chiều hướng của
tổ tiên, người Do Thái hôm nay xầm xì để nói lên sự hoài nghi của họ về tư cách
và khả năng của Đức Giêsu.
Họ nhắc lại hai khẳng định của Đức Giêsu
(c. 41): Người là bánh và Người từ trời xuống; đặc biệt họ nhấn mạnh tới điểm
thứ hai. “Cái ông này” (giọng khinh thường), ta biết rõ gốc gác, thế mà ông ta
lại cho rằng mình có một sứ mạng và một xuất xứ thần linh (x.
7,27)! Quả thật, theo niềm tin dân gian Do Thái, Đấng Mêsia phải xuất hiện
thình lình, mà không ai biết Người từ đâu đến. Dựa trên niềm tin này, người Do
Thái nghĩ rằng họ hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ các khẳng định của Đức Giêsu.
* Đức Giêsu kêu gọi tin vào Người (43-47)
Đức Giêsu liền can thiệp, nhưng Người
không bao giờ trả lời câu hỏi về nguồn gốc của Người trên bình diện nhân loại.
Đứng tại quan điểm thần học, Người cho biết “Chẳng ai đến với tôi được, nếu
Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44). Người được Thiên
Chúa sai đến (c. 44) và Người đến từ Thiên Chúa (c. 46), do đó Người có thể cho
rằng Người từ trời xuống. Nếu người Do Thái thôi xầm xì, và để cho lòng họ mở
ra với hoạt động của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lôi kéo họ đến với Đức Giêsu.
Đây chính là lúc lời ngôn sứ Isaia (54,13) được thể hiện: “Hết mọi người
sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Việc dạy dỗ này có một phương diện bề ngoài,
theo nghĩa là nó được cụ-thể-hóa bởi chính Đức Giêsu đang đi lại giữa họ, và có
một phương diện bên trong, theo nghĩa là Thiên Chúa hành động trong tim
họ. Điều này cũng ứng nghiệm lời ngôn sứ Gr (31,33). Sự thôi thúc bên
trong này do bởi Chúa Cha sẽ làm cho họ có khả năng tin vào Người Con và như
thế có sự sống đời đời.
* Đức Giêsu mời gọi đón nhận Người là bánh trường sinh
(48-50)
Các câu 48-50 là một đoạn theo cách hành
văn đóng khung, vì các câu này nhắc lại phần mở của Bài diễn từ: Câu 48 cùng
với c. 35 làm thành một câu đóng khung; cc. 49-50 nhắc lại các đề tài
của cc. 31-33. Đám đông đã nêu ra cho Đức Giêsu gương của các tổ tiên họ đã ăn
man-na trong sa mạc, nhưng Đức Giêsu cho thấy rằng việc này đã không cứu được
các tổ tiên họ khỏi chết. Kế đó, Người lại nhắc lại ý câu trích Kinh Thánh
ở c. 31 (“Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”), Người nói rằng bánh đến thật sự
từ trời là một thứ bánh không để cho người ta phải chết.
* Bánh trường sinh chính là thịt Đức
Giêsu (51)
Sau đó, Đức Giêsu chuyển sang một đề tài
mới: bây giờ vấn đề không còn phải là tin vào Người để được sống đời đời nữa,
mà là ăn thịt và uống máu Người (cc. 51.54). Lâu nay các tác giả vẫn coi đây là
một gợi ý về Bí tích Thánh Thể, nhưng ta có thể thấy nghĩa gần là Đức
Giêsu nêu bật giá trị của cái chết của Người trên thập giá. Bởi vì chính là
trong tư cách Con Người mà Đức Giêsu ban sự sống đời đời và Người lại trở thành
Con Người đúng vào lúc cuối đời, vào Giờ của Người. Chính vì nhắm nối dài gợi ý
về cái chết trên thập giá, tác giả dùng từ “thịt” (sarx), thay vì dùng
từ “thân thể” (sôma). Điều mà Con Người sẽ ban không phải là Bí tích
Thánh Thể mà là ân ban “chính mình” trong cái chết trên thập giá. Vậy tại
Caphácnaum, khi nói đến “thịt để cho thế gian được sống”, là Đức Giêsu muốn nói
là “bản thân Người (chịu sát tế) để cho thế gian được sống”.
+ Kết luận
Điều mà không một thứ bánh nào có
thể cung cấp và không một lời hứa nào của con người có thể đạt tới, cho
dù có xác tín đến đâu, Đức Giêsu có thể ban tặng. Người mạnh hơn cái chết và
Người muốn đưa chúng ta đi qua bên kia cái chết. Phần chúng ta, điều này có
nghĩa là chúng ta phải chạy đến với Người để có sự sống đời đời, cũng như chúng
ta vẫn chạy đến với bánh trần thế, để có sự sống trần thế. Nhưng điều này cũng
có nghĩa là các biên giới của cái chết đã bị đánh đổ. Cũng như trong bánh,
chúng ta tìm được phương thế để tránh thoát cái chết và tiếp tục ở lại trong sự
sống trần thế, thì cũng thế Đức Giêsu giúp chúng ta thắng vượt sự chết và đi
vào sự sống vĩnh cửu. Vì bánh giữ cho tôi sống, tôi phải ăn bánh, chứ không chỉ
nói suông về bánh; vì Đức Giêsu là bánh
ban sự sống vĩnh cửu, tôi phải đón nhận Người, tin vào Người và “ăn thịt” của
Người, chứ không chỉ bằng lòng với việc biết điều gì đó về Người hoặc nói về
Người, dù sâu sắc.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu đã thật sự cho đám đông
được ăn no; nhưng biến cố này không có ý nghĩa tự nó, nó quy về một thực
tại khác. Sự kiện Đức Giêsu có thể ban bánh và cho no thỏa về phương diện trần
thế phải chứng minh rằng Người chính là bánh ban sự sống đời đời. Ở bên Người,
chúng ta không được tìm cơm bánh vật chất; trái lại chúng ta phải nhận biết
Người có thể và Người muốn ban cho chúng ta điều vô cùng to lớn hơn. Điều mà
chúng ta đang tìm kiếm nơi Đức Giêsu và chúng ta phải nhận được từ nơi Người,
có thể được tóm trong câu này: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi,
không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35; x.
6,48.51).
2. Đức Giêsu đã ra sức soi sáng chúng ta
và quy hướng sự chú ý của chúng ta vào ân ban cốt yếu của Người. Lương thực ban
cho đám đông chỉ là một dấu chỉ. Chúng ta coi thường dấu chỉ này, nếu
chúng ta dừng lại với các mối quan tâm tức thời và chờ đợi Người ban cho cơm
bánh và sức khỏe; thật ra Người muốn ban nhiều hơn thế nữa. Khi nói “Tôi là
bánh hằng sống”, Đức Giêsu đặt mình vào trong mạc khải của Thiên Chúa mà Môsê
đã được thông dự vào khi được Thiên Chúa kêu gọi. Vào dịp đó, Thiên Chúa đã mạc
khải tên của Ngài: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). Thiên Chúa được xác
định chủ yếu bằng sự kiện là Ngài hiện diện vì Dân Ngai. Khi tự giới thiệu mình
như thế, Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người vì loài người
và quan tâm đến chúng ta, đến đời sống chúng ta. Đức Giêsu hiện thân là hình
thái mới và vĩnh viễn của sự hiện diện đầy uy lực và năng động của Thiên Chúa,
không chỉ nhắm ban sự che chở và hướng dẫn, mà còn nhắm có sự hiệp thông riêng
tư về sự sống. Đức Giêsu không chỉ muốn ban bánh, mà còn ban sự hiệp thông vĩnh
cửu riêng tư về sự sống với Thiên Chúa.
3. Chúng ta lệ thuộc cơm bánh, để đảm
bảo được sự sống của chúng ta. Không có sức lực đến từ cơm bánh, chúng ta không
thể sống và làm được gì. Điều này không tùy thuộc ý chí chúng ta; nó là như
thế. Do bản tính tự nhiên, chúng ta phải nhờ cơm bánh. Có cơm bánh, cũng có khả
năng của cơm bánh là duy trì sự sống cho chúng ta. Nhưng đây chỉ là một khả
năng giới hạn, vì cuối cùng chúng ta vẫn phải chết. Với công thức “Tôi là bánh
hằng sống”, Đức Giêsu khẳng định rằng tương quan giữa bản thân Người với loài
người cũng cùng một kiểu như tương quan giữa bánh và chúng ta. Đích thân
Người, với tất cả những gì thuộc về Người, có thể ban cho chúng ta những gì
bánh đưa lại cho chúng ta, nhưng không chỉ nhằm sự sống giới hạn, mà là sự sống
vĩnh cửu vô biên.
4. Dây liên kết duy nhất đích thật với
Đức Kitô là tin vào Người. Tôi tin vào Người khi tôi ký thác tất cả lòng trí tôi
nơi Người, xác tín vào lời Người nói, xây dựng mọi sự dựa trên Người, nhắm mọi
sự theo Người, liên kết đời tôi vào Người. Đức tin không phải là một xác
tín về trí thức và một đoan chắc rằng một lời khẳng định hay một
sự kiện nào đó là thật; đức tin là một thái độ chắc chắn và tin
tưởng tỏ ra với Đức Giêsu, với ý thức trọn vẹn rằng Người là ai và với sự nhận
biết đầy đủ về chân tính của Người. Đức tin là tương quan và dây liên kết người
với người. Niềm tin vào Đức Giêsu đưa lại sự sống đời đời (6,47).
Lm FX
Vũ Phan Long, ofm