(Gioan 6,51-58 – Mình Máu Thánh –
A; CN XX TN – B)
1.-
Ngữ cảnh
Đoạn văn này nằm trong Phần I của TM IV (“Sách các Dấu lạ”, ch. 2–12) và
thuộc bài diễn từ “Bánh trường sinh” (6,1-71).
Nói chính xác, bài diễn từ “Bánh trường
sinh” bắt đầu từ c. 25 và được kết cấu thành năm vòng tròn, mỗi vòng bắt đầu
bằng một câu nói của Đức Giêsu và một vấn nạn của người Do Thái:
a) 6,25; b) 6,28; c) 6,34; d) 6,41; e) 6,52. Cứ một câu hỏi của người Do
Thái lại đưa Đức Giêsu đến một mạc khải mới về mầu nhiệm bản thân Người;
mạc khải này càng gây thắc mắc cho người Do Thái hơn. Năm vòng tròn này chuyển
theo hình trôn ốc, đưa đến chọn lựa cuối cùng: bỏ rơi Đức Giêsu (6,66) hoặc
tiếp tục gắn bó với Người (6,69).
2.- Bố cục
Bản văn có thể được chia thành bốn phần:
1) Đề tài được xác định lần
ba (x. cc. 35 và 48): “Tôi là bánh hằng sống” (6,51);
2) Thắc mắc của người Do Thái (6,52);
3) Triển khai đề tài (6,53-56);
4) Nền tảng của đề tài (6,57-58; c. 58a nhắc lại c. 51a).
3.- Vài
điểm chú giải
- từ
trời xuống (51): hàm ý mầu nhiệm Nhập Thể.
- bánh
tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây (51): Chúng ta có thể tự hỏi vì sao
tác giả Gioan không dùng từ ngữ “thân
thể” (sôma) mà lại dùng từ “thịt” (sarx),
nhất là khi mà từ sôma đã trở thành
từ quen thuộc trong văn chương Tân Ước
để gọi bí tích Thánh Thể (x. Mc
14,22; Mt 26,26; Lc 22,19; 1 Cr 11,24).
Đồng ý là trong bữa tiệc cuối cùng, hẳn là Đức Giêsu đã sử dụng từ A-ram bơsar (Híp-ri bâsâr), và từ này,
cho dù chỉ “thân thể”, vẫn được ưu tiên dịch ra bằng sarx, “thịt”, trong
Bản dịch LXX. Nhưng thông thường, Ga cũng không mấy để ý đến từ Hy Lạp
chính xác. Ở đây hẳn phải có lý do khác.
Sarx đúng là từ để dịch bơsar. Nhưng sarx không chỉ có nghĩa là “thịt” là còn có
nghĩa là “toàn thân thể”; “toàn thể con người” [theo nghĩa là có quan hệ với
người chung quanh; x. 1,14]. Để diễn tả các sắc thái này, ngôn ngữ Hy Lạp có
khả năng tinh tế hơn tiếng A-ram. Nhưng trong Do Thái giáo sau này, người ta đã
chọn dịch bơsar là sôma, cho dù trong Tân Ước, đôi khi người ta dùng cả hai từ. Nhưng để nói về bí tích
Thánh Thể, từ sôma đã được chọn,
ngoại trừ một vài bản văn sau thời các tông đồ, được viết dưới ảnh hưởng
của Ga 6, đã dùng từ sarx (vd:
thánh Inhaxiô Antiôkhia, thánh Giúttinô…). Như thế, dù trong Hội Thánh tiên
khởi, đã có một từ nhất định để gọi bí tích Thánh Thể, nếu Ga vẫn
giữ lại từ sarx, là vì sarx-thịt có trong ngôn ngữ A-ram một ý
nghĩa rộng hơn sôma-thân thể. Đàng
khác, trong Ga, sôma được dùng
để gọi một xác chết: làm thế nào một xác chết có thể ban sự sống? Ngược
lại, “thịt” vừa có nghĩa là toàn thể con người vừa có nghĩa là thân thể, và
“hai nghĩa trong một” này rất lý tưởng để gợi ra một trật cái chết trên
thập giá và bí tích Thánh Thể. Bởi vì ý nghĩa căn bản và tại nguồn của “thịt mà
Con Người sẽ ban” không phải là bí tích Thánh Thể, mà là “chính bản thân” Người
trong cái chết trên thập giá. Vậy, khi Đức Giêsu nói về “thịt của Người để cho
thế gian được sống”, Người muốn nói đến “bản thân Người” (chịu sát tế) để cho
thế gian được sống”.
- làm
sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt (52): Đại danh từ Hy Lạp “ông này”
(houtos) hàm ý khinh bỉ (x. c. 42). Trong
Kinh Thánh, “ăn thịt ai” là một công
thức bóng bảy để diễn tả sự thù nghịch (x. Tv
27,2; Dcr 11,9). Còn việc uống máu bị
coi như một việc ghê tởm bị luật Thiên Chúa cấm (St 9,4; Lv 3,17; Đnl 12,23; Cv 15,20).
- ăn ... uống (53):
Hai động từ Hy Lạp này (esthiein và pinein) là những hành vi rất cụ thể để
nuôi dưỡng thân xác.
- thịt ... máu (53):
Thành ngữ Híp-ri “thịt và máu” có nghĩa là toàn thể con người. Vào thời phong
trào Cải Cách (tk. xvi), người ta
đã tranh luận là có cần nhận Thánh Thể dưới hai hình không. Tất cả những gì có
thể rút ra từ bản văn này là: cần phải nhận trọn vẹn Đức Kitô.
- Ai ăn (54 và 57):
Động từ “ăn” ở đây là trôgein (bản
văn tiếng Anh dịch là feed) chứ không
phải là esthiein như ở trên, để diễn
tả một hành động rất cụ thể: “nhai bằng răng”. Động từ này nêu bật tính hiện
thực của bí tích Thánh Thể.
- ở lại (56): Động từ menein (remain; rester) là một động từ
quan trọng của TM Ga (x.
chương 15: “Cây nho thật”; động từ này được dùng trong TMNL: 12 lần; Ga: 40 lần;
1-3 Ga: 27 lần; Kh: 1 lần).
Tác giả Ga thích dùng động từ này để
diễn tả quan hệ trường tồn giữa Chúa Cha và Chúa Con và giữa Chúa Con và các
Kitô hữu. Ở trong Cựu Ước, “trường
tồn” là một đặc điểm của Thiên Chúa và của những thứ thuộc về Thiên Chúa
(x. Đn 6,26; Kn 7,27; 1 Pr 1,25), đối
lại với đặc tính tạm bợ, chóng qua của con người. Tuy nhiên, TM IV còn dùng một công thức là
“ở trong” (menein en) để nói về tính nội tại liên kết Chúa Cha, Chúa Con
và các Kitô hữu lại với nhau: như Con ở trong Cha, và Cha ở trong Con
(14,10-11), thì Con cũng ở trong loài người, và loài người phải ở trong Cha và
trong Con (17,21.23).
- kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ
tôi mà được sống (57): Bí tích Thánh Thể thông ban cho các tín hữu sự sống
mà Chúa Con nhận từ nơi Chúa Cha.
- chết (58): Đây là
cái chết thể lý đối lại với sự sống thiêng liêng.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong tư cách là Con Thiên Chúa được Chúa
Cha sai đến, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hiệp thông vào sự sống với Người. Nếu chúng
ta tin vào Người, chúng ta được đi vào trong sự sống với Người, trong sự sống
vĩnh cửu. Ở đây Người giải thích cặn kẽ Người là bánh ban sự sống cho chúng ta như
thế nào: Trong cái chết trên thập giá, Người hiến mình cho thế gian được sống
và Người ban cho chúng ta thịt và máu Người làm của ăn của uống.
* Xác
định đề tài (51)
Đề tài đã được xác định ở cc. 35 và 48,
nay lại được nhắc lại, nhưng mang ý nghĩa phong phú hơn, bởi vì đã được triển
khai hai đợt (cc. 35-47 và cc. 48-50). Khi nói “Tôi là bánh hằng sống từ trời
xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (c. 51a), Đức Giêsu tóm ý nghĩa
của dấu chỉ hóa bánh ra nhiều. Chính bản thân Người là sức sống thiên quốc và
thần linh, tuyệt đối không thể cạn kiệt. Ai đi vào tương quan đúng đắn với
Người thì được thông phần vào sự sống muôn đời. Trong câu “Và bánh tôi sẽ ban
tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (c. 51b) chứa đựng những
yếu tố sẽ được triển khai sau này. Cho đến nay, các lời Đức Giêsu nói chỉ giới
thiệu tổng quát rằng Người là bánh ban sự sống; nhưng bây giờ Người nói rằng
trong tương lai, Người sẽ ban bánh. Bánh ấy chính là thịt Người, hoặc là chính
bản thân Người với trọn vẹn cuộc sống con người. Người đã đưa nhân tính của
Người ra mà phục vụ sự sống của thế giới, của tất cả mọi người không loại trừ
ai.
* Thắc mắc của người Do Thái (52)
Người Do Thái bị vấp phạm nặng nề vì lời
khẳng định của Đức Giêsu: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?”. Với mức độ Đức Giêsu mạc khải rõ ràng hơn, sự đối kháng cũng tăng theo.
Lúc đầu, còn là những xầm xì, nay đã trở thành tranh luận. Nếu cố gắng ép
nghĩa, thì cũng có thể hiểu lời khẳng định của Đức Giêsu theo nghĩa ẩn dụ: ăn
và uống đây chính là học hỏi Lề Luật. Nhưng dựa theo giọng điệu của Đức Giêsu,
những lời Người nói, người Do Thái đã hiểu rằng phải hiểu mọi sự theo nghĩa
chữ. Và theo họ, như thế là phi lý: “ăn thịt người” đã là một chuyện phi lý,
lại còn “ăn thịt” một kẻ tầm thường (houtos)
như ông này! Chúng ta gặp lại một hiểu lầm liên hệ đến các điểm trung tâm của
Kitô học Gioan (x. 2,19-21; 7,33-36;
8,21-22; 12,32-34; 13,36-38; 14,4-6; 16,16-19).
* Triển khai đề tài (53-56)
Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ hiện thực,
thậm chí sống sượng (“ăn”, trôgein)
để diễn tả tính hiện thực của bí tích Thánh Thể. Để được thông phần vào sự sống
muôn đời, cần phải ăn thịt Con Người và uống máu Người. Cùng với thịt, bây giờ
còn có máu nữa: Đức Giêsu nhắc đến chính cái chết thảm khốc của Người trên thập
giá, được tượng trưng bằng từ ngữ “máu”. Trong bánh, là thịt Người, và trong
rượu, là máu Người, Người sẽ ban tặng chính bản thân Người như Đấng đã trao ban
mạng sống trên thập giá. Các tặng phẩm Thánh Thể có nền tảng là chính cái chết
của Đức Giêsu trên thập giá, trong hành vi Người hiến tặng mạng sống để cho thế
gian được sống, như bằng chứng tối cao về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài
người. Đức Giêsu, Đấng hiến mạng sống trên thập giá, cũng ban thịt Người như là
của ăn và máu Người như là của uống. Thịt và máu này là một bằng chứng
tối hậu về tình yêu của Người và là bảo chứng về tình yêu mà Người chứng tỏ khi
hy sinh mạng sống.
Ai lấy đức tin mà đón nhận quà tặng này,
thì cũng tuyên xưng Đấng Chịu Đóng Đinh với tình yêu của Người là nguồn mạch
ban sự sống, và sẽ được thông phần vào sự sống của Người, cũng là hiêp thông
với Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho
người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54). Một lần nữa, Đức Giêsu lại khẳng
định rõ ràng rằng sự sống đời đời và hiệp thông cá nhân với Người chỉ là một.
Với người nào ăn thịt và uống máu Người, Đức Giêsu hứa: “[Người ấy] được sống
muôn đời (c. 54)” và “người ấy … ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”
(c. 56). “Ở lại trong nhau” có nghĩa là trao đổi hỗ tương trọn vẹn và kết hợp
với nhau chặt chẽ nhất. Dụ ngôn Cây nho và các cành sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa này
hơn nữa (x. 15,1-17).
* Nền tảng của đề tài (57-58)
Chúa Cha chính là nguồn phát xuất ra mọi
sự: Ngài gửi Chúa Con đến với loài người như là “bánh ban sự sống” (6,32.44),
nhưng cũng dẫn đưa loài người đến với Đức Giêsu trong tư cách là “bánh ban sự
sống” (cc. 37.44.65). Thiên Chúa là Cha “hằng sống”, là chính sự sống, là sức
sống viên mãn không bao giờ cạn kiệt, là Thiên Chúa hằng sống. Đức Giêsu được
sai phái đi bởi Chúa Cha và có sự sống bởi Chúa Cha; Người cũng có thể thông
ban sự sống thần linh. Bánh ban sự sống đến từ Chúa Cha hằng sống và nhận từ
Chúa Cha tất cả sức mạnh ban sự sống. Bởi vì Người phát xuất từ Chúa Cha hằng
sống, Đức Giêsu là bánh ban sự sống, là bánh từ trời xuống.
+ Kết luận
Đức Giêsu đã đến
để cứu độ thế gian (Ga 3,17), Người
là Đấng “Cứu độ trần gian” (4,42). Người đã hy sinh chính mạng sống, để đưa lại
sự sống cho thế gian. Do đó, không ai bị loại trừ cả. Bí tích Thánh Thể là bữa tiệc Thiên Chúa đặt để thết đãi loài người. Bàn
thờ dâng lễ cũng chính là bàn tiệc, nơi thịt và máu Đức Kitô được chuyển đến
cho các thực khách làm thức ăn thức uống. Mọi người đều được mời gọi đến bàn
tiệc này. Lương thực là chính Đức Giêsu, mà Người ban cho chúng ta, không được
dùng để duy trì sự sống trần gian hoặc ngăn cản cái chết thể lý. Chính Đức
Giêsu cũng đã chết, khi trao hiến thịt và máu trên thập giá. Nhưng cũng chính
Người, là bánh ban sự sống, sẽ ban sự sống muôn đời, sự sống này không mai một
đi trong cái chết và sẽ được viên mãn trong ngày sống lại.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Nhận lấy Mình Máu thánh Đức Kitô, trước tiên là nhận biết
Chúa Cha là nguồn ban cho chúng ta ơn cao trọng ấy. Đức Giêsu đã nhiều lần nói
với chúng ta về Chúa Cha như về Đấng ban cho chúng ta tất cả mọi sự. Chúa Cha
sai Con đến với loài người như là “bánh ban sự sống” (Ga 6,32.44), nhưng Chúa Cha cũng dẫn đưa loài người đến với Đức
Giêsu, “bánh ban sự sống” (6,37.44.65). Đức Giêsu cũng nói về Chúa Cha: “Ý của
Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (6,40). Người cũng nói
rằng tất cả những gì Người ban như là ân huệ riêng, thì có nền tảng là chính
Chúa Cha (6,57). Thiên Chúa là Cha hằng sống, là chính sự sống, là sinh lực
viên mãn. Như thế, khi đến với Tiệc Thánh Thể, chúng ta cần nhớ rằng chính Chúa
Cha đang dẫn chúng ta đến để ban cho chúng ta lương thực là chính Con Một của
Ngài.
2. Nếu chúng ta ăn thịt và uống máu Đức
Giêsu, chúng ta đón nhận các quà tặng của chính Người và tuyên xưng niềm tin
rằng Người hiện diện trong bánh và rượu đã được truyền phép và chỉ nhờ Người,
Đấng được giương cao và chịu đóng đinh, chúng ta mới có sự sống đời đời. Khi
đó, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra rằng Thịt và Máu Người chính là bằng
chứng cao cả nhất về tình yêu của Chúa Cha và của chính Người đối với nhân
loại, đồng thời cũng là bảo chứng về sự sống đời mà Người muốn ban cho chúng
ta.
3. Ăn thịt Đức Giêsu, hoặc ăn chính Đức
Giêsu, trong bí tích Thánh Thể, là cách thức duy nhất giúp tránh được tình
trạng suy nhược thiêng liêng và cái chết. Ăn Đức Kitô, chính là sống nhờ Đức
Kitô. Nếu chúng ta hiệp thông đều đặn vào sự sống của Người, chúng ta đã được
đặt để trong tình trạng ân phúc, và tình trạng này sẽ triển nở thành vinh quang
trong cuộc sống vĩnh cửu.
4. Đã hiệp thông vào thịt và máu Đức
Kitô, chúng ta trở thành “Đức Kitô toàn thể”. Do đó, chúng ta cũng phải trở
thành “lương thực” nuôi dưỡng anh chị em chúng ta. Mãi mãi chúng ta sẽ thấy
mình bất xứng, muốn co lại, khép kín trên chính mình, nên cứ phải để cho Đức
Giêsu giúp biết hy sinh hầu phục vụ sự sống của anh chị em mình. “Hồng ân Chúa
Kitô và Thánh Thần của Người mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất
cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hợp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm
hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham
dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn
kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người” (Thông điệp Giáo Hội từ bí
tích Thánh Thể, 24).
Lm FX
Vũ Phan Long, ofm