CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
Kẻ ăn tôi sẽ nhờ tôi mà được sống muôn đời
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 6:51-58)
Sau bài giảng về Bí tích Thánh Thể của
Chúa Giê-su, người Do-thái tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho
chúng ta ăn thịt ông ta được?” Sau này, trong
cuộc bách hại tín hữu tại Rô-ma những thế
kỷ đầu, Ki-tô hữu cũng đã bị tố cáo là ăn thịt người khi họ họp nhau lại để cử
hành Thánh Thể! Làm sao người ta lại có
thể hiểu lầm như vậy trong khi rõ ràng ở đây Chúa Giê-su nói đến sự sống muôn đời! Người ta phải hiểu thế nào khi nghe Chúa nói
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống
lại vào ngày sau hết”?
Với lời tuyên bố trên, chúng ta thấy
đây rõ ràng là một thứ “thịt” và “máu” Chúa Giê-su để lại trong Bí tích Thánh
Thể. Bề ngoài, thịt và máu này vẫn giữ
nguyên hình thể bánh và rượu, nhưng sau khi được truyền phép, chúng đã biến đổi
bản thể thành thịt và máu Chúa, mang một chức năng mới là làm cho người lãnh nhận
xứng đáng được “sống muôn đời và sống lại vào ngày sau hết”. Đúng thế, nếu là thịt và máu bình thường thì
chúng chỉ bảo tồn cho sự sống thể lý tạm thời, chứ không thể cho sự sống vĩnh cửu. Vậy Chúa Giê-su muốn chúng ta hiểu thịt và
máu Người là gì? Con người chúng ta có
hai nguyên tố chính nói lên sự sống, là thịt và máu. Nếu không có thịt và máu, chúng ta khác nào
những bộ xương khô, những người đã chết cần được hồi sinh (Ê-dê-ki-en 37)! Hơn nữa, theo quan niệm Do-thái, khi nói thịt
và máu là ám chỉ về một con người
toàn diện, có thân xác, linh hồn, trí tuệ và tình cảm. Cho nên Chúa Giê-su dạy: ai ăn thịt và uống máu Chúa, tức là tiếp nhận
tất cả con người của Chúa cùng với tinh thần của Người, giáo huấn của Người và
cách sống của Người, thì sẽ được biến đổi nên giống như Người, và sự biến đổi
này đưa họ tới gần sự sống đời đời mỗi ngày một hơn.
Để có được sự sống đời đời, chúng ta
phải tham dự vào sự sống mới của Chúa Giê-su.
Sự sống mới hay sự sống tái sinh là sự sống chúng ta lãnh nhận khi được
rửa tội. Sự sống này cũng gọi là đời sống
mới trong Thánh Thần và phải được nuôi dưỡng qua sự kết hợp với Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su mô tả sự kết hợp này bằng những hành
vi thực tế: ăn thịt và uống máu
Chúa. Khi chúng ta kính cẩn đọc lời Chúa
và suy niệm cầu nguyện là chúng ta đang “ăn”, đang sống nhờ những lời do miệng
Chúa phán ra. Chúng ta theo cách sống của
Chúa Giê-su, tức “sống nhờ Chúa Cha”. Phải,
lối sống của Người là hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha. "Lương thực của Thầy là
thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Gio-an 4:34). Chúa Giê-su đã
nuôi dưỡng sự sống đời đời của Người bằng lối “ăn” thánh ý Chúa Cha. Giờ đây Người cũng muốn chúng ta đạt tới sự sống
vĩnh cửu bằng cách “ăn” giáo huấn Tin Mừng, lắng nghe và thực hành lời Người. Ngoài ra, chúng ta còn một cách ăn uống
thiêng liêng rất đặc biệt, đó là rước Mình Máu Thánh Chúa, để duy trì và phát
huy mối tương quan với Chúa. Người bảo đảm
với chúng ta rằng nếu chúng ta tiếp nhận Người là của ăn thiêng liêng như thế,
chúng ta sẽ được sống muôn đời, chứ không như tổ tiên dân Ít-ra-en đã ăn man-na
và đã chết!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta lo
lắng sao để được mạnh khỏe. Chúng ta chọn
lựa thức ăn kỹ càng để tránh bệnh tật và được phát triển đúng cách. Nhưng có khi nào chúng ta quan tâm đến lương
thực cần thiết cho sự sống thiêng liêng không?
Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể lúc nào cũng đầy những thứ cao
lương mỹ vị. Rồi chúng ta được mời tới dự
mà không phải trả tiền (Châm Ngôn 9:3-4).
Cũng vậy, trong dụ ngôn Tiệc cưới, chủ tiệc sai đầy tớ đi mời hết mọi
người, “người tốt kẻ xấu”, vào dự tiệc.
Còn chính Chúa Giê-su, Người bảo “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người không đòi hỏi gì cả, chỉ muốn chúng ta
hãy đến, hãy “nhận lấy mà ăn”, hãy “nhận lấy mà uống”.
Hiểu được ý nghĩa lời mời “ăn thịt và
uống máu Chúa”, chúng ta hãy quan tâm hơn tới đời sống thiêng liêng và sự sống
đời đời. Quả thực, Thiên Chúa Cha đã ban
cho ta “bánh bởi trời” là Chúa Giê-su.
Trước ân huệ cao cả này, chúng ta cùng với thánh Phao-lô “hãy nhân danh
Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi