BỎ đi hoẶc Ở lẠi
(Gioan 6,54a.60-69 – CN XXI TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Với bản văn hôm nay, độc giả đi tới
đỉnh cao của Diễn từ về Bánh trường sinh, đỉnh cao của cuộc “khủng hoảng” báo
trước cuộc Thương Khó của Đức Giêsu: các thính giả phản ứng lại các lời của Đức
Giêsu; họ bị đặt trước một chọn lựa là tin hoặc không tin vào Người.
Thứ lương thực lạ lùng và Bài Diễn từ
về Bánh ở đây khác các dấu lạ và các diễn từ khác của Đức Giêsu do sự kiện là trong
vấn đề này, các môn đệ lấy lập trường. Tại đây Đức Giêsu đã mạc khải các ân ban
đặc biệt của Người và các ân ban này chính là thịt máu của Người. Các môn đệ
của Người chia rẽ về điểm này: bỏ đi vì không thể chấp nhận các lời Đức Giêsu nói,
hoặc ở lại với Người, vì tin rằng chỉ Người mới có “những lời đem lại sự sống
đời đời”.
2.- Bố cục
Bản văn phụng vụ có thể chia thành ba phần:
1) Một câu tóm nội dung bài giảng về Bánh hằng sống
(6,54a);
2) Những môn đệ bỏ đi (6,60-66);
3) Nhóm Mười Hai ở lại (6,67-69).
3.- Vài điểm chú giải
- Nghe
rồi, […]: "Ai mà nghe nổi? (60):
Động từ “nghe” (akouein) được dùng
hai lần với nghĩa khác nhau: lần đầu, từ này có nghĩa là “nghe” mà không có sắc
thái một sự chấp thuận; lần sau, có nghĩa là “nghe” với sự chấp thuận.
- nhiều
môn đệ của Người (60): Bản văn không
nói là các “môn đệ” này có hàm chứa cả Nhóm Mười Hai hay không. Tuy nhiên, vì Phêrô
đã lấy lập trường mà nói nhân danh Nhóm Mười Hai, rất có thể Nhóm Mười Hai
không được kể vào số các “môn đệ” càm ràm, xầm xì này (có lẽ ngoại trừ Giuđa, vì Đức Giêsu gọi
ông là “quỷ”, x. c. 70).
- lên
nơi đã ở trước kia (62): tức lên với Chúa
Cha (x. Ga 17,5).
- Lời
Thầy nói với anh em (63): dịch cho nổi
bật các sắc thái là: “Những lời mà Thầy đây, Thầy đã nói với anh em”. Chủ từ egô được viết ra trong bản văn để tạo sự
cường điệu.
- là
Thần Khí và là sự sống (63):
Đây là một “phép thế đôi”[1],
nên cần dịch diễn ra là “lời Thầy nói với anh em là Thần Khí ban sự sống”.
- Nhóm
Mười Hai (67): Ga
6,67-71 là nơi duy nhất trong TM IV
mà tác giả minh nhiên nói đến Nhóm Mười Hai (ngoại trừ một hoạt cảnh
khác chỉ được nhắc tới trong TM này,
ở Ga 20,24). Hai lần nhắc tới “Nhóm
Mười Hai” (hoi dodeka) ở cc. 67 và 71 “đóng khung” phân đoạn ngắn này
thành một đơn vị văn chương. Tác giả ghi nhận rằng Nhóm Mười Hai đã được
Đức Giêsu chọn (Ga 6,70), dù không
cho biết vào dịp nào và trong những hoàn cảnh nào. Do sự trung tín của họ với
Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai ở vào thế tương phản với những môn đệ đã sa sút. Không
giống với các môn đệ đã bỏ đi, Nhóm Mười Hai ở lại với Đức Giêsu. Đối với các
ông, các ông không còn chỗ nào khác mà đi. Phêrô đã nói thay anh em: “Thưa
Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự
sống đời đời” (Ga 6,68).
Đoạn Ga 6,67-71
là nơi duy nhất trong TM mà tác giả
minh nhiên nói đến Nhóm Mười Hai (ngoại trừ một hoạt cảnh khác chỉ được
nhắc tới trong TM IV, ở Ga 20,24). Hai lần nhắc tới “Nhóm Mười
Hai” (hoi dodeka) ở cc. 67 và 71 “đóng khung” phân đoạn ngắn này thành
một đơn vị văn chương.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Một câu tóm nội dung bài giảng về Bánh hằng sống (54a)
Sau các
vòng giới thiệu, đây là khẳng định tối hậu Đức Giêsu nêu ra về mầu nhiệm bản
thân Người: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (c. 54a).
Các động từ được chọn để diễn tả tính hiện thực của ân ban là thịt máu Đức Giêsu
đã đạt mục tiêu: các môn đệ sẽ phản ứng.
* Những môn đệ bỏ đi (60-66)
Phần lớn
các môn đệ không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu đã nói, đến mức không còn
có thể lắng nghe được nữa. Và thật sự các lời của Đức Giêsu không thể chịu nổi,
nếu Người chỉ là một người phàm. Các lời Đức Giêsu đã nói quả không thể
chấp nhận được, nếu người ta chỉ đón
nhận theo cảm xúc và hời hợt, nếu người ta chỉ để ý đến các chi tiết chứ không
thấy bối cảnh tổng quát. Đức Giêsu tìm cách cung cấp cho các môn đệ một điểm hỗ
trợ hầu có thể hiểu, nhưng Người cũng nói rõ ra lý do đích thực của phản ứng
khó chịu của họ: họ thiếu đức tin. Trước hết, Người nhắc các môn đệ nhớ rằng
Người không nói như một người thường, nhưng như là Con Người, đã từ
Thiên Chúa mà đến và sẽ quay về với Thiên Chúa. Trong bài Diễn từ về Bánh
trường sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật điều này là Người được Thiên Chúa
cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6,27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức
Giêsu, đó là hiểu và nhìn nhận bản thân Người.
Thế rồi Đức Giêsu đi vào một điểm đặc biệt trong
Bài Diễn từ. Các môn đệ dường như cảm thấy bị vấp phạm nhất về sự kiện Người
ban thịt làm của ăn và máu làm thức uống. Đức Giêsu đảm bảo với họ rằng nếu đi
từ “thịt” hiểu là con người phàm trần – kể cả nhân tính của Đức Giêsu – người
ta chẳng có gì để mong đợi, vì “thịt” thì hư hoại và tiến về cái chết; đi từ
“thịt”, ta không thể chờ đợi sự sống bất hoại. Sự sống này chỉ đến từ Thánh
Thần, từ quyền lực không bao giờ cạn kiệt ban sự sống của Thiên Chúa (x. Ga 3,6). Nhưng Đức Giêsu cũng nhấn mạnh
rằng toàn thể các lời Người là Thần Khí và sự sống (= Thần Khí ban sự sống).
Người không chỉ trình bày một vài suy tư về Thánh Thần và sự sống, về quyền lực
không bao giờ cạn kiệt ban sự sống của Thiên Chúa và về sự sống bất hoại, nhưng
Thần Khí và sự sống hiện diện trong chính các lời nói của Người và Người cho
một chứng minh rõ ràng nhất về điểm này. Kể cả các lời Người nói về thịt và máu
Người là Thần Khí và là sự sống, theo nghĩa là các lời ấy nói về Đấng không chỉ
là thịt, mà là Ngôi Lời trở thành xác thịt (x. 1,14). Người ta chỉ hiểu Đức
Giêsu đúng đắn nếu để ý đến chuyện Người là ai và bản chất các lời Người nói là
thế nào. Nhưng người ta lại đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ
vực đối với Người và đối với lời Người. Đức tin là một ân ban của Thiên
Chúa (x. 6,37-44); nhưng đồng thời vẫn còn nguyên trách nhiệm của những người
không tin và xa lìa Đức Giêsu. Nhiều môn đệ lãnh trách nhiệm này khi “rút lui,
không còn ở với Người nữa” (c. 66).
* Nhóm Mười Hai ở lại (67-69)
Mẩu đối thoại của Đức Giêsu với nhiều môn đệ đã khởi đầu
bằng lời phản đối của họ và bằng cách họ đánh giá các lời của Người theo cảm
xúc. Bây giờ Đức Giêsu ngỏ lời với nhóm thứ ba bên trong đám đông, Nhóm Mười
Hai, một nhóm rất gần gũi với Người, nhưng cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị
thách thức bởi những lời đòi hỏi của Người. Mẩu đối thoại của Người với Nhóm
Mười Hai bắt đầu bằng một câu hỏi Người đặt ra: “Cả anh em nữa, anh em
cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67).
Câu hỏi này không hề có đặc tính gây hấn, như thể Đức Giêsu muốn nói: “Anh em
cứ việc bỏ đi!”, trái lại câu hỏi này hàm chứa một lời mời ở lại. Đức
Giêsu đặt câu hỏi và để cho các môn đệ tự do quyết định. Nhưng Người không rút
lại bất cứ điều gì Người đã nói. Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm (“chúng con”)
nói lên một câu trả lời có suy ngẫm và nêu ra ba lý do khiến các ông ở
lại với Đức Giêsu chứ không đi theo đa số: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con
biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con,
chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
Lý do thứ nhất là một suy tư sáng suốt: ‘Chúng con
không thể bỏ đi kiểu mù quáng. Khi bỏ đi, chúng con cần phải biết chúng con
muốn bỏ ai, và gặp được điều gì tốt hơn và thuyết phục hơn nơi người nào. Chỉ
đơn giản bỏ đi thì không có ý nghĩa’. Suy tư này giúp tránh những quyết định
vội vã, theo tình cảm. Bởi vì không tìm được một vị thầy nào dứt khoát
khá hơn, thì khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu.
Lý do thứ hai nhắc đến đặc tính của các lời Đức Giêsu. Chính
Người đã nói: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (6,63). Bây
giờ Phêrô chấp nhận điều ấy: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”
(c. 68). Ông đã hiểu rằng ân ban cao trọng nhất của Đức Giêsu là sự sống đời
đời và nhận biết rằng Đức Giêsu nói về điều đó trong tư cách đáng tin nhất; Đức
Giêsu không chỉ nói về điều đó, Người còn mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời
đời và mở đường vào sự sống đó.
Lý do thứ ba liên hệ đến việc nhận biết bản thân Đức
Giêsu. Phêrô nói về con đường giúp nhận biết như thế và nói về nội dung của
nhận thức này. Nhóm Mười Hai đã ký thác và tín nhiệm hoàn toàn vào Đức Giêsu.
Trên nền tảng của thái độ này, các ông đã hiểu và nhận biết rằng Đức Giêsu là
“Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 69). “Thánh” chính là điều thuộc về Thiên Chúa.
Nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, điều này có nghĩa là Người hoàn
toàn thuộc về Thiên Chúa và được kết nối với Thiên Chúa trọn vẹn. Chính vì Đức
Giêsu có một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc
về Thiên Chúa, mà Người có những lời ban sự sống vĩnh cửu, và do đó, thật là
điên rồ nếu xa lánh Người.
Qua câu trả lời ấy của ông, Phêrô đề cập đến ba chủ đề
lớn của TM IV: (1) “sự sống đời đời”
(36 lần; các TMNL: 14 lần); (2) “tin”
(98 lần; toàn bộ Tân Ước còn lại: 145
lần); (3) “[nhận] biết”(56 lần; các TMNL:
58 lần). Lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu cũng chính là lời tuyên xưng
tình yêu đối với Người.
+ Kết luận
Các lập trường đã rõ, các phe đã được xác định. Giuđa và
những người Do Thái có thể chuẩn bị vụ xét xử Đức Giêsu. Trong thực tế, chính
Con Người mới sắp xử dân bị Thiên Chúa loại trừ, ngay giữa niềm hân hoan của Lễ
Lều và lễ Cung hiến Đền Thờ, là hai ngày lễ quy tụ Dân Thiên Chúa (Ga 7–10). Các môn đệ của Đức Giêsu cũng
sẽ “bị xét xử”: các hoàn cảnh sống của Đức Giêsu buộc các ông phải chọn lựa dứt
khoát. Chỉ có một trong hai cách: bỏ đi hoặc ở lại với Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Khi suy niệm bản văn Ga 6,60-69, người tín hữu hôm nay không được phép bằng lòng với
việc trách móc nhóm môn đệ đã bỏ đi hoặc khen ngợi Nhóm Mười Hai vẫn còn ở lại.
Làm như thế là quên mất rằng chính mình cũng là một môn đệ, là một trong
Nhóm Mười Hai. Do đó, họ phải tự hỏi: Quan niệm của tôi về Đức Giêsu lâu nay
như thế nào? Tôi đang đặt những niềm chờ mong gì nơi Người? Tại sao tôi còn ở
lại với Người? Những câu hỏi này bắt tôi phải ra khỏi tình trạng nửa vời để dứt
khoát chọn Đức Giêsu.
2. Người ta không thể nhận biết Đức Giêsu từ xa, nhưng
chỉ khi ở gần; và người ta cũng không thể nhận biết Đức Giêsu khi dựa trên sự
lãnh đạm, sự chỉ trích và kiêu ngạo, nhưng chỉ nhờ tin tưởng hoàn toàn vào
Người. Phêrô không nhắc lại một trong các danh hiệu quen thuộc của Đức
Giêsu; ông không nhấn mạnh trên tầm quan trọng của Người đối với loài người,
nhưng ông xác định được về Người nhờ dựa trên tương quan của Người với Chúa
Cha.
3. Chúng ta không được lãnh nhận Đức Kitô trong bí tích
Thánh Thể rồi lại đi tìm các thú vui riêng cho mình; nếu chúng ta chỉ nghĩ đến
mình, chúng ta không thật sự tin vào Đức Kitô. Đức Giêsu biết khó khăn này, nên
Người mời chúng ta đi vào thế giới của Thánh Thần. Nếu chúng ta đặt sự chọn lựa
của chúng ta trên nền tảng là lô-gích người phàm, chúng ta sẽ thất vọng. Chỉ
khi nào chúng ta có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa Cha, khi nào chúng ta để cho
Thần Khí thúc đẩy, chúng ta mới có thể hiểu và chọn Đức Kitô.
4. Có thể nói hoạt cảnh ngắn trong đó Phêrô xuất hiện ra
như là người phát ngôn của Nhóm Mười Hai là phương tiện giúp tác giả suy tư về
Nhóm Mười Hai. Tác giả ghi nhận rằng Nhóm Mười Hai đã được Đức Giêsu chọn (Ga 6,70), dù không cho biết vào dịp nào
và trong những hoàn cảnh nào. Do sự trung tín của họ với Đức Giêsu, Nhóm Mười
Hai ở vào thế tương phản với những môn đệ đã sa sút. Không giống với các môn đệ
đã bỏ đi, Nhóm Mười Hai ở lại với Đức Giêsu. Tuy nhiên, tương lai còn đó để
Nhóm Mười Hai xác nhận sự chọn lựa của các ông: cuộc Thương Khó của Đức Giêsu
sẽ là biến cố tối hậu bắt các ông phải minh định lập trường của mình.
Lm FX Vũ
Phan Long, ofm