CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Trung thành đi theo Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 6:54a,60-69)
Ca-phác-na-um là nơi Chúa Giê-su khởi
đầu sứ vụ. Tại đây, Chúa đã tuyển chọn
những môn đệ đầu tiên. Họ bắt đầu tháp
tùng Người trên khắp nẻo đường rao giảng Tin Mừng cứu độ, được nghe lời Người
giảng và chứng kiến những phép lạ Người làm.
Tình thầy trò và anh em mỗi ngày một thêm thắm thiết. Họ vui khi thấy dân chúng lũ lượt đến nghe
Chúa nói và chen chúc nhau tới gần Người để được chữa lành. Nhưng đôi khi các môn đệ cũng thất vọng, bực
tức, khi người ta không tiếp đón Người, hoặc khi đám kinh sư và Pha-ri-sêu luôn
tìm cách hạ uy tín Người trước mặt dân chúng.
Những điều mắt thấy tai nghe đã giữ họ trung thành với Chúa. Tuy nhiên hôm nay thì thử thách đã xuất hiện. Thử thách xảy đến do chính những lời giảng của
Chúa, “lời chướng tai quá, ai mà nghe nổi” về việc ăn thịt và uống máu Người.
Những lời “ai mà nghe nổi” này đã khiến
cho đám dân chúng đang hồ hởi về phép lạ bánh hóa nhiều nay đổi ý và kéo nhau bỏ
đi hết rồi. Chỉ còn lại các môn đệ thôi! Họ xầm xì, tuy không dám ra mặt phản đối Chúa
như đám dân chúng. Chúa Giê-su không chịu
bỏ cuộc, còn nước còn tát, cố gắng giải thích cho họ hiểu tại sao Người cứ nhất
định nói những lời chướng tai ấy. Sở dĩ
chướng tai là vì người nghe không hiểu đúng, chứ không phải vì là những lời
không phù hợp với lối suy nghĩ loài người.
Muốn hiểu những lời ấy, người ta phải nhìn nhận được Chúa Giê-su từ đâu
đến và Người đến làm gì. Cho nên Người lập
lại với họ rằng Người từ trời xuống để đem sự sống cho nhân loại, vì xác thịt
“chẳng có ích gì”. Muốn đến với Đấng từ
trời xuống, phải có ơn của Chúa Cha. Muốn
hiểu ý nghĩa lời Chúa nói về thịt máu Người, phải nhìn nhận vai trò của Thần
Khí. Tóm lại, Chúa Giê-su từ trời đến là
để đem cho chúng ta Thần Khí, sự sống của Thiên Chúa. Chỉ sự sống này mới trường tồn như Thiên Chúa
là Đấng vĩnh cửu.
Đã hết lời giải thích rồi mà các môn đệ
vẫn chưa hiểu hoặc chưa muốn hiểu. Kết
quả là “từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Cũng may chỉ nhiều môn đệ rút lui thôi, còn
Nhóm Mười Hai thì ở lại đầy đủ. Nhưng họ
cần phải tỏ ra quyết tâm trung thành với Chúa.
Chúa muốn họ biểu lộ quyết tâm này khi Người dứt khoát hỏi họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay
sao?” Câu hỏi sao mà não nề thế, tuy
Chúa Giê-su vẫn luôn tôn trọng tự do của họ.
Làm môn đệ Chúa không thể bị ép buộc.
Nếu như họ bỏ đi, chắc chắn Chúa sẽ làm lại từ đầu. Tuy nhiên chính lúc đen tối nhất lại là lúc
ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện. Ông
Phê-rô quả là người được tuyển chọn để trung thành và giúp người khác trung
thành. Trong đời, có hai lần ông tuyên
xưng đức tin và một lần tuyên xưng tình yêu.
Lần đầu ông tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,
là nhờ Thiên Chúa Cha mách bài cho ông.
Còn hai lần sau là ông nói lên tự lòng mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với
ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống
đời đời”, và “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta thử tưởng tượng xem Chúa Giê-su cảm
động biết bao nhiêu, chắc là đến chảy nước mắt!
Ôi, nghe mà sao mát ruột thế!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Câu chuyện phép lạ bánh hóa nhiều và
diễn từ về Bí tích Thánh Thể không dừng lại ở chính sự kiện, nhưng đưa người ta tới một hệ luận phải
có trong đời Ki-tô hữu: “Phần chúng con,
chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh
của Thiên Chúa”. Lần này không phải ông
Phêrô nói mà không hiểu mình nói gì.
Nhưng ông đã nói bằng trái tim (“chúng con đã tin”) và bằng cả đầu óc
(“nhận biết”) của ông nữa!
Chúa cũng muốn ta đi vào mối tương
quan (tin) với Người và xác tín (nhận biết) sứ mệnh của Người là thánh hóa ta bằng
lời Chúa cùng với Bí tích Thánh Thể.
Thánh Phao-lô đã nêu lên mối tương quan giữa Chúa Giê-su và Hội Thánh như
là gương mẫu cho mối tương quan giữa Chúa và chúng ta (Ê-phê-xô 5:21-32). Còn lời tuyên xưng của ông Phê-rô vừa nhắc nhở
vừa khích lệ chúng ta đến với Chúa Giê-su, vì quả thực Chúa Cha đã ban ơn cho
chúng ta được đến với Chúa Giê-su rồi.
Việc của ta là có trung thành hay không!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi