SỐNG GIẢ HÌNH CỦA
PHA-RI-SÊU
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG
NIÊN, năm B
Đnl 4, 1-2.6-8 ; Gc
1,17-18.21b-22.27 ; Mc 7, 1-8.14-15.21-23
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu
chúng ta nhận ra hình ảnh nhân từ, nhưng cũng đầy dũng cảm, cương quyết của
Chúa Giêsu. Những Kinh sư, Biệt phái và Pha-ri-sêu là những người luôn tìm cách
bắt bẻ Chúa Giêsu. Họ rất quý trọng những tục lệ, những luật lệ, tuy nhiên việc
quý trọng của họ trở nên bề ngoài, trở thành lố bịch khi họ tỏ ra quá tỉ mỉ với
luật lệ, họ bầy ra nhiều luật lệ nhưng chỉ để chất lên vai người khác, còn
chính họ lại không thực hiện.Các bài đọc Chúa nhật XXII thường niên, năm B cho
chúng ta thấy cung cách của những người Pha-ri-sêu.
Nhìn chung thái độ của những
người Pha-ri-sêu là quá tỉ mỉ đến câu nệ vào những điều nhỏ nhặt khiến họ trở
nên những người giả hình, kiêu căng, tự phụ.Thực tế, những Kinh sư, Biệt phái
và Pha-ri-sêu rất tự mãn về lối sống của mình, coi mình là số một, là gương mẫu
đạo đức cho người khác, coi mình là sành luật, thong suốt luật lệ hơn người
khác, do đó, họ hay xét nét, bắt bẻ ngươi khác. Câu chuyện hôm nay khởi đi do
việc các môn đệ của Chúa Giêsu không chịu rửa tay trước khi ăn.Người Pha-ri-sêu
quan niệm rằng sau khi khi con người đi ra nơi đông người, đặc biệt nơi phố
chợ, người ta sẽ ra ô uế, nên nếu không rửa tay đồ ăn sẽ trở nên ô uế và như
thế con người cũng ra ô uế. Chúa Giêsu đã có một quan điểm khác hăn, và khẳng
định của Ngài là một cuộc cách mạng :” Không có gì từ bên ngoài vào vào trong
con người lại có thể làm cho con người ra ô uế “ ( Ga 7, 15 ). Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng đối với Do Thái
giáo, bởi vì Do Thái giáo bầy ra rất nhiều cấm kỵ : người ta không được ăn thịt
heo, thịt thú chết ngạt; không được sờ đụng vào xác chết, vào người phong cùi;
không được đồng bàn với dân ngoại giáo hay không được vào nhà những người tội
lỗi vv..Họ tự đặt ra rất nhiều luật lệ, tỉ mỉ và gay gắt đến nỗi con người cảm
thấy quá nặng nề vì phải đương đầu với những sự cấm đoàn, cấm kỵ ấy.Đối với
người Pha-ri-sêu đụng vào, sờ vào hay ăn những đồ cấm kỵ là trở nên ô uế. Chúa
Giêsu quả thực trước mắt những người Pha-ri-sêu là đã phạm vào rất nhiều cấm kỵ
do họ đặt ra. Chúa đã đem lại sự công bằng cho con người, đã phố đổ những hố
ngăn cách giữa kẻ xấu kẻ tốt, giữa người giầu và nghèo, những người bị liệt kê
là tội lỗi, những người bị người Do Thái đẩy ra khỏi vòng pháp luật. Chúa đã
tới để làm cho những người tội lỗi nên trong sạch, những kẻ yếu đuối trở nên
mạnh mẽ vv…Vấn đề rửa tay trước bữa ăn là vấn đề vệ sinh cần thiết. Nhưng Chúa
chống lại việc người Pharisêu quá câu nệ, coi vấn đề rửa tay như một luật lệ
bắt buộc để yên tâm bề ngoài mà quên đi con người cần phải tẩy rửa trái tim,
tẩy rửa tâm hồn. Chúa Giêsu cho hay cái xấu không tự bên ngoài mà vào nhưng nó
phát xuất từ bên trong, từ trái tim, từ cõi lòng của con người. Chúa đã dùng
miệng ngôn sứ Isaia nói với những người Pha-ri-sêu và dân Do Thái :” Dân này
tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ
phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm
nhân “ và Ngài nói :” Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền
thống của người phàm ( Mc 7, 8 ). Chúa chỉ ra 12 thứ tội từ trong con người mà
ra như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá,
trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng “ ( Mc 7, 21-22 ). Chúa
nói với con người hãy đổi mới, hãy thanh tẩy cõi lòng, thanh tẩy trái tim của
mình. Con người phải luôn trở về, luôn sám hối nhìn lên Chúa để thấy mình còn
phải cố gắng rất nhiều. Con người phải làm cho mình có cái nhìn, tư duy mới,
trái tim mới, cõi lòng mới. Đổi mới cõi lòng, đổi mới trái tim là con người làm
được những điều tốt. Chúa muốn con người và nhắc nhở mọi người, nhắc nhở Giáo
Hội bề ngoài cũng cần, luật lệ, truyền thống cần được thực hiện, tôn trọng
nhưng đừng quên điều cốt lõi của Tin Mừng là sống yêu thương.
Chúa Giêsu nhắc bảo và quả
quyết :” Xin mọi người nghe tôi nói đây…”. Lời của Chúa Giêsu khi xưa nói với
đám đông đi theo theo, để nghe Ngài giảng dạy cũng là lời Chúa nhắc nhở Hội
Thánh và mọi người chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con luôn gớm ghét thói giả hình để chúng con biết sống chân thật và trung thành
làm theo ý Chúa. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa Giêsu dạy gì ngang qua
câu chuyện rửa tay trước khi ăn ?
2.Tại sao các Pha-ri-sêu lại
rửa tay trước bữa ăn ?
3.Rửa tay trước khi ăn có cần
thiết không ?
4.Chúa Giêsu nói cái xấu từ
đâu mà ra ?