TRONG SẠCH VÀ Ô UẾ: TRUYỀN THỐNG CỦA
NGƯỜI PHÀM
VÀ ĐIỀU RĂN CỦA THIÊN CHÚA
(Máccô
7,1-8.14-15.21-23 – CN XXII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Bản văn 7,1-23 là một phân đoạn chiếm một vị trí đặc biệt quan
trọng. Đoạn văn này đã được tác giả Mc đặt ngay trước đoạn tường thuật
hoạt động của Đức Giêsu bên đất Dân ngoại. Rõ ràng tác giả đã dùng bản văn này
như một lời công bố nguyên tắc: Đức Giêsu đã loại bỏ sự phân biệt giữa “trong
sạch và ô uế”. Không có hàng rào nào mà lại do Thiên Chúa muốn có giữa loài
người. Chỉ có những hàng rào đã được loài người dựng lên (mà như thế là không
biết ý muốn của Thiên Chúa), mà bây giờ phải lật đổ, bởi vì “Nước Thiên Chúa đã
đến gần” (1,15).
2.-
Bố cục
Bản văn này có thể chia thành hai phần:
1) Tranh
luận giữa Đức Giêsu và các Pharisêu về trong sạch và ô uế (7,1-8);
2) Giáo huấn
của Đức Giêsu về trong sạch và ô uế (7,14-15.21-23).
3.-
Vài điểm chú giải
- tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa (2): Giới Pharisêu
và kinh sư trách các môn đệ của Đức Giêsu không chịu tuân theo các tập tục
truyền thống Do Thái về thanh tẩy. Vậy đây không phải là quan điểm vệ sinh, mà
là một nhận định liên hệ đến phượng tự lê-vít (Lv 11–15; x. thêm 19,23-25; 20,7; Đnl 14,3-21; 19; 5,1-4). Lời giải thích của Mc (“nghĩa là
chưa rửa”) chứng tỏ ngài viết cho một khối độc giả không quen với những tập tục
này. Các câu 3-4 là một giải thích trong ngoặc đơn, cũng vì lý do này.
Trong não trạng
người xưa, điều ô uế và điều thánh thiêng là hai khái niệm liên kết với nhau.
Cả hai đều hàm chứa một sức mạnh huyền bí và đáng sợ, được phát huy do sự tiếp
xúc. Cái ô uế và cái thánh thiêng đều “không thể đụng chạm được”; kẻ nào tiếp
xúc với hai “cái” này cũng trở thành “không thể đụng chạm đến được”. Trong Cựu Ước, ta thấy: người ta không thể
đụng chạm đến Hòm Bia Giao Ước, cũng như không được chạm đến một tử thi; người
mẹ phải được thanh tẩy sau khi sinh con, vì việc sinh nở đã làm cho bà ra ô uế;
vị tư tế phải thay y phục sau khi dâng hy lễ, vì hy lễ đã làm cho vị này ra
thánh thiêng. Đây không phải là một sự hoen ố về thể lý hoặc luân lý, và sự thánh thiện đạt
được như thế không phải là một nhân đức
của tâm hồn, đó là những “trạng thái”, mà người ta phải ra khỏi để trở vào đời
sống thông thường (R. de Vaux). Chính khái niệm về “ô uế” và “thánh thiêng”
cũng có vai trò trong việc phân biệt Do Thái với các “dân nước” (lương dân).
Đây không phải là những khái niệm lý thuyết rút từ Lề Luật, nhưng là những khái
niệm diễn tả một kinh nghiệm sống: bình diện của cái “trong sạch” chính là
những lãnh vực của sự sống (tượng trưng bằng phượng tự), còn lãnh vực của cái
“ô uế” là lãnh vực của sự chết (được tượng trưng bằng các nền phượng tự ngoại
quốc).
- rửa tay cẩn thận (3): Từ “cẩn thận” được diễn dịch từ từ ngữ Hy Lạp
pygmê (“nắm tay”). Zerw. & Grosv.
ghi chú là: ý nghĩa không rõ; dịch sát là: “với nắm tay” [Bản dịch Weymouth:
“carefully, diligently” (cẩn thận, chu đáo); BJ: “jusqu’au coude” (tới tận cùi
chỏ); NAB: “carefully”; TOB: “soigneusement”; NJBC không dịch nhưng ghi chú: có
thể đây là một kiểu nói La-tinh dựa trên pugnus / pugillus là “handful; một nắm, nhúm, bốc,
vốc, nghĩa là “với mọt vốc”. Tác giả Mc đang mô tả khối nước được dùng trong nghi thức rửa tay của người Do
Thái]. Như vậy, “rửa cẩn thận” có nghĩa là rửa đúng quy cách, theo đúng nghi
thức.
- truyền thống của tiền nhân (3): Các “tiền nhân” là các vị
tôn sư của Israel kể từ Môsê tại núi Sinai cho đến hôm nay. Tác giả giải thích
cho các độc giả Kitô hữu gốc Dân ngoại biết lối thực hành luật trong sạch của
người Do Thái bằng cách nêu ra một vài ví dụ chọn lọc. Tuy nhiên, khẳng
định rằng mọi người Do Thái đều giữ các quy tắc về trong sạch thì không đúng về
mặt lịch sử. Trong thực tế, chỉ người Pharisêu mới đặc biệt bám vào đó, dân
thường không quan tâm lắm, còn phái Xađốc đã đả kích việc chuyển các tập tục
của hàng tư tế vào đời sống tôn giáo của dân chúng. Thật ra, người Pharisêu
đang tìm cách áp dụng luật trong sạch theo nghi thức mà các tư tế trong Cựu Ước phải giữ, cho mọi người Israel,
để toàn thể Israel trở thành dân tư tế.
- rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng (4): Một vài nhà chú giải cho
rằng giọng văn của Mc ở đây có vẻ châm biếm. Nhiều thủ bản thêm “và giường” vào danh mục (x.
Lv 15); ở đây, tình cờ chi tiết này bị quên, hay đã bị cố tình bỏ đi vì
nghe không thuận.
- đạo đức giả (6) : Nghĩa chữ của từ hypokritês là “một diễn viên”, “người đeo một mặt nạ”.
- Dân này tôn kính Ta
bằng môi bằng miệng: Câu trích Is
29,13 này được lấy từ Bản LXX, chứ không từ bản Híp-ri, nhưng cũng có
những khác biệt. Có thể Mc (hoặc truyền thống của ngài) đã sử dụng một bản dịch Hy Lạp khác.
- Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa … (8): Lời Đức Giêsu nói đây minh
hoạ những gì được hàm chứa trong câu trích. Hẳn là người Pharisêu và các kinh
sư sẽ cực lực phản đối lời kết án này, bởi vì chính họ đang thấy là họ có công
trong công việc làm cho những giáo huấn không rõ ràng trong Lề Luật trở thành
thực tiễn và cụ thể!
- Không có gì từ bên
ngoài … (15): Đức Giêsu đã
nói theo kiểu một mâshâl, chứ không phải là một tuyên ngôn. Người không chọn đứng về phía “bên
trong” để chống lại phía “bên ngoài”, Người không trực diện đối lập với luật
của Cựu Ước. Người mời con người đi ra khỏi
tình trạng tồi tệ của họ, không phải nhờ những nỗ lực trí tuệ, mà là bằng một
sự hoán cải tận căn. Bằng câu nói này, Đức Giêsu khẳng định con người có một tự
do phi thường. Như vậy, con người phải có ý thức về trách nhiệm của mình trước
mặt Thiên Chúa và loài người.
- những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp… (22): Danh mục này kể ra 12 tật
xấu và tội lỗi. Trong phần Tân Ước còn lại, cũng có những danh mục như thế (x. Gl 5,19-21; Rm
1,29-31; 1 Pr 4,3). Trong danh mục Mc, có những từ ngữ tương tự với các danh mục Phaolô. “Thể văn danh mục” là thể văn quen thuộc trong thế giới hy-la và cũng
có xuất hiện trong thế giới Do Thái giáo (x. 1 QS 4,9-11).
- Tất cả những điều
xấu xa đó đều từ bên trong … (23): Câu này tóm tắt sứ điệp của phần thứ hai.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Tranh luận giữa Đức Giêsu và các Pharisêu về trong sạch
và ô uế (1-8)
Vấn đề hôm nay không còn là: điều gì làm cho chúng
ta nên trong sạch hoặc ra ô uế, mà là: Chúng ta phải đánh giá lối sống của chúng
ta dựa trên điều gì? Điều gì có một trọng lượng quyết định cho tương
quan của chúng ta với Thiên Chúa?
Đức Giêsu đặt điều răn của Thiên Chúa ở ngay
trung tâm (c. 8). Tất cả lối cư xử của chúng ta đều được quy định bởi các điều
răn: tất cả những gì chống lại các điều răn hoặc ngăn cản thực thi các điều răn
đều là lời nói của loài người.
* Giáo huấn của Đức Giêsu về trong sạch và ô uế (14-15.21-23)
Trước tiên, Đức
Giêsu khẳng định rằng các hành vi gian tà phát xuất từ trái tim gian tà. Do đó,
mối bận tâm đầu tiên của con người là có được một trái tim trong sạch. Trái tim
trong sạch làm cho con người sẵn sàng tức khắc đến gặp Thiên Chúa và sống bền
vững trong tình hiệp thông với Ngài. Khi kể ra những ý hướng xấu xa có thể phát
xuất từ trái tim con người (7,21t), Đức Giêsu đã đan cử vài ví dụ để cho thấy
trái tim phải được giải thoát khỏi điều gì để nên trong sạch, tức là để sẵn
sàng thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,8). Các điều được kể ra (tà dâm, trộm cắp,
giết người) là những điều bị cấm theo Mười Điều Răn, cùng với một số
thái độ xấu phát sinh từ các tội đó (tham lam, ganh tị, xảo trá). Như thế, giáo
huấn về trong sạch và ô uế có thể nói là một bài bình giải Mười
Điều Răn. Những thiếu sót được Đức Giêsu nhắc tới có thể giải thích như sau: sự
phỉ báng là điều ngược lại với việc ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa. Còn trong
thái độ kiêu ngạo, con người nghĩ mình không cần Thiên Chúa, mình có thể làm và
sắp xếp mọi sự. Sự ngông cuồng (rồ dại) đây là không sẵn sàng nhận biết Thiên
Chúa là Đấng vĩ đại và toàn năng.
+ Kết luận
Ngày hôm nay, có
khi còn hơn bao giờ hết, các Kitô hữu cũng đang bị cám dỗ bỏ rơi lệnh truyền
của Thiên Chúa mà chọn truyền thống của loài người, bị cám dỗ tôn thờ Thiên
Chúa chỉ bằng môi miệng, còn lòng trí thì ở xa Ngài. Do đó, lời Đức Giêsu kêu
gọi hoán cải vẫn còn rất hợp thời. Trái tim con người cần được thanh thoát với
mọi sự, để có thể đầy tràn cảm thức về Thiên Chúa, để có thể nhìn nhận với lòng
biết ơn sự lệ thuộc của mình vào Ngài. Cần phải tức khắc, ngay hôm nay, ngay
tại vị trí này, lắng nghe lại các lề luật của Thiên Chúa và đưa ra thực hành.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay, chúng ta cũng có thể
bị Đức Giêsu trách: chúng ta tự đặt ra cho mình những luật lệ loài người, những
luật lệ được tính ích kỷ tạo ra hoặc những luật lệ chúng ta áp đặt cho mình từ
bên ngoài. Chúng ta thường để mình đi theo những gì được coi là đáng chuộng, là
cần thiết, là tân thời, là hiện đại. Thế giới hiện đại với chủ trương duy vật
và khai thác xu hướng tiêu thụ có thể khiến chúng ta lạc xa đường lối của Thiên
Chúa, là đường lối duy nhất bảo đảm cho chúng ta được sống muôn đời.
2. Nẻo đường duy nhất giúp ta
đạt tới đó là sống không phải theo những quy tắc của loài người, nhưng theo ý
muốn của Thiên Chúa. Và như thế có nghĩa là giữ điều răn bên ngoài mà thôi thì
không đủ; chính trái tim con người phải quy hướng về thánh ý Thiên Chúa. Cũng
nên ý thức về tính đòi hỏi, bó buộc, của các điều răn của Thiên Chúa, vì các
điều răn không bảo: Nếu ngươi muốn, ngươi có thể làm điều này điều nọ, nhưng
bảo: Ngươi phải làm, ngươi không được làm.
3. Tuy
nhiên, con người chúng ta dễ rơi vào thói ỷ lại, qua việc để cho ai đó quyết
định mọi sự cho mình. Chúng ta yêu cầu có những quy luật và nguyên tắc rõ ràng
để tuân giữ, nhưng chúng ta cằn nhằn bởi vì chúng ta không thể thấy lý do vì
sao có những quy luật và nguyên tắc đó hoặc vì thấy chúng quá khó giữ. Cuối
cùng, chúng ta lại bị cắn rứt hoặc đi xưng tội chỉ để trấn an lương tâm. Kitô
hữu không coi thường bất cứ “truyền thống”nào, nhưng muốn kiểm chứng tất cả. Họ
muốn xem là các “truyền thống” có thật sự là cách diễn tả và là kết quả của các
yêu cầu theo Tin Mừng chăng, hay chúng chỉ là những thói tục (ít nhiều khôn
ngoan), là kết quả của những nhạy cảm hoặc là những đường lối suy nghĩ của những
nhóm người nào đó. Nếu gặp một quy luật nào đó không có liên hệ gì với Tin Mừng,
các Kitô hữu phải bỏ ngay đi, cho dù những người trình bày cam kết rằng chúng
là thánh ý của Thiên Chúa!
4. Sự lây nhiễm không đến từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong, từ trái
tim. Đức Giêsu đã kể ra các tật xấu làm cho người ta trở thành ô nhơ. Điều làm
cho một hành vi nên tốt hoặc thành xấu không phải là sự phù hợp với một quy
luật hay một nguyên tắc nào, nhưng là nó có tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho
người khác không.
Lm FX Vũ Phan Long,
ofm