CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Sống đạo đích thực

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 7:1-8a,14-15,21-23)

          Thay đổi não trạng là chuyện không dễ làm.  Chúng ta cứ lấy một thí dụ cụ thể:  thử hỏi những người bị đi “cải tạo” sau biến cố 1975 có thay đổi não trạng không, mặc dù họ đã được “tẩy não” bằng mọi cách?  Chúa Giê-su cũng đã cố gắng giúp những người Pha-ri-sêu thay đổi não trạng về cách tuân thủ Lề Luật.  Nhưng phải thành thực nói rằng Chúa đã “thất bại” trước thái độ ngoan cố của họ.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình.  Tuy nhiên Chúa Giê-su vẫn cố gắng làm sáng tỏ một vài chân lý như:  điều răn của Thiên Chúa quan trọng hơn truyền thống loài người, và sự ô uế trong tâm hồn còn tệ hại hơn sự ô uế bên ngoài.

          Đi theo Chúa Giê-su một thời gian, các môn đệ Chúa đã bị “lây nhiễm” tinh thần của Người và họ đã thay đổi não trạng khá nhiều rồi.  Sự thay đổi lối sống của họ không qua khỏi con mắt rình mò của đám Pha-ri-sêu và kinh sư, những kẻ thù của Chúa Giê-su.  Cơ hội để bắt bẻ và làm cho Chúa mất thế giá đã tới khi họ thấy các môn đệ Người không tuân thủ truyền thống của cha ông, là “phải rửa tay trước khi ăn”.  Đập môn đệ để dằn mặt ông thầy quả là một đòn thâm độc!  Thế là họ lên tiếng tấn công Chúa:  “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 

          Chúa Giê-su cũng lợi dụng cơ hội này để “lên lớp”, mong những kẻ thù bướng bỉnh kia phải suy nghĩ lại.  Nói chuyện với những kẻ vỗ ngực là thầy dạy của dân chúng thì phải sử dụng Kinh Thánh mới được!  Người trích dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để nhắc nhở họ chính là những tên đạo đức giả.  Họ không phải là những người thực sự thờ phượng và làm vinh danh Thiên Chúa, bằng cách chính mình tuân giữ và khích lệ người khác tuân giữ các điều răn của Người.  Trái lại, họ là những kẻ muốn làm cho thế giá của mình nổi bật, nên lấy những tập tục thói quen của cha ông mà thay thế luật Chúa.  Do đó, thay vì Thiên Chúa là Đấng ban lề luật thì bây giờ chính họ là những kẻ áp đặt lề luật của riêng họ trên dân chúng.  Nói khác đi, họ đã đảo lộn vị trí của giới luật Chúa và đặt giá trị của giới luật Chúa xuống dưới cả những giới luật của loài người.

          Sau khi đã mở mắt cho đám Pha-ri-sêu và kinh sư, Chúa Giê-su không quên đám đông dân chúng.  Người cũng muốn giúp họ thay đổi não trạng, đừng sống theo đường lối của đám lãnh đạo, chỉ lo giữ mình khỏi ô uế bề ngoài đang khi trong tâm hồn đầy ứ những tội lỗi xấu xa mà cứ coi như không có gì!  Cho nên Chúa dùng hình ảnh tiêu hóa của thân xác (thức ăn đi vào miệng và chất thải từ trong bụng ra ngoài), để cụ thể cho họ thấy cái ô uế đáng sợ hơn chính là những tư tưởng và tội lỗi xấu xa phát xuất tự tâm hồn.  Cuối cùng, Người đưa họ tới kết luận:  Vậy thì anh chị em hãy cố gắng loại bỏ những ô uế nội tâm, là tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Thực là một bài học cụ thể và dễ hiểu đối với những người trình độ học thức kém cỏi!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Sống đạo hời hợt bề ngoài luôn là một kẻ thù nguy hiểm.  Nó trấn an và ru ngủ chúng ta rằng cứ “giữ luật” là đủ để lương tâm mình khỏi áy náy và được lên thiên đàng.  Nó giữ chúng ta giậm chân tại chỗ ở một vị trí “hâm hâm, không nóng mà cũng chẳng lạnh” (Khải Huyền 3:15), khiến cho mối tương quan của chúng ta với Chúa không sao phát triển được.  Chúa Giê-su mong chúng ta thờ phượng Chúa bằng tất cả con người mình, nhất là “lòng” chúng ta phải gần Chúa.  Áp dụng cụ thể vào việc cầu nguyện, chúng ta nên xét lại cách cầu nguyện của mình:  chúng ta “đọc” kinh hay cầu nguyện?  Có khi đọc thật nhiều, hết kinh nọ đến kinh kia, nhưng “lòng” thì vẫn hoàn toàn xa Chúa!  Chúa cũng mong muốn chúng ta quan tâm tới tình trạng tâm hồn.  Lòng đầy thì tràn ra ngoài.  Nếu tâm hồn chúng ta chứa đầy những điều ô uế, những ý định xấu xa, thì chúng sẽ biểu lộ qua những hành động tội lỗi xấu xa.  Lời khuyên của thánh Gia-cô-bê tông đồ rất thực tế và cũng là điều luôn nhắc nhở chúng ta:  “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (1:27).

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B