CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN- NĂM B

ĐÓN NHẬN VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA (Mc 7, 1- 8. 14- 15. 21- 23)

1-  TÓM LƯỢC

Bài Đọc 1 (Đnl 4, 1- 2. 6- 8)

Ông Môsê mời gọi dân chúng hãy lắng nghe và tuân giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa mà ông đã truyền. Nhờ đó. Israel sẽ được coi là dân tộc khôn ngoan và thông minh, vì có Thiên Chúa ở gần mỗi khi dân kêu cầu Người.

Bài Đọc 2 (Gc 1, 17- 18. 21b- 22. 27)

Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa đã gieo vào lòng; Lời có sức mang lại ơn cứu độ. Hãy đem Lời Chúa ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức tinh tuyền trước mặt Chúa là sống bác ái và giữ mình khỏi những vết nhơ của trần gian.

Bài Đọc Tin Mừng (Mc 7, 1-8. 14- 15. 21-23).

Khi các người Pharisêu và Kinh Sư hỏi Đức Giêsu về việc các môn đệ không giữ các tập tục cha ông, mà cứ để tay ô uế dùng bữa. Đức Giêsu đã trả lời: các ông đã bỏ điều răn Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm. Cho nên, các ông chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng các ông thì lại xa Ngài. Đức Giêsu còn nói: không phải cái từ bên ngoài vào làm cho con người ra ô uế; mà là chính cái xuất phát từ bên trong con người mới ra ô uế như: trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá.

2-  SUY NIỆM

Chủ đề xuyên suốt các bài đọc hôm nay là việc khiêm tốn đón nhận và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống, hầu con nguời tìm gặp được khôn ngoan đích thức và đạt được nguồn ơn cứu độ. Bởi vì, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118, 105).

a.  Lời Chúa Mang Lại Cho Con Người Sự Khôn Ngoan

Trong bài đọc một, ông Môsê mời gọi dân chúng hãy lắng nghe và tuân giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa. Nhờ đó, họ sẽ tìm gặp được sự khôn ngoan đích thực vì có Thiên Chúa ở cùng (x. Đnl 4, 1- 2. 6- 8). Như thế, sự khôn ngoan mà ông Môsê nói ở đây không phải là sự khôn ngoan theo quan điểm của người đời mà là sự khôn ngoan khởi đi từ Thiên Chúa. Nói cách khác, sự khôn ngoan này không do con người thủ đắc mà là một ân ban của Thiên Chúa. Họ có được sự khôn ngoan này là nhờ đặt để cuộc đời mình nơi Thiên Chúa, thụ huấn nơi Ngài và kêu cầu Ngài mỗi khi gặp gian khó.

Với sự khôn ngoan này, Israel sẽ biện phân được đâu là ý muốn của Thiên Chúa và đâu là chủ ý của con người hầu có cái nhìn và chọn lựa đúng đắn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái thời bấy giờ, những người được mệnh danh là nắm giữ và thông truyền Lời Chúa thì lại đánh mất sự khôn ngoan này. Họ không phân biệt được đâu là cái chính yếu và đâu là cái tùy phụ. Cho nên, sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã bị che khuất dưới lớp màn của vụ lợi và lối sống hình thức của các bậc thầy Do thái. Điều này đã được Chúa Giêsu nói với các Kinh Sư và Pharasêu về việc các ông đã bỏ lề luật Thiên Chúa để duy trì truyền thống người phàm, cho nên, việc thờ phượng Thiên Chúa chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi còn lòng dạ thì xa cách Ngài (x. Mc 7, 6- 8).  

Do đó, thay vì mang Lời Chúa ra thực hành, họ uốn nắn Lời Chúa theo chiều hướng có lợi cho bản thân. Thay vì một Thiên Chúa đích thực, họ lại tác tạo nên một “thiên chúa ngẫu tượng” phù hợp với ước muốn giả tạo của mình. Họ càng loay hoay tìm kiềm Thiên Chúa dưới lớp vỏ lề luật, thì Thiên Chúa mà họ tìm kiếm lại càng xa vời. Bởi vì, họ đã để cho sự khôn ngoan của phàm nhân chiếm đóng tâm hồn nên làm lu mờ sự khôn ngoan của Thiên Chúa; một sự khôn ngoan vắng bóng Thiên Chúa.

2.  Lời Chúa Mang Lại ơn Cứu Độ

Thánh Giacôbê mời gọi các tín hữu hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa đã gieo vào lòng; Lời có sức mang lại ơn cứu độ (Gc 1, 21). Điều này đồng nghĩa với việc kêu gọi các tín hữu “hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô” (Cl 2, 7) mà thánh Phaolô đã nói đến. Bởi vì, chính “Người là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Chúa Giêsu cũng đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em ở lại trong Lời của Thầy, thì anh em là môn đệ của Thầy. Anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 32). Ở lại trong Lời của Chúa là ở lại trong chính Chúa. Như thế, ơn cứu độ mà người tín hữu lãnh nhận không phải nhờ làm được công kia việc nọ, nhưng hệ tại ở việc “ở lại”: ở lại trong Chúa, con người sẽ kiến tạo cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, tìm gặp được hạnh phúc đích thực và viên mãn; ở lại trong Chúa, con người cảm nếm được niềm vui trao ban, sự bình an và sức kiên định trước những thử thách gian nan; ở lại trong Chúa là ở lại trong ân sủng và nguồn ơn cứu độ.

Dĩ nhiên, cũng như các Kinh sư và Pharisêu xưa kia, chúng ta cũng không dễ dàng để cho Lời Chúa đi vào và biến đổi cuộc đời mình. Những tính toán hơn thiệt nhiều khi che khuất tiếng nói của Chúa. Những cái nhìn tiêu cực làm hao hụt lòng quảng đại và sự nhạy cảm trước lời mời gọi của Chúa. Những thái độ kiêu căng, muốn khẳng định mình đã làm chai cứng khả năng yêu thương và sự khiêm tốn. Đó là những hàng rào đóng khung chúng ta trong an phận và hưởng thụ mà không mở ra cho chân trời trao ban và hy vọng, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, tha nhân và chính bản thân mình. Trong bài giảng lễ trong nhà nguyện thánh Matta ngày 4/11/2014, đức thánh cha Phanxicô đã nói lên ý hướng này: “Thật khó khăn khi nghe thấy Lời của Chúa Giêsu, Lời Chúa, khi bạn tin rằng tất cả thế giới đều xoay quanh bạn: không có chân trời vì bạn đã trở nên chân trời của chính mình”.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa và cầu nguyện cho nhau để mỗi người có được sự khiêm tốn và lòng quảng đại đón nhận Lời Chúa vào trong cuộc đời mình. Nhờ đó, mỗi người sẽ được thắm đượm Tin Mừng và trở nên dấu chứng tình yêu Chúa giữa trần thế.  

                                                         Đs. Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B