ÔI ! ĐẸP THAY BAO VIỆC CHÚA LÀM
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIII – B
(Mc 7, 31 - 37),
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II, Kinh Thánh là Lời của
Thiên Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình
thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người. (Dei Verbum 25). Đề cập đến Kinh
Thánh , thánh Augustinô đã không tiếc lời nói : "Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi
cho chúng ta là bạn hữu của Người" (Augustino,
Enarr in Ps 90).
Đúng như thế, Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia (35, 4-7a), hôm nay thật đẹp biết bao, vì nó chứa đầy
những dòng chữ yêu thương của Thiên Chúa đối với Dân Ngài. Trong lúc dân
Israel đang bị giam cầm, khó lòng thoát khỏi. Họ đã bị quân Babylon đánh
bại nặng nề. Họ bị cướp bóc và lôi ra khỏi nhà. Họ phải sống trong
thân phận tù đày nơi đất kẻ thù địch. Nhà cửa và thành trì của họ
bị tàn phá. Đền thờ bị phá đổ tan hoang. Thời huy hoàng không còn nữa. Họ
phải sống cảnh lưu đày, tương lai mù mịt. Không ai có sức cứu họ thoát
khỏi cảnh khổ cực này. Và nếu họ có thoát được cảnh lưu đày, thì
làm sao có thể vượt qua được sa mạc khô cằn để về nước. Và nếu họ có
thể chạy thoát về đất nước của họ thì ở đó không còn gì
nữa.
Đang lúc lối tận, đường cùng, quẫn bách như thế, những lời lẽ dịu dàng
của Thiên Chúa phán qua miệng Isaia, lời của Thiên Chúa tình thương đầy an
ủi, như tiếp thêm nghị lực cho Dân Chúa đang bị xao xuyến trong cảnh lưu đày :
"Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục
thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người" (Is 35, 4).
Tại sao ngôn sứ Isaia phải khuyến khích họ Can đảm lên, đừng sợ ? Có lẽ họ đang sợ hãi khủng
khiếp. Tại sao ngôn sứ lại nói đến nước
chảy lên trong sa mạc, suối chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn thành hồ ao, và
hoang địa sẽ trở nên suối nước ? Có lẽ dân chúng đang bị hạn hán
chăng? Tại sao ngôn sứ lại dùng hình ảnh người mù sáng mắt, tai người điếc sẽ mở ra, và người què quặt nhảy
nhót như nai? Nếu không phải vì dân chúng đang gặp lúc khó khăn không nhìn,
không nghe, không lê bước được (x. Is 35, 4-7).
Thật ủi an biết bao, bởi dân Chúa
cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, mình là đối tượng của lòng thương xót
vô bờ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nay thể hiện cụ thể nơi lời nói cũng
như việc làm của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Tin Mừng Marcô hôm nay thuật lại
cho chúng ta việc Chúa Giêsu "làm
cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được"(Mc 7, 37), giúp chúng ta
suy ngẫm về tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thể hiện qua việc chữa lành
của một "câm điếc " (Mc
7,32).
"Effatà", có nghĩa là "hãy
mở ra" (Mc 7, 34). Chúa Giêsu đang đi qua vùng "Thập tỉnh",
giữa Tiro, Sidone và vùng Galilea, vùng đất của dân ngoại. Người ta đem đến cho
Chúa một người câm điếc, để Người chữa cho anh, hiển nhiên là danh tiếng Chúa
Giêsu đã được đồn thổi cho tới đây. "Effatà
- Hãy mở ra"(Mc 7, 34). Chúa Giêsu đem anh riêng ra một chỗ, đụng vào tai
và lưỡi anh, rồi ngước mắt nhin trời Người thở một hơi sâu, anh câm điếc ấy bắt
đầu nghe và nói sõi sàng (x. Mc 7, 35). Thật tốt đẹp biết bao việc Chúa làm.
Khởi đầu công trình sáng tạo, sau
khi hoàn tất công trình sáng tạo vũ trụ : "Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm : đều tốt đẹp" (St 1, 31).
Nay thời Thiên Sai, thời Đấng Cứu Thế đến thực hiện công trình cứu chuộc và sự
sáng tạo mới, Tin Mừng cũng nói cùng một cách: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm
nói được!" (Mc 7, 37) Chúa đã làm cho anh "mở ra".
"Effatà - Hãy mở ra"(Mc 7, 34). Từ việc chữa lành đối với anh
câm điếc là một sự "mở ra" cho người khác và cho thế giới, một sự mở
ra khởi đầu với các cơ quan nghe Lời Chúa và ca tụng những kỳ công công Thiên
Chúa cũng như lòng thương xót của Ngài. Chúa đã làm người để cho con người bị
câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, tiếng
của Tình Yêu nói với con tim, và như thế học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và
thông truyền với Thiên Chúa và với các người khác về công trình tốt đẹp Chúa đã
làm.
Chắc chắn, tự bản chất của nó,
ngọn lửa không thể tỏa hơi âm, và không thể phát sinh khí lạnh ; mặt trời
chiếu tỏa ánh sáng, và đương nhiên không thể là nguyên nhận của bóng tối được.
Tương tự như thế, Thiên Chúa chỉ có thể làm ra những điều tốt lành bởi vì Ngài
là Đấng vô biên tốt lành, là ánh sáng. Ngài là Mặt Trời công chính chiếu tỏa
ánh sáng rạng ngời, là lửa hồng tỏa hơi ấm vô biên : "Người làm mọi sự tốt đẹp"(Mc 7,37).
Theo sách Sáng Thế, thì Thiên
Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Tin Mừng cũng thuật lại : Chúa Giêsu làm mọi sự tốt đẹp (x. Mc 7, 37).
Nhưng làm những điều tốt lành không chỉ đơn giản là để làm cho chúng tốt. Nhiều
người, thực sự, làm những điều tốt đẹp mà không làm chúng tốt, bọn giả hình
chẳng hạn, họ là những người làm những điều tốt đẹp, nhưng trong một tinh thần
xấu với một ý định gian tà. Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng tất cả đều tốt lành và
làm cho chúng trở nên tốt. "Chúa chỉ
là trong tất cả các cách của mình, tín hữu trong tất cả mọi thứ anh ấy làm"
(Tv 144, 17) ... Và nếu Thiên Chúa biết rằng chúng ta tìm thấy niềm vui của
mình nơi những điều tốt đẹp Chúa đã làm, thì Thiên Chúa vui biết mấy.
Xin với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ
của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã luôn luôn "mở ra" cho tình yêu của Chúa, và trái tim Mẹ liên lỉ lắng nghe
Lời Chúa, với lòng từ mẫu giúp chúng ta là con cái Mẹ hàng biết "effatà"
mỗi ngày để ca tụng những điều tốt đẹp kỳ diệu Chúa đã làm và nhất là sống
trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Văn Độ