Chúa Nhật XXIII TN-
Năm B
ĐỨC GIÊSU ĐẾN CỨU CHỮA CON
NGƯỜI (Mc 7, 31- 37)
1.
Tóm Lược
Bài Đọc 1: Is
35, 4- 7a
Ngôn
sứ Isaia mời gọi những người nhát đảm hãy can đảm lên, vì Chúa sẽ đến cứu
Israel. Bây giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy
nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Bài Đọc 2: Gc
2, 1- 5
Thánh
Giacôbê khuyên các tín hữu hãy sống công bằng, tránh sự phân biệt giàu nghèo.
Như vậy, sẽ không còn sự kỳ thị và không tỏ ra mình là một thẩm phán tà tâm.
Chính Thiên Chúa cũng đã chọn anh em là những kẻ nghèo khó trước mắt người đời,
để trở nên người giàu có về đức tin và được thừa hưởng nước trời.
Bài Đọc Tin Mừng: Mc
7, 31- 35
Khi
người ta đem đến cho Đức Giêsu một người vừa điếc vừa ngọng, Ngài đã kéo riêng
anh ra, đặt ngón tay vào lỗ tai, nhổ nước miếng vào lưỡi anh và nói: Épratha,
nghĩa là hãy mở ra. Lập tức anh ta nói được rõ ràng. Ngay lúc đó, danh Ngài được
đồn ra và người ta hết sức ngạc nhiên về những việc tốt đẹp Ngài làm.
2. Suy Niệm
Trong
cuộc sống không thiếu những gian nan thử thách, nó có thể đến từ ngoại cảnh
nhưng cũng có trường hợp khởi đi từ bản thân. Những thử thách ấy có thể là những
thất bại trong công việc, trong tương quan, những dằn vặt nội tâm hay bệnh tật.
Điều quan trọng không phải là chấp nhận các đau khổ và thử thách như số phận đã
an bài, mà hướng đến một chiều kích cao hơn: Hiệp thông với Chúa Kitô trong
công cuộc cứu thế và tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự sinh ích lợi
cho những ai yêu mến Ngài (x. Rm 8, 28).
Quả
thực, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành, nâng đỡ và cứu chữa những ai đặt niềm tin
vào Ngài. Nhờ đó, con người sẽ nhận được ánh sáng hy vọng ngay cả trong hoàn cảnh
bi đát nhất và cuộc đời tưởng chừng như đã đặt dấu chấm hết. Bài Tin Mừng hôm
này là một dấu chỉ điển hình về tình thương vô bờ của Thiên Chúa được thể hiện nơi con người Đức
Giêsu, khi Ngài chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Mang căn bệnh này từ bẩm
sinh cũng đồng nghĩa là tự chôn mình trong cái hố của mặc cảm và thất vọng: mặc
cảm với bản thân, ngại ngùng với tương quan tha nhân và nhìn đời với cặp kiếng
bi quan. Với căn bệnh này, cánh cửa cuộc đời coi như đã khép lại.
Tuy
nhiên, nhờ sự giúp đỡ của người thân cận và tình yêu trìu mến của Đức Kitô, người
bị câm điếc đã đón nhận được một luồng sinh khí mới cho cuộc đời mình. Từ đây,
lịch sử cuộc đời anh được sang trang và có thể viết lên đó những đường nét của
hy vọng.
Có thể
nói, hầu hết các phép lạ Chúa Giêsu làm dừng lại ở lời nói như: chữa người bị
phong hủy (x. Lc 5, 12- 16), cho con trai bà góa thành Nain sống lại (x. Lc 7,
11- 17), chữa người động kinh (Mc 9, 14- 29). Còn trong đoạn Tin Mừng hôm nay lại
có sự kết hợp giữa lời nói và hành động. Ngài đã kéo riêng anh ra, đặt ngón tay
vào lỗ tai, nhỗ nước miếng vào lưỡi anh và nói: Épratha, nghĩa là hãy mở ra. Lập
tức, anh ta nói được rõ rang (x. Mc 7, 33- 35). Như thế, Chúa Giêsu đã dành cho
anh này một tình cảm đặc biệt. Những cử chỉ của Chúa đã đánh thức cuộc đời anh,
trao cho anh niềm tin vào cuộc sống, vào Thiên Chúa và anh chị em.
Qua
hình ảnh người bị câm ngọng được Chúa Giêsu chữa lành hôm nay, có lẽ cũng có
hình bóng của mỗi người chúng ta. Nhiều người trong chúng ta vẫn tự hào mình khỏe
mạnh, không mắc phải chứng bệnh đáng thương như anh chàng trong bài Tin Mừng
hôm nay. Tuy nhiên, có một sự câm ngọng tâm hồn còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Sự
câm ngọng này bào mòn tâm hồn chúng ta và đánh mất sự nhạy cảm trước tình
thương của Thiên Chúa và nhu cầu của anh chị em. Nó rất dễ làm cho trái tim
băng giá, không còn nhịp đập yêu thương, không còn rung động trước nỗi khốn
cùng của tha nhân và đánh mất niềm vui trao ban.
Nguyên
nhân chính gây nên căn bệnh điếc ngọng tâm hồn là không cảm nhận được tình yêu
và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Mặc dầu mang danh là Kitô hữu, nhưng cuộc đời
chúng ta lại vắng bóng Thiên Chúa. Đối với nhiều người, Thiên Chúa như một người
xa lạ, hơn là một người Cha hằng yêu thương và dắt dìu mình trên hành trình
dương thế . Như vậy, để kiến tạo cho
mình một đời sống nội tâm vững chắc, một sự bình an chân thực và khả năng đọc
ra được những nhu cầu của anh chị em, chúng ta phải cảm nhận được sự chăm sóc của
Thiên Chúa và tình yêu trao ban nhưng không của Ngài. Trong thánh lễ đồng tế với
các linh mục Balan tại phần mộ thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày
31/10/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: “Một Kitô hữu phải là người cảm thấy được sự chăm sóc của Chúa, với vẻ đẹp
của tình yêu thương đến cùng của Thiên Chúa”.
Là Kitô
hữu, chúng ta được mời gọi bước vào khung trời tình yêu Thiên Chúa để tẩy trừ tội
lỗi và thanh luyện tâm hồn nên tinh sạch. Có thế, cuộc sống mỗi người sẽ được mở
ra cho niềm hy vọng, sự cảm thông, chia sẻ vì xác tín rằng Thiên Chúa vẫn luôn
yêu tôi và đồng hành cùng tôi.
Đs.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist