LỜI TUYÊN
XƯNG ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ
VÀ LỜI
LOAN BÁO THƯƠNG KHÓ LẦN ĐẦU
(Máccô
8,27-35 – CN XXIV TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Có thể nói đoạn
8,27-30 đưa quyển TM II sang một khúc quanh, vì chúng ta ghi nhận được nhiều khác biệt giữa
phần này với phần trước. Có những thay đổi về từ vựng và cách hành văn như: không còn nhắc đến “bánh” nữa; không còn minh nhiên nhắc đến sự
tối tăm (không hiểu) của các môn đệ nữa (dù đề tài này vẫn được đề cập đến dưới
một dạng khác); Đức Giêsu nói thẳng ra với các môn đệ … Có những thay đổi trong
cách trình bày dung mạo của Đức Kitô: tác giả bắt đầu giới thiệu Đức Giêsu với định mệnh của
Người bằng câu “Con Người phải chịu đau khổ” (8,31). Đây là định mệnh nằm trong chương trình của Thiên
Chúa. Số phận ấy trở thành nền tảng để Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ: “Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (8,34).
Về
nội dung, ta thấy trước đó, Đức Giêsu đã liên tục đặt cho các môn đệ một số câu
hỏi (x. 8,17-21). Các câu hỏi này cho hiểu rằng các môn đệ phải hiểu chuyện gì
đó, nhưng các ông lại không hiểu. Lý do: lòng các ông còn ngu muội (8,17: dịch
sát: “trái tim các ông còn chai cứng”).
Có thể nói rằng:
sau khi đã chứng kiến Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) và chữa
người mù (8,22-26), và đặt mình vào vị trí của những người ấy, các môn đệ hẳn
phải biết là những người ấy tượng trưng cho tình trạng mù lòa điếc lác của
chính các ông trước mầu nhiệm Đức Giêsu, và chỉ mình Người có thể giúp các ông
đánh tan sự tăm tối ngu muội khiến các ông không hiểu biết Người. Và khi đã được
mở tai, mở miệng, mở mắt, hẳn các môn đệ có thể tuyên xưng niềm tin vào Người
và chấp nhận mọi đòi hỏi của đời môn đệ.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần :
1)
Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (8,27-30);
2)
Lời loan báo Thương Khó lần đầu (8,31-33);
3)
Giáo huấn về đời các môn đệ (8,34-35).
3.- Vài ghi chú về chú giải
- Xêdarê Philipphê (27): Đức Giêsu tiến về miền
Iturê, nơi có thành Xêdarê Philipphê trấn ngữ. Thành này là nơi cư trú của
Hêrôđê Philipphê, được gọi là “Xêdarê” để tôn vinh hoàng đế Rôma. Nó nằm tại
nguồn sông Giođan trên sườn núi Khemôn. Trong khi “đi đường” tiến gần đến trung
tâm quyền lực chính trị này, Đức Giêsu hỏi các môn đệ về dư luận liên can đến
chân tính của Người.
- Họ bảo Thầy…, có kẻ
thì bảo…, kẻ khác… (28): Những ý kiến
mà các môn đệ nêu ra thì tương tự với ba ý kiến trước đây liên hệ đến Gioan Tẩy
Giả (x. 6,15). Sự tương đồng giữa Đức Giêsu và vị Tẩy Giả đã khiến một số người
tin rằng Đức Giêsu là vị Tẩy Giả đã sống lại. Có những người lại nghĩ rằng
Người là ngôn sứ Êlia, nay đã trở lại để hoạt động lần thứ hai. Lại có những
người chỉ coi Đức Giêsu là như một ngôn sứ. Những phỏng đoán trên xuất hiện
theo cùng một thứ tự vào thời gian Gioan bị chém đầu. Đấy là quan điểm của
những người quan sát Đức Giêsu và những hoạt động của Người từ xa.
Tuy nhiên, điều
quan trọng hơn, đó là nhận định của những người ở gần bên Đức Giêsu, những người đã gắn bó với Đức
Giêsu như là môn đệ của Người, và những người sẽ nhận tác phẩm Mc: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
- Anh em bảo Thầy là
ai? (29): Đức Giêsu
đã được gọi bằng nhiều danh hiệu: “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24), “Con
Thiên Chúa” (3,11), “Thầy” (4,38), “Con Thiên Chúa tối cao” (5,7), “Ngài (Chúa)” (7,28). Nhưng Người không hề tỏ
ra muốn làm cho những kẻ đi theo Người xác định Người là Đấng Mêsia. Người chỉ
cho thấy rằng Người hiểu mình có sứ mạng như “Con Người”, có quyền hành động
trên trái đất nhân danh Thiên Chúa (x. 2,10).
Vào thuở đầu, các
môn đệ gọi Đức Giêsu là “Thầy” (4,38). Với thời gian đi theo Người, các ông đã
chứng kiến các tà thần bị trục xuất (1,21-27; 5,1-20), những bệnh nhân được
chữa lành (1,29-31; 1,40-45…), những người chết được sống lại (5,21-24.35-43)
và đông đảo những người nghèo đói được ăn no (6,30-44; 8,1-10). Lời nói và việc
làm được Đức Giêsu liên kết với nhau. Người vừa là Đấng công bố vừa là Đấng
hoàn tất Tin Mừng của Thiên Chúa.
Nhưng các môn đệ
thời Đức Giêsu cũng như thời Mc đã ý thức về những điều đó đến mức nào? Họ nghĩ Đức Giêsu là ai, và
như thế, họ nghĩ làm môn đệ Đức Giêsu nghĩa là gì? Lần đầu tiên họ đã nêu lên
câu hỏi về chân tính Đức Giêsu khi chứng kiến trận bão bị dẹp yên (4,35-41; x.
1,27). Bây giờ dường như các môn đệ đã có một câu trả lời mà Phêrô vừa nói ra
như là người phát ngôn: “Thầy là Đấng Kitô”.
- Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”: Tên “Phêrô” đã biến mất sau
5,37, nhưng từ đây tên này sẽ được nhắc đến thường xuyên. Phêrô đã nhận thức
được những gì khi tuyên xưng như thế? Tất cả những gì chúng ta có thể nói là,
ít ra, ông coi Đức Giêsu hẳn là Đấng hoàn tất những niềm hy vọng từ lâu đời là
tái thiết Dân Thiên Chúa. Bản văn Lc thêm “của Thiên Chúa”, và bản văn Mt: “Con Thiên Chúa hằng sống”.
- Đức Giêsu liền cấm
ngặt (30): Hẳn là câu
trả lời của Phêrô đúng, thế mà Đức Giêsu đã cấm không những ông mà tất cả những
môn đệ nữa là “không được nói với ai về Người”. “Cấm ngặt”, epitimaô, đã được dùng trong các câu
truyện trừ quỷ (1,25; 3,12). Với từ ngữ này, chúng ta hiểu không phải Đức Giêsu
muốn che giấu chân tính đích thực của Người, mà là muốn tránh cho người ta khỏi
hiểu sai hoàn toàn Người là ai và Người đang làm gì. Các tông
đồ không được phổ biến một lối nhìn sai lạc như thế.
Xuyên qua Cựu Ước, danh hiệu Mêsia (Kitô) gợi lên nơi tâm trí đám
dân đen cũng như giới lãnh đạo hình ảnh một vị vua ngự trên đỉnh kim tự tháp xã
hội kinh tế để mà điều khiển kim tự tháp này. Để cho triều đại được tồn tại mãi
mãi, ngài dùng quân đội, thu thuế, và nâng đỡ một đền thờ có giới tư tế phục
dịch. Giống như vua Đavít, Đấng Mêsia phải là vị thủ lãnh được xức dầu mang uy
quyền thần thánh mà điều hành xã hội sao cho có công bình về mọi mặt. Nhưng các
cơ cấu của xã hội này là cơ cấu hàng dọc, chúng đưa đến sự áp chế và bóc lột, nên chúng phi nhân.
Luật lệ của Thiên
Chúa mà Đức Giêsu thiết lập trong tư cách là con người mới là trật tự luân lý
mới, theo chiều
ngang, hoàn toàn bình
đẳng, trong đó định mệnh con người được thể hiện vừa theo cách cá nhân vừa theo
cách tập thể. Vậy, cần giữ lại lời tuyên xưng của Phêrô, nhưng cần phải lấp đầy
lời tuyên xưng ấy bằng một nội dung mới. Vì thế, Đức Giêsu bắt đầu dạy các ông
về số phận của Con Người.
- Con Người phải chịu
đau khổ nhiều (31): Trong nửa đầu của quyển TM Mc, Đức Giêsu đã nối kết Con Người với tư cách chúa tể và với uy quyền
(2,10.28). Nhưng bây giờ, phản ứng lại lời tuyên xưng của Phêrô, Người đưa vào
một viễn tượng gắn liền với chân tính của Con Người: “Con Người phải chịu đau
khổ nhiều”. Người diễn tả hai đối cực trong một khái niệm. Một đàng, Người được
ngự trên ngai cùng với Đấng Tạo Hoá, và như thế, cùng có quyền chủ tể với Đấng
Tạo Hoá. Đàng khác, Người phải chịu đau khổ và chịu chết, bởi vì Người chia sẻ
mọi phương diện của thân phận con người. Tuy nhiên, sự sống, chứ không phải sự
chết, mới có tiếng nói cuối cùng. Cho dù Người có bị giết, Người sẽ lại trỗi
dậy. Không gì có thể cản trở việc thể hiện nhân tính mới để loài người hoàn
toàn sống theo luật Thiên Chúa. “Phải; cần thiết”, dei, diễn tả một điều nằm trong chương trình của Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Đấng
Mêsia, như Phêrô (và các anh em) đã tuyên xưng. Nhưng Người là Đấng Mêsia một
cách nghịch lý: là vị đại diện của Thiên Chúa, Người có quyền tối cao. Nhưng
tương lai gần lại đưa Người đến đau khổ và cái chết, chứ không phải là sự huy
hoàng và vinh quang của một vị vua.
- bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ: Điều đáng lưu ý là những đau khổ và cái chết của Người lại bị gây ra
bởi giới ưu tuyển đang nắm giữ quyền bính và đặc quyền trên đỉnh cao kim tự
tháp Do Thái: đó là các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư. Họ sẽ loại trừ
Người và giao nộp Người cho nhà cầm quyền Rôma xử tử. Họ làm như thế, bởi vì
luật lệ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đang thiết lập có nghĩa là đã đến lúc chấm
dứt cái trật tự mà họ cho là phát xuất từ Thiên Chúa và họ đang ra sức bảo vệ
bằng mọi phương thế có thể được.
- Phêrô liền kéo riêng
Người ra và bắt đầu trách Người (32): Phêrô (và các anh em) không thể chấp nhận được rằng trong khái
niệm Đấng Mêsia họ vẫn hiểu, lại có sự đau khổ và sự chết. Ông liền kéo Đức
Giêsu ra một bên và trách Người (epitimaô).
- Satan! Lui lại đằng
sau Thầy (33): Đức Giêsu đã
mắng ngược lại: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà
là của loài người”. Ý kiến của Phêrô không diễn tả nếp sống môn đệ mà ông được
mời gọi theo. Tư cách Mêsia mà ông tuyên xưng và cách hiểu đời môn đệ tương ứng
với Đấng Mêsia ấy không thể hài hoà với cách Đức Giêsu hiểu thánh ý Thiên Chúa.
Ý kiến của Phêrô chỉ dựa trên những quan điểm của loài người, nên đã tương
đương với những nỗ lực của Satan nhằm kéo Đức Giêsu ra khỏi đường sứ mạng (so với
Mt 4,10). Trong Mc 8,31-33, tác giả đề cập đến những hậu quả của
tư cách Mêsia đối với chính Đức Giêsu. Trong 8,34-38; 9,1, ngài sẽ đề cập đến
hậu quả đối với các môn đệ của Đức Giêsu.
Lời tuyên xưng duy nhất về Đấng
Mêsia mà Đức Giêsu chấp nhận được, là lời tuyên xưng đưa các môn đệ đến chỗ
hiểu về tư cách môn đệ phù hợp với đường lối của Thiên Chúa về mầu nhiệm Đức
Kitô.
- Đức Giêsu gọi đám đông cùng vói các môn đệ (34): Đức Giêsu tiếp tục giải
thích chân lý trên đây thật rõ ràng cho các môn đệ, nhưng, bởi vì điều này hết
sức quan trọng, Người gọi cả đám đông lại mà nghe.
- Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình …: Nẻo đường tuân thủ thánh ý Thiên
Chúa bắt đầu với cái chết, như chính Đức Giêsu đã cho thấy. Aparneomai, “chối mình”, nghĩa là không màng
tới quyền lợi hoặc sở thích của mình. Vì Phêrô không chịu “chối mình” (aparneomai), sau này ông đã chối (arneomai) Thầy (14,68).
- ai liều mất mạng
sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì cứu được (35): Lời này cho thấy Đức Giêsu tự đồng hoá với
Tin Mừng của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu, Con Người, sẽ hướng dẫn người ta đi
vào một cuộc tái lập trật tự cho thế giới chúng ta, trong đó giá trị của con
người không nằm ở “sở hữu” (cái “có”), nhưng ở “hiện hữu” (cái “là”). Người môn
đệ Đức Giêsu sẽ đạt được sự sống vĩnh cửu ở bên kia kinh nghiệm về cái chết
được diễn tả bằng công thức “vác thập giá bước theo Đức Giêsu”. Đây là sự sống
vĩnh cửu bởi vì đạt được xuyên qua cuộc tái tạo bằng hơi thở ban sự sống của
Thiên Chúa và bằng việc tháp nhập vào trong đời sống không bao giờ chấm dứt của
Con Người (nhân loại mới).
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Lời tuyên xưng đức
tin của Phêrô (27-30)
Tác giả TM II đã nêu bật tầm quan trọng của
câu hỏi của Đức Giêsu khi đặt câu hỏi ấy ở trung tâm của tác phẩm của ngài.
Những gì ngài tường thuật trước đó (trong phân đoạn 1,1–8,26) nhắm đưa tới câu
hỏi này và cung cấp các nền tảng để trả lời. Các môn đệ đã đồng hành với Đức
Giêsu trong mọi chuyến đi và đã chứng kiến tất cả hoạt động của Người, phải có
thể trả lời câu hỏi Người đặt ra.
Đức Giêsu không
nhấn mạnh tổng quát về tình trạng thiếu hiểu biết của các môn đệ nhưng, với một
độ tăng dần, Người nêu ra cho họ hai câu hỏi: ý kiến của dân chúng và của chính
các ông về bản thân Người. Các môn đệ, qua Phêrô, đã tỏ ra hiểu hơn về bản thân
Người: họ thấy Người là Đấng Mêsia, Đấng Xức dầu của Đức Chúa, Vị Sứ giả tối
hậu và vĩnh viễn của Thiên Chúa, sẽ thực hiện ơn cứu độ trọn vẹn cho loài người
bằng quyền lực và nhân danh Thiên Chúa. Câu đáp của Phêrô sẽ được triển khai
bởi mạc khải của Thiên Chúa đến sau đó: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người” (9,7). Chính vì Đức Giêsu là
Con Thiên Chúa mà các môn đệ phải nghe lời Người và để cho Người hướng dẫn.
* Lời loan báo Thương
Khó lần đầu (31-33)
Phêrô vừa tuyên
xưng niềm tin xong, Đức Giêsu tức khắc nói về cuộc Thương Khó. Đây là lần đầu
tiên Người nói rõ ra những gì đang chờ đợi Người ở cuối “con đường”. Người sẽ
còn ngỏ lời với các ông về đề tài này hai lần nữa (9,31; 10,33-34). Vì các ông
đã nhận biết và tuyên xưng Người là Đấng Mêsia, các ông phải được chuẩn bị đi
trên con đường mà Đấng Mêsia sẽ rảo qua. Đức Giêsu coi như các môn đệ có khả
năng đón nhận lời loan báo này. Nhưng bây giờ lại chính là Phêrô phản đối Người
(c. 32). Ông muốn cho Đức Giêsu hiểu rằng lộ trình Người loan báo đó là một lộ
trình điên rồ, phi lý. Nhưng Đức Giêsu cũng đã đẩy ông đi với một sự
quyết liệt không kém. Lộ trình Người theo là lộ trình Thiên Chúa muốn, nên khi
phản đối Người, Phêrô đã trở thành hiện thân của ma quỷ mà chống lại Thiên
Chúa. Do đó, trước đây Người đã đổi tên ông là Simôn thành “Phêrô”, một cái tên
thuộc sứ mạng, nay Người phải gọi ông là “Satan”, một cái tên phản-sứ mạng, và
sau này, có lúc Người lại gọi ông bằng cái tên cũ là “Simôn” (14,37), một cái
tên chứng tỏ sự quay lưng lại với sứ mạng.
* Giáo huấn về đời các
môn đệ (34-35)
Kế đó, vì biết
rằng giáo huấn Người sắp ban có giá trị cho mọi người, Đức Giêsu đã nói với
toàn dân và các môn đệ: Ai muốn làm môn đệ Người, thì phải mô phỏng đời mình
theo lối sống của Người. “Vác thập giá mình mà theo” là công thức nói lên một
công việc sẽ kéo dài, công việc đưa lại nhiều tủi nhục đau đớn, như chuyến đi
vác thập giá đến nơi chịu đóng đinh, tiến bước giữa hai hàng người say sưa chế
nhạo, căm hờn chửi bới, ... Đấy chính là chấp nhận thua thiệt vì trung thành
sống theo Tin Mừng, cũng chính là trung thành bước theo Đức Kitô.
+ Kết luận
Cuộc sống của
người Kitô hữu tham dự vào nghịch lý của bản thân Đức Kitô. Đức Kitô đã chỉ đạt
được vinh quang thiên sai nhờ đi qua Khổ Nạn và cái chết, theo đúng chương
trình của Thiên Chúa. Bất cứ ai tự hào mang danh “Kitô hữu”, đều phải sống
nghịch lý Kitô giáo: muốn cứu mạng sống mình, là mất mạng; chấp nhận mất mạng
vì Đức Kitô, là cứu được mạng. Các môn đệ phải thích ứng với nẻo đường của Đức
Giêsu, mặc dù trái tim chai đá sẽ toan tính đủ cách để tránh xa con đường này,
để đẩy nó đi.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu không chỉ muốn có
những môn đệ chấp nhận phần nào giáo huấn của Người với một chút thiện cảm hoặc
một chút quan tâm. Họ phải biết rõ Người là ai và tương quan của Người
với Thiên Chúa là thế nào, để dám bỏ hết mọi sự mà ký thác trọn vẹn cuộc đời
vào tay Người. Phản ứng của Phêrô sau khi Đức Giêsu loàn báo Thương Khó (8,32b)
cũng như chuyện các ông tranh cãi về sự cao cả và danh dự (9,33-34), và lời
thỉnh cầu của hai anh em nhà Dêbêđê (10,37) cho hiểu rằng các môn đệ xác tín
rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng lại gán cho Người những quan niệm, những ước
muốn và hy vọng của riêng họ, tức họ chưa hoàn toàn biết rõ Người trong cái
nhìn của Thiên Chúa. Muốn biết rõ Người, phải “bước theo” Người (x. 1,17).
2. Phản ứng theo bản năng con
người chúng ta rất có thể khiến ta ở trong thế chống lại ý muốn của Thiên Chúa.
Những lời Đức Giêsu trách mắng Phêrô cho hiểu là chúng ta không được để cho ý
muốn của bản năng phàm trần hướng dẫn, nhưng phải bước theo Đức Giêsu và đón
nhận những lời dạy dỗ của Người, bởi vì chỉ Người mới hiểu rõ mục tiêu và biết
con đường đưa tới đó. Ai muốn cung cấp cho Người những chỉ dẫn về những gì
Người phải làm hoặc phải bỏ, thì đã tuyên xưng Đức Kitô với những lời vô
nghĩa.
3. Như vậy, người nào nhìn nhận Đức
Giêsu là Đấng Kitô thì cũng bị bó buộc bước theo Người vô điều kiện, tức là cho
dù việc tiến bước này hàm chứa việc vác thập giá của mình và bước đi như Người,
bên cạnh Người, được Người nâng đỡ, để tiến về với Chúa Cha. Như thế là phải
chấp nhận rằng để đưa lại một ý nghĩa mới mẻ đích thực và mang tính Kitô giáo
cho đời sống và niềm tin của chúng ta, chúng ta phải đón nhận cả đau khổ.
4. Thật ra con đường thập giá,
với những hy sinh, những đau khổ, không phải là thời gian Thiên Chúa thử thách
chúng ta nhằm thỏa mãn “ý chí hùng cường” của Người, khiến chúng ta phải sự hãi
và khuất phục Người như những tên nô lệ khiếp nhược. Đấy chính là lộ trình giúp
chúng ta loại bỏ dần dần “con người cũ”, để nhân lay “con người mới”. Kho tàng
phong phú là sự sống muôn đời trong hạnh phúc với Thiên Chúa khiến chúng ta
thấy rằng chấp nhận đi vào lộ trình này cũng bõ công!
Lm FX Vũ Phan Long, ofm