CHÚA NHẬT XXIV TN- NĂM B
VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mc
8, 27- 35)
1. Tóm Lược
Bài Đọc 1: Is
50, 5- 9a
Ngôn
sứ Isaia tiên báo về Đấng Messia sẽ bị người đời đánh đòn, mắng nhiết, phĩ nhỗ.
Tuy nhiên, vì có Thiên Chúa phù trợ, nên Ngài không tháo lui, cũng chẳng hỗ thẹn.
Chẳng ai dám tranh tụng, kiện cáo vì Thiên Chúa luôn ở kề bên và tuyên bố Ngài
là công chính.
Bài Đọc 2: Gc
2, 14- 18
Thánh
Giacôbê nói: một đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. Bạn thử
cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để
cho bạn thấy thế nào là tin.
Bài Đọc Tin Mừng: Mc
8, 27- 35
Sau
khi thăm dò dư luận quần chúng về mình, Đức Giêsu cũng hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai”. Phêrô
liền thưa: “Thầy là Đấng Kitô”. Nhưng
khi Ngài loan báo cuộc thương khó và phục sinh lần thứ nhất, ông Phêrô lại ngăn
cản và Ngài đã quay lại trách mắng ông: “Xa-
tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của
Thiên Chúa, mà là của loài người”. Sau đó, Ngài nói với
đám đông về điều kiện để đi theo Ngài là từ bỏ chính mình vác thập giá
mình mà theo.
2. Suy Niệm
Bài
Tin Mừng hôm nay nói về lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô, loan báo cuộc
thương khó và phục sinh lần thứ nhất, và điều kiện để theo Đức Giêsu. Trong các
chủ đề này, còn có nhiều ý tưởng khác phong phú được lòng vào đó, giúp chúng ta
có thể dừng lại và suy niệm. Bởi vậy bài chia sẻ hôm nay xin được dừng lại ở chủ
đề: VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ, qua câu nói của Chúa Giêsu: “Xa- tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng
của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33).
Đọc lại
các trang Tin Mừng, chúng ta thấy Phêrô thuộc trong nhóm các môn đệ thân tín của
Đức Giêsu, hầu như trong mọi biến cố quan trọng của Chúa đều có sự hiện diện của
ông như: biến cố biến hình của Chúa Giê su (x. Mt 17, 1- 8), cầu nguyện tại vườn
Ghết sê mani (x. Mt 26, 36- 44) Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, trước câu hỏi
mang tính quyết định về đức tin, Phêrô đã trả lời cách xác tín: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Thánh sử
Mattheu còn thêm: “Thầy là Đấng, con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16).
Tuy
nhiên, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó thì Phêrô đã kéo Ngài riêng
ra và trách móc. Như vậy, cho dầu là môn đệ Đức Giêsu, người đóng vai trò quan
trọng trong các môn đệ, Phêrô vẫn không thoát ra khỏi não trạng của người Do
thái thời bấy giờ về Đấng Messia: Đấng ấy phải là người đầy tài năng và uy quyền
để giải phóng Israel khỏi ách đô hộ của Rôma và đưa đất nước lên làm bá chủ
hoàn cầu. Hơn nữa, nói về cái chết trên thập giá là một điều ô nhục và không thể
chấp nhận đối với người Do thái (x. 1Cr 1, 23). Với não trạng này, Phêrô đã
quyên đi vị trí của mình khi theo Đức Giêsu. Ông muốn thầy mình thực hiện những
điều vĩ đại, chứ không phải là chấp nhận một cái chết bi đát. Cho nên, Đức Giêsu
đã quay lại và trách mắng Phêrô: “Xa-
tan! Hãy lui lại đằng sau Thầy!” (Mc 8, 33). Theo chú thích của nhóm các Giờ
Kinh Phụng Vụ: “Khi kéo riêng Đức Giêsu
ra mà trách, ông Phêrô đang đóng vai trò Xatan, kẻ cám dỗ Đức Kitô đi vào con
đường khác với ý muốn của Thiên Chúa. Chỗ của môn đệ là ở đằng sau Đức Giêsu,
nhiệm vụ của người môn đệ là đi theo Người. Ông Phêrô đã rời chỗ đó, nghĩa là
đã không đi theo Người, đã không cùng đi trên con đường thương khó và phục sinh”.
Như
thế, vị trí của người môn đệ là đi sau và thụ huấn, chứ không phải đi trước và
bắt thầy theo ý mình. Não trạng thích “cầm
đèn chạy trước xe” là não trạng tiêm nhiễm tinh thần thế tục, vụ lợi và chỉ
biết nghĩ về mình. Chúa Giêsu muốn các ông đi vào con đường thập giá của mầu
nhiệm tự hủy, sẵn sàng chết đi cho bản thân, cho tính ích kỷ để sống cho Chúa
và tha nhân. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi” (Mc 8, 34). Ngài không
đặt ra điều kiện theo Ngài phải có bằng cấp, tài giỏi và khôn ngoan hơn người
mà chỉ có việc từ bỏ bản thân mình. Có thế, người môn đệ mới có thể tẩy rửa tâm
hồn mình khỏi bợn nhơ thế tục, để sẵn sàng mặc lấy tâm tình và ý muốn của Chúa.
Qua
câu nói của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “Hãy
lui lại đằng sau thầy”, cho ta nhiều suy nghĩ trong chính cuộc sống hôm
nay. Chắc hẳn, là kitô hữu, chúng ta biết được mình đã trở nên môn đệ của Chúa,
trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Ngài giữa trần gian. Vậy mà trong thực
hành, chúng ta nhiều khi điều khiển, lèo lái ý Thiên Chúa theo chủ đích của
mình. Chúng ta nghĩ làm như thế sẽ tốt hơn cho mình và sứ điệp Tin Mừng cũng được
người khác dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, nó lại tiềm ẩn một nguy cơ là chú tâm
nhiều quá vào những cái thứ yếu mà đánh mất hay làm lu mờ cốt lõi Tin Mừng. Những
điều thứ yếu có vẻ hấp dẫn nhưng chưa hẳn đã nói lên được trung tâm sứ điệp Tin
Mừng. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium số 34, đức giáo hoàng Phanxicô đã nói:
“Vấn đề lớn nhất là sứ điệp Tin Mừng
chung ta rao giảng dường như bị đồng hóa vào những khía cạnh thứ yếu, cho dù có
quan trọng, nhưng tự chúng không trình bày trung tâm sứ điệp của Đức Giêsu Kitô”.
Những
gì chúng ta nghĩ là đúng và quan trọng, chưa hẳn đã giúp mình đi đúng hướng và
sống đúng căn tính của mình. Những thứ đó nằm ở khía cạnh cảm quan nên có thể
là một cái vỏ bọc vắng bóng Tin Mừng. Do đó, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời
gọi mỗi người chúng ta hãy bước theo và thụ huấn nơi Ngài để có một sự khôn
ngoan đích thực. Nhờ đó, người môn đệ có đủ sáng suốt để biện phân đâu là điều
thiện hão mà Thiên Chúa muốn tôi làm; đồng thời nhận ra vai trò, chỗ đứng của
mình trong Giáo hội để mỗi người tích cực góp phần xây dựng Giáo hội và hăng say bước theo Đức Kitô trong hành
trình chứng nhân.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.cist